Tin giả và trách nhiệm người làm báo
Có nhiều cách hiểu về tin giả, song bản chất của tin giả là chứa đựng những thông tin không đúng sự thật khách quan như vốn thế và đã xảy ra, hoặc chỉ có một phần sự thật, nhưng được gia giảm thêm nhiều tình tiết không đúng, sự bình luận gây cách hiểu méo mó, làm vẩn đục, nhầm lẫn và sai lệch về sự việc, con người, hoạt động được đưa tin.
Vấn nạn mang tính toàn cầu
Tin giả (fake news) là vấn nạn ngày càng trở nên phức tạp, nguy hiểm trong truyền thông ở mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu. Tin giả ngày càng phổ biến trên thế giới, tới mức, theo kết quả khảo sát năm 2018 của Viện thăm dò dư luận (Gallup) và Quỹ Hiệp sĩ (Knight Foundation) tại Mỹ, khoảng 65% người dân đánh giá thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội mà họ tiếp xúc là thông tin sai lệch…
Tin giả có thể xuất phát từ sự vô ý, tùy tiện, thiếu trách nhiệm hoặc chủ ý của người tạo ra và đưa tin, nhằm phá hoại và trục lợi về kinh tế, làm giảm uy tín, hiệu quả hoạt động của cơ quan, hệ thống thể chế quốc gia và cá nhân; đầu độc dư luận và sự phát triển lành mạnh, dân chủ của xã hội. Thậm chí, nhiều chiến dịch tung tin giả được hoạch định và triển khai bài bản, chuyên nghiệp, công phu, tinh vi và tốn kém nhằm trực tiếp và gián tiếp can thiệp định hướng dư luận có mục tiêu vào đời sống chính trị-xã hội,can thiệp vào kết quả bầu cử tổng thống của cả các nước kém phát triển, cũng như nước phát triển nhất trên thế giới,…
Sự phổ cập và phát triển nhanh chóng của Internet và các mạng xã hội với hàng tỷ người dùng thường xuyên, như Facebook và Twitter v.v… đã góp phần làm trầm trọng thêm các hậu quả đa dạng gây ra bởi các tin giả. Bởi không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu. Đó là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Trong thời gian tới, khi công nghệ cao, kể cả sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), được lợi dụng nhiều hơn nữa trong quá trình sản xuất tin giả, thì khối lượng tin giả sẽ còn tăng với tốc độ khủng khiếp hơn nhiều, lan tràn khắp nơi và đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống; ảnh hưởng đến từng cá nhân, từng doanh nghiệp, từng cơ quan tổ chức; có thể gây tác động tiêu cực đến cả xã hội, đến nền kinh tế và thậm chí đối với cả thể chế... Tin giả và đối phó tin giả giống như trò đuổi bắt vô định mà mỗi bên đều cố gắng sử dụng những công cụ tinh vi nhất; kết quả là người đuổi càng nhanh thì người chạy còn nhanh hơn.
Cuộc chiến với tin giả đòi hỏi, một mặt, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý và sự hợp tác cộng đồng quốc tế chặt chẽ, hiệu lực hơn; tăng vai trò đưa tin kịp thời, chính thức và bảo đảm chất lượng thông tin của báo chí truyền thống và chính thống; bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng; mặt khác, tăng cường năng lực nhận thức phân biệt tin thật và tin giả của người dân và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhà báo, sự thận trọng và kiểm chứng trước các thông tin nhận được hoặc có ý định lan truyền; …
Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2019 đã xây dựng và triển khai Hệ thống Kế hoạch hành động chống tin tức giả (APAD) nhằm giúp các nước thành viên chia sẻ dữ liệu, phân tích các chiến dịch tuyên truyền, thúc đẩy việc kết nối, trao đổi thông tin, chủ động cảnh báo nhau trước các thông tin trực tuyến sai sự thật giữa các thành viên và nâng cao cảnh giác cho cộng đồng trong khối nhằm cùng ứng phó với tin giả. EU cũng buộc các mạng xã hội phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xác định và cam kết bảo đảm quảng bá chính trị minh bạch, chặn xóa các tài khoản giả mạo và hoạt động tung tin giả; Các nền tảng trực tuyến có trách nhiệm báo cáo hàng tháng về kết quả và nếu không tuân thủ những yêu cầu cam kết trên sẽ xử lý nghiêm cả về tài chính và hành chính.
