TĂNG QUYỀN LỢI, ĐẢM BẢO AN SINH CHO LAO ĐỘNG NỮ
Phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp hơn ở khu vực việc làm chính thức - nơi được đảm bảo tốt hơn rất nhiều về các chế độ BHXH. Phụ nữ có thu nhập thấp hơn, chịu trách nhiệm chính về thai sản và công việc chăm sóc không được trả công. Phụ nữ cũng có tuổi thọ cao hơn khi chiếm đa số trong số những người cao tuổi, ước tính khoảng 60% dân số từ 65 tuổi trở lên và 68% dân số từ 80 tuổi trở lên - độ tuổi có nhu cầu cao về bảo đảm thu nhập và chăm sóc sức khỏe.
BẢO VỆ QUYỀN THAI SẢN CỦA LAO ĐỘNG NỮ
Hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam có thể giảm gánh nặng tài chính từ việc đóng BHXH đối với các hộ gia đình không có khả năng đóng góp, góp phần tăng mức độ bảo vệ thai sản cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, qua đó tăng diện bao phủ của BHXH.
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng, sửa đổi Luật BHXH lần này phải khắc phục những khoảng trống của pháp luật hiện hành; bảo đảm bình đẳng giới và không phân biệt đối xử, thu hẹp khoảng cách lương hưu giữa nam và nữ, bảo vệ quyền thai sản của lao động nữ, tăng cường phúc lợi, sức khỏe và dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, cơ hội bình đẳng của phụ nữ trong tìm kiếm việc làm.
Ước tính gần 40% trong số hơn 1,5 triệu phụ nữ Việt Nam sinh con đã hưởng chế độ thai sản ở Việt Nam vào năm 2021. Theo Công ước Bảo vệ thai sản của ILO, 2000 (C 183), các quy định bảo vệ thai sản nên được áp dụng cho tất cả phụ nữ, kể cả những người làm việc trong điều kiện không chính thức. Bảo vệ thai sản bao gồm: nghỉ thai sản; hỗ trợ tiền mặt và trợ cấp y tế; Bảo vệ sức khỏe; cho con bú; bảo vệ việc làm và không phân biệt đối xử. Do đó cần thiết có chế độ thai sản đa tầng tại Việt Nam.
Việc mở rộng trợ cấp thai sản cho tất cả các bà mẹ của trẻ sơ sinh có thể được thực hiện thông qua một hệ thống trợ cấp thai sản đa tầng. Chế độ thai sản đa tầng sẽ hiện thực hoá quyền bảo vệ thai sản của tất cả phụ nữ ở Việt Nam, bất kể tình trạng việc làm của họ.
Chế độ trợ cấp thai sản từ tầng 2 dựa trên quan hệ đóng góp (Bảo hiểm xã hội) sẽ thay thế thu nhập bị mất dành cho cha mẹ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện sinh con hoặc nhận nuôi con.
Chế độ trợ cấp thai sản từ tầng 1 do ngân sách nhà nước chi trả dành cho tất cả những người không có khả năng đóng BHXH sẽ mang lại sự bảo đảm thu nhập cơ bản cho các bà mẹ không tham gia BHXH.
Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cũng chỉ ra, chế độ thai sản là một thành tố quan trọng của sàn an sinh xã hội. Tuy nhiên, chế độ này hiện nay chỉ có trong hệ thống BHXH bắt buộc. Trong bối cảnh tỷ lệ bao phủ của BHXH còn hạn chế tại Việt Nam, hầu hết phụ nữ ngày nay đều phụ thuộc vào việc chia sẻ thu nhập trong gia đình để có thể đối phó với tình trạng mất thu nhập khi họ phải rút khỏi lực lượng lao động vì lý do sinh con, nghỉ sau sinh và chăm sóc con nhỏ.
ILO nhấn mạnh, điều quan trọng là tạo điều kiện cho phụ nữ nằm ngoài hệ thống BHXH cũng như số ít tham gia BHXH tự nguyện có quyền hưởng chế độ thai sản. ILO đề xuất mở rộng áp dụng chế độ thai sản đối với tất cả các bà mẹ có con nhỏ trong khuôn khổ gói trợ cấp đa tầng trong đó bao gồm trợ cấp trẻ em. Chế độ trợ cấp thai sản đa tầng sẽ giúp tất cả phụ nữ tại Việt Nam được hưởng chế độ thai sản, không phụ thuộc vào vị thế việc làm của họ.
