Tác động của BĐCCXH-NN đến định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay

2023-10-05 15:14:45 0 Bình luận
Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp (BĐCCXH- NN) là sự thay đổi hệ thống các ngành nghề, về kết cấu, hình thức tổ chức bên trong mỗi ngành nghề và mối quan hệ giữa các ngành nghề, các kiểu loại nghề gắn liền với sự biến đổi cơ cấu kinh tế và biến đổi của các phân hệ trong cơ cấu xã hội. Điều này tác động mạnh mẽ đến các tổ chức, cá nhân, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội.

1. Khái quát biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp ở Việt Nam là hệ quả tích cực từ đường lối đổi mới đất nước toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986). Quá trình đổi mới đất nước, tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng đưa đến những biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc trong đời sống kinh tế - xã hội của các cộng đồng dân cư, các nhóm xã hội từ phương thức sản xuất, cơ cấu lao động, ngành nghề đến tổ chức xã hội, phân bố dân cư. Nghiên cứu biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp tập trung nhận diện thực trạng cơ cấu, tỷ trọng các ngành nghề, những đặc trưng, xu hướng và sự tác động qua lại lẫn nhau của các ngành nghề cũng như sự biến đổi, thay đổi ngành nghề trong một thời kỳ nhất định, thể hiện trên những lĩnh vực chủ yếu sau:

Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo nhóm nghề.

Theo danh mục nghề nghiệp Việt Nam được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn (năm 2008) các nhóm nghề nghiệp gồm: các nhà lãnh đạo; chuyên môn bậc cao; chuyên môn bậc trung; nhân viên; dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng; lao động có kỹ thuật trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; thợ thủ công và các thợ khác có liên quan; thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị; lao động giản đơn; lực lượng vũ trang (quân đội, công an).

Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo nhóm nghề ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới có sự thay đổi theo chiều tích cực, đó là giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng trong lao động công nghiệp và dịch vụ; tăng tỷ trọng làm công hưởng lương, giảm tỷ trọng lao động làm việc gia đình không hưởng lương, tăng tỷ trọng lao động qua đào tạo, giảm tỷ trọng lao động giản đơn. Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục tiếp diễn trong suốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong số 53.609,6 nghìn lao động có việc làm, nhiều nhất là nhóm nghề “lao động giản đơn” với số lượng 17.884,1 nghìn người, chiếm tới 33,4% tổng số. Vị trí thứ hai là nhóm nghề “dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng” với số lượng 9.637,7 nghìn người, chiếm 18,0%. Thứ ba là nhóm nghề “thợ thủ công và các thợ khác có liên quan” với số lượng 7.353,9 nghìn người, chiếm 13,7%. Thấp hơn là nhóm nghề “thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị” với 7.100,4 nghìn người, chiếm tỷ trọng 13,2%. Nếu không kể nhóm lực lượng vũ trang và những trường hợp không phân loại và không xác định thì nhóm nghề “các nhà lãnh đạo” có số lượng ít nhất, chỉ có 554,2 nghìn người chiếm, 1% tổng số1.

Số liệu trên phản ánh sự biến đổi nghề nghiệp không chỉ giới hạn trong phân bố giữa các ngành mà còn liên quan đến kỹ năng và nghề nghiệp của lực lượng lao động. Cụ thể là trong thời kỳ 2009 - 2020, hai nhóm nghề có số lượng cũng như tỷ trọng giảm nhiều nhất là nhóm “lao động có kỹ thuật trong nông, lâm nghiệp và thủy sản” và nhóm “lao động giản đơn”. Về số lượng, số lao động trong nhóm nghề “lao động có kỹ thuật trong nông lâm nghiệp và thủy sản” đã giảm 3.148 nghìn người, từ 7.086,2 nghìn người năm 2009 xuống còn 3.938,2 nghìn người năm 2020, tức là giảm tới 44,4%. Về tỷ trọng, nhóm nghề này đã giảm từ 14,7% năm 2002 xuống còn 7,3% năm 2020, giảm 7,4 điểm phần trăm2.

Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo nhóm ngành kinh tế.

