Thông tin kinh tế, tài chính ngày 6/7/2021: Các ngân hàng chạy đua mở ví điện tử
Giá vàng hôm nay 6/7: Đà tăng tiếp diễn, hướng tới đỉnh cao
Giá vàng trong nước
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 5/7 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội tăng mạnh giá vàng 9999 ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 5/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 56,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,30 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,37 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,15 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,38 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng thế giới
Đêm 5/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.791 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.791 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 5/7 thấp hơn khoảng 5,5% (104 USD/ounce) so với cuối năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 50,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 6,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 5/7.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng lên đỉnh cao 2 tuần trong bối cảnh sức cầu đối với mặt hàng này tăng mạnh.
Theo Kitco, giới đầu tư bớt lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sớm hơn dự kiến sau một loạt dữ liệu về việc làm ở Mỹ. Nỗi lo về chủng virus Covid mới cũng khiến vàng tăng giá.
Gần đây, một loạt ngân hàng trung ương các nước từ Searbia cho tới Thái Lan công bố kế hoạch mua vàng giữ lúc nỗi lo về lạm phát tăng cao.
Ngân hàng trung ương Ghana cũng có động thái tương tự.
Thái Lan đã mua thêm 46,7 tấn vàng trong tháng 5. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng lượng vàng dữ trữ thêm 8,6 tấn. Brazil mua thêm 11,9 tấn trong tháng 5. Kazakhstan 5,3 tấn, Phần Lan 1,9 tấn và Ấn Độ 0,9 tấn.
Theo Hội đồng vàng thế giới, ngân hàng trung ương các nước đã mua ròng vàng trong 3 tháng liên tiếp.
Vàng tăng còn trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đón nhận nhiều thông tin xấu. Theo số liệu mới nhất của Trung Quốc được công bố đà tăng trưởng của khu vực công nghiệp đã chậm lại trong tháng 6, do nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc yếu đi trong khi các nút thắt cổ chai trên chuỗi cung ứng khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng không nhỏ. Chỉ số PMI sản xuất giảm nhẹ từ mức 51 điểm trong tháng 5 xuống còn 50,9 điểm trong tháng 6. Đây là mức thấp nhất trong 4 tháng qua.
Dự báo giá vàng
Một số dự báo cho rằng, vàng đang nối tiếp đà tăng giá trong tuần trước và nhiều khả n ăng sẽ cán mức 1.800 USD/ounce trong tuần mới.
Thị trường lao động Mỹ có thêm 850.000 việc làm mới nhưng tỷ lệ thất nghiệp lên tới 5,9%. Điều này có nghĩa là không có động lực cụ thể nào để Fed sớm thắt chặt chính sách tiền tệ và tốt cho vàng.
Nhiều tổ chức dự báo, vàng có thể lên ngưỡng 1.900 USD/ounce trong 6 tháng tới.
Giới đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng Sáu của Fed dự kiến công bố vào ngày 7/7. Biên bản này có thể sẽ làm sáng tỏ hơn quan điểm của các nhà hoạch định chính sách về lạm phát và chính sách tiền tệ.
Chứng khoán hôm nay (6/7): Vẫn lạc quan dù chỉ số có giảm
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định VN-Index ngày 6-7 sẽ vận động trong vùng 1.400-1.450 điểm. Việc VN-Index điều chỉnh mạnh trong phiên đầu tuần cũng không quá khó hiểu khi thị trường đã tăng khá nhiều phiên.
Đặc biệt, dòng tiền bắt đáy đã diễn ra khi VN-Index giảm dưới 1.400 điểm cho thấy đây là ngưỡng tích cực khiến thị trường hồi lại vào cuối phiên dù có lúc chỉ số giảm sâu trên 20 điểm.
Dự báo phiên giao dịch tiếp theo, BSC nhấn mạnh nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu trong tuần trước nên hạn chế mua đuổi ở thời điểm hiện tại và chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại. Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn cũng nên hạn chế mua thêm và nên tận dụng những nhịp tăng điểm trong tuần này để chốt lời các cổ phiếu đã đạt mục tiêu.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) không khuyến khích nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn trong những phiên tới. SHS cho rằng thị trường đang ở khá gần ngưỡng kháng cự mạnh nên những giao dịch ngắn hạn tại vùng giá hiện tại tiếp tục không được khuyến khích.
Chú trọng vào triển vọng thanh khoản có thể bùng nổ, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng phiên này, hệ thống mới đi vào hoạt động cũng giúp lực cầu bắt đáy kéo chỉ số lên mạnh mẽ trong phiên chiều bất chấp áp lực bán ròng của khối ngoại trở lại.
Về kỹ thuật, phiên giảm này không làm ảnh hưởng xu hướng tăng điểm của thị trường. VN-Index hiện nằm khá xa trên ngưỡng trung bình 200 ngày, thị trường đơn thuần điều chỉnh kỹ thuật khi VN-Index gặp ngưỡng kháng cự ở 1.420 điểm.
Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch mới của sàn HOSE chính thức được vận hành, qua đó đã kiểm định sức mạnh của dòng tiền, triển vọng tăng cùng thanh khoản bùng nổ là hoàn toàn có thể.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5-7, VN-Index giảm 9,14 điểm xuống còn 1.411,13 điểm. HNX-Index cũng giảm 0,25 điểm xuống 327,76 điểm. UPCoM-Index giảm 0,17 điểm, xuống 90,47 điểm.
Các nhà đầu tư đã có phiên thấy chỉ số đảo chiều liên tục, có lúc VN-Index mất trên 20 điểm. Tuy nhiên, sau đó lực cầu bắt đáy đã đẩy chỉ số giảm ít lại, thanh khoản từ đó gia tăng, với tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 25.938 tỉ đồng.
Giao dịch khối ngoại diễn ra không mấy tích cực khi họ quay trở lại bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 75 tỉ đồng.
Ngân hàng với “cuộc đua” ví điện tử
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong những tháng đầu năm 2021 có hơn 200 triệu giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử, với giá trị khoảng 77,7 nghìn tỷ đồng. Sự thuận tiện của ví điện tử trong thanh toán là lý do để nhiều ngân hàng nhảy vào mảng dịch vụ này. Vụ trưởng Vụ Thanh toán,
Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đánh giá, một trong những dấu ấn đặc biệt nhất trên thị trường thanh toán 5 năm qua là sự nổi lên của ví điện tử. “Dù giá trị giao dịch chưa bằng ngân hàng, song số giao dịch qua ví điện tử đã gần tương đương giao dịch ngân hàng”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Cũng theo thống kê, số lượng người sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh trong mấy năm gần đây, nhất là từ khi xảy ra dịch Covid-19. Cụ thể, hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất 1 ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đặc biệt, 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất 1 lần/tuần.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, ví điện tử đang hoạt động theo cơ chế người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản thanh toán, nên không bị khống chế hạn mức thanh toán. Vì vậy, các đơn vị vận hành ví điện tử tăng cường liên kết với các ngân hàng để mở rộng phạm vi chuyển tiền thanh toán cho người dùng. Ngược lại, các ngân hàng cũng có lợi thế mở rộng khách hàng và tận dụng được một hệ sinh thái thanh toán sẵn có kết nối với các sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi…, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thanh toán không tiếp xúc lên ngôi.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AppotaPay (đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử) Đào Tuấn Anh cho biết, chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2021, AppotaPay đã liên kết với một số ngân hàng thương mại cổ phần như: Nam Á (Nam A Bank), Phương Đông (OCB)… để phát triển ví điện tử. Tương tự, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, như: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công thương Việt Nam (VietinBank), Hàng hải (MSB)… đã liên kết với ví điện tử AirPay để phát triển dịch vụ.
Dự báo về triển vọng của ví điện tử, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AppotaPay Đào Tuấn Anh cho rằng, thị trường ví điện tử trong thời gian tới sẽ là cuộc cạnh tranh thông qua các tiện ích và trải nghiệm thanh toán. Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng khẳng định, các mô hình kinh doanh không tiền mặt từ các tổ chức trung gian thanh toán đang và sẽ tiếp tục là điểm sáng với sự bùng nổ về tính năng, công nghệ và trải nghiệm người dùng. Các hình thức này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
“Thị trường thanh toán điện tử trở nên sôi động hơn với sự tham gia của các tổ chức phi tài chính. Các công ty công nghệ tài chính (fintech) được dự đoán sẽ ngày càng phát triển. Thu hút vốn đầu tư fintech của Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (98% thuộc về lĩnh vực thanh toán). Những đối thủ mới này là động lực thúc đẩy các ngân hàng, đồng thời tạo nhiều cơ hội hợp tác để mở rộng quy mô và độ phủ của ngân hàng”, ông Nguyễn Hưng nói.
Còn theo đại diện của BIDV, sự hợp tác giữa ngân hàng và fintech ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Bởi, fintech phân loại các sản phẩm ngân hàng truyền thống, cung cấp các tùy chọn có chi phí thấp hơn với trải nghiệm người dùng tốt hơn, thu hút khách hàng thông qua các kênh số hóa được cung cấp cho việc tiếp nhận ban đầu, nhanh chóng, không cần giấy tờ.
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, trong đó, tập trung triển khai quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và tham mưu xây dựng quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Riêng với ví điện tử, người sử dụng sẽ có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ hiện đại nhất. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta.
Ảm đạm thị trường bất động sản Đà Nẵng
Thị trường bất động sản Đà Nẵng gần đây ảm đạm nhưng giá vẫn giữ nguyên hoặc chỉ giảm nhẹ so với đầu năm
Tại các khu đô thị ở Đà Nẵng như Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Liên (huyện Hòa Vang), Phước Lý (quận Liên Chiểu), hầu hết các ki-ốt giao dịch bất động sản đều đóng cửa. Giao dịch mua bán đất nền ở các khu đô thị này gần như đóng băng kể từ khi dịch Covid-19 quay trở lại. Chia sẻ với báo Người Lao Động Chị Lưu Thị Ngọc, nhân viên môi giới bất động sản ở quận Liên Chiểu, cho hay thời gian gần đây, giao dịch mua bán đất nền có phát sinh nhưng rất ít. Khách hỏi mua đất phần lớn là những người có nhu cầu thật sự, còn giới đầu tư thì gần như không mặn mà.
Theo lời chị Ngọc, dù giao dịch ít nhưng giá bất động sản nhiều nơi vẫn giữ nguyên sau đợt tăng giá đầu năm 2021 hoặc chỉ giảm nhẹ tùy vào nhu cầu bán của chủ đất. Giá đất ở các khu đô thị như nói trên vẫn dao động từ 1,7 - 3 tỉ đồng/nền tùy vào diện tích, loại đường… "Có lô chỉ giảm vài chục đến 100 triệu đồng khi chủ cần tiền, muốn bán nhanh. Còn lại phần lớn là giữ nguyên giá" - chị Ngọc cho hay.
Các ki-ốt bất động sản được thu dọn, chỉ còn trơ bảng hiệu ở khu đô thị Phước Lý - Đà Nẵng
Một nhân viên môi giới ở quận Cẩm Lệ cho rằng việc giá đất neo cao, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư không dám "xuống tiền". "Trước đó chỉ cần trên dưới 1 tỉ đồng là nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể "lướt sóng" để kiếm lời nhưng tình hình hiện tại, cần tới vài tỉ đồng mới mua được mảnh đất. Nếu bán được cũng chỉ lời được vài chục triệu đồng, thậm chí không có lãi nên chả ai dại mà đi đầu tư" - nhân viên này cho hay.
Trò chuyện cùng báo Người Lao Động, ông Hồ Quốc Hiếu, Giám đốc Công ty CP Bất động sản Nestate (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), nhận định ở giai đoạn bùng phát dịch lần này, giao dịch trên thị trường đang chững lại ở hầu hết các phân khúc từ đất nền tới căn hộ. Với phân khúc đất nền, căn hộ dự án hầu hết các công ty bất động sản không ghi nhận giao dịch trong tháng 6 vừa qua. Ông Hiếu cho hay một số giao dịch được thực hiện ở phân khúc bất động sản thứ cấp nhưng không nhiều.
Đánh giá các nguyên nhân dẫn đến việc giao dịch ảm đạm, ông Hiếu cho rằng các nhà đầu tư đang có tâm lý thận trọng và chờ đợi sau một thời gian chứng kiến bất động sản không thể tăng phi mã như các giai đoạn trước. Bên cạnh đó, vừa qua các địa phương và trung ương đã vào cuộc mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sốt đất cũng khiến thị trường chung bị ảnh hưởng. "Thời điểm hiện tại những giao dịch trên thị trường hầu hết người mua đang là người ở thực và các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm với tài chính mạnh mẽ đã lường trước được rủi ro, thận trọng hơn khi sử dụng đòn bẩy… do đó bất động sản Đà Nẵng hiện tại đang giữ giá và đi ngang chứ không có hiện tượng giảm giá sâu như trước" - ông Hiếu nhận định và cho hay đợt sốt đất gần nhất vào tháng 4 vừa rồi, đất nền ở khu vực Hòa Xuân tăng trung bình khoảng 300 triệu đồng/nền trong vòng hơn 1 tháng. Tuy nhiên, khi cơn sốt đi qua và dịch trở lại thì giá có giảm nhẹ khoảng 100 triệu đồng/nền giữ nguyên trong suốt mấy tháng qua.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở Đà Nẵng cùng nhận định thời điểm hiện tại, dòng tiền đang đổ vào chứng khoán khiến thị trường bất động sản cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng thiếu động lực tăng giá.
Các chuyên gia bất động sản ở Đà Nẵng cho rằng thị trường cần cú hích để sôi động trở lại. Trong đó, quan trọng nhất là dịch bệnh được khống chế để hoạt động của các ngành, nhất là ngành du lịch được trở lại quỹ đạo bình thường. Ông Hiếu dự báo khả năng vào cuối quý III, đầu quý IV của năm nay, dòng tiền sẽ quay trở lại bất động sản bởi thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn phân phối. "Trong thời gian tới, đương nhiên bất động sản Đà Nẵng và cả nước sẽ tăng giá. Tuy nhiên, mức tăng giá đến đâu còn phụ thuộc vào chính sách của cơ quan nhà nước nhằm điều tiết dòng tiền phục hồi nền kinh tế khi dịch bệnh qua đi" - ông Hiếu nói.
Giá cà phê hôm nay 6/7: Giá xuất khẩu đang cao nhất trong 2 năm qua, thị trường quý 3 dự kiến kém sôi động
Giá cà phê hôm nay 6/7 trong khoảng 35.000 - 35.900 đồng/kg. Trong ngày thị trường New York nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ thì sàn London quay đầu giảm, không giữ được đà tăng.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 35.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 35.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 35.800 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 35.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 35.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 35.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 35.800 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 35.700 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm trung bình 300 đồng/kg với cùng thời điểm sáng hôm qua.
Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Tuần qua, giá đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 2 năm theo xu thế của giá thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong nửa đầu năm nay ước tính giảm 12,3% so với năm trước xuống 825.000 tấn.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2021 giảm 20 USD/tấn ở mức 1.687 USD/tấn, giao tháng 11/2021 giảm 16 USD/tấn ở mức 1.683 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York vẫn giữ nguyên như cuối tuần trước, do thị trường nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ. Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 ở mức 153.05 cent/lb, giao tháng 12/2021 ở mức 155.95 cent/lb.
Giá Robusta giảm trong bối cảnh nước Anh đang có số ca lây nhiễm Covid-19 nhiều nhất kể từ tháng 1/2021. Chỉ số DXY giảm, các sàn năng lượng và kim loại kể cả vàng đều tăng, duy có cà phê giảm. Hiện tượng "vắt giá" vẫn xảy ra trên sàn London do lo ngại thiếu hàng cục bộ. Tình trạng thiếu container rỗng và giá cước vận tải tăng quá cao gây gián đoạn nguồn cung chưa biết bao giờ mới chấm dứt.
Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, trong các tháng 7 và 8 hàng năm, thị trường hàng thực giảm sôi động do các nhà kinh doanh vào kỳ nghỉ. Tháng 9 sôi động hơn vì người mua và người bán bắt đầu dò giá và chào hàng. Thị trường đang lo mùa hè này giao dịch sẽ yên ắng hơn, thậm chí tháng 9 chưa chắc sẽ sôi động nếu như người mua và người bán chưa chấp nhận giá cước tàu biển.
Giả sử như người thuê tàu (trong kinh doanh cà phê, thường là người mua trả tiền cước theo điều kiện FOB) chấp nhận giá cước cao, giá cà phê phái sinh còn có cửa tăng nhưng ngược lại giá cà phê hàng thực trên các thị trường nội địa sẽ chịu sức ép giảm giá. Điều này sẽ phản ánh trên giá xuất khẩu ngày càng bị trừ sâu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.