SHB công bố lợi nhuận sau thuế đạt gần 2,500 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước
Riêng trong quý 4/2019, hoạt động kinh doanh của SHB tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, nhất là hoạt động kinh doanh ngoại hối (gấp 9.4 lần) và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư (gấp 89 lần). Kết quả, lợi nhuận trước thuế trong quý 4/2019 đạt 815 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2019, hầu hết các hoạt động của SHB đều cho kết quả khả quan. "Nồi cơm chính" vẫn là thu nhập lãi thuần khi tăng 40% so với năm trước, đạt hơn 7,890 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ lại giảm nhẹ 3%, ghi nhận gần 694 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng mạnh 48%, lên gần 192 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối (gấp 2.5 lần) và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư (+69%) tăng trưởng mạnh so với năm trước, ghi nhận 156 tỷ đồng và 471 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 23% so với năm trước, đạt 3,959 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SHB trong năm 2019 tăng 55%, đạt hơn 5,446 tỷ đồng.
Do mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng năm 2019 của SHB tăng mạnh 66% so với năm trước lên mức gần 2,369 tỷ đồng, do đó lợi nhuận trước và sau thuế của SHB tăng 47% so với năm trước, đạt gần 3,077 tỷ đồng và 2,458 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của SHB đạt gần 365,643 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là các khoản phải thu tăng 60%, ghi nhận 12,772 tỷ đồng và tài sản có khác ghi chiếm 10,597 tỷ đồng (gấp 2.5 lần). Cho vay khách hàng đạt 265,204 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi khách hàng ghi nhận 259,351 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Vốn điều lệ của Ngân hàng tăng từ mức 12,036 tỷ đồng hồi đầu năm, lên mức 14,551 tỷ đồng khi kết thúc năm 2019. Như vậy, ghi nhận trên BCTC SHB vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu nâng vốn điều lệ lên 17,570 tỷ đồng đã đặt ra tại ĐHĐCĐ năm 2019.
Tính đến 31/12/2019, dư nợ cho vay khách hàng của SHB tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời nợ xấu lại giảm 7% chỉ còn 4,857 tỷ đồng. Cụ thể, nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm 49% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm 11%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của SHB giảm về mức 1.83% so với mức 2.4% hồi đầu năm.
Trước đó, Ông Đỗ Vinh Quang, con trai ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB) vừa thông báo đăng ký mua 35.9 triệu cp từ ngày 13/01 - 11/02/2020 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh nhằm mục đích đầu tư.
Hiện tại, ông Đỗ Vinh Quang không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của SHB. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đang nắm giữ hơn 33 triệu cp SHB, tương đương tỷ lệ sở hữu là 2.74%.
Nếu như giao dịch thành công, con trai bầu Hiển sẽ nắm giữ tỷ lệ sở hữu 3% tại SHB, nếu tính giá hiện nay thì con trai Bầu Hiển phải bỏ ra khoảng hơn 223 tỷ đồng để gom được số cổ phiếu đã đăng ký mua.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.