Hợp tác xã khẳng định không phải đất của mình, quận lại nói đất của hợp tác xã
Theo đơn gửi Hòa Nhập, vừa qua UBND quận Ba Đình ban hành Thông báo số 1495/TB-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện dự án Xây dựng mới Nhà văn hóa phường Vĩnh Phúc, tại ngõ 465 phố Đội Cấn.
Đơn trình bày rõ, mảnh đất này để hoang nhiều năm không ai quản lý nên vào năm 1966, một số hộ gia đình, cá nhân ra đây khai thác, trồng cây ổn định suốt thời gian dài. Quá trình canh tác được nhiều người dân ở đây thừa nhận. Đến năm 2001, các gia đình này viết giấy tặng cho 9 thương binh gồm: Ông Trần Quang Tuấn; ông Nguyễn Hùng Sơn; ông Vũ Văn Sỹ; ông Quốc Bình; ông Nguyễn Đức Chính; ông Trần Viết Hưng; ông Lê Danh Hồng; ông Nguyễn Văn Lộc; ông Đinh Ngọc Diệp; ông Phạm Huy Hoàng. Các thương binh này đã sử dụng mảnh đất để kinh doanh, làm nơi tập kết hàng hóa,...
Các thương binh cho rằng UBND quận Ba Đình và phường Vĩnh Phúc tự đưa mảnh đất vào diện quản lý của HTX
Năm 2003, nhóm thương binh này đã quyết định hợp tác với Công ty CP Thành Luân (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam) để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nhiều năm qua, các thương binh trở thành thành viên của Công ty Thành Luân, vẫn treo biển, đăng ký giao dịch và hoạt động mà không vấp phải bất kỳ ý kiến phản đối nào. Cũng theo họ, vì là cơ sở kinh doanh của thương binh được miễn thuế nên họ cứ yên tâm làm việc từ đó đến nay.
Thương binh Trần Quang Tuấn cho biết, vào năm 2001, ông cùng nhiều thương binh từ cơ sở an dưỡng trở về địa phương theo chính sách của nhà nước. Lúc này, ông và nhiều đồng đội không biết làm gì, đời sống thiếu thốn, chật vật. Nhóm 9 thương binh đã đến đây và được các hộ gia đình đang canh tác tặng lại mảnh đất. Việc tặng đất được các gia đình ký giấy viết tay.
Tuy nhiên năm 2018, UBND quận Ba Đình bỗng dưng thông báo thu hồi đất để xây dựng nhà văn hóa. Điều này khiến các thương binh rất bất ngờ và bức xúc. Trong Thông báo số 1495/TB-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng mới Nhà văn hóa phường Vĩnh Phúc, tại ngõ 465 phố Đội Cấn, UBND quận Ba Đình xác định chủ sở hữu bị thu hồi đất là Hợp tác xã Nông nghiệp Cống vị.
Nhưng các thương binh cho rằng, UBND quận Ba Đình khồng hề đưa ra được tài liệu, hồ sơ nào thể hiện thửa đất tại số 3 ngõ 465, phố Đội Cấn là của Hợp tác xã Nông nghiệp Cống vị. Không hề có giấy tờ nào cho thấy có việc quản lý của chính quyền địa phương đối với thửa đất.
Theo phản ánh, đều có nguồn gốc là khu đất ao hồ không ai quản lý, nhưng xung quanh đều đã được xây dựng nhà cửa khang trang và cấp sổ đỏ. Riêng khu đất các thương binh sử dụng thì không
UBND quận Ba Đình kết luận các hộ gia đình, cá nhân lập giấy tờ tặng đất 9 thương binh mà không xuất trình được giấy tờ chứng minh giao đất, hay quyền sử dụng đất hợp pháp là vị phạm quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013.
