Thông tin kinh tế, tài chính ngày 2/7/2021: Bức tranh sáng tối bất động sản nửa cuối năm

2021-07-02 08:19:41 0 Bình luận
Yêu cầu ngân hàng, ví điện tử chặn giao dịch chuyển tiền liên quan cờ bạc, cá độ bóng đá. Ngành chứng khoán trở lại thời “Hoàng kim”. Hàng không thấp thỏm chờ phục hồi vào cuối năm 2021

Giá vàng hôm nay 2/7: Lao vào bắt đáy, giá vàng vụt tăng
Giá vàng trong nước
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 1/7 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội tăng nhẹ giá vàng 9999 ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.

Kết thúc phiên giao dịch 1/6, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 56,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,95 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,92 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,95 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,93 triệu đồng/lượng (bán ra).

Đêm 1/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.781 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.781 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 1/7 thấp hơn khoảng 6,0% (114 USD/ounce) so với cuối năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 50,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 6,4 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 1/7.

Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng nhanh trở lại sau nhiều phiên giảm trước đó. Sức cầu bắt đáy tăng khá mạnh trong phiên đầu quý mới. Nỗi lo về chủng virus mới Delta cũng khiến vàng tăng giá.

Vàng tăng cho dù đồng USD vẫn treo ở mức cao nhất trong 2,5 tháng sau vài phiên hồi phục.

Vàng tăng giá còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu tăng mạnh lên mức cao nhất 2 năm rưỡi, ở mức 75 USD/thùng. Lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ cũng tăng, hiện ở mức trên ngưỡng 1,47%/năm. Thị trường lao động của Mỹ diễn biến khá tích cực.

Trong phiên trước, theo tổ chức Automatic Data Processing (ADP), số việc làm trong khu vực tư nhân tại Mỹ tăng 692.000 người, cao hơn mức dự báo 600.000 người. Số liệu trong tháng 5 cũng được điều chỉnh tăng lên với mức tăng là 886.000 việc làm.

Theo đánh giá của ADP, sự hồi phục của thị trường lao động Mỹ vẫn duy trì ở mức mạnh mẽ. Tính từ đầu năm tới nay đã có tổng cộng 3 triệu việc làm mới được tạo ra. Cho dù vẫn chưa hồi phục như trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra, nhưng đây là những tín hiệu rất tốt.

Tại châu Á, đại dịch vẫn diễn biến khó lường. Các quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á nói riêng chậm trong phòng chống đại dịch Covid-19. Indonesia đã công bố số ca mắc Covid-19 mới cao kỷ lục trong những ngày gần đây.

Vàng tăng giá trong bối cảnh hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên đầu tháng mới.

Giữa lúc kinh tế toàn cầu tiếp tục ghi nhận dấu hiệu phục hồi, ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự lan rộng của biến thể Delta có thể cản trở quá trình này. Giới đầu tư bắt đầu tính đến rủi ro ngày càng lớn: Đại dịch Covid-19 sẽ còn hoành hành trên thế giới.

Sức cầu vàng tăng trở lại sau khi vàng thế giới chứng kiến tháng tồi tệ nhất trong hơn 4 năm. Giới đầu tư cảnh giác trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chương trình mua tài sản.

Nhiều dự báo cho rằng, đồng USD sẽ tăng theo những tín hiệu “diều hâu” của Fed và chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 còn tạo ra các mức cao kỷ lục mới. Giới đầu tư hiện chờ đợi báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 2/7, dự kiến cho thấy mức tăng 690.000 việc làm trong tháng 6.

Ngành chứng khoán trở lại thời “Hoàng kim”

Ngành chứng khoán một lần nữa trở lại thời Hoàng kim như đã từng diễn ra vào giai đoạn 2005-2007 với nhiều điểm nhấn về thanh khoản, điểm số, và đặc biệt là lượng nhà đầu tư tham gia. Và có vẻ như "bữa tiệc" chứng khoán vẫn chỉ mới bắt đầu!

