Tin tức kinh tế, tài chính ngày 12/7/2021: Ngân hàng không được ép khách mua bảo hiểm khi vay vốn

2021-07-12 09:01:24 0 Bình luận
Giá vàng hôm nay 12/7: Bất chấp 'gió ngược', giá vàng bật tăng mạnh từ ngưỡng 1.800 USD/ounce? Công ty chứng khoán lãi đột biến 6 tháng đầu năm. Bất động sản đang bị đẩy giá. Ngân hàng không được ép khách mua bảo hiểm!

Giá vàng hôm nay 12/7: Bất chấp 'gió ngược', giá vàng bật tăng mạnh từ ngưỡng 1.800 USD/ounce?

Mặc dù có một tâm lý tích cực mạnh mẽ trên thị trường, với 75% nhà phân tích lạc quan trong Khảo sát vàng hàng tuần của Kitco News trong tuần này, nhưng một số chuyên gia vẫn không tin, vàng đã sẵn sàng để cất cánh, ít nhất là vào lúc này.

Quan điểm có phần mềm mỏng hơn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong Biên bản chính thức của cuộc họp tháng 6 đã giúp vàng giữ vững được đà tăng. Cụ thể, Biên bản cuộc họp đã chỉ rõ rằng, Ngân hàng trung ương Mỹ đang thực hiện các bước hướng tới việc giảm bớt kế hoạch mua tài sản của mình sớm nhất là vào năm 2021.

Tuy nhiên, các quan chức của Fed cảm thấy nền kinh tế "nhìn chung chưa đạt tới" bước tiến quan trọng tiếp theo về phục hồi.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng thế giới đứng ở ngưỡng 1.807,9 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng tương đương 50,35 triệu đồng/lượng. Tính chung trong một tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 28 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC điều chỉnh giảm khoảng 30.000 - 100.000 đồng/lượng tại nhiều cửa hàng kinh doanh vào cuối phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước (ngày 9/7), tuy nhiên đã xuất hiện diễn biến trái chiều khi vẫn có các hệ thống kinh doanh lớn điều chỉnh tăng. Mức giảm nhiều nhất được ghi nhận tại được ghi nhận tại Công ty VBĐQ Sài Gòn là 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên mở cùng ngày, hiện niêm yết tại 56,80 - 57,50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại hệ thống Bảo tín Minh Châu ở Hà Nội biến động trái chiều, không thay đổi ở chiều mua vào và vẫn tăng nhẹ 10.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, niêm yết tại 56,91 - 57,29 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng điều chỉnh nhẹ, giao dịch tại 51,52 - 52,12 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,80 - 51,90 triệu đồng/lượng.

Như vậy, sau nhiều ngày giữ giá chênh lệch ở mức 600.000 đồng/lượng, các công ty vàng đã nâng mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước lên 750.000 đồng/lượng.

Thị trường vàng gặp "vận xấu" trong tháng trước khi bị "đánh sập" khá mạnh. Kim loại quý này đã chứng kiến mức giảm hàng tháng tồi tệ nhất trong gần 5 năm và tháng 6 tồi tệ nhất trong 8 năm. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra hiện nay là, khi giá vàng đã trở lại được trên ngưỡng quan trọng 1.800 USD/ounce, liệu kim loại màu vàng có đứng vững trở lại và tiếp tục cất cánh hay không?

Tuần này, mặc dù có một tâm lý tích cực mạnh mẽ trên thị trường, với 75% nhà phân tích lạc quan trong Khảo sát vàng hàng tuần của Kitco News, giá vàng vẫn chưa được tin rằng đã có thể sẵn sàng để cất cánh, ít nhất là vào lúc này.

Một số nhà phân tích cũng đang đưa ra những lo ngại về hành động giá mờ nhạt do tất cả các xu hướng đi ngược chiều trên thị trường. Tuần trước, thị trường đã chứng kiến lãi suất thực tế giảm xuống dưới -1% lần đầu tiên kể từ tháng Tư. Đồng USD dường như đang chạm ngưỡng kháng cự dưới 93 điểm.

