Thái Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý bảo vệ môi trường

2023-12-21 15:10:37 0 Bình luận
Báo cáo giám sát mới đây của HĐND tỉnh Thái Nguyên cho thấy, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục kịp thời.

Ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên, chủ trì Hội nghị giám sát công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh

Nhiều chuyển biến tích cực

Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên vừa được công bố: Trong giai đoạn 2017-2022, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu kiềm chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường đất, nước, không khí, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tính đến ngày 20/11/2023, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 131 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 23 giấy phép các bộ, ngành Trung ương cấp; 108 giấy phép UBND tỉnh Thái Nguyên cấp.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện dưới nhiều hình thức, hướng đến nhiều đối tượng; hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được quan tâm đầu tư. Các chỉ tiêu về môi trường đô thị, nông thôn được cải thiện đáng kể; một số điểm ô nhiễm môi trường được quan tâm chỉ đạo xử lý.

Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này cũng được tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh, gắn liền với chuyển đổi số. Các ngành chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến bảo vệ môi trường, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao...

Nhìn chung, các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đã chấp hành tốt các quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật có liên quan; thực hiện đúng các nội dung của giấy phép, tuân thủ quy trình, quy phạm an toàn lao động, thiết kế mỏ và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Nhờ vậy, tỉnh Thái Nguyên bước đầu đã kiềm chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường. Môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí dần được cải thiện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên thực hiện giám sát trực tiếp đối với UBND tỉnh, 11 sở, ban, ngành; 9 huyện, thành phố và một số cơ quan, đơn vị, UBND cấp xã, làng nghề, cơ sở sản xuất - kinh doanh và dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Vẫn còn một số hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Báo cáo của HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng cho thấy, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục kịp thời.

Theo đó, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường; còn tình trạng vứt bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng một cách bừa bãi; thiếu kiểm soát môi trường trong chăn nuôi; chưa thu gom, xử lý nước thải, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt một cách hiệu quả…

Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, miền núi chưa cao, lượng rác thải nhựa phát sinh lớn, chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa đạt kết quả như mong muốn, còn địa phương chưa bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt.

Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của một số khu, cụm công nghiệp chưa được hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu, quy định. Môi trường không khí xung quanh các cơ sở sản xuất công nghiệp tại từng thời điểm có hàm lượng bụi vượt ngưỡng cho phép.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 172 cơ sở chưa hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường, trong đó có 87 dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, 28 trang trại chăn nuôi, 53 mỏ khai thác, chế biến khoáng sản và 4 cơ sở y tế.

Một trong những khu vực ô nhiễm môi trường gây bức xúc nhất hiện nay chính là từ hoạt động khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng với không ít trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, theo thống kê của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh có 27 đơn vị cần tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động và liên tục, trong đó có 16 cơ sở liên quan đến nước thải và 11 cơ sở liên quan đến khí thải.

HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ ra 31 mỏ, thuộc 17 đơn vị, doanh nghiệp còn thiếu trong ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; 3 mỏ của 3 đơn vị chưa ký quỹ. Có 47 đơn vị, doanh nghiệp còn nợ thuế và phí bảo vệ môi trường với số tiền lên tới trên 31 tỷ đồng.

Từ khi mỏ đá Núi Chuông của Công ty khai khoáng Miền Núi đi vào hoạt động là cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại cuộc giám sát được thực hiện trung tuần tháng 5/2023, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh làm Trưởng đoàn cũng đã chỉ ra một số vấn đề để Thái Nguyên phải nhanh chóng khắc phục trong công tác bảo vệ môi trường, như: Việc mới chỉ có 4/7 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hay toàn tỉnh mới chỉ có 3/9 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải và không có cụm công nghiệp nào lắp đặt hệ thống quan trắc tự động... Đáng nói là có những vi phạm tồn tại từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, theo luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục như ở Khu Công nghiệp Trung Thành…

Điển hình vi phạm

Kể từ khi mỏ đá Núi Chuông thuộc Công ty Cổ phần khai khoáng Miền Núi đi vào hoạt động là ngần ấy năm, người dân tại xóm Đẩu (xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn.