Dữ liệu điều tra Lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê năm 2018 cho thấy, biến đổi cơ cấu lao động theo nhóm ngành kinh tế từ năm 2000 đến năm 2018 đối với lao động trong nhóm ngành “nông, lâm, thuỷ sản” chiếm 37,7%, giảm 24,5 điểm phần trăm so với năm 2000. Ngược lại, nhóm ngành “công nghiệp và xây dựng” tăng từ 13% tới 26,7% so với cùng thời kỳ và nhóm ngành “dịch vụ” tăng từ 24,8% tới 35,6%. So với năm 2017, đã có sự chuyển dịch của lao động nhóm ngành nông, lâm, thủy sản sang nhóm ngành công nghiệp, xây dựng và nhóm ngành dịch vụ, đưa tỷ trọng lao động nhóm ngành công nghiệp và xây dựng lên 26,7%, nhóm ngành dịch vụ lên 35,6%, cao nhất kể từ năm 2000 đến năm 20183.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, tỷ trọng lao động trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm bình quân 1,70%/năm, trong khi tỷ trọng lao động nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ tiếp tục tăng tương ứng 4,26%/năm và 3,54%/năm. Tỷ trọng lao động nông, lâm, thủy sản đã giảm 15,34 điểm phần trăm (từ 48,40% năm 2011 giảm xuống còn 33,06% năm 2021). Đặc biệt trong những năm gần đây, cơ cấu lao động theo nhóm ngành kinh tế đã dịch chuyển, biến đổi nhanh theo hướng hiện đại - tỷ trọng lao động trong nhóm ngành nông lâm thủy sản giảm bình quân 2,14 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, trong khi chỉ giảm 1,2 điểm phần trăm trong giai đoạn 2011 - 2015. Đáng lưu ý, việc làm trong khu vực “tổ chức chính trị xã hội, quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh bảo đảm xã hội bắt buộc” chiếm 2,7% tổng việc làm của nền kinh tế năm 2021, tiếp tục xu hướng giảm với tốc độ 15,85% so với năm 2016. Ngoài ra, một số ngành cũng có xu hướng giảm việc làm khá nhanh như: nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 5,52% trong giai đoạn 2011 - 2015 và 20,1% giai đoạn 2016 - 20204.

Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo thành phần kinh tế.

Số liệu thống kê lao động việc làm của Tổng cục Thống kê cho thấy, giai đoạn năm 2000 - 2010 cơ cấu lao động làm việc trong khu vực công là 17,4% thì đến năm 2021 giảm xuống còn 10,8%, khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ 85,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 3,7%. Loại hình kinh tế cá nhân/cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chiếm tới 72,2%. Ngược lại, loại hình kinh tế tập thể là loại hình kinh tế chủ đạo trong những năm 70 của thế kỷ XX đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, nay chỉ còn một tỷ trọng rất nhỏ (0,1% tương ứng với 81,4 nghìn người). Từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng lao động đang làm việc của khu vực tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng lên (tương ứng là 12,4% và 5,6%)5.

Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo khu vực.

Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo khu vực phản ánh sự di động nghề nghiệp, di cư lao động giữa khu vực thành thị và nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp còn được phân theo khu vực, vùng miền. Các số liệu thống kê cho thấy, hiện nay lực lượng lao động vẫn tập trung đông nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (chiếm trên 22%), tiếp đến là khu vực Bắc trung bộ, Duyên hải miền Trung (trên 21%) và Đồng bằng sông Cửu Long (trên 20%)6.

Cùng với sự diễn ra của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, sự biến đổi, chuyển dịch cơ cấu lao động giữa khu vực thành thị và nông thôn đã được thúc đẩy với một quy mô và tốc độ nhanh chóng chưa từng thấy. Qua các số liệu thống kê lao động, việc làm của Tổng cục Thống kê cho thấy, cơ cấu lực lượng lao động phân theo khu vực thành thị và nông thôn có sự chênh lệch lớn. Nhìn chung, lực lượng lao động ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm 66,9%, thành thị chiếm 33,1% năm 20207, so với năm 2018 trở về trước, tỷ lệ lao động nông thôn có xu hướng giảm qua các năm nhưng vẫn ở mức cao. Cả nước hiện có khoảng 17 triệu thanh niên nông thôn có độ tuổi từ 15 - 30, chiếm 70% số thanh niên và 60% lao động nông thôn. Tuy nhiên, 80% trong số này chưa qua đào tạo chuyên môn8. Đặc điểm này là trở ngại lớn cho lao động nông thôn trong tìm kiếm việc làm. Tính đến năm 2020, dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam là hơn 72,04 triệu người (chiếm khoảng 75% tổng dân số cả nước), trong đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 75,5%, với 54,4 triệu người. So với năm 2016 (tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 75%), lực lượng lao động tính đến năm 2020 tăng cả về tỷ lệ và số lượng tuyệt đối9.

Ngoài ra, biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp theo vị thế việc làm, trình độ chuyên môn và nạn thất nghiệp cũng diễn ra mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến việc lựa chọn nghề nghiệp của hạ sĩ quan, binh sĩ hiện nay.

