Thông tin kinh tế, tài chính ngày 14/6/2021: Nguy cơ giá hàng hóa tăng cao vì cước vận tải leo thang?

2021-06-14 01:33:02 0 Bình luận
Ngân hàng liên tục rao bán nợ và tài sản đảm bảo. Chuyển hướng vận tải hàng hóa, ngành đường sắt nỗ lực "giảm lỗ". Mặt bằng cho thuê “khóc ròng”. Nguy cơ giá hàng hoá tăng vọt vì cước vận chuyển leo thang.

Giá vàng hôm nay 14/6: Tiếp tục giảm vào đầu tuần mới

Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm thêm trong phiên giao dịch sáng nay khi đồng duy trì mạnh mẽ.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 14/6, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.874,1 USD/ounce vào lúc 6h50 (giờ Việt Nam), theo kitco. Giá vàng giao tháng 8 cũng giảm 0,19% xuống 1.876,05 USD/ounce. 

Giá vàng giảm trong phiên giao dịch sáng ngày Hai (14/6) khi đồng USD vẫn ở mức cao, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác và làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý. 

Xu hướng cổ phiếu 14/6?

*Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu MSH

Các chuyên gia BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với MSH của Công ty cổ phần May Sông Hồng tại giá mục tiêu 1 năm theo DCF là 71.100 đồng/CP, tương đương mức P/E dự phóng 2021 là 7,8x. Do đó, tỷ suất lợi nhuận là 25% và lợi suất cổ tức 2021 dự phóng là 7% tại giá đóng cửa ngày 11/6 là 57.000 đồng/CP.

Các điểm nhấn đầu tư chính bao gồm: Tiềm năng trung hạn của may mặc Việt Nam được duy trì tích cực nhờ dung hòa lợi thế về chi phí nhân công và năng lực sản xuất đa dạng.

Triển vọng phục hồi mạnh mẽ của thị trường Mỹ nhờ chích sách thúc đẩy tiêm chủng giúp bình thường hóa các hoạt động kinh tế xã hội cũng như các gói kích thích kinh tế.

Sự hồi phục cũng như tăng trưởng tích cực của chính các các đối tác lớn trong quý I/2021 góp phần củng cố về khả năng hồi phục mạnh mẽ của MSH trong 2021.

Chính sách cổ tức ổn định ở mức tương đối hấp dẫn nhờ hiệu quả hoạt động hàng đầu so với các doanh nghiệp cùng ngành, duy trì ở mức 40-45% mệnh giá trong quá khứ, tương đương lợi suất 7,2-8,1%/năm.

*Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 22.300 đồng/CP

Các chuyên gia MBS khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu PVT của Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí với giá mục tiêu 22.300 đồng/cp dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền, trên cơ sở (i) nhu cầu vận chuyển dầu & SP dầu hồi phục sau khoảng thời gian chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, (ii) nhu cầu tiêu thụ trong nước cải thiện khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng hiệu suất hoạt động sau hoạt động bảo dưỡng định kỳ năm 2020, và (iii) giá cước vận tải dự báo tăng.

Giá mục tiêu tương ứng với P/E forward 10,7 lần (theo EPS 2021F ~ 2.091 đồng).

Lãi ròng quý I/2021 tăng mạnh 102% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tương ứng 136 tỷ đồng nhờ (i) giá cước cải thiện nhẹ khi nhu cầu sử dụng dầu mỏ/dầu thô phục hồi, (ii) lỗ chênh lệch tỷ giá trong kỳ ghi nhận thấp hơn giúp chi phí tài chính giảm 42%, và (iii) ghi nhận 34 tỷ đồng lãi từ thanh lý tài sản của tàu chở dầu Sea Lion.

OPEC dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ 2021 tăng 6,6% trong bối cảnh (i) kinh tế thế giới dần hồi phục nhờ đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng, (ii) nhu cầu nhiên liệu tăng trên toàn thế giới, và (iii) các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế được triển khai nhằm ứng phó tác động của dịch bệnh. OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới đạt mức trung bình 96,5 triệu thùng/ngày vào năm 2021, cao hơn gần 6 triệu thùng/ngày so với nhu cầu năm ngoái, với sự tăng tốc dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2021.

