Chuyện về người thương binh nuôi 1.000 con rắn hổ mang
Ông Hà Văn Giảng sinh năm 1958 tại Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Năm 1977, khi mới ở tuổi 19, chàng trai quê Vĩnh Phúc tên Hồ Văn Giảng lên tường tòng quân, làm lính Sư đoàn 345 đi bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong trận chiến bảo vệ biên giới tại Mường Khương (Lào Cai) vào tháng 2/1979, chiến sĩ trẻ Hồ Văn Giảng bị bắn trúng vào đùi và hông. Sau 40 năm, dù chiến tranh đã qua đi nhưng mảnh đạn vẫn nằm trong người ông, chưa gắp ra được. Mỗi khi trái gió trở trời, mảnh đạn lại 'hành hạ' ông. Nhưng ông Giảng vẫn tự hào: "Nhờ có nó mà có lẽ cả đời này tôi không quên mình là người lính. Bom đạn mình còn vượt qua được thì có gì làm khó được mình."
Ông Giảng rời quân ngũ vào tháng 11/1980 và được xếp thương binh hạng 3/4. Trở về quê hương với di chứng của cuộc chiến, nhưng chàng thanh niên Hồ Văn Giảng lúc ấy đã quyết tâm phải vượt qua nỗi đau, vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo. Chỉ với mấy sào ruộng thì không thể nuôi vợ và 6 đứa con ăn học, nên ông dành nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi các cách làm kinh tế mới từ nông nghiệp, chăn nuôi.
Năm 1993, người thương bình này bắt đầu thực hiện mô hình nuôi rắn thương phẩm với giống chính là rắn hổ mang. Ông là một trong những người đầu tiên tại xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nuôi rắn thành công. Tính đến hết năm 2018, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc) đã có tới hơn 1.000 hộ dân nuôi rắn hổ mang, mỗi năm xuất khẩu khoảng 200 tấn rắn sang các nước châu Á.
Đến nay, thương binh Hà Văn Giảng nuôi gần 1.000 con rắn hổ mang tại 7 tầng bê tông trong khuôn viên 60 m2. Thị trường tiêu thụ rắn hổ mang là Trung Quốc với 2 loại sản phẩm là trứng rắn và bán sống cả con.
Ông Giảng cho biết, những năm được mùa được giá như năm 2018 ông và những người nuôi rắn có thể bán được giá 80.000 đồng/quả trứng rắn hổ mang. Rắn hổ mang sống loại từ 1,8 đến 3 kg/con cũng có giá tới 500.000 đồng/kg. Với giá bán như thế người nuôi rắn có lãi lớn.
Từ nghề nuôi rắn hổ mang, vợ chồng thương binh Hà Văn Giảng trở nên khá giả, xây dựng nhà cửa khang trang đồng thời nuôi 6 người con ăn học nên người và trở thành tấm gương “tàn nhưng không phế” cho nhiều hộ dân tại Vĩnh Sơn.
Bên cạnh bán trứng rắn giống, thương binh Hà Văn Giảng còn bao tiêu sản phẩm bằng cách gom trứng rắn và rắn hổ mang thịt của các hộ nuôi để xuất khẩu.
Để có đủ nguồn trứng rắn và rắn thương phẩm cung ứng cho khách hàng, ông Quảng đã hỗ trợ, hướng dẫn phát triển nuôi rắn sang các xã lân cận như Đại Đồng, Tân Tiến, Yên Lập và một số xã ở các huyện Lập Thạch, Sông Lô và sang cả xã Tứ Xã (Lâm Thao – Phú Thọ), tạo thành những cơ sở cung cấp trứng và rắn hổ mang thương phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
"Những người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn mong muốn tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vào đầu tư các cơ sở chế biến rắn thương phẩm trên địa bàn để sản phẩm rắn có đầu ra ổn định. Đồng thời giúp hình thành tuyến, điểm du lịch làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn thu hút du khách gần xa để vừa phát triển dịch vụ, vừa giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm từ rắn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập làng nghề", ông Giảng bày tỏ..
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.