2. Tác động của biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp đến định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội hiện nay

Một là, tác động đến nhận thức về định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội hiện nay.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho phù hợp điều kiện phát triển đất nước, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng là tất yếu. Trong nền kinh tế có sự đa dạng các thành phần kinh tế từ đó dẫn đến sự đa dạng của các ngành nghề lao động, nhiều ngành nghề, nhất là những ngành nghề mới đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, tay nghề cao để đáp ứng tính chất lao động phức tạp. Trong khi đó, lực lượng thanh niên trong độ tuổi lao động (từ 15 - đến 22 tuổi) ở nước ta nói chung, đội ngũ hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nói riêng chiếm tỷ lệ dồi dào, nguồn lực bổ sung lao động cho nền kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn, tay nghề lao động ở các nhóm đối tượng này phần đông chưa qua đào tạo ngành nghề, một bộ phận lớn chưa xác định được nghề nghiệp cho bản thân trong tương lai, nhất là nhóm hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội.

Những ngành nghề mới xuất hiện tạo ra thị trường lao động, việc làm đa dạng, tạo cơ hội cho người lao động có nhiều lựa chọn việc làm, thu nhập tốt hơn, do đó có sự so sánh lựa chọn ngành nghề giữa khu vực công (nhà nước) với khu vực kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài… cùng với đó là hệ thống mạng lưới xã hội tư vấn, định hướng nghề nghiệp từ gia đình, bạn bè, tổ chức xã hội, đơn vị tác động đến nhận thức của nhóm quân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ trong lựa chọn nghề nghiệp. Bởi vậy, việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội cần được các chủ thể lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện sâu sắc. Hiện nay, nhận thức của hạ sĩ quan, binh sĩ về nghề nghiệp được nâng cao, thông qua nhiều kênh rất đa dạng, phong phú. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã trực tiếp giới thiệu nhiều ngành nghề cho bộ đội lựa chọn (89,8%), trong đó 90,9% nói rõ đặc điểm, tính chất của từng ngành, nghề. Qua khảo sát, có 89,2% hạ sĩ quan, binh sĩ cho rằng hoạt động này rất kịp thời và kịp thời. Ngoài ra, hạ sĩ quan, binh sĩ tìm hiểu các ngành nghề qua gia đình và người thân (78,3%); bạn bè, xã hội (45,3%); các phương tiện thông tin đại chúng (69,3%); định hướng của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị (68,7%); tự tìm hiểu của bản thân (76%); mạng xã hội (48,7%); các thông tin khác (63,3%)10. Số liệu trên cho thấy, đại đa số hạ sĩ quan, binh sĩ đã quan tâm, tìm hiểu về các ngành nghề trong xã hội qua nhiều kênh khác nhau, trong đó vai trò giới thiệu, định hướng của cấp ủy, chỉ huy các cấp và tự định hướng của bản thân là rất quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa quan tâm, làm thường xuyên việc nâng cao nhận thức về định hướng nghề nghiệp cho bộ đội. Đồng thời, một số ít hạ sĩ quan, binh sĩ không quan tâm đến việc lựa chọn nghề nghiệp trong thời gian tại ngũ, cho đó là việc làm sau khi xuất ngũ.

Thực trạng đó đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức về định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Nó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cho họ về các nghề nghiệp hiện nay, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai; về vị trí, ý nghĩa của việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Giúp họ chủ động chuẩn bị tâm thế và các điều kiện cần thiết để học tập và làm việc; tin tưởng vào khả năng tìm việc và có việc làm sau khi xuất ngũ. Góp phần làm cho họ yên tâm gắn bó với đơn vị trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự.  Qua khảo sát về định hướng nghề nghiệp cho tương lai, có 32,7% hạ sĩ quan, binh sĩ chọn phục vụ lâu dài trong quân đội, chọn các ngành nghề khác chiếm tới 67,3%11. Tuy nhiên, những biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp hiện nay cũng gây không ít những bất cập trong nhận thức về định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Họ băn khoăn không biết lựa chọn ngành nghề nào phù hợp với bản thân. Có những nghề ưa thích nhưng đòi hỏi cao về trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, hoặc không có chỉ tiêu để đăng ký trong đào tạo, bồi dưỡng cả trong thời gian tại ngũ lẫn sau khi xuất ngũ. Ví dụ, có 28,9% hạ sĩ quan, binh sĩ chọn học nghề để đi xuất khẩu lao động (đòi hỏi cao về ngoại ngữ, chuyên môn, gia đình có điều kiện về tài chính…), trong khí đó, 80,7% có trình độ trung học phổ thông, chưa có tay nghề, nghề nghiệp cụ thể, 67,3% tài chính của gia đình eo hẹp, trong khi đó không có khả năng về ngoại ngữ chiếm tới 81,3%12. Có những ngành nghề có điều kiện đăng ký, được đào tạo, bồi dưỡng thì lại không mong muốn hoặc trở ngại từ gia đình. Bên cạnh đó, yêu cầu ngày càng cao về trình độ chuyên môn, tay nghề; sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt về vị trí và tìm kiếm việc làm, nhất là những việc làm có thu nhập cao đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của hạ sĩ quan, binh sĩ trong lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Hai là, tác động đến hoạt động định lướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội hiện nay.