Trong tin tức về các ngân hàng trung ương có ảnh hưởng lớn đến giá vàng, Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm thứ 5 tuần trước cho biết, họ đang nhắm mục tiêu lạm phát trung bình là 2% trong trung hạn, có nghĩa là họ sẽ để lạm phát gia tăng và nền kinh tế phát triển nóng.

Và cuối cùng, nền kinh tế thứ 2 thế giới - Trung Quốc hôm thứ 6 cũng đã cắt giảm lãi suất và giảm yêu cầu dự trữ đối với các ngân hàng, giải phóng khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ trở lại nền kinh tế.

Nói theo thuật ngữ thể thao, thị trường vàng đối mặt với "một khung thành trống rỗng" mà vẫn không thể ghi bàn.

Vì vậy, với tất cả những yếu tố đã xảy ra, giá vàng chỉ có thể lên được trên 1.800 USD/ounce. Tất nhiên vẫn có những quan điểm riêng cho rằng, giá vàng nên được giao dịch ở mức 1.880 USD/ounce, tuy nhiên, đó là những phân tích chỉ dựa vào lợi suất trái phiếu đang giao dịch.

Một số người khác phân tích rằng, mặc dù vàng hiện không phản ứng nhiều với các tin tức, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không. Các nhà phân tích tại Commerzbank cho rằng, thị trường vàng hiện là một hàm của thời gian, có nghĩa là vào một thời điểm nào đó, các nhà đầu tư sẽ không thể bỏ qua môi trường kinh tế hiện tại lâu hơn nữa.

Vì vậy, với việc một số nhà giao dịch chú ý đến các kỳ nghỉ sắp tới hơn là những con số trên màn hình của họ, có lẽ điều tốt nhất nên làm là "loại bỏ mọi ồn ào trong hôm nay hay ngày mai" và tập trung vào tiềm năng lâu dài của kim loại quý.

Công ty chứng khoán lãi đột biến 6 tháng đầu năm

Dòng tiền của các nhà đầu tư nội hối hả đổ vào thị trường chứng khoán giúp cho lợi nhuận của các công ty chứng khoán tăng đột biến.

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 6 vừa qua đã có tới 140.054 nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tài khoản.

Lũy kế sáu tháng đầu năm, nhà đầu tư nội đã mở mới 620.683 tài khoản chứng khoán, cao hơn 58% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Thậm chí, số tài khoản mở mới thời gian này còn lớn hơn tổng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 và 2019 gộp lại.

Sự nhập cuộc hồi hởi của các nhà đầu tư trong nước đã giúp cho nồi cơm của các công ty nở ra nhanh chóng. 

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố tổng doanh thu sáu tháng đầu năm 2021 ước đạt hơn 530 tỉ đồng, hoàn thành kế hoạch cả năm 2021 và tăng trưởng tới 311% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ các nghiệp vụ kinh doanh chính như môi giới, đầu tư… đều hoàn thành và vượt kế hoạch cả năm 2021.

Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 306 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ước tính đạt hơn 245 tỉ đồng, bằng 170% kế hoạch năm 2021 và bằng 18,6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà Rồng Việt đạt được kể từ khi thành lập cho đến nay.

Tương tự, Công ty chứng khoán SSI cũng khẳng định với sự bùng nổ của thị trường, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của SSI đều tăng trưởng tốt.

Kết thúc quý 2/2021, SSI trở thành công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường có vốn hóa vượt 1 tỉ USD. Quy mô vốn hóa của Chứng khoán SSI vì thế đã đạt khoảng khoảng 37.900 tỉ đồng, tương đương 1,65 tỉ USD.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 vừa diễn ra vào ngày 30-6, lãnh đạo đại diện Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco, mã chứng khoán: AGR) ước tính lãi trước thuế sáu tháng đạt khoảng 160 tỉ đồng, gấp đến hơn ba lần so với mức 53 tỉ đồng cùng kỳ năm 2020, thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm 2021. 


