Sự thật ở một cơ sở nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ của Nghệ An?

2018-08-10 15:21:29 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Theo danh sách đối tượng chính sách được chăm sóc tại Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ tỉnh Nghệ An, có 23 người, nhưng tại thời điểm phóng viên có mặt, chỉ có 11 trường hợp là vợ, con liệt sỹ đang lưu trú. Trong khi đó, có tới 12 cán bộ, nhân viên được hưởng lương từ ngân sách để “chăm sóc” 11 thân nhân liệt sỹ nói trên với tổng số tiền “chi thường xuyên” mỗi năm cao gấp 2 lần số tiền trợ cấp của nhà nước cho đối tượng thụ hưởng...
Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An mỗi năm được nhà nước chi 1,5 tỷ đồng từ ngân sách để nuôi 12 biên chế


Những phận đời thua thiệt…

Nghệ An hiện có 4 cơ sở chăm sóc, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh. Các đơn vị này là: Trung tâm Điều dưỡng người có công với cách mạng (tại thị xã Cửa Lò), Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An; Khu Điều dưỡng Thương binh tâm thần kinh (ở xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) và Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ (ở thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu). Mỗi cơ sở điều dưỡng, chăm sóc thương, bệnh binh đều có những đặc thù riêng, được nhà nước đầu tư về đất đai và cơ sở vật chất. Cán bộ, nhân viên ở các cơ sở này được Nhà nước “trao quyền” thay thân nhân của thương binh, bệnh binh, liệt sỹ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, phụng dưỡng các đối tượng chính sách.

Tháng 7, trong không khí cả nước triển khai đồng loạt các hoạt động tri ân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ, phóng viên Hòa Nhập về thăm 4 cơ sở điều dưỡng, chăm sóc thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ của tỉnh Nghệ An. Theo phản ánh của bạn đọc, phóng viên tìm đến Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ tại thị trấn Diễn Châu. Để biết sự thật, phóng viên không báo trước cho Ban Giám đốc, mà đi thẳng vào các phòng ở của những thân nhân liệt sỹ. Bà Hồ Thị Hồng (sinh năm 1971), quê ở xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, là con liệt sỹ Hồ Thiết Thịnh, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.




Khu nhà làm việc của 12 biên chế khang trang, trong khi nhiều thân nhân liệt sỹ phải sống trong những căn phòng chật chội, ẩm thấp, hôi hám


Chồng bà Hồng mất, cô con gái duy nhất của bà lấy chồng xa. Bà Hồng xin vào cơ sở nuôi dưỡng này với khoản tiền tuất trợ cấp mỗi tháng là 2,55 triệu đồng. Bà Hồng ở 1 phòng khoảng 9m2, không có công trình phụ, không có bếp, chỉ một chiếc giường đơn với chiếc nệm đã cũ và cáu bẩn. Phòng ở của bà Hồng ẩm thấp và hôi hám. Bà Hồng bảo: “Mọi người ở đây được nuôi ăn 3 bữa tại bếp tập thể với mức tiền ăn 50 ngàn đồng/ngày trừ từ tiền tuất. Mỗi tháng, bà Hồng còn dư được 1 triệu đồng, nhưng giám đốc ở đây chỉ cho bà ký nhận 300 ngàn đồng để tiêu vặt”.

Cạnh phòng ở của bà Hồng là phòng của bà Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1963, quê ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương. Bà Liên là con liệt sỹ Nguyễn Cảnh Thực. Phòng ở của bà Liên cũng ẩm thấp, chật chội tương tự như phòng bà Hồng. Bà Liên bảo: “Mỗi khi đau ốm, gọi cho được nhân viên ở đây đưa đi viện cũng cực lắm, nhưng chúng tôi cũng phải ráng chịu”
Dãy nhà ở của bà Hồng, bà Liên còn nhiều phòng khóa cửa. Khoảnh sân xi măng trước dãy nhà này rêu phong cáu bẩn, nếu đi không vững có thể bị trợt trượt ngã bất cứ lúc nào.

Cơ sở này có 61 phòng ở, nhưng nhiều phòng khóa cửa quanh năm vì không có người sử dụng


Khi phóng viên đang phỏng vấn bà Hồng, bà Liên thì có một thanh niên mặc quần đùi, áo phông hăm hở đi đến. Thanh niên này tự giới thiệu tên là Chiến, cán bộ cơ sở này. Anh Chiến lớn tiếng quát phóng viên và yêu cầu không được tự tiện gặp và hỏi những người ở đây mà phải xin ý kiến của Giám đốc. Sau khi phóng viên xuất trình các giấy tờ liên quan đến tác nghiệp anh Chiến im lặng quay đi và điện thoại cho ái đó, giọng rất bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Tứ, sinh năm 1943, là vợ liệt sỹ Phan Văn Mão, quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Ông Mão hy sinh khi bà Tứ chưa kịp có con với ông. Ông Mão hy sinh, bà Tứ ở vậy chăm sóc bố mẹ chồng. Sau khi các cụ mất, bà Tứ xin vào ở với những người cùng cảnh cho khuây khỏa tuổi già. Được hỏi thăm, trò chuyện về hoàn cảnh, bà Tứ như được động viên, an ủi, nhưng nụ cười vẫn héo hắt trên gương mặt khắc khổ của một người vợ biền biệt xa chồng…

Ai đang hưởng lợi?