Những biến động về kinh tế - xã hội, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, làm cho hoạt động định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ được tiến hành với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt về không gian, thời gian như: thông qua tiếp xúc trực tiếp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội…, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này. Bên cạnh đó, biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp, làm xuất hiện nhiều ngành nghề mới, kéo theo sự cần thiết về nguồn nhân lực lao động, đây là điều kiện thuận lợi cho hạ sĩ quan, binh sĩ có cơ hội tìm hiểu và lựa chọn ngành nghề cho mình để xác định và theo học; đồng thời, đó cũng là điều kiện thuận lợi giúp các chủ thể định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ phù hợp với mong muốn, khả năng, sở trường của họ. Khi được hỏi về những tác động của biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp đến lựa chọn nghề nghiệp của hạ sĩ quan, binh sĩ, 100% cán bộ, chỉ huy các cấp (sĩ quan) đều cho rằng có tác động rất lớn (53,5%) và khá lớn (46,5%). Trong đó, tác động tích cực trên nhiều phương diện khác nhau: giúp cho chiến sĩ có sự lựa chọn nghề nghiệp đa dạng (58%); phát huy được sở trường của chiến sĩ (68%); sự đa dạng các loại hình nghề nghiệp sẽ dễ tìm kiếm được việc làm (78,5%); phát huy được tính năng động, sáng tạo, linh hoạt trong lựa chọn nghề nghiệp mỗi chiến sĩ (53%); yếu tố khác (5%)13.

Bên cạnh những tác động tích cực, biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp ở nước ta hiện nay cũng có những tác động tiêu cực đến hoạt động định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp, bên cạnh việc tạo ra nhiều ngành nghề mới, thì có một số ngành nghề không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, có thể sẽ bị biến mất, hoặc một số ngành nghề mới xuất hiện, nhưng chưa có trong danh mục đào tạo… ít nhiều sẽ gây khó khăn cho các chủ thể trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Mặt khác, do yêu cầu cao về trình độ, kỹ năng của một số ngành nghề, cùng với sự biến đổi nghề diễn ra nhanh chóng, trong khi sự thích ứng của một bộ phận người lao động có mặt còn hạn chế, cũng gây khó khăn đối với việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ.

Qua khảo sát về vấn đề này đối với cán bộ, chỉ huy các cấp (sĩ quan) cho thấy những nội dung sau: sự thay đổi, biến đổi nghề nghiệp diễn ra nhanh hạn chế sự thích ứng của người lao động (50%); các ngành nghề dễ bị lạc hậu, ít có việc làm (16%); một số ngành nghề mới xuất hiện chưa có trong danh mục đào tạo (44%); sự manh mún của một số ngành nghề không rõ ràng (20%); yếu tố khác (34%)14. Qua khảo sát việc lựa chọn nghề nghiệp của hạ sĩ quan, binh sĩ cũng rất đa dạng, nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ vào chỉ tiêu (đi học, thi, học nghề…), công tác bảo đảm (các trường học, dạy nghề trong quân đội, liên kết với các trung tâm, trường dạy nghề ngoài quân đội…) cũng như những tác động từ người thân, gia đình, bạn bè (động viên, cổ vũ hay phản đối, gây áp lực). Tình trạng này tác động không nhỏ đến nhận thức, tư tưởng của hạ sĩ quan, binh sĩ, thậm chí gây ra tình trạng thất vọng, dư luận tiêu cực, giảm hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.

Như vậy, trước sự biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp diễn ra ngày càng mạnh, việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho hạ sĩ quan, binh sĩ là chủ chương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhằm tạo ra một lực lượng lao động ưu tú cho đất nước, đồng thời góp phần xây dựng nền tảng chính sách hậu phương Quân đội. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị các cấp trong toàn quân cần quan tâm, bảo đảm định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho nhóm quân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều được học nghề và có việc làm, có thu nhập, tạo ra lực lượng dự bị hùng hậu, có tính ổn định cao, phục vụ công tác động viên khi cần thiết.

