Sự mong ngóng của Công ty Hải Hà
Phát triển khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta từ nhiều năm nay. Các doanh nghiệp tư nhân cũng không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân đã tạo dựng vị trí vững chắc trong nước và vươn ra cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới. Và khi đất nước đương đầu với khó khăn của thiên tai, dịch bệnh thì khối doanh nghiệp tư nhân lại là lực lượng tiên phong sát cánh cùng Nhà nước, nhân dân chống lại khó khăn, thách thức, đảm bảo an ninh năng lượng, an sinh xã hội, ổn định trị trường và duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao trong công tác phòng chống bệnh dịch, ổn định xã hội, đảm bảo tốt đời sống nhân dân.
Điển hình là sự đóng góp lớn của lực lượng doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Công ty TNHH Vận tải Thuỷ bộ Hải Hà (Thái Bình) là một minh chứng sống động. Doanh nghiệp này đã chủ động nguồn hàng, đảm bảo việc cung cấp đầy đủ nguồn cung xăng dầu, không để gián đoạn nguồn cung đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Công ty. Bà Trần Tuyết Mai – Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thuỷ bộ Hải Hà cho biết: “Trong ba năm đại dịch Covid-19 bùng phát, Công ty Hải Hà gặp khó khăn chồng chất nhưng vượt lên tất cả, chúng tôi phải chấp nhận thu lỗ để nhập đủ xăng dầu phục vụ cho bà con nhân dân. Chúng tôi nghĩ rằng, đất nước đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nhân dân không có xăng dầu để đi lại, doanh nghiệp không có xăng dầu để sản xuất kinh doanh nên mình vì nhân dân, vì đất nước góp phần ổn định tình hình, còn khó khăn, công nợ Công ty Hải Hà gánh chịu, chờ sau khủng hoảng Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ, công ty sẽ nỗ lực khắc phục”. Trong 3 năm đại dịch Covid, Công ty Hải Hà luôn đảm bảo chỉ tiêu thực hiện quota theo kế hoạch, năm 2020 là 1.353.118 lít xăng dầu, năm 2021 là 1.613.698 lít và năm 2022 là 1.513.837 lít. Gần 50 thương nhân phân phối và hàng trăm cửa hàng đại lý xăng dầu nằm trên các tình, thành miền Bắc đã nhận được xăng dầu do Công ty Hải Hà phân phối để bán lẻ cho người tiêu dùng trong giai đoạn bệnh dịch. Hàng trăm tàu đánh cá của Thái Bình và các tỉnh lân cận nhờ đó mà có nguyễn liệu để duy trì hoạt động, bám biển mưu sinh.
Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà chấp nhận thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Sự nỗ lực của Công ty Hải Hà đã đảm bảo đủ xăng dầu cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhân dân đi lại, tàu xe lưu hành, ổn định an sinh xã hội, góp phần cùng đất nước vượt qua đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế. Tính đến 31/12/2022, Công ty Hải Hà đã lỗ hết vỗn chủ sở hữu, thiếu vốn lưu động phục vụ kinh doanh, không có khả năng thanh toán các khoản nợ, không đủ điều kiện vay vốn Ngân hàng do kinh doanh thua lỗ, nợ thuế bảo vệ môi trường, không có nguồn trích quỹ bình ổn, không đảm bảo việc làm cho hơn 600 CBCNV của công ty. Chỉ riêng quý 1/2022, Công ty Hải Hà kinh doanh dưới giá vốn, với giá trị mua hàng: 7.799 tỷ đồng, doanh thu bán hàng: 7.760 tỷ đồng (chưa có thuế GTGT, thuế BVMT, quỹ bình ổn và chi phí bán hàng), số lỗ lên tới 1.802 tỷ đồng.
Công ty Hải Hà đã đảm bảo đủ xăng dầu cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục vụ nhân dân đi lại, ổn định an sinh xã hội, góp phần cùng đất nước vượt qua đại dịch Covid-19.
Trong lúc Công ty Hải Hà đang gồng mình để đứng lên, khắc phục các khoản lỗ để có dòng tiền duy trì hoạt động và nộp các khoản thuế phí thì đầu tháng 6/2023, BIDV - Chi nhánh Long Biên đã trích thu nợ tự động số tiền lên tới gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà. Theo TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thì Quỹ bình ổn giá là tiền người dân góp vào, do Nhà nước quản lý, doanh nghiệp chỉ giữ hộ Nhà nước chứ không phải tiền của doanh nghiệp. Do đó, việc ngân hàng lấy tiền từ Quỹ để thu nợ của doanh nghiệp là sai hoàn toàn. Nhận được phản ánh này, ngày 31/8, Bộ Tài chính đã gửi công văn cho Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Long Biên đề nghị nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 95. Đồng thời, Bộ Tài chính đã gửi văn bản sang Ngân hàng Nhà nước để cơ quan này có biện pháp lưu ý đến các ngân hàng thương mại.
Đối chiếu Khoản 26, Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu: Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 95 và hướng dẫn của Bộ Tài chính... Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác.
Dư nợ trong tài khoản lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Công ty Hải Hà đã bị ngân hàng trích nợ sai quy định của pháp luật, làm cho công ty không thể duy trì số dư Quỹ bình ổn giá theo quy định của Nghị định 95.
Điều gây áp lực với Công ty Hải Hà lại tiếp tục qua việc Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình triển khai ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ của Công ty Hải Hà. Tính đến ngày 19/9/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà. Cụ thể: Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với công ty theo 6 quyết định, liên tục từ ngày 26/6 đến ngày 28/8. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp theo quyết định ngày 12/9 (hiệu lực từ ngày 13/9/2023 đến ngày 12/9/2024).
Những Quyết định hành chính này đã khiến Công ty Hải Hà bị đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, dòng tiền phải thu hồi từ khách hàng bị chặn đứng, nguy cơ phá sản cận kề.
Trước những khó khăn của Công ty Hải Hà, mới đây, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có báo cáo gửi các Bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép vận dụng tiết b, khoản 27, Điều 3 Luật Quản lý thuế (trường hợp bất khả kháng) để xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Hải Hà.
Nếu Công ty bộ Hải Hà được vận dụng quy định trên thì sẽ được khoanh nợ tiền thuế, các khoản nợ của Công ty với ngân sách nhà nước, sẽ chưa bị cưỡng chế thuế, Công ty Hải Hà sẽ có cơ hội được các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để vay vốn tiếp tục kinh doanh, tiếp tục tạo ra nguồn thu nộp cho ngân sách nhà nước, từ đó có cơ hội để trả nợ dần tiền thuế với ngân sách nhà nước.
Công ty Hải Hà đang mong ngóng Chính phủ và bộ ngành Trung ương sớm xem xét có giải pháp để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, có cơ hội đóng góp vào sự nghiệp an ninh năng lượng Quốc gia và phát triển kinh tế của địa phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.