Phóng viên đã gặp tất cả 11 người là vợ và con liệt sỹ đang lưu trú tại cơ sở này Có nhiều người khi được hỏi, không dám nói bất cứ điều gì vì “Ban Giám đốc đã dặn rứa”. Họ chỉ cầu mong đừng đau ốm vì mỗi lần như thế, họ bị hắt hủi, thậm chí bị mắng rất nặng lời.

Chị Cao Thị Hải ở xã Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu) đã 17 năm nay không ở trong khu nuôi dưỡng này những vẫn có tên trong danh sách lưu trú


Buổi chiều, phóng viên được ông Hồ Sỹ Toàn- giám đốc cơ sở này nhận lời hẹn làm việc. Ông Toàn cho biết, cơ sở này được nhà nước giao 12,5 ngàn m2 đất, được đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất. Bên cạnh khu nhà điều hành, khu nhà ở dành cho cán bộ, nhân viên nội trú, nhà nước đã đầu có 62 phòng dành cho các thân nhân liệt sỹ có nguyện vọng lưu trú tại đây. Hiện tại, có tới 51 phòng bỏ không, khóa cửa.

Theo danh sách ông Toàn cung cấp, tính đến tháng 7/2018, cơ sở này có 23 đối tượng là vợ, con liệt sỹ được nuôi dưỡng tại đây và 6 đối tượng xã hội là cháu của liệt sỹ bị phơi nhiễm chất đọc da cam/dioxin nên bị khuyết tật nặng. Tổng số tiền tuất trợ cấp nuôi dưỡng cho 29 đối tượng chính sách nêu trên mỗi năm là 707,472 triệu đồng. Trong khi đó, cơ sở này có tới 12 biên chế, mỗi năm được nhà nước chi trả 1,5 tỷ đồng. Điều ngạc nhiên nữa là, chỉ với 12 biên chế nhưng có tới 6 cán bộ được hưởng lương, phụ cấp chức vụ từ trưởng phòng trở lên. Người có mức lương cao nhất là ông Hồ Sỹ Toàn (giám đốc) với số tiền 9.223.500đồng/tháng, người có mức lương thấp nhất là bà Nguyễn Thị Diệu Linh (3.397.420đồng/tháng). Trong khi đó, các đối tượng có tên trong danh sách nuôi dưỡng tại đây chỉ được hưởng trợ cấp cao nhất là 2,55 triệu đồng/tháng, có 4 trường hợp chưa quá 2 triệu đồng/tháng, 6 đối tượng bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin chỉ được hưởng 810 ngàn đồng/tháng.

Phóng viên tìm đến nhà chị Cao Thị Hải, sinh năm 1972, ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, là người có tên trong danh sách 23 người nhận trợ cấp thường xuyên tại Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ này. Chị Hải là con liệt sỹ Cao Viết Bộ, hy sinh ngày 22/11/1972. Chị Hải bị phơi nhiễm chất độc da cam nên bị câm, điếc. Chị đã rời cơ sở nuôi dưỡng này gần 17 năm nay nhưng vẫn có tên trong danh sách.

Từ năm 2013, bà Đặng Thị Mận về ở với cháu tại xã Diễn Thái (huyện Diễn Châu) nhưng vẫn có tên trong danh sách những người được nuôi dưỡng tại cơ sở này


Bà Đặng Thị Mận (sinh năm 1964, quê ở xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu) cũng có tên trong danh sách của Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ tỉnh Nghệ An nhưng cũng đã về quê với với con cháu từ lâu. Bà Mận bảo: “Khi mô đến Tết hoặc ngày 27/7 là giám đốc lại gọi chúng tôi vào để cho các cơ quan, đơn vị đến thăm, quay phim, chụp ảnh”.

Phóng viên trao đổi về thực trạnh trên với ông Nguyễn Đăng Dương- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An phụ trách lĩnh vực “Người Có công”. Ông Dương tỏ ra rất thờ ơ với thông tin phóng viên phản ánh và không chịu cung cấp bất cứ thông tin, tài liệu gì liên quan đến cơ sở nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ này. Phải chăng, đằng sau sự duy trì “nuôi dưỡng” một cơ sở bất hợp lý như đơn vị này, có “lợi ích” của những cán bộ bao che, ủng hộ?



Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
2024-04-27 19:43:25

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06
Đang tải...