Các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin rác, tin giả. Chẳng hạn, theo Luật Chống tin giả được ban hành ngày 2-4-2018 của Chính phủ Malaysia (một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới có loại luật này) thì tin giả là tin “sai một phần hoặc toàn bộ tin tức, thông tin, dữ liệu và báo cáo, dù dưới dạng tài liệu, hình ảnh hoặc ghi âm hay bất kỳ hình thức nào khác có khả năng gợi từ hoặc ý tưởng”. Đối tượng áp dụng của Luật này là tất cả tài khoản mạng xã hội, các blog và diễn đàn trực tuyến, các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài Malaysia có hành vi cung cấp “tin giả” liên quan đến đất nước hoặc người dân Malaysia.
Singapore cũng đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù. Người đứng đầu mạng xã hội tung tin giả cũng vậy.
Facebook, Google, Twitter, Mozilla, trước sức ép dư luận đã phải thừa nhận trách nhiệm và đưa ra các biện pháp nhằm ngặn chặn nạn tin giả trên nền tảng họ tạo dựng. Tháng 9-2018, Facebook đã thiết lập một văn phòng đặc biệt mang tên “War Room” có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ) với nhiệm vụ ngăn chặn việc sử dụng mạng xã hội để can thiệp các cuộc bầu cử sắp tới tại quốc gia này thông qua việc tung tin tức giả mạo.
Phòng chống tin giả và trách nhiệm của nhà báo ở Việt Nam
Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều smartphone và mạng xã hội vào loại cao trên thế giới, với thời gian dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5-3 tiếng một ngày và xu hướng đọc tin trên mạng xã hội ngày càng gia tăng. Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới, tội phạm phát triển nhanh, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm trên mạng. Vừa qua đã có hàng loạt tin giả được tung lên không gian mạng, gây xôn xao dư luận.
Vấn nạn tin giả đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại, len lỏi phát tán trong cộng đồng với những nội dung, quy mô và trong nhiều lĩnh vực khác nhau, gây nhiều hệ lụy tiêu cực, đe dọa sự lành mạnh thông tin và ổn định trật tự xã hội; Thậm chí, một số báo chí và nhà báo cũng vô tình hay cố ý bị mắc bẫy tin giả, sản xuất và phát tán tin giả, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, thổi phồng sự sợ hãi, gây hoang mang trong dư luận xã hội …
Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng yêu cầu các trang mạng xã hội như Facebook, Google gỡ bỏ hàng nghìn tài khoản, video clip có nội dung xấu độc, vi phạm phát luật. Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả và phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa giáo dục kỹ năng số vào trường phổ thông từ cấp học phổ thông; tăng cường kỹ năng cho người đọc tự bảo vệ mình, phân biệt được tin đúng, tin giả, tin sai sự thật, thấy thông tin không đúng thì nên thể hiện thái độ. Trong các thông tin trên mạng xã hội thì thường có phần dislike, người dùng nên thể hiện thái độ bằng việc đó.
Nhà nước cũng cần phát triển các ông nghệ xác định gốc của nguồn tin bắt đầu từ đâu, lịch sử lan truyền qua những kênh nào để yêu cầu các mạng xã hội, chủ nền tảng công nghệ như Facebook hay YouTube gỡ thông tin. Tin giả nhắm vào cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp thì mức độ ảnh hưởng nhiều và xử lý chậm hơn. Vì thế, các tổ chức hay doanh nghiệp phải có bộ phận xây dựng kịch bản phản ứng, tránh tình trạng bị động, ngăn ngừa đốm lửa bùng lên thành đám cháy...
Thông tin trên mạng xã hội đưa ra rất nhanh, báo chí khó có thể đua về tốc độ. Báo chí luôn có tính trách nhiệm, sự chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp. Mỗi nội dung thông tin được báo chí chính thống đưa ra khiến bạn đọc yên tâm, tin tưởng. Nhà báo khi sử dụng mạng xã hội, không chỉ tuân thủ nghiêm Luật Báo chí và 10 Quy định về đạo đức người làm báo, mà còn cần biết phân biệt tin thật giả nhờ năng lực kiểm chứng thông tin qua các nguồn khác nhau, cũng như khả năng đánh giá logic nội dung và “đọc vị thông điệp” mà tin giả hướng tới; không tùy tiện chia sẻ và bình luận tin tức khi chưa biết rõ nội dung đó có bị xuyên tạc hay sự thật…
Ngoài ra, cần tránh tình trạng “Nhà báo hai mặt”- viết và đăng trên báo chính thống một đằng, viết và đăng trên mạng xã hội một nẻo, tự mâu thuẩn với chính mình và gây nhiễu dư luận xã hội, trở thành người vừa sản xuất và vừa tiêu dùng tin giả…!
