TP.HCM: Quyết liệt dập dịch Covid-19, đồng thời xây dựng kịch bản cách ly tập trung cho 30.000 người

2021-06-01 18:56:25 0 Bình luận
Sáng ngày 1/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo TP.HCM cần tính toán, sớm đảm bảo đủ năng lực cách ly tập trung cho 30.000 người.

Toàn cảnh buổi làm việc sáng ngày 1/6 - Ảnh: TTBC.

Buổi làm việc do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số Bộ ngành liên quan, các Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; lãnh đạo các Sở - ngành, đơn vị, các quận - huyện, TP Thủ Đức và các thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố.

Tính đến nay, có 538 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM. Trong đó, 336 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 58,5%), 198 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 40,7%), 04 trường hợp lây trong khu cách ly VNA (0,82%). Trong đó, có 266 trường hợp điều trị khỏi (chiếm tỷ lệ 54,6%) và hiện đang điều trị 272 ca bệnh.

Từ ngày 27/4/2021 đến nay, tại Thành phố có 208 trường hợp dương tính đã được công bố: 1 bệnh nhân liên quan đến ổ dịch tại Hà Nam, phát hiện ngày 29/4; 2 bệnh nhân từ ổ dịch trong công ty quận 3, phát hiện ngày 18/5; 5 bệnh nhân từ ổ dịch tại quán bánh canh ở quận 3 phát hiện ngày 21/5; 3 ổ dịch trên đã được kiểm soát, từ ngày 25/5 đến nay không ghi nhận thêm người mắc bệnh. Kết quả giải trình tự gene vi rút gây bệnh trong 03 ổ dịch cho thấy biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ) và biến chủng B.1.1.7 (biến chủng Anh). Ngoài ra, có 200 bệnh nhân thuộc ổ dịch liên quan điểm nhóm Truyền giáo Phục hưng ở quận Gò Vấp, phát hiện từ ngày 26/5/2021.

Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Trên cơ sở các ý kiến, đề xuất của TP.HCM, các Bộ - ngành, đơn vị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ - ngành tiếp thu các ý kiến để khẩn trương có biện pháp giải quyết theo thẩm quyền từng lĩnh vực; tuy nhiên tinh thần là phân cấp mạnh mẽ để Thành phố chủ động xử lý phù hợp với thực tế tình hình.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với với lãnh đạo TP.HCM - Ảnh: TTBC.

Những ngày qua, TP.HCM đã có một số giải pháp quyết liệt và chính xác trong thực hiện cách ly và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn.

Tuy nhiên, từ ổ dịch tại điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, phải rà soát lại hoạt động của các điểm nhóm sinh hoạt tín ngưỡng trên địa bàn TP.HCM; cần rút ra bài học về quản lý nhà nước ở cấp cơ sở gắn với xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra việc này. Không cấm đoán sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo nhưng phải tuân thủ quy định của Pháp luật Nhà nước và cả các quy định về phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Đồng thời, xác định rõ việc cơ quan chức năng có quyết định khởi tố một số cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch và khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh.

TP.HCM cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung, chủ động để ngăn chặn và xử lý dứt điểm các ổ dịch lớn trên địa bàn trong thời gian 1-2 tuần tới; Tiếp tục phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nêu cao tinh thần đề cao cảnh giác với dịch bệnh trong mọi hoạt động.

Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, TP.HCM rà soát, bổ sung các Bộ tiêu chí an toàn trên từng lĩnh vực để áp dụng vào thực tế. Các doanh nghiệp tuyệt đối không được lơ là, phải thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung các hướng dẫn phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng; đánh giá được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tới từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất; chủ động các phương án chống dịch để không bị động. Đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ, nêu cao tính kỷ luật của người lao động. Cùng với đó, quan tâm chăm lo đời sống, điều kiện làm việc đảm bảo giãn cách, phun thuốc khử khuẩn… để người lao động yên tâm làm việc.

Đối với các khu cách ly tập trung, Thành phố cần tính toán để sớm có thể bảo đảm đủ năng lực cách ly cho 30.000 người; xây dựng và đảm bảo các tiêu chí an toàn trong các khu cách ly, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly. Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý, mỗi phòng cách ly chỉ nên tối đa 2 người, trừ những trường hợp cách ly cho gia đình thì có thể lên 4 người/phòng, đồng thời cần quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng người cách ly tụ tập, giao lưu giữa các phòng trong khu cách ly; động viên tinh thần để người cách ly có trách nhiệm, thực hiện tốt quy định cả trong thời gian cách ly và khi về nơi cư trú.