Số lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tài khoản chứng khoán tăng cao kỷ lục.

* Dư nợ margin tăng vọt

Trong bối cảnh thị trường tăng trưởng mạnh, đi cùng với các cơ hội, sự cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán cũng trở nên khốc liệt hơn.

Theo thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán đã liên tục tăng trong thời gian qua.

Tính tới 31-5, dư nợ cho vay margin toàn thị trường đạt 112.100 tỉ đồng, tăng 31.200 tỉ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10.700 tỉ đồng so với cuối quý 1/2021.

Thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu chạm trần cho vay tối đa hai lần trên vốn chủ sở hữu. Điều này cũng dễ lý giải trong bối cảnh thị trường đang trong giai đoạn tăng trưởng. Do đó, nhiều công ty chứng khoán đã chủ động và đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ, phát hành tăng vốn để có nguồn phục vụ nhu cầu cho vay thời gian tới.

Cụ thể, Công ty SSI đã thông qua phương án tăng vốn lên 11.000 tỉ đồng nhằm nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, đầu tư và cho vay ký quỹ, phát triển hoạt động kinh doanh.

SSI cũng đặt mục tiêu đạt 5.263 tỉ đồng doanh thu và 1.870 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị Rồng Việt đã quyết định chọn ngày 9-7-2021 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông được quyền nhận cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%.

Sau khi hoàn tất thủ tục chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của Rồng Việt sẽ tăng lên 1.051 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu ước đạt gần 1.410 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty Chứng khoán MB (mã chứng khoán: MBS) mới đây thông báo chào bán cho cổ đông hiện hữu là hơn 70,4 triệu cổ phiếu, số lượng chào bán ESOP là hơn 8,2 triệu cổ phiếu và hơn 24,6 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành để trả cổ tức.

Tổng giá trị đợt chào bán này theo đó đạt gần 1.033 tỉ đồng. Mục đích của đợt chào bán nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động đầu tư của công ty, bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh margin, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin.

Ngân hàng không được ép khách mua bảo hiểm!

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm tại đơn vị; xử lý nghiêm trường hợp ép khách hàng mua bảo hiểm các loại không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng; bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân đúng quy định.

Theo phản ánh đến báo Người Lao Động, nhiều khách hàng từng vay vốn tại các NH thương mại cho biết rất khó xử khi được cán bộ tín dụng "mời" mua bảo hiểm vì không có nhu cầu.

Anh Trần Phong (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết cách đây không lâu, vợ chồng anh cần vay mua nhà khoảng 400 triệu đồng tại một NH thương mại. Trong quá trình làm hồ sơ, cán bộ tín dụng đề nghị vợ chồng anh mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ. "Vợ tôi giải thích cả nhà đã có bảo hiểm nhân thọ nhưng vẫn bị ép mua thêm gói mới, nếu không thì hồ sơ không trôi chảy. Vợ tôi phải chọn gói bảo hiểm "bèo" nhất cho xong thủ tục" - anh kể.

Một số trường hợp phản ánh vay tín chấp ở NH thương mại 100 triệu đồng thì phải mua 2 gói bảo hiểm hết 9%, hoặc mua gói bảo hiểm nhân thọ 18 triệu đồng trong một năm để vay 800 triệu đồng từ NH thương mại. Nếu không mua thì nhân viên NH nói "đang xem hồ sơ, đang duyệt"… hoặc thủ tục vay vốn đã xong, chỉ đợi ký hợp đồng bảo hiểm mới giải ngân.