Giá cước vận tải dự báo sẽ hồi phục trong nửa cuối năm 2021 hoặc đầu 2022. Mặc dù cước vận tải đã ghi nhận chuyển biến tích cực từ cuối tháng 2/2021 nhưng đà phục hồi vẫn chưa rõ nét khi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu chưa khôi phục trở lại mức trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. OPEC dự báo giá cước vận tải sẽ trở nên tích cực hơn từ nửa cuối 2021 hoặc 1H2022 khi hoạt động thương mai đường biển và tiêu thụ nhiên liệu gia tăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại sau dịch.

Doanh thu từ vận tải của PVT sẽ cải thiện trong năm 2021 khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn tất bảo dưỡng trong năm 2020 & nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ/ sản phẩm dầu mỏ hồi phục. Hiện tại, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoạt động ổn định với ~105% công suất thiết kế sau khi thực hiện bảo dưỡng định kỳ kéo dài 52 ngày trong năm 2020, kéo theo nhu cầu tiêu thụ được cải thiện tại nhà máy này.

*Khuyến nghị mua cổ phiếu CTR với giá mục tiêu 110.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngày chốt danh sách cho các đợt thanh toán cổ tức tiền mặt và cổ tức cổ phiếu là ngày 24/6, trong khi ngày thanh toán cổ tức tiền mặt là ngày 15/7.

Các chuyên gia VCSC hiện có khuyến nghị mua cho Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR) với giá mục tiêu 110.800 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 20,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,3%), dựa theo giá đóng cửa phiên 11/6.

Lần đầu tiên vải thiều Việt Nam được nhập chính ngạch vào thị trường Pháp

Lô vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 đã hạ cánh xuống sân bay Charles de Gaulle (Pháp) lúc 21 giờ ngày 12-6-2021.
Theo Bộ Công Thương, đây là lô vải với số lượng gần 1 tấn được xuất khẩu chính ngạch sang Pháp, là thành quả hợp lực xúc tiến giữa Thương vụ Việt Nam tại Pháp và Cục Xúc tiến thương mại kể từ sau khi thực hiện các phiên giao thương trực tuyến bên lề Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, kết nối vải thiều Thanh Hà cho tỉnh Hải Dương.

Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết: Quá trình phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và nhà nhập khẩu Pháp để đưa vải thiều Việt Nam sang Pháp cũng gặp khá nhiều khó khăn. Do dịch Covid-19, khâu kết nối doanh nghiệp vướng một số vấn đề như không có hàng mẫu để chào hàng tới nhà nhập khẩu, khách hàng Pháp không trực tiếp sang được Việt Nam để kiểm tra vùng trồng và chất lượng quả vải…

Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực quảng bá, giới thiệu bằng phương pháp trực tuyến, sự kiên trì kết nối doanh nghiệp hai nước, đơn hàng xuất khẩu trái vải thiều Việt Nam, xuất xứ từ vùng trồng Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đưa sang Pháp thành công và sẽ có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris. Cùng chuyến với lô hàng thương mại này, theo tư vấn của Cục Xúc tiến thương mại, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ cũng chuyển tới Thương vụ Việt Nam tại Pháp một số lượng hộp vải mẫu để phục vụ quảng bá tại thị trường Pháp.

Chuyển hướng vận tải hàng hóa, ngành đường sắt nỗ lực "giảm lỗ"

 Chỉ riêng dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua khi đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) đã có 11.383 vé bị trả lại (gần 4 tỷ đồng). Tiếp đó, trong tháng 5/2021, tổng số đoàn tàu khách cắt giảm là 393 đoàn... có thể thấy trong bối cảnh khá "bi đát" của thị trường vận tải nói chung và ngành đường sắt nói riêng, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã rất nỗ lực "giảm lỗ" khi chủ động chuyển đổi sang vận tải hàng hoá.

Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện từ năm 2020, Tổng Công ty đã chủ trương chuyển đổi từ vận tải khách tập trung sang vận tải hàng hóa. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn dự kiến lỗ, nhưng vận tải hàng hóa đang có sự tăng trưởng khá.

Cụ thể, kết quả 5 tháng đầu năm, sản lượng vận tải hàng hóa xếp đạt 2.422 nghìn tấn, bằng 126,9% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 713,5 tỷ đồng, bằng 121,8% so với cùng kỳ.

