Thầy giáo đi xe lăn giúp nhiều học sinh đỗ đại học
Lê Tuấn Hùng trên chiếc xe lăn nhưng vẫn sôi sục ý chí dạy học. |
Đó là câu chuyện về nghị lực sống phi thường của anh Lê Tuấn Hùng (SN 1982), trú tại phường Ngọc Trạo, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Những năm gần đây, nhiều học sinh ở TP.Thanh Hóa luôn truyền tai nhau về một "thầy giáo làng" đặc biệt, đó là thầy Lê Tuấn Hùng. Đặc biệt vì thầy giáo lên lớp trên chiếc xe lăn, học sinh thầy nhận dạy chủ yếu là những người... cá biệt, nghiện game.
Ngôi nhà của Hùng nằm cạnh UBND phường Ngọc Trạo, cứ đều đặn mỗi ngày, hơn 60 học sinh vẫn lui tới để theo học. Suốt 6 năm qua, người thầy ấy đã gắng vượt qua đau đớn của bệnh tật, miệt mài chở ước mơ của học sinh trên chiếc xe lăn. Cứ trung bình 10 em học sinh theo học thì có đến 9 em thi đỗ đại học, trong số đó có nhiều em đỗ vào các trường đại học lớn.
Được biết, Lê Tuấn Hùng sinh ra trong một vùng quê nghèo thuộc huyện Hà Trung. Hồi nhỏ, anh cũng như bao chàng trai khác, luôn ấp ủ trong mình rất nhiều hoài bão và mơ ước. Vốn là chàng trai nhà nghèo nhưng ham học, lên THPT Hùng được biết đến như một thần đồng toán học nức tiếng xứ Thanh.
Năm 2000, Lê Tuấn Hùng quyết định thi vào khoa Vật lý, thuộc trường đại học Hồng Đức và trở thành thủ khoa của trường. Chưa dừng lại ở đó, sau khi tốt nghiệp đại học Hồng Đức anh tiếp tục thi đỗ vào đại học Bách Khoa Hà Nội.
Nhà nghèo, bố mẹ không có tiền cho ăn học vì thế suốt quãng thời gian sinh viên anh đã tự mình làm đủ thứ nghề để kiếm tiến phục vụ cho sự nghiệp đèn sách. Sau khi tốt nghiệp đại học Bách Khoa, anh đi làm thêm cho một số công ty nước ngoài. Năm 2009, Lê Tuấn Hùng cùng một số người bạn trở về quê lập công ty tự động hóa Tân Hoàng, một công ty hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao.
Những lúc rảnh rỗi, các bạn học sinh lại đưa thầy giáo dạo quanh thành phố. |
Bằng tài năng và trí tuệ của mình, Hùng đã lãnh đạo và đưa công ty ngày một phát triển. Ở tuổi 30, anh được biết đến như một người đàn ông thành đạt cả trong công việc cũng như tình yêu. Cứ tưởng cuộc sống trôi đi êm đềm, nhưng ai ngờ nó lại rẽ sang trang mới đầy nghiệt ngã.
Một ngày tháng 3/2009, trong lúc đi làm về nhà, Hùng bị tai nạn giao thông, chấn thương cột sống, liệt tứ chi. Vật lộn với bệnh tật, mọi sinh hoạt cá nhân Hùng đều phải nhờ tới người thân. Đã có lúc Hùng tuyệt vọng đến mức không còn muốn kéo dài cuộc sống của mình để người thân bớt khổ. Hai năm sau ngày tai nạn nghiệt ngã ấy, với nỗ lực chạy chữa của gia đình cùng nghị lực bản thân, Hùng có thể cử động được hai tay.
Khoảng thời gian ở nhà dưỡng bệnh, tình cờ một người anh họ của Hùng đến chơi và nhờ anh dạy kèm cho hai đứa con của mình từng thi trượt đại học. Kể từ đó Hùng trở thành một thầy giáo "bất đắc dĩ". Sau 1 năm kèm cặp, anh đã giúp cả hai em này đều thi đỗ vào đại học. Gia đình ai cũng lấy làm vui mừng. Lúc này, với sự gợi ý của bố vợ, Hùng đã mở lớp luyện thi đại học ngay tại nhà. Đó là thời điểm năm 2012. Cũng từ ngày đó, học sinh gọi anh với cái tên thân thương: “thầy giáo làng”.
