Thủ tướng: Từ chủ trương đến hiện thực cần quyết tâm bền bỉ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chiều 27/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang. Ý kiến thành viên đoàn công tác cho rằng, tỉnh đã xác định đúng hướng đi của mình, đó là tập trung vào phát triển du lịch, nông nghiệp, dược liệu, kinh tế biên mậu. Tuy nhiên, khó khăn lớn đối với Hà Giang là về địa hình, hạ tầng bị chia cắt. Nếu có thể nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai tới TP. Hà Giang, cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy thì sẽ là bước đột phá đối với sự phát triển của tỉnh.
Các ý kiến nhất trí, các định hướng mà Thủ tướng gợi ý cho Hà Giang tại Hội nghị xúc tiến đầu tư sáng nay đã trúng và đúng. Điều quan trọng là làm sao tỉnh hiện thực hóa các định hướng này.
Tại cuộc làm việc, sau khi báo cáo ngắn gọn về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn, lãnh đạo Hà Giang nêu một số kiến nghị với Thủ tướng, chủ yếu liên quan đến cơ sở hạ tầng như kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đường nối Hà Giang với đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, quan tâm đầu tư Dự án cải tạo QL4C từ Thành phố Hà Giang đi huyện Mèo Vạc. Đây là dự án cấp bách, bảo đảm an toàn giao thông cho 4 huyện vùng cao núi đá; đặc biệt là góp phần phát huy giá trị của công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh….
Chia sẻ khó khăn với Hà Giang, Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng cùng với tỉnh cố gắng tìm nguồn lực để phát triển hạ tầng, vấn đề khó khăn nhất của Hà Giang.
Về đường nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai tới Hà Giang, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án đầu tư để làm sao Hà Giang có lối ra thuận lợi nhất cho phát triển.
Về dự án đường Hà Giang đi Mèo Vạc, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đối với tình hình kinh tế-xã hội của Hà Giang, Thủ tướng cho rằng tỉnh có nhiều đổi mới, sáng tạo, có chuyển biến tốt trong công việc, kể cả tầm nhìn, định hướng tương đối rõ.
Mặc dù đã giảm nhưng tỉ lệ hộ nghèo của Hà Giang còn cao, “chúng ta xoáy vào đây, tiếp tục xử lý vấn đề này”, Thủ tướng nêu rõ và mong muốn Hà Giang tiếp tục áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả trong quản lý. Tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm nổi tiếng của Hà Giang.
Tuy tỉnh đã nỗ lực giảm tỉ lệ trợ cấp từ ngân sách Trung ương nhưng mới tự cân đối được 20%. Do vậy, tỉnh cần quyết tâm giảm trợ cấp ngân sách xuống nữa. Hà Giang hoàn toàn có thể làm được điều này, Thủ tướng tin tưởng.
“Có thể nói tiềm năng thế mạnh đã tìm thấy, quyết tâm chính trị cần đặt ra, bộ máy phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ… để đạt mục tiêu mà chúng ta đưa ra”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Từ chủ trương đến hiện thực là một quyết tâm bền bỉ, liên tục, nhất là tỉnh khó khăn như chúng ta”.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cam kết, nếu Hà Giang đạt thành tích tốt, Thủ tướng sẽ lên thăm để tiếp tục giải quyết các kiến nghị của tỉnh, cùng tỉnh thúc đẩy công cuộc đổi mới ở vùng địa đầu Tổ quốc.
Trước đó, Thủ tướng đã đến thăm Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Hà Giang. Sau khi thị sát quy trình làm thủ tục xuất nhập cảnh, trao đổi với cán bộ, nhân viên cửa khẩu, Thủ tướng đánh giá cao việc đổi mới, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp. Hiện nay, thời gian thông quan đối với mỗi xe container còn khoảng 3 phút. Thủ tướng đề nghị tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi kinh tế biên mậu là một trong những lĩnh vực chủ chốt của Hà Giang.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cũng trong chuyến công tác tại Hà Giang, Thủ tướng đã đến thăm, tặng quà một số gia đình chính sách, lão thành cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Hà Giang là 1 trong 7 tỉnh “phên dậu” phía Bắc của Tổ quốc, có gần 280 km đường biên giới giáp tỉnh Vân Nam, Quảng Tây-Trung Quốc. Năm 2017, tốc độ GRDP của tỉnh ước đạt 6,9%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt 21,9 triệu đồng. Thu ngân sách đạt 1.898 tỷ đồng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm 4,2% so với năm 2016.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.