"Tổng Công ty tiếp tục chủ động thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch để duy trì chạy tàu hàng liên vận quốc tế, khai thông các nút thắt trong chính sách đường biên của Trung Quốc và tích cực tìm kiếm nguồn hàng mới vận chuyển trong nước", ông Nguyễn Chính Nam nói.

Ngân hàng liên tục rao bán nợ và tài sản đảm bảo

Thời gian qua, nhiều nhà băng đang tiếp tục rao bán thanh lý tài sản đảm bảo và các khoản nợ tồn đọng. Gần nhất, VietinBank thông báo sẽ tổ chức bán đấu giá cảng cạn Đình Vũ- Quảng Bình, tài sản đảm bảo cho khoản nợ của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình với tổng giá trị đến 21/5 là gần 197 tỷ đồng, nợ gốc là hơn 161 tỷ đồng. Giá chào bán khởi điểm cho tài sản trên là hơn 258 tỷ đồng. Ngân hàng từng rao bán khoản nợ này giữa năm 2020. 

Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đang lựa chọn tổ chức đấu giá các khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Vận tải Tiến đạt hơn 27,7 tỷ đồng và Công ty TNHH Thương mại Vận tải Thảo Mạnh gần 9 tỷ đồng CTCP Sợi Đông Phú hơn 89 tỷ đồng, Công ty TNHH Như Nguyệt hơn 74 tỷ đồng… 

Trước đó, VietinBank cũng lần đầu công bố bán các khoản nợ vay tiêu dùng của các cá nhân có giá trị 6-16 triệu đồng để thu hồi. Tổng giá trị nợ rao bán là hơn 75,5 triệu đồng. Các khoản vay này không có tài sản đảm bảo.  Sacombank cũng đang công bố loạt bất động sản chào bán với giá trị hơn nghìn tỷ đồng. Tài sản được bán đấu giá lớn nhất là bất động sản trên đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Hải, Hải An với giá khởi điểm 400 tỷ đồng.  

Ngân hàng cũng chào bán loạt các sản phẩm thuộc dự án XI Grand Court 256-258 Lý Thường Kiệt, TP HCM, hơn 631 tỷ đồng, trong đó có 13.258 m2 diện tích sàn tầng hầm B1 giá 362 tỷ đồng và 2.244 m2 sàn thương mại – dịch vụ tầng 7 giá 126 tỷ đồng.

Danh sách tài sản bán đầu giá của Sacombank không còn những bất động sản được chào giá ngàn tỷ đồng. Tổng giá trị bất động sản giảm hơn nghìn tỷ đồng so với danh sách công bố cuối tháng 3. 

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng công bố một số bất động sản riêng lẻ tại một số tỉnh thành gồm Hà Nội, An Giang, Bình Phước, Bình Thuận giá khởi điểm trăm triệu đến chục tỷ đồng… 

Vietcombank Đông Anh thông báo phát mại lần thứ 4 tài sản đảm bảo thanh lý nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 22, tờ bản đồ số 62, địa chỉ tại 91 Hồ Xuân Hương, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Bất động sản có diện tích 443,1 m2, mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ.

Tài sản gắn liền trên đất là tòa khách sạn 12 tầng có thời hạn sở hữu đến ngày 4/5/2046. Người sở hữu tài sản là bà Bùi Thị Huệ và ông Lê Trí Nguyện. Khách sạn trên có tên Hemera Boutique Hotel, nằm gần bãi biển Mỹ An- Đà Nẵng. 

Giá khởi điểm Vietcombank chào bán là 74,3 tỷ đồng, thấp hơn 26% so với giá từng công bố lần gần nhất vào tháng 9/2020. Bước giá đấu là 50 triệu đồng, tiền đặt trước 4,5 tỷ đồng. Thời gian ngân hàng tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá đến ngày 22/6 và dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 25/6.

Vietcombank từng rao bán khách sạn này với giá 100 tỷ đồng cuối năm 2019, giảm còn 81 tỷ vào tháng 6/2020 và hạ xuống 79 tỷ đồng vào tháng 9/2020. 

Ngân hàng cũng đang rao bán tài sản đảm bảo của CTCP Thủy Sản 4 gồm giá trị thuê đất, chi phí đầu tư trên đất (công trình xây dựng, máy móc thiết bị đã qua sử dụng, chi phí đắp, đào và gia cố cừ tràm) và cây trồng trên đất tại xã Tân Hoà, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp với giá khởi điểm hơn 16 tỷ đồng.  Tiền đặt trước là 10% giá khởi điểm.

