Ngành Hải quan: Sáng kiến “3S” và Biên giới thông minh trong

2023-03-16 11:45:23 0 Bình luận
Sau dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, xu hướng công nghệ ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tằng. Sự phát triển toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.

Sau đại dịch covid-19, thế giới có những thay đổi quan trọng chưa từng thấy trong hàng trăm năm qua. Các chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu đã bị gián đoạn, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, giáng một đòn nặng nề vào toàn cầu hóa nền kinh tế. Sự phát triển toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.

Để đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của công chúng về vấn đề cải thiện an ninh, thuận lợi hóa thương mại và đạt được sự phát triển chung, cơ quan Hải quan phải đổi mới tư duy làm việc, tăng cường hợp tác quốc tế, vận hành hiệu quả hơn thông qua các hoạt động kiểm soát thông minh nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và ổn định. Cộng đồng Hải quan quốc tế cần hợp tác để nâng cao chất lượng dịch vụ và mức độ hỗ trợ cho nền kinh tế, thương mại thông qua các phương pháp tiếp cận thông minh, từ đó chuyển đổi cơ cấu quản lý từ “ngành hóa” sang “hội nhập dọc và ngang”, từ “làm việc đơn lẻ” sang “làm việc đơn lẻ đa quản lý", từ phương pháp "quản lý dựa trên kinh nghiệm" sang "quản lý dựa trên dữ liệu". Những nỗ lực này thúc đẩy kết nối giữa cơ quan Hải quan và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại toàn cầu.

 Ảnh minh họa

Với sự ra đời của làn sóng công nghệ mới, sự kết hợp của các công nghệ thông tin như internet di động, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và chuỗi khối cùng người máy và công nghệ sản xuất thông minh đã mang lại cơ hội nâng cao cả hiệu quả và hiệu lực của hoạt động hải quan, thúc đẩy kết nối và hiện thực hóa sự phát triển chung trong cộng đồng Hải quan quốc tế. Trong những năm gần đây, cộng đồng Hải quan quốc tế đã từng bước đưa sự phát triển thông minh lên hàng đầu và áp dụng các công nghệ đột phá để định hình lại cơ cấu quản lý hải quan nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững chung.

Sáng kiến "3S" là gì?

3S là sáng kiến được xây dựng dựa trên cơ chế "Thông minh" và được các công nghệ tiên tiến hỗ trợ, bao gồm các lĩnh vực: Smart Customs (Hải quan thông minh), Smart Borders (Biên giới thông minh) và Smart Connection (Kết nối thông minh). Khái niệm "3S" nhằm mục đích đưa ra một con đường và kế hoạch chi tiết cho sự phát triển trong tương lai của các cơ quan Hải quan quốc gia (khu vực). Nền tảng của hợp tác 3S là cơ chế “Thông minh”, mà cốt lõi chính là ứng dụng các thiết bị, công nghệ cao và đưa ra tư duy làm việc mới.

- Hải quan thông minh khuyến khích đổi mới công nghệ, tối ưu hóa phương tiện kiểm soát nhằm hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản lý hải quan. Hải quan thông minh hướng tới cơ sở hạ tầng thông minh, kiểm soát hải quan thông minh và quản lý nội bộ thông minh.

- Biên giới thông minh khuyến khích tất cả các cơ quan quản lý biên giới chia sẻ thông tin, tăng cường hoạt động chung và kiểm soát rủi ro để phối hợp quản lý biên giới. Nhờ những cách tiếp cận thông minh trong việc kiểm soát biên giới, hợp tác giữa các cơ quan chức năng và hợp tác xuyên biên giới, khái niệm "Biên giới thông minh" sẽ trở thành hiện thực.

- Kết nối thông minh khuyến khích sự liên kết, sự tương thích của các hệ thống và các tiêu chuẩn, sự hợp tác của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng toàn cầu để đảm bảo an ninh và thuận lợi hóa thương mại. Nó nhằm mục đích hiện thực hóa kết nối thông minh giữa các mạng thông tin hải quan, khả năng tương thích thông minh của các chế độ quản lý hải quan và hợp tác thông minh với các bên liên quan trong chuỗi cung ứng.