Đảm bảo không có phụ nữ nào ở Việt Nam rơi vào cảnh nghèo đói vì sinh con
Không nguồn thu nhập ổn định, lại có thể gặp nhiều bất trắc về sức khỏe… là những rủi ro của người lao động tự do nói chung, lao động nữ nói riêng khi về già. Thế nhưng, nhiều lao động nữ vẫn lựa chọn không tham gia BHXH tự nguyện vì nhiều lý do.
Chị Phạm Thị Thủy (Cẩm Phả, Quảng Ninh) chia sẻ biết đến chính sách BHXH tự nguyện khi được nhân viên đại lý thu BHXH đến tư vấn trực tiếp tại nhà. Thế nhưng chị quyết định không tham gia BHXH tự nguyện, với lý do chủ yếu là vì chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn. “Tôi được biết, nếu tham gia BHXH tự nguyện thì khi sinh đẻ cũng không được chi trả chế độ thai sản. BHXH tự nguyện chỉ bao gồm 02 chế độ là hưu trí và tử tuất là không hấp dẫn” – chị Thủy nói.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra một số đề xuất điều chỉnh liên quan quy định về chế độ bảo hiểm thai sản
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra một số đề xuất điều chỉnh liên quan quy định về chế độ bảo hiểm thai sản
Để tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện, trong lần sửa đổi Luật BHXH này, Chính phủ đề xuất quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con.
Ủng hộ đề xuất này, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá, đây là một chính sách vô cùng nhân văn, đảm bảo quyền lao động chính đáng của lao động nữ và thu hẹp dần khoảng cách giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện trong thụ hưởng BHXH của lao động nữ.
Nhận xét về mức hưởng này, TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng là rất thấp, chưa thực sự hỗ trợ cho phụ nữ bảo vệ thai sản. Theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần thì mức này chỉ tương đương 145.000 đồng/tuần, tức là khoảng 600.000 đồng/tháng, chỉ bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
TS Bùi Sỹ Lợi phân tích, thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số. Do đó, đề xuất mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần (3,5 tháng) là phù hợp và vẫn giữ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Chi phí hưởng chế độ thai sản do ngân sách nhà nước chi trả tại tầng 1, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân cho tất cả các bà mẹ sinh con tại Việt Nam, cần chi từ NSNN cho các chương trình trợ giúp xã hội khoảng 4.900 tỷ /năm, tương đương 0,05% GDP cả nước năm 2022.
Theo TS Bùi Sỹ Lợi, hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam có thể giảm gánh nặng tài chính từ việc đóng BHXH đối với các hộ gia đình không có khả năng đóng góp, góp phần tăng mức độ bảo vệ thai sản cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, qua đó tăng diện bao phủ của BHXH.
“Mục tiêu của trợ cấp gia đình/trợ cấp trẻ em là góp phần đảm bảo không một phụ nữ Việt Nam nào (hoặc gia đình) bị rơi vào tình trạng nghèo vì sinh con” – TS Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đánh giá, quy định trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện ở mức 2.000.000 đồng là chưa phù hợp với thực tế, đây là mức hỗ trợ được triển khai từ năm 2015. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng mức hỗ trợ này lên mức phù hợp hơn.
Mặt khác, Ủy ban Xã hội cho rằng các quy định của chế độ Trợ cấp thai sản tại dự thảo luật mới chỉ chú trọng vào lợi ích vật chất mà người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng, chưa chú trọng đến những quyền lợi cũng rất quan trọng như: được nghỉ việc để đi khám thai, nghỉ việc khi thực hiện biện pháp tránh thai, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, nghỉ việc khi đình chỉ thai nghén… Đây là những lợi ích rất cần thiết đối với người lao động nữ khi mang thai, đồng thời thể hiện được tính bình đẳng giữa các chế độ BHXH trong hệ thống bảo hiểm xã hội quốc gia. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu, cân nhắc đánh giá tác động của việc quy định áp dụng chế độ nghỉ khám thai, đình chỉ thai nghén và chế độ nghỉ để thực hiện các biện pháp tránh thai dành cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện tương tự người lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Mở rộng lưới an sinh, THÊM NHIỀU PHỤ NỮ ĐƯỢC HƯỞNG HƯU TRÍ
Việc tích hợp các chính sách đảm bảo an toàn thu nhập cho người cao tuổi vào một hệ thống hưu trí đa tầng là đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ - những người dễ bị tổn thương nhất khi thiếu an sinh xã hội thỏa đáng khi về già.