Hồi cuối tháng 8/2023 ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Lương đã phải thực tế kiểm tra tình hình vận chuyển vật liệu, sản phẩm của Mỏ đá Núi Chuông, xã Yên Lạc theo phản ánh của người dân tuyến đường từ đập Núi Phấn đến nút giao với đường Thái Nguyên - Chợ Mới bị xuống cấp nhanh và nghiêm trọng do có nhiều phương tiện vận chuyển từ mỏ đá Núi Chuông- Chi nhánh Công ty Cổ phần khai khoáng Miền Núi qua tuyến đường này.

Lãnh đạo huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Công ty thực hiện duy tu, sửa chữa trong thời gian sớm nhất; đồng thời đảm bảo môi trường toàn tuyến.

Mặc dù vậy, chỉ sau một thời gian, tình trạng đường xá hư hỏng, ô nhiễm môi trường do khai thác, vận chuyển đá từ mỏ Núi Chuông vẫn tiếp diễn “hành” cuộc sống vốn an lành của người dân nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Lề (nhà nằm đối diện mỏ đá Núi Chuông tại Xóm Đẩu, xã Yên Lạc) cho biết: Ngoài việc khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, những đoàn xe tải nặng chở đá còn phá nát hạ tầng giao thông. Các con đường dân sinh tại xóm Đẩu luôn ở trong tình trạng nắng bụi, mưa lầy. Điều này trực tiếp khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Cũng theo bà Lề: Trước đây thì mỏ nổ mìn liên tục, nhà cửa rung lắc, nhiều gia đình còn bị nứt tường. Giờ thì ít nổ hơn nhưng khói bụi với tiếng ồn thì không được cải thiện. Bụi mù mịt bám hết vào nhà cửa. Khổ nhất là trẻ con.

Ông Nguyễn Văn Thanh (Xóm Đẩu, xã Yên Lạc) khẳng định từ khi mỏ đá Núi Chuông của Công ty khai khoáng Miền Núi đi vào hoạt động là cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề. Bụi từ mỏ bao phủ cả cánh đồng khiến lúa không thể trổ bông. Nhiều năm người dân có lúa nhưng thu hoạch chả được là bao. Dù đã phản ánh nhiều nhưng tình trạng không được cải thiện.

Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lạc Nguyễn Đức Huấn- cho biết: Ngay khi người dân phản ánh về việc mỏ đá Núi Chuông nổ mìn có gây bụi ảnh hưởng đến người dân thì chính quyền địa phương đã cho xử lý.

Tìm hiểu, PV được biết: Những vụ việc nhỏ, người dân và Công ty tự thỏa thuận. Vụ việc lớn hơn khi không thỏa thuận được sẽ phản ánh đến thôn, xã. Sau mỗi lần nhà dân bị ảnh hưởng, Công ty Cổ phần khai khoáng Miền Núi có hỗ trợ, đền bù theo thỏa thuận với người dân tùy theo mức độ thiệt hại.

Mới đây nhất, giữa tháng 11/2023 một lao động tại mỏ trong quá trình làm việc đã tử vong do bất cẩn cũng đã được Công ty Cổ phần khai khoáng Miền Núi đền bù thỏa đáng với gia đình. Đáng nói, đây không phải lần đầu mỏ để xảy ra tai nạn nghiêm trọng như vậy.

Trong khi đó, theo Kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của HĐND tỉnh Thái Nguyên mới đây thì mặc dù đã khai thác nhiều năm nay nhưng đến nay Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ đá vôi Núi Chuông xã Yên Lạc, huyện Phú Lương của Công ty Cổ phần khai khoáng Miền Núi vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường thuộc thẩm quyền của tỉnh Thái Nguyên.