Các nguyên tắc cơ bản của 3S

(a) Tuân thủ các nguyên tắc cùng phát triển, cùng tăng trưởng, cởi mở và bao quát rộng:

Hợp tác theo Sáng kiến "3S" đóng vai trò một nền tảng mở và toàn diện mà trên nền tảng đó, Hải quan cùng các cơ quan liên quan, các tổ chức và doanh nghiệp có thể cùng nhau làm việc, chia sẻ những thành tựu đạt được và mang lại lợi ích cho nhiều bên hơn.

(b) Thúc đẩy hợp tác một cách tùy chỉnh và dần dần:

Để tôn trọng sự khác biệt về phương thức quản lý hải quan, luật pháp, quy định và mức độ ứng dụng công nghệ giữa các quốc gia (khu vực), việc hợp tác nên được tiến hành theo nhiều cách khác nhau và ở các giai đoạn khác nhau tùy theo hoàn cảnh cụ thể và nhu cầu của hải quan từng quốc gia (khu vực) khác nhau.

(c) Theo đuổi trí tuệ tập thể, lợi ích chung và kết quả đôi bên cùng có lợi:

Việc hợp tác cần tính đến mong muốn của tất cả các bên liên quan, tập hợp trí tuệ của họ và tìm kiếm điểm hội tụ lợi ích ở mức độ lớn nhất có thể. Điều này sẽ giúp tất cả các bên liên quan phát huy hết khả năng, chia sẻ kết quả nhằm hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.

(d) Bắt kịp thời đại, cùng tìm kiếm sự phát triển chung:

Cùng với sự thay đổi của thời đại và thích ứng với xu thế mới, các bên liên quan cần nâng cao chất lượng và hiệu quả của quan hệ hợp tác “3S” bằng cách bổ sung thêm các phương pháp và nội dung hợp tác 3S dựa trên các mục tiêu và yêu cầu phát triển khác nhau của mỗi cơ quan hải quan nhằm đạt được sự phát triển chung.

Các sáng kiến/dự án của chương trình của 3S

Sáng kiến 1: Ứng dụng công nghệ thông minh và tư duy đổi mới để thúc đẩy Hải quan thông minh ở tất cả các quốc gia (khu vực).

Cộng đồng Hải quan quốc tế cần tích cực khám phá ứng dụng của truyền thông 5G, dữ liệu lớn, AI và các công nghệ khác vào trong quy trình thủ tục hải quan, quản lý rủi ro, kiểm soát hải quan và các lĩnh vực khác. Nỗ lực phối hợp cùng cộng đồng thúc đẩy cải cách hoạt động hải quan một cách toàn diện, giới thiệu tư duy đổi mới, áp dụng các phương pháp khoa học để cải thiện hệ thống quy định và tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực kiểm soát hải quan, từ đó chúng ta có thể tạo ra Hải quan thông minh.

Hợp tác xây dựng hải quan thông minh có thể bao gồm:

- Thứ nhất, thúc đẩy số hóa các dịch vụ của chính phủ, cho phép doanh nghiệp có thể hỏi và nhận thông tin kiểm soát hải quan trực tuyến. Ngoài ra, cần cung cấp thêm các dịch vụ đặt câu hỏi tự trợ giúp và điều tra thông minh.

- Thứ hai, tái cấu trúc hệ thống quản lý rủi ro hải quan bằng cách áp dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ khác để tự động thu thập, xác định và so sánh thông tin rủi ro, nhằm đẩy nhanh quá trình giải phóng lô hàng có hồ sơ rủi ro thấp một cách tự động và nhanh chóng, đồng thời thúc đẩy quy trình thông minh, hệ thống cảnh báo sớm cho hồ sơ rủi ro cao.

- Thứ ba, nâng cấp chế độ kiểm soát hải quan, sử dụng các công nghệ tiên tiến như 5G và thực tế ảo tăng cường (AR) để thực hiện kiểm tra không xâm nhập từ xa nhằm giám sát từ xa việc bốc xếp và giám sát trực tuyến.

Sáng kiến 2: Thúc đẩy Biên giới thông minh ở tất cả các quốc gia (khu vực) thông qua chia sẻ thông tin và công nhận lẫn nhau về kiểm soát hải quan.