Lương hưu của lao động nữ thấp hơn nam giới
Hệ thống BHXH là một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội của bất kỳ một quốc gia nào. Hệ thống BHXH ở Việt Nam đã được hình thành và đang từng bước hoàn thiện nhằm hướng tới mục tiêu chung là bao phủ an sinh xã hội toàn dân và gia tăng độ bao phủ theo chiều cả chiều rộng và chiều sâu cho người lao động ở Việt Nam.
Tuy nhiên, có thực tế là, số lượng phụ nữ nhận lương hưu thường ít hơn và nếu có hưởng thì mức hưởng trung bình thấp hơn so với nam giới. Phụ nữ cũng gặp nguy cơ liên quan đến tuổi già cao hơn do tuổi thọ và khả năng góa bụa cao hơn - tất cả những yếu tố này làm tăng tính dễ bị tổn thương của phụ nữ không có lương hưu.
TS Khuất Thu Hồng - Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS), phụ nữ đang gặp nhiều định kiến, rào cản khiến khó phát huy năng lực để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Lương bình quân của lao động nữ thấp hơn nam giới gần 30%. Việt Nam dù đã có những bước tiến dài trong thu hẹp khoảng cách giới như Luật BHXH có thêm chế độ thai sản cho nam giới, nghỉ khi vợ sinh con, Bộ luật Lao động giảm khoảng cách nghỉ hưu giữa nam và nữ từ 5 năm xuống còn 2 năm vào năm 2035...; song khoảng cách giới còn tồn tại dai dẳng.
Điều này thể hiện ở tỷ lệ lao động nữ trong độ tuổi làm việc tham gia BHXH chiếm 60% - cao hơn nam giới, nhưng đến tuổi về hưu tình hình lại đảo ngược. Khoảng 16% phụ nữ trên 65 tuổi có lương hưu từ BHXH, trong khi tỷ lệ nam giới là 27,3%. Khoảng cách này gia tăng khi độ tuổi càng cao, 6,9% nữ giới từ 80 tuổi trở lên được hưởng lương hưu so với tỷ lệ 25,9% của nam.
“Phần lớn lao động nữ trong các ngành gia công, may mặc từ làng quê mà đi, hết tuổi lao động lại trở về với đất đai, ruộng đồng. Nhưng phụ nữ sở hữu đất nông nghiệp thấp hơn 14% so với nam giới cũng sẽ là vấn đề nan giải trong tương lai”- TS Khuất Thu Hồng gợi mở vấn đề.
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) cũng đánh giá, khoảng cách lương hưu giữa nam và nữ cũng có sự khác biệt. Điều này ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội khi về già của phụ nữ. Đồng thời vẫn tồn tại khoảng cách giới trong thị trường lao động tại Việt Nam, trong hệ thống BHXH; bất bình đẳng giới trong gia đình, công việc chăm sóc không được trả lương. Khoảng 14,5% phụ nữ so với 5,5% nam giới phải rời khỏi lực lượng lao động vì phải đảm nhận trách nhiệm chăm sóc không lương.
Việc sửa đổi Luật BHXH lần này tập trung chỉnh sửa, điều chỉnh những vấn đề bất cập, mở theo hướng phát triển BHXH linh hoạt, đa tầng, hiện đại và tăng quyền lợi cho người lao động
Việc sửa đổi Luật BHXH lần này tập trung chỉnh sửa, điều chỉnh những vấn đề bất cập, mở theo hướng phát triển BHXH linh hoạt, đa tầng, hiện đại và tăng quyền lợi cho người lao động
Theo phân tích của ILO về khoảng cách giới trong hệ thống BHXH về chế độ hưu trí, thời gian đóng bảo hiểm bình quân của phụ nữ ít hơn 4 năm so với nam giới. Con số này bằng một phần năm trong tổng số 20 năm đóng góp theo quy định để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. Thời gian đóng bảo hiểm thấp ảnh hưởng tới diện bao phủ và mức hưởng hưu trí do các chế độ BHXH được tính theo số năm đóng góp thực tế.