Trong kỳ họp chính sách tháng 6 vừa qua, Fed vẫn giữ khoảng mục tiêu cho lãi suất chính sách tham chiếu ở mức từ 0 đến 0,25% kể từ tháng 3/2020 đến nay và duy trì nhịp độ mua trái phiếu hàng tháng cho đến cuối năm 2021.

Về dự phóng cho các chỉ số kinh tế vĩ mô, Fed đồng loạt điều chỉnh tăng các dự báo lạm phát từ năm nay đến 2023 nhưng cũng nhấn mạnh lạm phát tăng chỉ mang tính tạm thời. Trong khi các nhà giao dịch nói về việc Fed giảm mua trái phiếu, thì ngân hàng trung ương đã thực sự tăng cường mua tài sản trong tuần qua lên nhiều nhất trong ba tháng. Bảng cân đối kế toán của Fed lần đầu tiên vượt mốc 8 nghìn tỷ USD, hiện bằng 37% GDP của Mỹ (+9,5%) so với hồi đầu năm nay.

Những thông tin kể trên trở thành yếu tố nâng đỡ thanh khoản của TTCK toàn cầu trong ngắn hạn và việc chỉ số S&P 500 tiếp tục phục hồi và vượt đỉnh cao lịch sử là một minh chứng rõ ràng.

Cùng chung bối cảnh với thị trường chứng khoán quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới kể từ đầu năm với thanh khoản tăng bùng nổ. Mỗi lần các chỉ số chứng khoán vượt đỉnh thì thị trường lại tạo lập một đỉnh cao nữa.

Theo thống kê, TTCK Việt Nam ghi nhận rất nhiều kỷ lục mới và những phiên giao dịch tỷ USD đã trở thành quen thuộc với nhà đầu tư. Thanh khoản bình quân trên 3 sàn đã tăng từ mức 16.700 tỷ đồng/phiên trong tháng 2 lên hơn 32.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 6.

Không những thế, số lượng tài khoản mở mới chứng khoán ngày càng tăng, lũy kế 5 tháng đầu năm vượt 20% số lượng mở mới cả năm 2020 nâng tổng số tài khoản trên thị trường Việt Nam lên hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số.

Chính sự hậu thuẫn lớn của những "kỷ lục", TTCK Việt Nam đang có nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán, vì thế, cũng đã tăng rất mạnh mẽ phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư đối với nhóm ngành này. Từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã tăng bình quân 55% trong đó rất nhiều cổ phiếu tăng mạnh như MBS (+114%), VND (+102%), SSI (+45,6%), HCM (+35%),…để đón đầu "quả ngọt" lợi nhuận "khủng".

Dù đã và đang đạt được những thành tựu kỷ lục nhưng theo các chuyên gia, mọi thứ chỉ mới bắt đầu! Với sự hậu thuẫn vững chắc về cả thanh khoản lẫn số tài khoản mở mới, các công ty chứng khoán vẫn đang cấp tập nắm bắt "vận hội mới".

Theo thông tin chúng tôi tổng hợp được, để tận dụng cơ hội sau 15 năm mới xuất hiện trở lại này, hàng loạt công ty chứng khoán đã lên kế hoạch tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, công nghệ, củng cố năng lực cung ứng margin…để giảm thiểu rủi ro cho các thành viên tham gia thị trường nói riêng và toàn hệ thống tài chính nói chung.