Tăng cường hợp tác giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng khác để cùng tìm kiếm giải pháp quản lý biên giới hiệu quả. Đẩy nhanh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị biên giới thông minh, đồng thời thúc đẩy xây dựng nền tảng thông tin để quản lý toàn diện các cảng, cửa khẩu, nhằm thúc đẩy chuyển đổi cảng/cửa khẩu kỹ thuật số và thực hiện trao đổi và chia sẻ thông tin. Tiến hành hợp tác biên giới dựa trên sự công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm soát hải quan để thúc đẩy "luồng xanh" nhằm đạt được mục tiêu chung là phòng ngừa, kiểm soát rủi ro và quản lý thông minh các hoạt động biên giới.

Việc hợp tác thúc đẩy Biên giới thông minh có thể bao gồm:

- Thứ nhất, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan quản lý biên giới: Thực hiện chia sẻ thông tin, cảnh báo chung sớm và phối hợp quản lý giữa các cơ quan biên giới thông qua đóng góp chung, chia sẻ lợi ích và duy trì cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống phần mềm kiểm soát biên giới.

- Thứ hai, khuyến khích hợp tác kiểm soát xuyên biên giới: Thực hiện hỗ trợ lẫn nhau trong hợp tác biên giới thông minh, chẳng hạn như công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra và kiểm soát hải quan, so sánh dữ liệu thống kê thương mại và chia sẻ dữ liệu giữa hải quan các bên để đơn giản hóa thủ tục khai báo xuất nhập khẩu.

- Thứ ba, tăng cường hợp tác Cơ chế một cửa trong thương mại quốc tế: Thúc đẩy khả năng kết nối Một cửa giữa các quốc gia, trao đổi điện tử và chia sẻ các tài liệu, dữ liệu thương mại, nhằm mở rộng phạm vi cung cấp các dịch vụ Một cửa và xây dựng nền tảng thương mại Một cửa phục vụ toàn bộ chuỗi giao dịch chéo trong thương mại biên giới.

Sáng kiến 3: Tăng cường hợp tác với các bên liên quan để thúc đẩy Kết nối thông minh của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cộng đồng Hải quan quốc tế đã không ngừng cải thiện khả năng hội nhập, thúc đẩy hợp tác đảm bảo tính kết nối của chuỗi cung ứng nhằm bảo vệ an ninh và sự ổn định của chuỗi cung ứng, từ đó nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế sau những bất ổn. Hơn nữa, cộng đồng Hải quan cũng đang thúc đẩy các mối quan hệ phối hợp chặt chẽ hơn và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Cơ quan Hải quan cũng cố gắng hiểu đầy đủ nhu cầu của khu vực kinh tế tư nhân để có sự tương tác tích cực hơn và đạt được lợi ích chung, kết quả đôi bên cùng có lợi.

Hợp tác thúc đẩy Kết nối thông minh bao gồm:

- Thứ nhất, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính như công nghệ, đổi mới, chiến lược kỹ thuật số trong Kế hoạch chiến lược 2022-2025 của WCO; thúc đẩy trao đổi thông tin và dữ liệu hải quan toàn cầu để tạo điều kiện kết nối mạng, công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên và xác minh quốc tế trực tuyến đối với các chứng chỉ điện tử.

- Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan trong chuỗi cung ứng quốc tế có thể kết nối liền mạch thông qua các công nghệ như chuỗi khối và chuỗi bằng chứng điện tử, cùng nhau thúc đẩy an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu.

- Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp xuất nhập khẩu nộp thông tin tờ khai điện tử cho cơ quan Hải quan trước khi lô hàng đến để thông quan nhanh.

Sáng kiến 4: Hỗ trợ xây dựng năng lực để cùng nhau phát triển thông minh.

- Đầu tiên, cơ quan Hải quan của các quốc gia (khu vực) phát triển nên tích cực hỗ trợ (đặc biệt là hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kiểm soát biên giới thông minh và hệ thống ứng dụng phần mềm) cho các quốc gia (khu vực) đang phát triển, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan Hải quan khác nhau.

- Thứ hai, chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất về phát triển và hợp tác “3S”, xây dựng bộ kinh nghiệm hiệu quả về chi phí tổng thể trong việc quảng bá, nhân rộng và nâng cao quản lý hải quan thông minh.

- Thứ ba, thiết lập nền tảng hợp tác “3S”, cung cấp hệ thống đánh giá cũng như cơ chế đánh giá thông minh tốt nhất cho cơ quan Hải quan ở các quốc gia (khu vực) để xác định được mức độ cải thiện của từng đơn vị hải quan trong tiến trình phát triển thông minh.