Ngoài ra, cần làm tốt công tác an ninh, trật tự; chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong công tác nhân sự không chỉ có bảo đảm đời sống mà còn cần bảo đảm cả về sức khỏe, tâm lý cho cán bộ, nhân viên làm việc tại khu cách ly.

Tiếp tục thực hiện “Mục tiêu kép”, duy trì tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh, TP.HCM cần tính toán kỹ lưỡng các giải pháp để không bị giảm sâu ở khu vực sản xuất.

Hiện nay, 5K + vắc xin được xem là giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống Covid-19. Vì vậy, các cơ quan báo chí, truyền thông, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, có hình ảnh trực quan, sinh động về yêu cầu 5K và tiêm vắc xin.

Riêng đối với tiêm vắc xin ngừa Covid-19, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Y tế cùng với địa phương khẩn trương chuẩn bị các kịch bản ứng phó với tình huống số ca nhiễm tăng cao. Đồng thời, cần sớm có văn bản pháp lý để hướng dẫn cho các địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc tìm nguồn vắc xin. TP.HCM phải là địa phương đi đầu trong chủ động tìm nguồn và đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho người dân.

Bên cạnh các đối tượng ưu tiên, cần chủ động tiêm vắc xin cho công nhân, đội ngũ người lao động trong các khu công nghiệp, nhân sự làm việc trực tiếp trong những khu cách ly tập trung thông qua vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa để mua vắc xin. Chú ý tiếp tục bảo vệ khu vực tuyến đầu, bảo vệ tối đa cho lực lượng ở tuyến đầu bằng vắc xin.

Các Bộ - ngành liên quan tùy theo thẩm quyền, chức năng để sớm hướng dẫn, hỗ trợ TP.HCM triển khai gói Hỗ trợ thứ 2 cho doanh nghiệp và người lao động để duy trì sản xuất.

Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Y tế, TP.HCM xây dựng Bộ tiêu chí an toàn trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; có phương án sẵn sàng dự phòng nhu yếu phẩm cho 6 tháng và cung ứng đến các địa điểm, khu vực cách ly, giãn cách xã hội.

Bộ Quốc phòng đảm bảo các cơ sở cách ly tập trung, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các khu cách ly; chuẩn bị thêm các bệnh viện dã chiến, hỗ trợ cho các địa phương, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.

Bộ Công an đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh với các đối tượng, phần tử xấu lợi dụng hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để kích động, gây mất an ninh trật tự trong tình hình dịch bệnh; Phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ và các địa phương xử lý vi phạm hoạt động của các điểm nhóm tín ngưỡng.

Bộ Ngoại giao thông qua các kênh ngoại giao để hỗ trợ, động viên bà con Việt Kiều yên tâm ở lại nước sở tại, chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đánh giá cao các giải pháp TP. HCM đã triển khai hiệu quả, kịp thời để phát hiện, khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ổ dịch từ điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng được đánh giá là nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất. Bên cạnh đó, với chủng virus mới này có chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, từ 2-3 ngày và có thể nhanh hơn. Bộ Y tế nhận định, nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh trong khu công nghiệp là rất lớn. Một số ca bệnh đã xuất hiện trong khu công nghiệp, các văn phòng, cao ốc (môi trường phòng kín điều hòa nguy cơ lây bệnh cao hơn)… Vì vậy, TP.HCM cần xác định đây là thời điểm phải can thiệp mạnh, quyết liệt hơn, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm hơn ở một số địa bàn, đảm bảo việc sản xuất nhưng tăng tốc về năng lực y tế mới có thể dập dịch triệt để.

Ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Tiếp thu ý kiến của các Bộ - ngành, đơn vị trong cuộc họp liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, từ ngày 27/4/2021 đến nay, Thành phố xuất hiện 4 chuỗi lây nhiễm và đáng lo ngại nhất là chuỗi lây nhiễm từ điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp với 200 trường hợp nhiễm bệnh phân bổ trên địa bàn 20/22 quận - huyện của Thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc - Ảnh: TTBC

Hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nguồn lây nhiễm chưa xác định được. Vì vậy, Thành phố tiếp tục quyết liệt trong công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch; thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.

