Thái Nguyên: Khi Nghị quyết của Đảng được "xây" từ lòng dân

2023-12-18 09:09:16 0 Bình luận
Áp dụng phương châm “lấy dân làm gốc” và giải pháp “dân vận khéo” tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản giải được bài toán giải phóng mặt bằng.

Bài 2: Việc khó có nhân dân

Thái Nguyên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định công tác vận động quần chúng là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng. Người từng nói: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Ở Thái Nguyên, phong trào người dân tự nguyện phá dỡ tường rào, công trình, chặt bỏ cây cối để có mặt bằng thi công mở rộng đường giao thông nông thôn đang diễn ra sôi nổi khắp các huyện Đại Từ, Phú Bình, Phú Lương... Tại các xã, thị trấn, chúng ta không khó bắt gặp những công trường lớn nhỏ. Một số tuyến được đổ bê tông mới toàn bộ, có tuyến được mở rộng lên gấp đôi…

Từ sự đóng góp của nhân dân và nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đến nay, toàn huyện Đại Từ đã mở rộng được 150km đường xóm 6m với hơn 30ha đất do người dân hiến làm đường. Các cấp chính quyền và nhân dân đang tiếp tục xây dựng những tuyến đường đẹp, tuyến đường kiểu mẫu để xây dựng, hoàn thiện cảnh quan cho miền quê Đại Từ đáng sống.

Nhiều người nói vui, về Đại Từ những ngày này cứ ra ngõ là gặp “điển hình hiến đất”, với nhiều câu chuyện về hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung, lợi ích lâu dài của cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Hảo ở xóm Dưới 1 của xã Văn Yên, huyện Đại Từ tâm sự: Khi có chủ trương thực hiện mở rộng đường nội xóm lên 6m, Chi bộ xóm đã họp và ra nghị quyết thực hiện, nhấn mạnh đây là đường nông thôn mới nên không có đền bù giải phóng mặt bằng, tất cả dựa vào người dân hiến đất và đóng góp công sức, tiền bạc để làm. Tôi xung phong đập tường rào hiến đất trước, sau đó thì vận động anh em, họ hàng cùng thực hiện. Tôi nghĩ, việc giải phóng mặt bằng là rất khó nếu người dân không đồng thuận, chia sẻ với Đảng, với chính quyền địa phương…

Về Đại Từ những ngày này cứ ra ngõ là gặp “điển hình hiến đất”.

Bí thư Huyện ủy Phú Bình Nguyễn Thị Loan chia sẻ: Không có được tiềm lực lớn như Đại Từ, huyện Phú Bình đã tìm lối đi riêng trong phong trào vận động nhân dân hiến đất mở đường. Đến nay Phú Bình cũng đã có tổng số gần 1.000 km đường giao thông do huyện quản lý, đường liên xã, liên xóm, ngõ xóm được đầu tư, nâng cấp, khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện uỷ Phú Lương cho biết: Phú Lương là huyện có xuất phát điểm còn nhiều khó khăn nhất là cơ sở hạ tầng, đường giao thông thôn cơ bản chưa đáp ứng so với tiêu chí cần đầu tư xây dựng…, song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã đoàn kết, cố gắng, nỗ lực vươn lên và đạt được những kết quả tích cực, rất đáng tự hào. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều tập thể, hộ gia đình, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động và hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng công trình công cộng…Đến nay, 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã và 37 xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chỉ tiêu về giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới. Chỉ tính riêng trong năm 2023, nhân dân trong huyện đã hiến 2,9ha đất, gần 8 tỷ đồng và trên 9.200 ngày công lao động để cải tạo, nâng cấp 31 tuyến đường với trên 25km, xây mới và sửa chữa 13 nhà văn hóa.

Ngày 12/12/2023, huyện Phú Lương tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong công tác hiến đất và tài sản trên đất để mở rộng đường giao thông.

Từ kinh nghiệp khi còn làm cán bộ chuyên trách công tác giải phóng mặt bằng cho dự án Samsung trước đây, Bí thư Thành ủy Phổ Yên Bùi Văn Lương xác định đây là công việc khó khăn, thường nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp, khó lường; do đó, công tác dân vận cần phải đi trước để tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình triển khai. Vì thế, người đứng đầu Thành phố Phổ Yên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giải phóng mặt bằng, cũng như ý nghĩa của dự án, thông qua nhiều hình thức. Bên cạnh đó, chính quyền phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực bám sát, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ đó tuyên truyền, giải thích, đồng thời có cách làm linh hoạt, phù hợp, đúng pháp luật. Ngoài ra, với phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà”, căn cứ vào đặc điểm tình hình địa phương, hoàn cảnh từng hộ để phân loại nhằm tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả.

Với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của tập thể lãnh đạo thành phố Phổ Yên cùng các cấp, ngành, địa phương liên quan và sự đồng thuận của người dân, tiến độ giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường liên kết vùng (Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc) đoạn qua địa bàn Phổ Yên đang được đẩy nhanh, khẩn trương, phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch. Hơn 2500 hộ ảnh hưởng do thu hồi đất nhưng không có một cuộc khiếu kiện nào.

Lãnh đạo TP Phổ Yên không chỉ tay giao việc mà sâu sát, cụ thể cùng cán bộ đến với dân để tuyên truyền, vận động.

Ông Nguyễn Phúc Long, chủ Công ty TNHH thương mại và sản xuất Vạn Phát ở tổ dân phố Rùa, phường Đông Cao nằm trong diện phải di dời toàn bộ tài sản bao gồm diện tích nhà ở và nhà xưởng hơn 1000 m2 để phục vụ Dự án tuyến đường liên kết vùng- chia sẻ: “Mặc dù việc di dời gặp không ít khó khăn, song với sự đồng hành, chung sức của chính quyền các cấp gia đình tôi sẵn sàng di chuyển toàn bộ hệ thống nhà xưởng công ty và nhà ở để bàn giao mặt bằng cho nhà nước triển khai thực hiện dự án”.