- Thứ tư, khuyến khích sự nhất quán trong các chính sách và tiêu chuẩn giữa các cơ quan hải quan để cùng tìm hiểu và điều chỉnh kế hoạch hợp tác thông minh giữa các đơn vị hải quan ở các cấp độ và giai đoạn phát triển khác nhau.

Chủ đề Biên giới thông minh của WCO

Khái niệm Biên giới thông minh đã được xuất hiện trong tuyên bố chung giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Canada vào năm 2001 nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thương mại, du lịch, vận tải quốc tế, đảm bảo an ninh quốc gia và ngăn chặn các vi phạm pháp luật hải quan. Mô hình biên giới thông minh cũng được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nghiên cứu và triển khai trong quản lý biên giới nội khối và giữa Liên minh châu Âu (EU) với các nước ngoài khối, như giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ, EU-Irelan, EU-Vương Quốc Anh.

Gần đây, trước tình hình bối cảnh đại dịch Covid-19, di cư tự do, cùng với các thách thức từ rào cản thương mại và khủng bố, WCO đã quyết định lựa chọn chủ đề mang tính thách thức nhất với hải quan toàn cầu của năm 2019 là “Biên giới thông minh cho Thương mại, Du lịch và Vận tải thông suốt”. Quan điểm của WCO về "Biên giới thông minh" là nhấn mạnh vai trò của Hải quan trong việc hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững. Hải quan sẽ đóng góp một vai trò quan trọng trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý biên giới khác nhằm tạo thuận lợi cho thương mại cũng như đảm bảo an ninh biên giới thông qua việc đơn giản hóa, tiêu chuẩn hóa và hài hòa hóa các thủ tục hành chính tại biên giới. Hay nói cách khác, Hải quan sẽ đóng vai trò là trung tâm kết nối và điều phối của chiến lược đó. Từ đó, "Biên giới thông minh" đã trở thành định hướng phát triển xuyên suốt trong nhiều năm nay cho cơ quan Hải quan các quốc gia thành viên.

Theo đó, Hải quan sẽ tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tiêu chuẩn hóa và hài hòa hóa theo nền tảng pháp lý cho việc triển khai sáng kiến là các cam kết trong các công ước quốc tế, hiệp định đa phương bao gồm: Công ước Kyoto sửa đổi năm 1999 về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan, Khung tiêu chuẩn WCO SAFE nhằm đảm bảo và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu, Chương trình an ninh WCO, Khung tiêu chuẩn thương mại điện tử xuyên biên giới của WCO và hải quan kỹ thuật số WCO...

Cùng với đó, WCO cũng đã ban hành tài liệu giới thiệu về mô hình Biên giới thông minh với 5 đặc tính cơ bản như: (i) An toàn, (ii) Có thể đo lường được, (iii) Tự động hoá, (iv) Dựa trên Quản lý Rủi ro và (v) Công nghệ. Thiết kế biên giới thông minh tạo ra một môi trường minh bạch và đáng tin cậy, đồng thời khuyến khích sự tăng cường kết nối hoạt động của các Cơ quan biên giới. Khái niệm biên giới thông minh khuyến khích các thành viên WCO đi sâu vào lĩnh vực công nghệ để tìm giải pháp tạo thuận lợi cho dòng người, hàng hóa và các phương tiện vận chuyển tại biên giới, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc hướng dẫn cho biên giới thông minh theo 5 tiêu chí, cụ thể:

- Chữ S (Secure) đề cập đến vấn đề Hải quan cần tiếp tục hợp tác với các cơ quan biên giới khác như một phương thức để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tính minh bạch trong nỗ lực đảm bảo, tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp. Hợp tác được coi là trọng tâm trong ý tưởng và hành động của Hải quan nhằm ủng hộ chuỗi giá trị tích hợp toàn cầu, góp phần tăng trưởng kinh tế, khuyến khích thương mại, du lịch, vận tải và đảm bảo sự di chuyển nhanh chóng, an toàn của con người và hàng hóa qua biên giới.