Theo thống kê với 25 ngân hàng, tổng nợ xấu trong 3 tháng đầu năm tăng 5% so với cuối 2020, lên 91.254 tỷ đồng, chiếm hơn 1,4% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng. 

 

Nợ xấu các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng.

ACB và Vietcombank là 2 ngân hàng có nợ xấu nâng cao nhất trong số 17 ngân hàng báo tăng quý I, xét về tương đối. Nợ nhóm 3-5 của ACB tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng, đưa tỷ trọng trong danh mục từ 0,59% lên 0,91%, cao nhất từ năm 2016.

Một số ngân hàng có nợ nhóm 3-5 tăng quanh 20%, có thể điểm tới là MB 29%, HDBank 20% và NamABank 19%. Ở nhóm dưới, VietCapital Bank, Saigonbank tăng dư nợ xấu 7%, SHB, VPBAnk, VietBank, VIB khoản 5%, LienVietPostBank, OCB, TPBank, BIDV 2-4%...

Song song đó, phần dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của các ngân hàng tăng 12% so với cuối năm 2020. Tỷ lệ bao phủ tổng nợ xấu với 25 ngân hàng tăng từ 103% lên 110%. 

Vietcombank và Techcombank là 2 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 200%. Trong đó, ngân hàng quốc doanh có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống với 279%. Con số này chỉ thấp hơn mức 368% của cuối năm 2020 và bỏ xa giai đoạn trước chỉ 100-180%. 

Sau khi trích lập đầy đủ, việc bán các khoản nợ và các tài sản đảm bảo như bất động sản, thiết bị, máy móc... là cách ngân hàng thu hồi vốn và có thể lãi khi thanh lý, do giá trị cho vay thường thấp hơn định giá tài sản. 

Mặt bằng cho thuê “khóc ròng”

Mặc dù có những dự báo về sự phục hồi của phân khúc cho thuê nếu dịch được kiểm soát, tuy nhiên không thể phủ nhận loại hình này đang “thê thảm” xếp thứ 2 sau BĐS nghỉ dưỡng. Nhiều chủ mặt bằng méo mặt vì dịch Covid-19.

Có lẽ chưa thời điểm nào mặt bằng nhà phố trên các tuyến đường sầm uất của các thành phố lớn "vắng tanh" như thời điểm này. Cùng với đó, các khu trung tâm thương mại, shophouse (căn hộ thương mại) trong các khu đô thị cũng ế ẩm không kém. Tỉ lệ bỏ trống ngày càng nhiều. Lý do chung là kinh doanh ế ẩm, thu không đủ bù chi, không trả nổi giá thuê nhà chót vót. Và giải pháp cuối cùng là trả mặt bằng, thậm chí chấp nhận bị phạt hợp đồng.

Người thuê "méo mặt" vì kinh doanh ế ẩm thì chủ mặt bằng "khóc ròng" vì không tìm được khách thuê. Thậm chí giảm giá sâu vẫn khó giữ chân khách hoặc không tìm được khách thế vào.

Rõ ràng, ngoài BĐS nghỉ dưỡng, phân khúc cho thuê là phân khúc đã, đang và dự báo là sẽ  sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. Nhu cầu mặt bằng giảm mạnh do giảm tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp mới, một số doanh nghiệp cũ thì ngừng hoạt động, phá sản, hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh,…

 

Một số chuyên gia cho rằng, đây cũng chỉ là vấn đề trong ngắn hạn và thị trường sẽ có tín hiệu phục hồi lạc quan ngay sau khi dịch bệnh kiểm soát. Tuy nhiên, trước mắt thì phân khúc này đang chịu trận càn quét mạnh mẽ của dịch Covid-19 khiến các bên "khóc dở, mếu dở".

Theo các chuyên gia, đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến thị trường nhà phố mặt tiền cho thuê theo hướng tiêu cực nhất trong vòng một thập kỷ qua. 

