Tấm lòng của người thương binh dành cả thanh xuân để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn
Vào bộ đội năm 1978, 5 năm sau, ông Bùi Trường Sơn trở về quê nhà ở khu vực Bình Hòa (phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) với thân thể không lành lặn: Hai chân của ông đã để lại chiến trường Campuchia.
Trở thành thương binh hạng nặng (suy giảm khả năng lao động đến 95%), mọi hoạt động đều dựa vào chiếc xe lăn, nhưng vừa về đến nhà, ông Sơn đã lăn xe đi khắp xóm để thăm hỏi sau bao năm xa cách. Từ những buổi thăm hỏi, thấy gia cảnh của nhiều người xung quanh còn khổ, lòng ông cứ đau đáu, không ngủ được.
Ông mang nỗi lòng của mình tâm sự, nhiều người ngần ngại với tình trạng sức khoẻ của ông. Nhưng ông vẫn cương quyết: Không được như người thường phải cố gắng gấp 5, gấp 10 lần…
Quyết tâm là làm, ông tìm đến UBND xã xin danh sách hộ nghèo, rồi hằng ngày lăn xe đến từng nhà tìm hiểu cuộc sống của mỗi hộ gia đình. Được tận mắt chứng kiến có những hộ bữa đói bữa no, lòng ông vô cùng ray rứt. Tính toán mãi, cuối cùng ông bật dậy, gom góp hết số tiền dành dụm từ đồng lương thương binh lâu nay mang đi mua gạo. Trước mắt là giải quyết những hộ nghèo hàng xóm thuộc khu vực ông đang cư ngụ. Hộ nào khó khăn nhiều giúp trước.
Ông Bùi Trường Sơn bên những phần quà chuẩn bị tặng người nghèo. Ảnh:laodong.vn
Cứ vài tháng 1 lần, gần 20 gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực Bình Hòa, Phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ lại có mặt tại nhà ông tư Sơn để nhận quà. Mỗi người chục kí gạo, có khi nhiều hơn được thêm chai nước mắm, bịch bột ngọt. Cứ như vậy, suốt 20 năm nay, mỗi năm vài ba tấn gạo đã được chuyển đến tay những mảnh đời bất hạnh. Tất cả đều xuất phát từ tình đồng chí đồng đội mà ông tư Sơn cất công vận động mà có. ông Nguyễn Văn Sa – Phường Vĩnh Tường nói: Nó cũng vận động thấy mình nghèo khổ nó vận đồng gạo có, tiền có, tự nó cho tiền cũng có nữa.Thấy mình nghèo khổ đồng đội với nhau nó giúp đỡ được số nào đỡ số nấy.
Với tấm lòng vì những hoàn cảnh khó khăn, ông Sơn cứ vài tháng một tặng quà cho những gia đình đồng đội .Ảnh:baohaugiang.com.vn
Làm sao để gia đình đồng đội vượt qua cái đói, cái nghèo, trăn trở vì điều đó nên nhiều năm qua, người cựu chiến binh này còn lấy tiền túi mua tặng mỗi người vài chục cây so đũa, rồi hướng dẫn cách làm “lấy ngắn nuôi dài”. Nhờ vậy mà toàn bộ hội viên cựu chiến binh khu vực Bình Hòa đã thoát nghèo. ông Mai Hữu Tùng – phường Vĩnh Tường, nói: mua cây so đũa tặng, khuyến khích hội viên trồng mô hình lấy ngắn nuôi dài được rồi chú Sơn mới khuyến khích cho anh em người ta trồng rồi cá thì chú Sơn cũng hay đi tới đi lui tìm hiểu người ta nuôi trước chú Sơn cũng gợi ý người ta nuôi cá trê vàng làm kinh tế gia đình ổn định hơn. Chú thấy vậy chú mới phát triển chăn nuôi.
ông Bùi Trường Sơn cho biết thêm: Bác Hồ nói thương binh tàn nhưng không phế để lấy sức lực của người thương binh còn bao nhiêu đó, lấy cái sức đó để mà làm cho người hội cựu chiến binh hiện nay còn đang gặp khó
Dù cơ thể không lành lặn nhưng ngày ngày ông tư Sơn vẫn miệt mài trên hành trình giúp đỡ những mãnh đời bất hạnh. Việc làm của ông là minh chứng rõ nhất của tinh thần tương thân tương ái của người bộ đội cụ Hồ./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.