- Chữ M (Measurable) nhấn mạnh Hải quan có trách nhiệm thúc đẩy văn hóa ứng xử chuyên nghiệp dựa trên hiệu suất hoạt động, dựa trên việc tự đánh giá và đo lường khách quan bằng cách khuyến khích Hải quan đảm bảo rằng các yếu tố của luồng thương mại và hiệu suất của tổ chức là “Có thể đo lường được”. Cơ quan Hải quan cần một công cụ được thiết kế riêng, dựa trên tiêu chuẩn được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu và có thể kiểm chứng một cách độc lập.

- Chữ A (Automated) thể hiện sự cần thiết phát triển, sử dụng và triển khai các giải pháp “Tự động hóa” của cơ quan Hải quan. Để theo đuổi một cơ chế quản lý biên giới ít cồng kềnh hơn, nơi dữ liệu được khai thác, chia sẻ và phân tích hiệu quả, Hải quan nên dựa vào các quy trình được số hóa và tự động hóa trong việc nghiên cứu sâu hơn và phân tích tác động của các mối đe dọa an ninh mạng.

- Chữ RM (Risk Management) thể hiện việc đảm bảo dòng hàng và con người lưu thông dễ dàng, tăng cường tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng và giảm thiểu các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn thông qua phương pháp tiếp cận “quản lý rủi ro”. Tuy nhiên, Hải quan cần năng động hơn trong việc xác định các rủi ro tiềm ẩn và từng bước giảm thiểu mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa bằng cách tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về phân tích dự đoán, kỹ thuật lập hồ sơ, sử dụng sinh trắc học và các lĩnh vực liên quan khác. Cách tiếp cận như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hợp pháp, tăng cường tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng và giảm thiểu các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn.

- Chữ T (Technology-driven) là yếu tố quan trọng nhất, nội hàm của thông minh. “Công nghệ” phải là động lực chính trong chương trình nghị sự của Hải quan để các thành viên WCO được trang bị tốt hơn để ứng phó với những thách thức và cơ hội mới của thời đại kỹ thuật số. Các công nghệ mới nổi được tích hợp trên điện thoại và các thiết bị thông minh khác nhằm triển khai thành tựu công nghệ 4.0 như Blockchain, in 3D hoặc điện toán đám mây… hiện đang được đưa vào sử dụng và những công nghệ mới đã xuất hiện, chẳng hạn như việc sử dụng dữ liệu không gian địa lý, trí tuệ nhân tạo, rô-bốt và máy bay không người lái, thiết bị thông minh như e-Seals hay container thông minh… có khả năng thu thập dữ liệu, xử lý và chia sẻ dữ liệu cho các bên liên quan.

Do mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ có những đặc điểm, phương pháp và thủ tục hải quan đa dạng cũng như nhiều công nghệ khác nhau, vì thế mô hình Biên giới thông minh cũng sẽ có thể có một số điểm khác biệt giữa các quốc gia và khu vực khác nhau trên toàn cầu.

Trong Kế hoạch Chiến lược 2022-2025, WCO cũng đã đặt công nghệ và đổi mới lên hàng đầu trong ba lĩnh vực trọng tâm của Kế hoạch này. Hưởng ứng lời kêu gọi, các thành viên WCO đã tích cực giới thiệu các mô hình làm việc sáng tạo, công nghệ mới  và các giải pháp ứng phó hiệu quả với tác động của dịch bệnh.

Sau khi nghiên cứu hàng loạt các biện pháp của các quốc gia về vấn đề an ninh và thuận lợi hóa, các chuyên gia của Deloitte(1) đã đưa ra một báo cáo tổng hợp mang tên "Biên giới Thông minh - Tăng cường an ninh mà không ảnh hưởng đến sự linh hoạt". Báo cáo đã đưa ra bốn quy tắc hướng dẫn việc chuyển đổi biên giới truyền thống thành Biên giới thông minh, bao gồm:

(1) Deloitte Touche Tohmatsu Limited (thường được gọi là Deloitte) là một mạng lưới dịch vụ kiểm toán đa quốc gia được thành lập ở Anh. Họ là một trong những tổ chức "Big Four" (Bộ tứ quyền lực) của ngành kế toán và dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất trên thế giới theo doanh thu và số lượng chuyên gia.