Cụ thể, CTCP Chứng khoán MB (mã MBS) dự kiến phát hành hơn 103,2 triệu cổ phiếu mới nhằm tăng vốn lên 2.676 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) dự kiến phát hành 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 2.135 tỉ đồng; CTCK VNDirect (VND) phát hành hơn 220 triệu cổ phiếu mới nhằm tăng vốn lên gấp đôi lên gần 4.400 tỉ đồng; CTCK Bản Việt (VCI) cũng thông qua kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi lên 3.330 tỉ đồng…


Bảng: Tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của các công ty chứng khoán Q1/2021 so với cùng kỳ

Những ngày cuối tháng 6 này, nhà đầu tư lại tiếp tục rót tiền mua cổ phiếu chứng khoán và ngóng chờ báo cáo kết quả kinh doanh. Theo ước tính của nhiều chuyên gia, với đà tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán quý 2, lợi nhuận của các công ty chứng khoán tiếp tục đột biến hơn nữa sau khi đã thiết lập đỉnh lịch sử vào quý 1.

Yêu cầu ngân hàng, ví điện tử chặn giao dịch chuyển tiền liên quan cờ bạc, cá độ bóng đá

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phải tăng cường biện pháp, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lợi dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt trong thời gian diễn ra các giải bóng đá lớn, như EURO 2020, COPA America 2021 và vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á có đội tuyển Việt Nam tham gia. 

Các giao dịch chuyển tiền liên quan cờ bạc, cá độ bóng đá qua ngân hàng, ví điện tử sẽ bị kiểm soát chặt

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (trong đó có các ngân hàng thương mại) tăng cường biện pháp quản lý chặt chẽ việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán; có biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện các trường hợp mạo danh, sử dụng giấy tờ giả khi mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng; cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán; mua, bán, thuê, cho thuê thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ…

Các ngân hàng phải rà soát tiêu chí giám sát, hạn mức giao dịch…, bảo đảm phù hợp với phân nhóm, phân loại tài khoản; phân nhóm, phân loại khách hàng, đơn vị chấp nhận thanh toán và phù hợp với quy mô hoạt động, ngành nghề lĩnh vực thanh toán.

"Tăng cường biện pháp giám sát giao dịch; giám sát chặt chẽ các tài khoản có số lượng và doanh số giao dịch lớn, đặc biệt là các giao dịch trực tuyến để phát hiện giao dịch đáng ngờ, bất thường và có biện pháp lý xử kịp thời. Tăng cường kiểm soát các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài nhằm ngăn ngừa sử dụng dịch vụ thanh toán cho các giao dịch chuyển tiền liên quan đến hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá và mục đích bất hợp pháp khác" – văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng cần có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lợi dụng dịch vụ thanh toán để trung chuyển tiền đánh bạc, nạp tiền, thanh toán cho trò chơi điện tử bị cấm…

Ngoài ra, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng cần tăng cường biện pháp giám sát giao dịch ví điện tử; giám sát chặt chẽ tài khoản ví điện tử có số lượng và doanh số giao dịch lớn, đặc biệt giao dịch trực tuyến nhằm phát hiện giao dịch đáng ngờ, bất thường; ngăn ngừa sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện giao dịch chuyển tiền liên quan đến cờ bạc, cá độ bóng đá và các mục đích bất hợp pháp.

Các ngân hàng thương mại, ví điện tử phải kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong ngăn ngừa, phát hiện phòng chống tội phạm theo quy định của pháp luật.

Hai mảng sáng tối bức tranh bất động sản nửa cuối năm

Thị trường địa ốc nửa cuối năm có dự báo trái chiều ở từng phân khúc, song nhu cầu nhà ở vẫn cao là điểm lạc quan xuyên suốt.

Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho biết, trong 6 tháng cuối năm, những tác động của Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, các phân khúc bất động sản và dự án.

Trong đó, bất động sản công nghiệp sẽ giữ vị thế một trong những phân khúc có triển vọng phát triển tốt nhất. Đà tăng trưởng của địa ốc công nghiệp vẫn hưởng lợi từ các thương vụ mua bán và sáp nhập. Bên cạnh đó, thị trường được kỳ vọng tiếp tục đón nhiều nhu cầu mới, đặc biệt tại các khu vực kinh tế triển vọng.