TP.HCM cũng đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm mở rộng toàn Thành phố (khoảng 1,6 triệu mẫu); trước mắt là tất cả các đơn vị bầu cử có hội viên điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cư ngụ; tất cả công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Thành lập các tổ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên cơ sở huy động sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y TP.HCM và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

UBND TP.HCM giao Chủ tịch UBND quận - huyện, TP Thủ Đức cùng với Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao ký cam kết với các chủ cơ sở sản xuất về tuân thủ quy định phòng, chống dịch theo Bộ tiêu chí an toàn trên từng lĩnh vực. Với doanh nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, Chủ tịch UBND quận - huyện phải ký bản cam kết với công đoàn nơi đó cùng chủ doanh nghiệp. Nếu cơ sở nào không đảm bảo an toàn, kiên quyết dừng hoạt động. Ngược lại, biểu dương những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thực hiện tốt.

Nhấn mạnh giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh lâu dài là đảm bảo độ bao phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân nhưng hiện nay số lượng vắc xin cung ứng cho TP.HCM còn hạn chế, Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ sớm có cơ chế giao Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin (đàm phán, cấp phép), kiểm định và quyết định loại vắc xin được phép tiêm cho người dân, còn kinh phí và nguồn thanh toán giao cho Thành phố để có thể chủ động cung ứng vắc xin cho người dân TP.HCM.

Thành phố sẽ triển khai gói hỗ trợ thứ 2 cho doanh nghiệp và người lao động bị mất việc làm trên địa bàn TP.HCM gặp khó khăn vì Covid-19 để duy trì thực hiện “Mục tiêu kép” và chính sách an sinh xã hội hiệu quả.

Chiều ngày 1/6, Tiểu đoàn Phòng hóa 38, Bộ Tham mưu Quân khu 7 phối hợp cùng Trung tâm ứng phó sự cố hóa học, sinh học phóng xạ, hạt nhân miền Nam, Lữ đoàn 87, Binh chủng Hóa học tiến hành phun khử trùng, tiêu độc trên nhiều khu vực trên địa bàn quận Gò Vấp (TP.HCM) nhằm từng bước khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Lực lượng quân đội tiến hành phun khử khuẩn tại nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Gò Vấp chiều ngày 1/6.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Newtown Diamond tại Đà Nẵng có gì thu hút nhà đầu tư mới?

Với những lợi thế nổi bật đem lại tiềm năng gia tăng giá trị và khai thác kinh doanh, khu tổ hợp căn hộ cao cấp Newtown Diamond tại Đà Nẵng đang trở thành tâm điểm chú ý của nhóm khách đầu tư mới trong lĩnh vực địa ốc.
2025-01-11 14:51:57

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Ấn tượng mùa xuân chiến dịch lòng phơi phới cờ bay

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng kể về mùa xuân chiến dịch với những ấn tượng không thể phai mờ trong cuộc đời binh nghiệp và trong cả một thế hệ hào hùng của những bước hành quân mùa xuân mà lòng phơi phới cờ bay. Nhân dịp chào đón Xuân Ất Tỵ 2025, tạp chí Hoà Nhập xin trân trọng gửi tới quý vị độc giả cuộc phỏng vấn Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng về những kỷ niệm ấn tượng của mùa xuân chiến dịch.
2025-01-11 12:18:04

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà và chúc Tết tại Phú Thọ

Ngày 10/1/2025, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ; tặng quà người có công, gia đình chính sách nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025.
2025-01-11 02:03:34

Những thương binh đất Tổ

Bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đất Tổ đã thắp sáng tinh thần của những người lính “tàn nhưng không phế”.
2025-01-09 15:36:00

TP. Hạ Long: Sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết số 78 -NQ/TU

Ngày 02/01/2024, Ban thường vụ (BTV) Thành ủy Hạ Long đã ban hành Nghị quyết số 78 -NQ/TU về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2025-01-09 14:37:50

Tập đoàn Bell Việt Nam: Điểm nhấn một năm phát triển với những đóng góp tích cực cho cộng đồng

Ngày 5 tháng 1 năm 2025, tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Tập đoàn Bell Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành xưởng nhà máy thứ 5 với quy mô 50000 m2, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất của tập đoàn. Sự kiện không chỉ thể hiện sự lớn mạnh của Tập đoàn Bell trong lĩnh vực sản xuất mà còn khẳng định cam kết mạnh mẽ của đơn vị trong việc hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho nhóm người khuyết tật trong xã hội.
2025-01-09 13:57:45
Đang tải...