1> Tạo ra biên giới an toàn hơn bằng cách đưa ra quyết định dựa trên quản lý rủi ro;

2> Cải thiện việc chuẩn hóa và khả năng hiển thị bằng cách chuẩn hóa các yêu cầu dữ liệu và hợp tác xuyên biên giới;

3> Tăng cường tiết kiệm chi phí bằng cách hợp nhất các cơ quan chức năng tại biên giới;

4> Đổi mới biên giới bằng cách tạo ra một hệ sinh thái dễ tiếp cận, cung cấp các giải pháp cho ngành thương mại và cộng đồng.

Biên giới thông minh có thể giúp các chính phủ trở lại đúng vị trí cơ bản là quản lý tổng thể, trao quyền cho cán bộ công chức, các ngành kinh tế và cộng đồng cùng nhau giải quyết các vấn đề kinh tế và an ninh cấp bách nhất - từ những vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương đến những vấn đề vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

Việt Nam khởi động chương trình Biên giới thông minh

Tại Việt Nam, ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ban hành Quyết định số 628/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là xây dựng hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan...

Chiến lược phát triển Hải quan đã được ban hành có định hướng hiện đại hóa hải quan đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới giai đoạn 2021 - 2030. Để hiện thực hóa hướng đi này, Tổng cục Hải quan cũng đã xác định việc xây dựng mô hình Hải quan thông minh gồm 5 đặc trưng cơ bản: quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán. Trong Chiến lược cũng đã nhấn mạnh: Triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO đảm bảo cơ quan Hải quan có thể giám sát, kiểm soát hàng hóa từ đầu vào các nguồn nguyên liệu đến khi đưa vào sản xuất, chế biến, vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu.

Nhằm mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định 1854/QĐ-BTC ngày 13/9/2022 phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Trong đó, tại Phần III về Nhiệm vụ và giải pháp trong tổ chức thực hiện Chương trình hành động, Mục 2 Giải pháp tổ chức thực hiện cũng đã đề cập đến một trong những giải pháp về công tác nghiệp vụ hải quan, cụ thể là trong quá trình thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, Hải quan Việt Nam cần phải triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO.

Thời gian qua, Hải quan Việt Nam cũng đang tích cực triển khai xây dựng mô hình hải quan thông minh. Đây là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả. Mô hình này cũng thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin với các Bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, nội dung về quản lý biên giới thông minh - một trong những đặc trưng của mô hình Hải quan thông minh hiện nay vẫn chưa được đưa vào triển khai thực hiện. Do đó, rất cần phải nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc về vấn đề này, để nhanh chóng hoàn thiện mô hình hải quan thông minh tại Việt Nam theo đúng định hướng của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Việc nghiên cứu và triển khai mô hình biên giới thông minh phải được coi là một trong những chiến lược trọng tâm của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung của Hải quan thế giới.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 thành phố Nam Định tổ chức Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2024-2029

Sáng 18/3, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) đã long trọng tổ chức Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2024-2029. Tham dự đại hội có 120 cán bộ, hội viên đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
2024-03-19 09:17:10

Giải mã sức hút của VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chỉ còn chưa đầy một tháng lễ hội thể thao âm nhạc đẳng cấp VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ chính thức diễn ra. Với mức giá siêu hấp dẫn, làn sóng săn lùng BIB của giải đã nhanh chóng lan rộng.
2024-03-18 15:23:48

TH School Happiness Day - “Rất nhiều nụ cười, cái bắt tay, cái ôm chia sẻ ấm áp… ở ngôi trường hạnh phúc”

Hơn 1.600 học sinh, phụ huynh và người dân Hà Nội trải nghiệm Lễ hội Hạnh phúc - TH School Happiness Day 2024 tại không gian xanh mát, hiện đại chuẩn quốc tế của ngôi trường hạnh phúc TH school cơ sở Hòa Lạc.
2024-03-18 15:15:00

Hoa Kỳ và Việt Nam khởi động dự án mới đối phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Ngày 15-3, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức lễ khởi động Dự án Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển ĐBSCL.
2024-03-18 11:15:41

Quốc hội dành 1 ngày chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngoại giao

Sáng 18/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
2024-03-18 10:40:59

Hoa Kỳ mở rộng chương trình hỗ trợ người khuyết tật tới tỉnh Bạc Liêu

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, ngày 14/3/2024, tại tỉnh Bạc Liêu, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ khởi động một dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-03-18 08:28:00
Đang tải...