Cũng nằm trong lỗi tương tự về việc “hành” người dân từ hoạt động sản xuất, vận tải ô nhiễm môi trường và chưa hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường thuộc thẩm quyền của tỉnh Thái Nguyên, HĐND tỉnh Thái Nguyên còn chỉ ra nhiều Dự án khai thác mỏ đá khác, như: Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ đá vôi Quang Sơn (xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ) của Công ty Cổ phần đá ốp lát và Vật liệu xây dựng; Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ đá vôi Lân Đăm II (xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ) của Công ty TNHH Hải Bình, Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ đá vôi Na Đòa (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) của Công ty TNHH MTV Xây dựng và khai khoáng Việt Bắc…

Đã đến lúc phải có giải pháp quyết liệt hơn nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Cần sớm khắc phục

Thực tế trên cho thấy, đã đến lúc phải có giải pháp quyết liệt hơn nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các chuyên gia cho rằng, muốn sớm có được kết quả cần phải đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường; hình thành lối sống, sinh hoạt, sản xuất, tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường.

Tháng 5/2023, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát về công tác bảo vệ môi trường tại tỉnh Thái Nguyên.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có nhiều khuyến cáo tới UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan chức năng địa phương.

Cụ thể là chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trang trại chăn nuôi, làng nghề thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về hồ sơ, hạ tầng kỹ thuật, quan trắc môi trường,... theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường theo đúng quy định tại Điều 36 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từ đó giám sát thực hiện các biện pháp buộc khắc phục hậu quả và những trường hợp chậm khắc phục theo kết luận thanh tra.

Ngoài ra, với các địa phương, cần có giải pháp cải tạo, khắc phục hoặc đóng cửa các bãi chôn lập rác thải gây ô nhiễm; hướng dẫn người dân chủ động phân loại, xử lý rác thải tại nguồn…

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng xây dựng nhà cho gia đình người bại liệt nghèo khó

Sáng 3/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Lê Chân phối hợp với phường Vĩnh Niệm tổ chức khởi công xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho gia đình ông Nguyễn Văn Nam, bị bại liệt nửa người, phải ngồi xe lăn.
2024-05-04 08:41:24

Không khí Điện Biên Phủ trước Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng

Từ hơn 1 tuần nay, dòng người từ khắp mọi miền tổ quốc đã kéo về Điện Biên Phủ để chào đón Lễ kỷ niệm 70 năm (7-5-1954) quân và dân Việt Nam lập nên kỳ tích lừng lẫy năm châu. Một số hình ảnh tại Điện Biên Phủ lúc này.
2024-05-04 06:10:00

Sơ duyệt lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Lực lượng Quân đội, Công an cùng các khối khác đã tiến hành sơ duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại sân vận động tỉnh Điện Biên.
2024-05-03 14:57:17

Phú Quốc, Tây Ninh đông khách du lịch hàng đầu Nam bộ trong ngày nghỉ lễ đầu tiên

Nam bộ có khá nhiều điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ kéo dài năm nay, nhưng Phú Quốc và Tây Ninh được ghi nhận là hai điểm đến đón đông đảo du khách bậc nhất bởi lợi thế về khí hậu, cảnh quan và trải nghiệm hấp dẫn
2024-05-03 11:05:59

Hàng trăm ngàn người háo hức ngắm pháo hoa, vui chơi tại quảng trường biển Sầm Sơn

Lễ khánh thành Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn đã diễn ra tối 27/4, trong khuôn khổ đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2024. Hơn 300 ngàn người dân, du khách đã tham gia sự kiện, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật sôi động và chiêm ngưỡng màn pháo hoa tưng bừng tại quảng trường biển hiện đại, quy mô bậc nhất Việt Nam.
2024-05-03 09:43:01

Hải Phòng trưng bày tư liệu ‘Cát Bi - Điện Biên Phủ: bản hùng ca chiến thắng’

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5, Bảo tàng Hải Phòng trưng bày tư liệu chuyên đề “Cát Bi rực lửa - Điện Biên Phủ bản hùng ca chiến thắng”.
2024-05-03 08:34:17
Đang tải...