Tuy nhiên theo các thương binh,, UBND quận Ba Đình áp dụng sai quy định về Luật Đất đai khi lấy một quy định của Luật Đất đai năm 2013 để đánh giá tính hợp pháp của một giao dịch về quyền sử dụng đất diễn ra từ năm 2001. Trong khi đó, ‘Điều 2 Luật đất đai năm 1993; Khoản 4 Điều 50 Luật đất đai năm 2003; Điều 101 Luật đất đai năm 2013’ quy định rõ về sử dụng đất đai ở Việt Nam đó là chế độ công nhận quyền sử dụng đất cho cá hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định, lâu dài, liên tục và không có tranh chấp trước 15/10/1993.
"Câu hỏi về năng lực, trình độ áp dụng pháp luật của các cán bộ, công chức quận Ba Đình phải chăng còn hạn chế." - Đại diện của các thương binh nói.
Trao đổi với PV) Hòa Nhập, ông Đoàn Trung Chiến (Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc) nói rằng chính quyền có đầy đủ hồ sơ về thửa đất trên. UBND Thành phố bàn giao cho quận, sau đó quận bàn giao cho phường Vĩnh Phúc thực hiện dự án Xây dựng mới Nhà văn hóa”. Ông Chiến khẳng định thửa đất này là thuộc sở hữu của Hợp tác xã Nông nghiệp Cống Vị, Công ty Thành luân và 9 thương binh đang lấn chiếm đất để xây dựng trên đất nông nghiệp. Mặc dù vậy, hồ sơ mà phường đưa ra chỉ lấy cơ sở của 1 văn bản của UBND quận Ba Đình năm 2007. Văn bản này đưa thửa đất trên vào diện đất nông nghiệp và giao cho UBND phường Vĩnh Phúc quản lý. Nhưng không có tài liệu hồ sơ nào trước đó thể hiện đất này đã đưa vào chính quyền quản lý.
Bà Nguyễn Thị Hảo (Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Cống Vị - đã giải thể) cho biết, từ những năm 1960, khu vực này là ao hồ không ai quản lý, để hoang, cỏ và cây dại mọc um tùm. Nhiều người từ nơi khác đến lấn chiếm khai thác, xây dựng nhà cửa. Chính quyền ở đây đã cấp sổ đỏ cho các gia đình này. Riêng mảnh đất của nhóm thương binh sử dụng lại không được chính quyền địa phương thừa nhận.
Mặc dù UBND quận Ba Đình cứ đưa mảnh đất này vào diện sở hữu của HTX Cống Vị, nhưng trong văn bản gửi quận, bà Hảo khẳng định: HTX Cống Vị không hề quản lý khu đất này.
Thương binh Nguyễn Hồng Sơn (1 trong 9 người được tặng đất) cho biết, hiện nay 2 thương binh đã chết vì bệnh tật. 7 thương binh còn lại đều đang dựa vào khu đất này để khai thác kinh doanh. Họ đã ra đi chiến đấu mang thương tật trở về, không có tư liệu sản xuất, cậy nhờ vào sự hỗ trợ của doanh nghiệp Thành Luân trên mảnh đất này. Đất xung quanh đều đã được nhà nước công nhận còn đất của họ thì không. Điều này khiến họ không cam lòng.
Gặp PV, vợ chồng ông Trần Thượng Hồi - bà Trần Thị Thu (công dân phường Vĩnh Phúc) xác nhận ông bà chính là người cùng các hộ gia đình khai hoang khu đất trên từ những năm 1960. Đến năm 2001, họ thấy những thương binh này vất vả, không có nơi kinh doanh sản xuất nên đã viết giấy tặng đất cho họ. Vào thời điểm đó, đất ở đây chỉ là nơi canh tác trồng trọt, không có giá trị.
Như vậy vấn đề đặt ra là tại sao cùng một thửa đất, Hợp tác xã và người dân thì khẳng định không phải đất của Hợp tác xã, chính quyền thì một mực khẳng định đất của Hợp tác xã? PV Hòa Nhập đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND quận Ba Đình nhưng không nhận được phản hồi.
Đại diện của các thương binh còn cho biết hiện tại, phường Vĩnh Phúc đã có 7 nhà văn hóa và xung quanh vị trí đất dự kiến thu hồi để để xây dựng nhà văn hóa đã có đến 3 nhà văn hóa.
Hòa Nhập sẽ tiếp tục thông tin...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.