Anh Nguyễn Văn Thành, xóm Thuận Đức, xã Minh Đức tâm sự: “Được chính quyền địa phương tuyên truyền về chủ trương của dự án, gia đình tôi rất phấn khởi bởi tuyến đường này đi quan địa bàn sẽ giúp cho nhân dân chúng tôi đi lại thuận tiện, có cơ hội phát triển kinh tế, mặc dù phải đi ở nhờ nhưng gia đình vẫn thống nhất nhanh chóng bàn giao mặt bằng để dự án được thực hiện theo đúng tiến độ, sớm đưa vào sử dụng”.

Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đoạn qua địa bàn thành phố Phổ Yên có chiều dài tuyến chính là hơn 27km và tuyến nhánh là trên 6km. Tổng diện tích thu hồi khoảng 167ha và có 2.500 hộ dân bị ảnh hưởng, thành phố đã cơ bản giải phóng mặt bằng hơn 160 ha thuộc phạm vi Dự án, trong đó hơn 155 ha đủ điều kiện thi công. Đối những phần diện tích còn lại, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và áp dụng linh hoạt, sát tình hình thực tế các cơ chế, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng nên Dự án nhận được sự đồng thuận lớn của người dân vùng ảnh hưởng.

Ông Hà Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Phổ Yên, kể: Như tại xã Thành Công, khi triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 274; tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; khu tái định cư phục vụ tuyến đường liên kết…, ban đầu người dân không đồng ý với phương án thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư. Từ thực tế này, cùng với việc rà soát, nắm chắc nguồn gốc đất đai ở từng khu vực triển khai dự án, xã đã thành lập các tổ công tác đến từng hộ dân bị ảnh hưởng để tuyên truyền, giải thích và vận động bà con bàn giao mặt bằng. Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.

Tương tự, tại huyện Đại Từ, Dự án có tổng chiều dài 42,47 km, trong đó đoạn tuyến qua huyện Đại Từ (gồm thị trấn Quân Chu, xã Cát Nê, xã Ký Phú) có tổng chiều dài khoảng 9,1 km. Qua thống kê, số hộ ảnh hưởng bởi dự án trên địa bàn huyện Đại Từ là 419 lượt hộ, tổng diện tích ảnh hưởng gần 52 ha.

Sau khi có Quyết định phê duyệt Dự án của UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Đại Từ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án trên địa bàn, nhất là tại các xã, thị trấn, các xóm, khu dân cư có đất thu hồi để thực hiện Dự án. Cụ thể: Huyện đã ban hành 33 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện; các địa phương đã ban hành và gửi thông báo thu hồi đất đến 100% hộ dân có đất bị thu hồi; các địa phương đã điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đạt 100% hộ dân có đất bị thu hồi; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân đối với 141 trường hợp về thời điểm xây dựng công trình trên đất của các hộ dân nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng Dự án… Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, cho đến nay huyện Đại Từ đã thực hiện giải phóng mặt bằng đạt 98% tổng số diện tích Dự án; đã thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho 418/419 lượt hộ với số tiền đã phê duyệt gần 155 tỷ đồng…

Nông thôn ở Thái Nguyên đã thực sự thay đổi nhờ cách làm “lấy dân làm gốc” và giải pháp “dân vận khéo”.

Tại TP Thái Nguyên, Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực có tổng mức đầu tư 2.250 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là trên 1.280 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương sau hơn 4 năm triển khai, đến giữa tháng 10/2023, Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. 

Ông Bùi Viết Thành, Chỉ huy trưởng công trường xây dựng tuyến đường Huống Thượng - Chùa Hang (Công ty CP Sản xuất công nghiệp - Xây lắp 3) cho biết: Công ty chúng tôi trúng 4 gói thầu xây lắp thuộc Dự án, toàn bộ là thi công phần đường đi qua nhiều xã, phường như: Huống Thượng, Chùa Hang, Linh Sơn… Do được bàn giao mặt bằng sớm nên tiến độ thi công các công trình đều bảo đảm. Đến nay, cả 4 gói thầu đều đã được hoàn thành, về đích sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch.

Trong những năm gần đây, Sông Công liên tục là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh Thái Nguyên trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm. Từ năm 2021 đến nay, Sông Công đã tiến hành giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án với tổng diện tích đất thu hồi là 180ha. Có trên 1.900 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, tổng số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng là trên 1.200 tỷ đồng.

Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, UBND TP Sông Công đã ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với 23 hộ, cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với 12 hộ, cưỡng chế thu hồi đất đối với 6 hộ.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và áp dụng linh hoạt, sát tình hình thực tế các cơ chế, chính sách bồi thường, cùng với sự quyết liệt của thành phố, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn đã hoàn thành và đang được triển khai tích cực, như: Mở rộng Quảng trường 1-7 và xây dựng hội trường Thành ủy Sông Công; Khu nhà ở tại phường Bách Quang; Khu đô thị số 2 phường Mỏ Chè; hạ tầng Khu dân cư phường Bách Quang; tuyến đường du lịch Sông Công - Núi Cốc đoạn qua xã Bình Sơn...

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chia sẻ của người dân tin tưởng trong thời gian tới, công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trên địa bàn Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ, tạo đà để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án; từ đó góp phần quan trọng để Thái Nguyên hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./

Đón đọc: Thái Nguyên: Khi Nghị quyết của Đảng được "xây" từ lòng dân: Bài 3: Bài học “xây” Nghị quyết

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
2024-04-27 19:43:25

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06
Đang tải...