Vấn đề lựa chọn nghề nghiệp của hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội hiện nay là một vấn đề xã hội phức tạp, để giải quyết không thuần túy là trách nhiệm của quân đội, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nếu hạ sĩ quan, binh sĩ có định hướng lựa chọn nghề nghiệp đúng sẽ góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu năm 2030 Quân đội tiến lên hiện đại; đồng thời có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó có sự quan tâm định hướng và có biện pháp giải quyết đồng bộ của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương, của hệ thống chính trị và của Quân đội, trực tiếp là cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quản lý, rèn luyện hạ sĩ quan, binh sĩ. Để việc giải quyết vấn đề định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ đạt hiệu quả thiết thực trong tình hình hiện nay cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội hiện nay.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì và các cơ quan chức năng đối với định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội hiện nay.

Thứ ba, chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quân đội với gia đình, địa phương, các nhà trường và trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm trong định hướng nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ.

Thứ tư, chăm lo đảm bảo đời sống vật chất tinh thần, tạo ra môi trường thuận lợi cho hạ sĩ quan, binh sĩ có điều kiện trao đổi thông tin, định hướng lựa chọn nghề nghiệp.

Thứ năm, phát huy vai trò chủ động, tích cực tự định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp của bản thân hạ sĩ quan, binh sĩ.

 

Chú thích

(1, 2, 5, 7, 8, 9) - Tổng cục Thống kê, Báo cáo điều tra lao động, việc làm năm 2020, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2021, tr.551-553, tr.551-553, tr.30, tr.12, tr.29, tr.30.

(3) - Tổng cục Thống kê, Báo cáo điều tra lao động, việc làm năm 2018, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2019, tr.29.

(4) - Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê năm 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2023.

(6) - Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Viện Khoa học lao động, Báo cáo tình hình lao động, việc làm giai đoạn 2015 - 2020, chủ trương và giải pháp (Ấn phẩm khoa học lao động), Nxb Lao động, Hà Nội, 2021.

(10, 11, 12, 13, 14) - Số liệu khảo sát của Ban đề tài cấp Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng (Biến đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp và định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội hiện nay) năm 2023.

Địa chỉ liên hệ:

Họ tên: Thượng tá, ThS Nguyễn Ngọc Hương

Đơn vị: Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Địa chỉ: 124 Ngô Quyền, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

Số điện thoại: 0916214415

Địa chỉ email: ngochuong3khp@gmail.com

Số tài khoản: 8210105048002, MB.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Bắc Kạn gặp khó khi xử lý sự cố vỡ đập hồ chứa quặng đuôi tại xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn

Ngày 19/9 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản gửi Bộ Công Thương báo cáo và đề nghị bộ này hỗ trợ xử lý sự cố sạt lở hồ chứa quặng đuôi mỏ kẽm chì Chợ Điền.
2024-09-20 15:25:41

Tặng quà các đồng chí thương binh, gia đình chính sách bị ảnh hưởng bão lũ tại Yên Bái

Ngày 20/9, Đoàn công tác của Báo Xây dựng, Tạp chí Hòa Nhập và Tập đoàn kinh doanh BĐS Thiên Khôi đã đến tặng quà cho các thương binh, gia đình chính sách bị ảnh hưởng lũ lụt tại Yên Bái.
2024-09-20 15:17:47

Hải Phòng hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ xây mới nhà thiệt hại do bão số 3

Những ngày qua, TP.Hải Phòng đã nhận dc sự quan tâm, chung tay, góp sức từ các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…trong việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 gây ra. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp, khiến cho Hải Phòng thiệt hại về người và tài sản lên tới 11.000 tỷ đồng.
2024-09-19 19:48:34

Hội nghị Trung ương 10: Cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, hôm nay (18/9) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII tổ chức Hội nghị lần thứ 10 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
2024-09-19 16:02:36

Đại nhạc hội sinh viên kinh tế 2024 chính thức ấn định ngày trở lại

Một tin vui bất ngờ dành cho cộng đồng sinh viên NEU! Sau khi tạm hoãn vì những lý do khách quan, BTC NEU Concert 2024 đã chính thức xác nhận thời gian trở lại vào ngày 5/10.
2024-09-19 15:25:44

Hà Giang: CSGT đến tận trường phổ biến luật ATGT cho học sinh

Để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra, đặc biệt là đối với các em học sinh, Đội 2 Phòng CSGT Công tỉnh Hà Giang phối hợp với Trường PTDT nội trú THPT tỉnh Hà Giang tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục Luật giao thông đường bộ cho các em học sinh trong trường.
2024-09-19 15:04:52
Đang tải...