Đánh giá riêng về phân khúc này, theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội sẽ phần nào ngăn cản những người thuê tiềm năng đến Việt Nam để đàm phán. Phía khách thuê sẽ có quan điểm thận trọng về việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, đơn vị này vẫn đánh giá triển vọng tích cực đối với mảng khu công nghiệp do Việt Nam là nước hưởng lợi chính từ sự chuyển dịch cơ cấu của các hoạt động sản xuất toàn cầu vốn thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại Trung Quốc - Mỹ và xu hướng đa dạng hóa cơ sở sản xuất.

Với bất động sản nhà ở, nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường có đánh giá lạc quan hơn, song cũng cho thấy những mảnh ghép trái chiều giữa các loại hình sản phẩm. Trong đó, Savills cho rằng, tâm điểm trong nửa cuối năm sẽ là bất động sản hàng hiệu (branded besidences), đặc biệt khi Việt Nam thuộc nhóm các thị trường tăng trưởng tốt trên thế giới ở dòng này. Dự kiến, thị trường Hà Nội và TP HCM sẽ còn đón thêm các dự án này.

Còn dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn cho thấy có sự phân hóa ở phân khúc này khi mức độ quan tâm của thị trường trái chiều giữa đất nền và căn hộ chung cư. Kể từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm đến đất nền giảm mạnh, nhất là các tỉnh, thành như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam. Trong khi đó, căn hộ chung cư là loại hình ghi nhận nhu cầu tìm mua gia tăng ở cả thị trường Hà Nội và TP HCM, với mức tăng lần lượt là 12% và 8% trong tháng 5 so với tháng trước. Nhu cầu chia đều cho các dòng sản phẩm ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân.

Tuy nhiên, DKRA Việt Nam lại có điểm nhìn kém tính cực ở phân khúc này. Trong bản tin thị trường mới nhất, đơn vị này cho rằng, dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối tháng 5 gây tâm lý quan ngại đối với người mua cũng như làm trì hoãn kế hoạch ra hàng của các chủ đầu tư tại TP HCM và vùng phụ cận. Đơn vị này dự đoán nguồn cung mới có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp hoặc giảm nhẹ do tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội.

Riêng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, về mặt thanh khoản, các đơn vị nghiên cứu chưa đưa ra những nhận định xán lạn hơn, song cũng chỉ ra những bước đi chắc chắn hơn trong thời gian tới. Savills Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ ghi nhận những tín hiệu khả quan nhất định trong nửa cuối năm nay khi các chủ đầu tư đã lựa chọn cẩn thận hơn các nhà điều hành uy tín cho các dự án nghỉ dưỡng cao cấp hơn là chỉ đầu cơ cho các dự án căn hộ khách sạn (condotel) như giai đoạn trước. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận điểm sáng đến từ phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô, xuất phát từ làn sóng "bỏ phố về quê" khi dịch bệnh xuất hiện.

Hàng không thấp thỏm chờ phục hồi vào cuối năm 2021

Đại dịch Covid-19 đã mang đến một giai đoạn đầy biến động đối với ngành Hàng không thế giới. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 30 hãng hàng không nước ngoài từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Pháp khai thác các chuyến bay chở hàng hóa, nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động tay nghề cao, sinh viên nước ngoài... đi/đến Việt Nam.

Đối với các hãng hàng không Việt Nam, trong điều kiện các đường bay quốc tế chở khách chưa thể khai thác trở lại, các hãng hàng không Việt Nam đã dùng phần lớn nguồn lực đội tàu bay vào khai thác trên các đường bay nội địa với năng lực tăng vọt cả về tần suất và số lượng đường bay. Theo đó, số lượng đường bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam có thời điểm đã đạt 62 đường bay, tăng 10 đường so với năm 2019.

Với việc đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, trong 6 tháng đầu năm 2021 có nhiều giai đoạn số lượng chuyến bay cũng như lượng khách vận chuyển trên các đường bay nội địa đã cao hơn so với cùng thời điểm năm 2019. Thậm chí, có thời điểm, các hãng Hãng hàng không gặp tình trạng không đủ slot để tăng tần suất trên nhiều đường bay nội địa dù Cục Hàng không đã chủ động chia phần slot do các hãng hàng không nước ngoài không khai thác trả lại theo quy định.