Không chỉ khách hàng cá nhân, nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay vốn ở NH thương mại cũng cho biết phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được chấm điểm tín dụng cao, nhanh được xét duyệt hồ sơ. Theo lãnh đạo một DN trong lĩnh vực y tế, tủ đựng hồ sơ vay vốn ở nhà ông chứa cả xấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vì mỗi lần nộp hồ sơ vay vốn là có thêm 1 hợp đồng bảo hiểm. "NH nói chủ trương là khuyến khích nhưng nếu không mua bảo hiểm thì hồ sơ dễ bị gạt qua một bên. Do DN đã có mối quan hệ ở một NH, ngại chuyển sang nơi khác nên miễn cưỡng mua" - vị lãnh đạo DN này kể.

Nhiều nhân viên tín dụng tại một số NH thừa nhận cũng đau đầu vì chỉ tiêu bán bảo hiểm. Theo quy định, quyền quyết định thuộc về khách hàng nhưng nếu không đủ chỉ tiêu thì nhân viên có thể bị hạ lương, không được tiền thưởng cuối năm…


Phần lớn khách hàng phải miễn cưỡng mua bảo hiểm nhân thọ để được vay vốn ngân hàng

Bảo hiểm nhân thọ là một trong những sản phẩm bán chéo của NH với các công ty bảo hiểm. Lãnh đạo một số NH thương mại khẳng định NH chỉ khuyến khích, không có quy định ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm mới được giải ngân. Dù vậy, thực tế một vài NH cổ phần đưa chỉ tiêu bán bảo hiểm đến từng chi nhánh, phòng giao dịch và nhân viên, nếu không hoàn thành sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng thi đua cuối năm, lương thưởng…

Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh phân tích nhu cầu vay vốn của khách hàng vẫn cao trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng có hạn. Do đó, một số NH đã đưa thêm tiêu chí khách có mua bảo hiểm vào chấm điểm tín dụng. Việc nhiều NH ký hợp đồng phân phối bảo hiểm trị giá cả ngàn tỉ đồng với các công ty bảo hiểm cũng góp phần tạo sức ép lên chỉ tiêu cho chi nhánh, phòng giao dịch, nhân viên… Khách hàng mua bảo hiểm sẽ giúp giảm rủi ro nợ xấu cho NH trong trường hợp người vay gặp sự cố bất khả kháng, không trả được nợ. Nếu đã có nhiều hợp đồng bảo hiểm, khi vay vốn vẫn được mời mua thêm, khách hàng không hiểu về hợp đồng bảo hiểm đã mua… có thể xem như bị ép.

TS Huỳnh Trung Minh cho rằng nhân viên NH thương mại cần tư vấn đầy đủ để khách thấy được lợi ích của bảo hiểm, thay vì chỉ chăm chăm tập trung vào việc phải bán sản phẩm khiến khách vay cảm thấy không hài lòng. Ở một số NH, khách hàng có tham gia bảo hiểm sẽ được giảm lãi suất, ưu đãi phí dịch vụ…

"Cơ chế thị trường là thuận mua vừa bán. Nếu mua bảo hiểm mà được lãi suất ưu đãi, giảm phí, khách hàng và gia đình được bảo vệ… thì cũng nên cân nhắc. NHNN cũng cần có biện pháp nhắc nhở những tổ chức tín dụng nếu thường xuyên để xảy ra tình trạng nhân viên không tư vấn đầy đủ cho khách hàng trước khi ký hợp đồng bảo hiểm và khách hàng phản ánh" - TS Huỳnh Trung Minh đề xuất.

Dưới góc nhìn khác, TS Nguyễn Quốc Anh, Khoa Ngân hàng - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng cơ quan quản lý cần chấn chỉnh tình trạng cán bộ, nhân viên NH ép khách hàng mua các loại bảo hiểm. Bởi lẽ, tình trạng này đang làm méo mó phân khúc bán bảo hiểm qua NH, gây mất thiện cảm với khách hàng. Theo TS Nguyễn Quốc Anh, nếu mua bảo hiểm được tăng điểm xếp hạng tín dụng trong xét duyệt cho vay thì có thể góp phần tạo mầm mống dẫn đến chất lượng tín dụng chưa tốt, chẳng hạn hồ sơ của khách hàng về tín dụng không đạt nhưng nhờ mua thêm bảo hiểm nên được vay vốn.

"Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tốt nhưng nếu ép khách mua để đủ chỉ tiêu sẽ khiến phân khúc này méo mó. Khách hàng ở vào thế khó. Việc chấn chỉnh là cần thiết, bộ phận quản lý của các NH cần xây dựng định hướng, phát triển cho hệ thống mình có cái nhìn đúng về bán chéo sản phẩm bảo hiểm" - TS Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh. 

Bất động sản đang bị đẩy giá

Số lượng giao dịch giảm nhưng tổng tiền đổ vào thị trường tăng khiến ông Nguyễn Văn Đính cho rằng bất động sản đang có hiện tượng bị đẩy giá.

Nhận định này được ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam đưa ra khi đánh giá thị trường 6 tháng đầu năm 2021.

Theo ông, từ đầu quý II, Việt Nam đối diện với đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, là đợt nguy hiểm nhất, lây lan trên diện rộng và kéo dài, tác động rất lớn đến nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Số liệu của Hội cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, mức độ hấp thụ trên thị trường rất thấp nên dù lượng cung mới hạn chế, lượng sản phẩm chào bán nửa năm nay vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ 2018, 2019 nhờ lượng hàng tồn lớn.

Bất động sản khu Nam TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Mặt khác, đáng lẽ khi ảnh hưởng Covid-19, thu nhập của người dân bị giảm, dẫn đến nhu cầu sử dụng sản phẩm phải giảm, theo nguyên lý kinh tế vĩ mô, nhưng thực tế đã ngược lại. Thị trường đang cho thấy những dấu hiệu không phù hợp quy luật khi cầu thực giảm (thể hiện ở số giao dịch giảm), nhưng tổng tiền vào thị trường bất động sản lại tăng mạnh lên, ông Đính nhấn mạnh.

Nguyên nhân là một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác (chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác...) đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản tìm cơ hội đầu tư.

Bản chất của việc đầu tư này là ngắn hạn, khi hết Covid-19 sẽ quay về thị trường cũ, nhiều nhà đầu tư mới chỉ muốn sinh lợi cao và nhanh. Mặt khác, vì là người mới, nên những người này thiếu kinh nghiệm, dễ bị dụ dỗ, mắc bẫy, khi thấy có vấn đề sẽ nhanh chóng cắt lỗ để tháo chạy. "Điều này tạo nên sự không bền vững, không có lợi cho người tiêu dùng thực sự", ông Đính nói.

Trong bối cảnh đó, nguồn cung trên thị trường đang có dấu hiệu giảm. Kể từ 2019, nguồn cung ra thị trường đã dần khan hiếm, đến nay, tình trạng này cũng không được cải thiện bao nhiêu. Đây là nguyên nhân chính khiến giá bất động sản bị đẩy mạnh, tạo các cơn sốt trong tháng 2 - 3/2021 vừa qua.

Theo ông, chính hiện tượng cầu lớn, hàng khan, giá tăng mạnh đã tạo cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia phát triển thị trường không tuân thủ quy định pháp luật: chia lô đất, rừng đồi, ruộng để bán làm náo loạn trật tự ở nhiều địa phương trên cả nước.

Ông Đính cũng nói thêm rằng, giá bất động sản trong tương lai vẫn chịu áp lực của đà tăng này khi mức đền bù giải phóng mặt bằng cao do hệ quả sốt đất; Khung giá đất ở nhiều địa phương bị điều chỉnh tăng lên 15%; Chi phí nguyên vật liệu xây dựng tăng 50%; Thủ tục phê duyệt dự án kéo dài do vướng mắc quy định pháp luật.