Khảo sát của Savills gần đây cho thấy, để giữ chân khách thuê hiện tại, chủ nhà phải giảm giá thuê, trong khi với các mặt bằng đang chào thuê, chủ nhà phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20% đến 40% giá chào thuê hiện tại. Thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3 đến 5 năm, tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê mặt bằng. Bên cạnh đó, một số chủ nhà cho biết, nếu đợt giãn cách quá dài và mức giảm tiền thuê không được thống nhất bởi hai bên, chủ nhà phố cũng đã nghĩ đến giải pháp tìm kiếm khách thuê mới và ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty vì nhóm khách này ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành bán lẻ.

Nguy cơ giá hàng hoá tăng vọt vì cước vận chuyển leo thang

Dữ liệu của Drewry Shipping cho biết, giá vận chuyển một container 40 feet theo đường biển từ Thượng Hải đến Rotterdam (Hà Lan) đạt mức kỷ lục 10.522 USD, tăng hơn 547% so với mức trung bình 5 năm qua. Do 80% hàng hoá trên toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển nên việc tăng cước phí container sẽ khiến giá hàng hoá, từ đồ chơi trẻ em, đồ nội thất, linh kiện ôtô đến cà phê, đường... tăng cao. Điều này làm tăng thêm nỗi lo về lạm phát trên thị trường toàn cầu.

Nếu chi phí vận chuyển từng được xem là không có tác động đáng kể đến lạm phát vì chỉ là một phần nhỏ trong tổng chi phí thì hiện điều này đã thay đổi. Mức cước phí tăng cao vừa qua buộc các nhà kinh tế học phải chú ý đến yếu tố này nhiều hơn. Theo HSBC, việc giá cước vận chuyển bằng container tăng 205% trong năm qua có thể làm tăng giá sản xuất trong khu vực sử đồng euro thêm 2%.

Với các nhà bán lẻ, họ phải đối diện với 3 lựa chọn: tạm dừng nhập hàng, tăng giá hoặc hấp thụ chi phí sau đó chuyển sang cho người tiêu dùng. Nhưng các lựa chọn này đều có nghĩa hàng hoá sẽ đắt hơn, theo Jordi Espin, Giám đốc quan hệ chiến lược của Hội đồng các nhà vận chuyển châu Âu, tổ chức đại diện cho khoảng 100.000 nhà bán lẻ, bán buôn, sản xuất. Ông nhấn mạnh, những chi phí tăng thêm đã được chuyển sang cho người mua.

Các công ty sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có kích thước lớn, cồng kềnh nhưng giá trị thấp như đồ chơi, đồ nội thất hiện chịu nhiều khó khăn hơn. Sản phẩm cồng kềnh có nghĩa container sẽ không thể chứa nhiều hàng được, và giá hàng hoá sẽ bị tăng lên đáng kể khi cập bến. Alan Murphy, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Sea-Intelligence ở Copenhagen cho biết, với một số nhà sản xuất đồ nội thất giá rẻ, chi phí vận chuyển chiếm đến 62% tổng giá bán lẻ.

Rất ít dự đoán cho rằng giá container sẽ sớm giảm mạnh. Do vậy, các công ty đang cố gắng vật lộn với tình trạng này. Một số doanh nghiệp quyết định dừng xuất khẩu đến một vài thị trường nhất định, trong khi số khác tìm kiếm hàng hoá, nguyên liệu thô ở những địa điểm gần hơn, theo Philip Damas, người đứng đầu Drewry Supply Chain Advisors. Damas cho rằng, nếu tình trạng này càng kéo dài, sẽ càng có nhiều công ty phải tái cấu trúc, rút ngắn chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương vẫn lạc quan với hiện tượng này khi cho rằng tăng giá do trục trặc nguồn cung sẽ không kéo dài. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde hôm 10/6 đánh giá, đà tăng nhiều nhất duy trì đến cuối năm, sau đó sẽ giảm dần. Mặt khác, các công ty thường ký hợp đồng theo năm với các hãng tàu, vì vậy, mức giá vận chuyển được chốt có thể thấp hơn đáng kể so với mức giá giao ngay đang gây chú ý.

Dù vậy, một số nhà kinh tế cho rằng không nên bỏ qua rủi ro lạm phát. Bởi ngay cả khi mức độ nhỏ hơn ước tính, lạm phát đã tích tụ hơn 1 năm và sẽ có những ảnh hưởng đáng kể. Điều đó có nghĩa là tồn tại một mối nguy mà nhiều người đang đánh giá thấp tác động.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...