Tiếng lành đồn xa... nhiều em học sinh trong thành phố đã tìm đến nhà “thầy giáo làng” ngày một đông. Sau 6 năm mở lớp, số lượng học sinh đến đây đã tăng lên đáng kể. Anh dạy môn Toán và Vật lý ở cả 3 khối từ lớp 10 đến lớp 12, tổng số học sinh theo học cũng lên đến hơn 60 học sinh.
Năm đầu tiên anh dạy 15 học sinh và tất cả đều đỗ vào các trường đại học và cao đẳng. Từ những năm sau, mỗi khóa tại nhà anh có hơn 50 em trong TP.Thanh Hóa theo học. Tính đến nay, "thầy giáo làng" ấy đã giúp gần 200 em đỗ đại học.
Hùng đưa ra một phương pháp dạy rất đặc biệt, không giống bất kỳ một giáo viên nào. Đặc biệt bởi học sinh đến theo học chủ yếu là những học sinh cá biệt, nghiện game… vì thế phải áp dụng một phương pháp dạy mới.
“Ước mơ dạy học của tôi đã thành hiện thực, nhờ có các em học sinh mà tinh thần tôi đã tốt hơn. Tôi không còn đau đớn dằn vặt mình nữa. Đa số các em là những học sinh luời học, nghiện game, thi trượt đại học… được phụ huynh tìm đến nhờ kèm cặp. Tôi dạy theo phương pháp của riêng mình, không dạy một cách chung chung. Mình hiểu từng khả năng của học sinh và có phương pháp riêng cho mỗi em”, anh Hùng tâm sự.
Em Nguyễn Thị Trang, học sinh lớp 12, trường THPT Lam Sơn, hiện đang theo học thầy Hùng tâm sự: “Bạn bè trong trường kể về thầy từ lâu, nhưng lần đầu đến học nhìn thấy thầy ân cần dạy bảo trên chiếc xe lăn làm em rất xúc động. Hình ảnh của thầy đã tiếp thêm nghị lực cho em. Thầy Hùng dạy rất kĩ, dễ hiểu, mặc dù là lớp học thêm nhưng đến cuối tuần, thầy thường tổ chức cho cả lớp đi chơi dã ngoại. Vừa học vừa chơi nên em thấy rất bổ ích”.
Chiến thắng sự tự ti của bản thân mình, Lê Tuấn Hùng đã đem đến làn gió mới vào môn học, thổi niềm đam mê cho các thế hệ học sinh. Những con số, những phép tính khô khan của môn Toán đã được thầy truyền đạt một cách dễ hiểu, hóm hỉnh. Xen lẫn các giờ học, thầy còn lồng ghép những câu chuyện về gương vượt khó vươn lên để bồi dưỡng tâm hồn học sinh.
Dù đôi chân đã bại liệt nhưng ý chí của Hùng rất đáng khâm phục. Lê Tuấn Hùng đã vận dụng, phát huy kiến thức đã học, truyền niềm tin, khát vọng của mình và giúp đỡ nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, góp phần vào sự nghiệp trồng người của đất nước. Hiện nay Hùng cũng là một trong những thành viên năng động của hội Người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa.
Không ai biết rằng, để có được thành quả như hôm nay, "thầy giáo làng" Lê Tuấn Hùng đã phải cố gắng nỗ lực rất nhiều để vượt qua mặc cảm, tuyệt vọng của bản thân. Những nỗ lực của anh thực sự xứng đáng được đền đáp và trân trọng.
Bà Nguyễn Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Trạo, TP.Thanh Hóa nhận xét: "Lê Tuấn Hùng là tấm gương đáng khâm phục. Dù bị tàn tật nhưng luôn biết vươn lên để sống. Trong những năm qua, anh Hùng đã giúp rất nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Không chỉ dạy chữ, Hùng còn giúp đỡ nhiều học sinh hư, học sinh cá biệt trở thành những người có ích cho xã hội”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.