Tin giả...và hậu quả thật
Có thể khẳng định rằng tin giả đang thực sự là một mối đe dọa cho xã hội. Trên thế giới, tin giả tràn lan và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Chúng ta đã chứng kiến có rất nhiều nội dung vô thưởng vô phạt, thậm chí sai lệch bởi “lợi ích phi truyền thống” đã được người dùng mạng xã hội góp phần phát tán rộng rãi.
Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp và sự thiếu hiểu biết nhẹ dạ cả tin của người dân, một số đối tượng đã phát tán các thông tin thất thiệt, không được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội nhằm “câu View, câu like” và kích động tâm lý đám đôngmua sắm, tích trữ hàng hóa, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh, tạo áp lực và sự bất ổn trong xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
Hơn chục năm đã qua đi, nhưng liệu ký ức về những ngày lao đao, khốn đốn vì tin thất thiệt ăn bưởi gây ung thư (năm 2007) của người dân trồng bưởi Tiền Giang đã phai đi? Ngay sau khi nhiều tờ báo, trang mạng đưa tin ăn bưởi làm tăng nguy cơ ung thư vú; người tiêu dùng đã đồng loạt tẩy chay loại trái cây vốn được ưa chuộng này. Bưởi chín đầy vườn, chất đầy kho không có ai mua, có bán được cũng bị ép xuống giá sát đáy. Sản xuất đình trệ, cuộc sống của người nông dân khốn đốn.
Không chỉ các cá nhân, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng là đối tượng, tổ chức, mà tin giả “nhắm” tới bị bôi nhọ, tung tin giả, tin bóp méo, xuyên tạc sự thật lan truyền trên mạng xã hội.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng từng vào lùm xùm chương trình sữa học đường. Theo đó, chương trình sữa học đường tại Hà Nội Vinamilk là đơn vị trúng thầu, với tỉ lệ hỗ trợ của đơn vị trúng thầu là 23%, cao hơn so với mức mời thầu. Chương trình Vinamilk 100% Sữa tươi - Học đường” từ khi đi vào triển khai đã nhận được hiệu ứng tốt từ các em học sinh và các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, sau khi một cơ quan truyền thông đặt nghi vấn rằng sữa học đường có tới 17 vi chất thay vì chỉ có 3 vi chất được bổ sung như quy định trong mời thầu, sữa có hạn sử dụng 8 tháng thay vì 6 tháng, khiến dư luận hoang mang về chất lượng của sữa Vinamilk trong chiến dịch Sữa học đường, làm xấu đi ý nghĩa nhân văn của chương trình sữa học đường.
Trong năm 2019, trên mạng xã hội xuất hiện loạt tin đồn về nguồn nguyên liệu sản xuất và việc sản phẩm sữa của Vinamilk không phải là sữa tươi như quảng cáo hay ghi trên bao bì… Tác động của tin đồn đã khiến chỉ trong phiên giao dịch sáng 2.12.2019, cổ phiếu VNM của Vinamilk giảm 1600 đồng (1,32%) xuống còn 119.900 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hoá Vinamilk trên thị trường bị thiệt hại khoảng 2.786,7 tỷ đồng; đồng thời, gây ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến thị trường chứng khoán, bởi đây cũng là mã chứng khoán có tác động lớn lên VN-Index…
Trước lùm xùm đó, bà Mai Kiều Liên- Tổng Giám đốc Vinamilk đã có những đáp trả thẳng thắn "Ai động đến thương hiệu Vinamilk, bôi nhọ thương hiệu Việt là không thể chấp nhận được"; "Thương hiệu của chúng tôi không phải là cái bị bông để ai muốn nói gì thì nói". Đặc biệt bà nhấn mạnh: công ty luôn hành xử theo hướng công khai và công bằng. Ai cạnh tranh không công bằng, người đó sẽ lãnh hậu quả. Đây là vấn đề thuộc về pháp lý.