Để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản cho rằng cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình sửa đổi quy định pháp luật để cải thiện nguồn cung cho thị trường; kiểm soát lạm phát, tăng giá mạnh các yếu tố đầu vào của bất động sản.

Ngoài ra, theo ông cần kích thích phát triển kinh tế ở các lĩnh vực khác ngành bất động sản. Điều này sẽ chỉnh các dòng vốn về đúng mục tiêu để hiệu quả hóa nguồn lực quốc gia.

Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thu hút 11 dự án đầu tư

Sáng 11-7, thông tin từ Ban Quản lý (BQL) khu công nghệ cao (KCNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng, cho biết: Từ đầu năm đến nay KCNC và các KCN Đà Nẵng đã thu hút được 11 dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Trong đó có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư là 145,3 triệu USD; 8 dự án trong nước đầu tư vào các KCN với tổng vốn đăng ký đầu tư là 188,4 tỷ đồng. 

Đến nay, KCNC và các KCN Đà Nẵng đã thu hút được 499 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 26.696 tỷ đồng và 1.744,4 triệu USD, với 65.752 lao động đang làm việc.

Duy trì hoạt động sản xuất tại Công ty Điện tử Foster Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng). 

Có được kết quả trên, theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng, BQL đã luôn đồng hành, tiếp nhận khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thủ tục hành chính. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, có văn bản nhắc nhở, đôn đốc, yêu cầu các chủ doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án vừa phát triển sản xuất, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, BQL KCNC và các KCN Đà Nẵng tiếp tục triển khai, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, các hoạt động tăng cường giao lưu kết nối doanh nghiệp. Tổ chức tuyên truyền các chính sách pháp luật về doanh nghiệp, thương mại - hội nhập quốc tế, lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện cho người lao động, người sử dụng lao động trong các trong KCNC và các KCN Đà Nẵng.

Ngoài ra, BQL KCNC và các KCN Đà Nẵng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ thành lập KCN hỗ trợ KCNC và chủ trương đầu tư 3 KCN mới (Hòa Cầm - Giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh); thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình triển khai của các dự án chậm tiến độ liên quan đến đất đai để đôn đốc, nhắc nhở các dự án triển khai, đồng thời kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Đồng thời khảo sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong KCNC và các KCN trên địa bàn TP Đà Nẵng; tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp trong KCNC và các KCN Đà Nẵng để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính…) trong quá trình hoạt động…

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

CSGT Lào Cai dùng 'mắt thần' đặc biệt đối phó xe phóng ẩu

Quá trình làm nhiệm vụ, Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai đã dùng "mắt thần" phát hiện, ghi hình hàng loạt tài xế ô tô lái xe chạy quá tốc độ.
2024-11-25 11:03:24

VPBankS khẳng định vị thế số 1 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Hai giải thưởng Top 1 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành Dịch vụ tài chính khối Doanh nghiệp vừa và Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam khối Doanh nghiệp là kết quả của sự nỗ lực chung của cả tập thể hơn 500 nhân sự của VPBankS.
2024-11-25 10:21:02

Từ chiến trường đến thương trường

Trong số những doanh nghiệp làm ăn giỏi trên địa bàn Hà Nội, có một doanh nghiệp khá đặc biệt. Ðó là Công ty Bao bì 27-7 Hà Nội, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, doanh nghiệp của những người thương binh và các đối tượng chính sách, do Tổng giám đốc là một thương binh năng động "chèo lái".
2024-11-25 09:47:14

Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh

Tối 23/11, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
2024-11-24 07:35:00

Phát hiện, xử lý nhiều thanh niên tụ tập gây rối trật tự công cộng

Công an thị xã Sa Pa đã kịp thời phát hiện, xử lý nhóm thanh thiếu niên có hành vi tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự.
2024-11-23 13:52:22

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00
Đang tải...