Kịch bản ứng phó giao thông ùn tắc 'ngày trở về' HN, TP.HCM sau Tết
Lực lượng Cảnh sát giao thông điều tiết, phân luồng tại tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: TTXVN)
Theo đó Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an vừa có điện chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp kết thúc. Từ ngày 25/1 (tức mùng 4 tết Nguyên đán Quý Mão), nhân dân trên cả nước sẽ trở lại các đô thị để công tác, lao động, học tập.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông sau tết, Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục bố trí lực lượng thường trực trên các tuyến giao thông, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân quay trở lại các đô thị để công tác, lao động, học tập bằng các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa với tinh thần “lúc dân cần là Cảnh sát giao thông có, đâu dân khó có Cảnh sát giao thông.”
Đồng thời, tổ chức ra quân, bố trí tối đa lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng khác để tổ chức triển khai các phương án phân luồng, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm và các tuyến cửa ngõ, xuyên tâm các thành phố, thị xã, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.
Bên cạnh đó Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cũng đưa ra các lưu ý cho người dân khi tham gia giao thông trở lại thành phố lớn làm việc, học tập.
Lựa chọn thời gian phù hợp
Đối với những người đi xe khách, phương tiện công cộng nên đặt vé sớm để tránh tình trạng hết vé và phải đi vào những khung giờ "xấu" có thể gây tắc đường.
Đối với các phương tiện cá nhân nên đi sớm hơn, tránh đi cùng một thời điểm vào khung giờ từ 8h đến 10h và từ 14h - 16h vì thời điểm này thường xảy ra ùn tắc giao thông.
Lên lịch trình các cung đường
Trước khi khởi hành, việc lên lịch trình các cung đường là vô cùng quan trọng. Có rất nhiều tuyến đường để di chuyển vào trung tâm thành phố nên chúng ta có thể lựa chọn những tuyến đường phù hợp.
Đồng thời, trong quá trình di chuyển cũng nên cập nhật tình hình giao thông để có thể thay đổi cho phù hợp.
Kiểm tra kỹ an toàn phương tiện trước khi xuất phát
Trước khi xuất phát, chúng ta nên kiểm tra các bộ phận của xe như lốp xe, động cơ, phanh xe, đèn chiếu sáng... Vì trong những ngày này, nhiều xe cùng di chuyển về thành phố nên khi xe bị trục trặc, chết máy sẽ khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, việc gọi xe cứu hộ, kiếm trạm sửa chữa lúc này cũng sẽ rất khó khăn vì lượng xe xung quanh quá đông.
Tuân thủ Luật Giao thông đường bộ
Dù trong trường hợp nào thì người điều khiển phương tiện cũng phải chấp hành luật giao thông. Đặc biệt trong tình trạng kẹt xe, chúng ta càng phải tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy, điều khiển giao thông.
Theo đó, người dân không vượt ẩu, điều khiển phương tiện đi đúng làn đường, không bấm còi liên tục, đảm bảo tốc độ quy định, tuyệt đối tránh uống rượu, bia khi lái xe.
Cảnh sát giao thông cả nước tăng cường các hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trọng tâm là xử lý kiên quyết vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, không để xảy ra tình trạng “nhồi nhét,” chở quá số người quy định trên đường bộ và đường thủy.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.