Tuy nhiên, với 2 đợt dịch bùng phát mạnh vào đúng thời điểm bắt đầu giai đoạn cao điểm nội địa là Tết Nguyên đán và nghỉ Hè (từ 30/4), đặc biệt từ ngày 31/5/2021 khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15, hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không đã sụt giảm nghiêm trọng với sản lượng hàng ngày sụt giảm chỉ còn 20 - 30% so với giai đoạn tháng 3 - 4/2021, thậm chí, các ngày của 2 tuần đầu tháng 6 chỉ tương ứng 5 - 10% lượng vận chuyển trung bình tháng 4/2021.

Với tình hình biến động liên tục như thời gian qua, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 26,8 triệu lượt hành khách, giảm 19,4% so cùng kỳ 2020 (145 nghìn khách quốc tế giảm 97,9% và 26,7 triệu khách nội địa tăng 1,4%) và 668 nghìn tấn hàng hóa, tăng 12,7% so cùng kỳ 2020 (490 nghìn tấn hàng hóa quốc tế, tăng 18,1% và 179 nghìn tấn hàng hóa nội địa, tăng 0,3%).

Về hạ tầng cảng hàng không, trong nửa đầu năm 2021, ngành hàng không đã hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án cải tạo đường cất hạ cánh tại cả 2 Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Hiện tại, giai đoạn 2 dự án cải tạo đường cất hạ cánh 1B Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài cũng đang được gấp rút thi công và dự kiến sẽ hoàn thành đúng kế hoạch trong tháng 7/2021, được kỳ vọng sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu khai thác trở lại của các hãng hàng không sau đợt bùng phát dịch Covid lần thứ 4.

Bên cạnh vấn đề hạn chế khai thác do sửa chữa đường cất hạ cánh, trong các ngày đầu tháng 5 khi dịch bùng phát khiến hoạt động bay bị ngừng trệ, tàu bay của nhiều hãng hàng không đậu lại qua đêm không theo phân bổ gây tình trạng quá tải vị trí đỗ tàu bay tại một số Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Theo đánh giá, dự báo tình hình năm 2021 sẽ cải thiện so với năm 2020, đặc biệt vào nửa cuối năm 2021 khi việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt là tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu sẽ đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý III, đầu quý IV/2021.

Cục Hàng không dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý III/2021 với sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam năm 2021 ước đạt trên 70 triệu hành khách khách.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14

MIK GROUP khởi công giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City

Sáng ngày 22/4, MIK Group đã chính thức khởi công phân khu The Sola Park thuộc giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City (Tây Mỗ, Hà Nội). Với thành công được minh chứng từ giai đoạn 1, cái tên Imperia Smart City dự đoán sẽ tiếp tục làm sôi động thị trường BĐS nhà ở khu vực phía Tây.
2024-04-23 10:49:47

Chuyện về con tàu Đại Lãnh trong trận chiến Gạc Ma 1988

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí mới đây, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVTND kể, năm 1999, khi ông đang là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, miền Trung có lũ lụt cực lớn.
2024-04-23 10:37:37

Phú Yên: Cần sớm giải quyết nguyện vọng chính đáng của các nhà đầu tư

Vừa qua, Tạp chí điện tử Hòa Nhập nhận được đơn thư của ông Phạm Văn Đạo (sống tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) phản ánh về việc: Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định thu hồi đất khi doanh nghiệp đang thực hiện dự án Khu đô thị du lịch năng lượng xanh.
2024-04-23 10:00:31

Quý I có 66 vụ cháy, Nghệ An chỉ đạo phòng chống cháy nổ mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng đang tới gần, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Do đó, tỉnh Nghệ An đặc biệt chú trọng tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.
2024-04-23 08:15:00
Đang tải...