Bởi vậy, Vinamilk đã tiến hành khởi kiện đối với cơ quan truyền thông đó theo đúng thủ tục dân sự. Đây là cách làm văn minh trong xu thế phát triển bền vững hiện nay mà doanh nghiệp nên làm, để làm trong sạch môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời "xử lý thích đáng hành vi truyền thông sai sự thật, gây phương hại cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng như làm hoang mang trong dư luận xã hội". Và cuối cùng Vinamilk đã thắng kiện.
Như vậy, dù đối tượng tung tin giả thật sự có dụng ý xấu (nhằm vào đối tượng, sự việc cụ thể), hoặc chỉ muốn thông qua đó thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận, câu view, câu like… thì những thông tin họ đưa ra vẫn làm “méo mó” nhận thức của một bộ phận trong xã hội, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nguy hại tới một cá nhân, một bộ phận, hoặc toàn xã hội. Những hành vi đó đều phải gánh chịu trách nhiệm dân sự và thậm chí là hình sự theo Luật An ninh mạng.
Câu chuyện của Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập
Có thể nói, mọi sóng gió đến với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập (DNHN) đều bắt nguồn từ một nhóm người không đồng ý với kết quả quy hoạch báo chí của cơ quan chủ quản. Trong cuộc chơi vài người tham gia nhưng chỉ được chọn một người thì câu chuyện có kẻ khóc, người cười là điều hết sức thường tình mà những người chơi phải biết học cách chấp nhận. Nhưng những con người này vẫn sống trong hoài niệm không chấp nhận thực tế, mang trong lòng đầy trắc ẩn. Họ đã dùng những thủ đoạn rất thiếu nhân văn và kém nhân cách bằng cách tiếp cận, cấu kết với những nhân sự vì những lý do khác nhau đã ra đi khỏi DNHN, những thành phần có mâu thuẫn với DNHN để khai thác tìm kiếm thông tin, để rồi cung cấp thông tin, mượn tay người khác giải quyết mục đích thỏa mãn cơn thù hận.
Vào một thời điểm được gọi là rất quan trọng và nhạy cảm của DNHN tự dưng mọc ra một số “người hùng” fb Trung Cường,Vũ Thư, Bóc Phốt... đưa lên mạng xã hội một rừng thông tin về DNHN như đã từng ở trong ruột chui ra. Chỉ có điều toàn là thông tin bám vào một số sự việc có thật nhưng được suy diễn, bóp méo, bịa đặt, vu khống lãnh đạo và cơ quan Tạp chí đúng giọng văn được đặt hàng.
Nhà báo Phạm Văn Hà- Phó Chánh Văn phòng Tạp chí DNHN chia sẻ: Là những người làm báo, chúng tôi rất thấu hiểu tác dụng cũng như tác hại của mạng xã hội. Khi sự việc xảy ra, tập thể lãnh đạo Tạp chí đi đến thống nhất là không chọn im lặng làm giải pháp. Vì lí do khi đối phương đã quyết hại mình thì có im lặng họ cũng không để yên chưa nói đến, nếu im lặng để làm cho trật tự xã hội tốt thêm, làm bình yên cho mỗi tổ chức, mỗi con người thì đấy là giải pháp tốt. Nhưng thực tế sẽ không là như vậy, bởi im lặng đồng nghĩa với việc chấp nhận những thông tin xấu độc bịa đặt, gây phản cảm trong xa hội và bất ổn ngay chính trong tổ chức của mình. DNHN là một tập thể đoàn kết và phát triển, một môi trường hoạt động báo chí rất minh bạch. Mỗi thành viên của DNHN đều ý thức rất cao vì sự phát triển chung của tổ chức. Hơn 100 thành viên của DNHN đều vào cuộc bảo vệ cơ quan, chuẩn bị đầy đủ tài liệu chứng cứ, cung cấp cho cộng đồng mạng thông tin 2 chiều, đáp trả thẳng những nội dung vu khống bịa đặt. DNHN xác định tâm thế sẽ kiên trì theo đuổi sự kiện pháp lý này, và đối tượng nhắm tới là những kẻ đứng sau điều khiển, chỉ đơn giản một điều nhà báo, cơ quan báo chí không tự bảo vệ được cá nhân, tổ chức của mình thì không thể làm tốt vai trò, trọng trách với xã hội. Tạp chí DNHN rất cám ơn đông đảo anh em báo chí đã ủng hộ và nhìn nhận khách quan, đúng đắn sự việc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.