Theo nghiên cứu của ILO, năm 2019, thu nhập đóng bảo hiểm của lao động nữ trong khu vực tư nhân thấp hơn 11,6% so với nam giới. Mức chênh lệch này trong khu vực Nhà nước mặc dù không quá lớn nhưng vẫn còn tồn tại. Vấn đề đặc biệt quan ngại đó là khoảng cách này đã tăng lên trong vòng 5 năm qua. Kết quả là vào năm 2019, mức lương hưu của nam giới bình quân cao hơn 19,8% so với nữ giới
Đảm bảo an toàn thu nhập cho mọi người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ
Để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội. Trong đó, đề xuất quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Việc bổ sung quy định chế độ hưu trí xã hội hàng tháng thực chất là sự tích hợp các quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi tại Luật Người cao tuổi và tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội vào Luật BHXH để tạo nền móng cho Tầng trợ cấp hưu trí xã hội (tầng 1 của hệ thống hưu trí đa tầng) được NSNN đảm bảo. Việc này nhằm cung cấp một khoản thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng theo định hướng của Nghị quyết số 28-NQ/TW với một lộ trình giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng từ 80 tuổi xuống đến độ tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng dần của Bộ luật Lao động 2019.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, thông qua những khoản trợ cấp hưu trí xã hội phi đóng góp, giải pháp này sẽ đảm bảo an toàn thu nhập cho mọi người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ - những người phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến tuổi già hơn do tuổi thọ cao hơn và cơ hội trở thành góa phụ cao hơn, tất cả đều làm tăng tính dễ bị tổn thương của họ khi không có lương hưu hàng tháng.
Cùng với việc quy định khoản trợ cấp hưu trí xã hội, dự thảo Luật sẽ có quy định việc hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn - nghĩa là độ tuổi hưởng sớm hơn so với quy định hưởng trợ cấp hưu trí xã hội - với mức trợ cấp hằng tháng cao hơn đối với những người lao động đã có thời gian đóng BHXH (dưới 15 năm đóng BHXH) nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng và chưa nhận BHXH một lần.
Giải pháp này nhằm gia tăng số người cao tuổi được đảm bảo an toàn thu nhập hàng tháng và giảm số người hưởng BHXH một lần khi đang trong độ tuổi lao động. Do vậy, giải pháp này cũng sẽ có tác động giới đến phụ nữ như giải pháp bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội.
ILO nhận định, việc sửa đổi Luật BHXH và cải thiện các quy định về trợ giúp xã hội là một cơ hội tốt nhầm bổ sung các biện pháp bù đắp cho phụ nữ và các nhóm lao động dễ bị tổn thương có mức thu nhập đóng BHXN thấp hơn và thời gian đóng bảo hiểm ngắn hơn
Các chuyên gia an sinh cho rằng, lương hưu là yếu tố cần thiết bảo đảm cuộc sống cho mỗi người khi về già, tránh phụ thuộc vào con cháu và trở thành gánh nặng cho xã hội. Do vây, đề xuất giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội là phù hợp. Việc này cũng mang ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi, nhất là phụ nữ trong vấn đề an sinh xã hội.
Trước thông tin này, bà Đỗ Thị Hường năm nay 64 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) bày tỏ với những người cao tuổi không lương hưu như bà thì đó là “món quà” có ý nghĩa rất lớn. “Tôi rất phấn khởi và mong chờ, nếu giảm độ tuổi nhận trợ cấp giảm xuống thì vài năm nữa tôi cũng có cơ hội nhận được khoản hưu trí này, ngoài ra còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí” – bà Hường bày tỏ.
Ước tính theo số liệu từ kết quả điều tra dân số của Tổng cục Thống kê thì số người từ 75 tuổi trở lên là khoảng 3 triệu người, số người từ 80 tuổi trở lên là khoảng 1,9 triệu người. Như vậy, theo tính toán việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi trở xuống còn 75 tuổi, sẽ giúp mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn người