Thông tin phản ánh về gói thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum gây thất thoát hàng chục tỷ đồng
Theo phản ánh, Gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum có dấu hiệu dấu hiệu nâng khống giá trị cao hơn thị trường gấp nhiều lần, gây thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng, cụ thể: Gói thầu trên có giá dự toán: 25.934.000.000 đồng, giá trúng thầu: 25.813.050.000 đồng. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH MTV Sách thiết bị Trường học Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Sao Mai (Liên danh SAO MAI-TBGD HÀ NỘI) theo quyết định số 1694/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum ký ngày 18/6/2021. Liên danh này là đơn vị duy nhất tham gia dự thầu và trúng thầu. Tuy nhiên một số thiết bị, hàng hóa lại có giá cao hơn hẳn với thị trường hoặc các gói thầu tương tự khác.
Danh mục hàng hóa, giá hàng hóa đã được chấm thầu của "Gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu học sinh lớp 1 cho các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum"
So sánh với gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 của trường Tiểu học Bùi Văn Ngữ (Thành phố Hồ Chí Minh), chỉ tính riêng 5 hạng mục giá trị tương đối nhỏ (song loan, Triangle, tambourine, bảng vẽ cá nhân, giá vẽ), khi lập bảng so sánh với giá trúng thầu số tiền chênh lệch hơn 2,8 tỷ đồng. Những chủng loại hàng hóa này giá chênh lệch lên tới 300%. Việc so sánh giá với chủng loại hàng hoá giống hệt nhau về quy cách, tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật.
Với hạng mục thiết bị điện tử (tivi, máy tính xách tay, bàn phím điện tử), số tiền thất thoát ước tính khoảng 7,4 tỷ đồng. Cụ thể:
Tivi Arirang AR-6501S giá thị trường 15.800.000 đồng. Hoặc có thể so sánh với Mua sắm trang thiết bị mầm non, tiểu học và trung học sơ sở của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang (Quảng Nam), mã tivi này trúng thầu với giá 27.700.000 đồng. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum mua tới 39.800.000 đồng. Đắt gần gấp 3 lần giá thị trường. Với 249 chiếc ti vi (số thứ tự trong danh sách 18, 27) Arirang AR-6501S, ước tính nguồn ngân sách bị thiệt hại khoảng gần 6 tỷ đồng.
Máy tính xách tay Travelmate P215-53 rao bán trên mạng với giá 7 triệu đồng
Máy tính xách tay Travelmate P215-53 là thế hệ dùng chíp Core i3 11th, giá thị trường trên dưới 10 triệu đồng/bộ. Nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum mua đến 22.000.000 đồng. Với 94 bộ máy tính xách tay, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum chi khoản tiền 2.068.000.000 đồng, cao hơn thị trường khoảng 1,1 tỷ đồng.
Quyết định kết quả lựa chọn nhà thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum.
Keyboard (đàn phím điện tử) CT-X5000 xuất xứ từ Trung Quốc. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) tổ chức đấu thầu và mua với giá 12.000.000/bộ (Số TBMT 20200521918). Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum mua 16.200.000 đồng/bộ. 94 bộ đàn phím điện tử đã thất thoát nguồn vốn 394,8 triệu đồng.
Chỉ so sánh 8 loại hàng hóa thiết bị trong tổng số 27 danh mục thiết bị của Gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum làm Chủ đầu tư, số tiền chênh lệch lên đến hơn 10 tỷ đồng. Như vậy, công tác lập dự toán, xây dựng đơn giá, thẩm định nhà thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum tiềm ẩn nhiều nguy cơ và gây ra thất thoát ngân sách công với số tiền rất lớn.
Sau khi xem xét đơn thư, tài liệu căn cứ theo các quy định của Luật Báo chí số 103/2016/QH13 ngày 05/04/2016 và Nghị định số 09/2017/NĐCP ngày 09/12/2017 của Chính Phủ quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước, Tạp chí điện tử Hòa Nhập có công văn số 16/2022/CV-ĐTHN ngày 11/3/2022 gửi UBND tỉnh Kon tum, Tạp chí điện tử Hòa Nhập rất mong nhận được thông tin phản hồi từ UBND tỉnh Kon tum để Tòa soạn trả lời bạn đọc.
Tạp chí điện tử Hòa Nhập xin thông tin để bạn đọc được biết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.