Tin tức kinh tế, tài chính ngày 28/7/2021: Nhiều người đang chờ 'bắt đáy' bất động sản?

2021-07-28 10:03:56 0 Bình luận
Ngành nông nghiệp "tắc" tứ bề. Nhà đầu tư chờ “bắt đáy” bất động sản? Đại lý ngân hàng: Khung pháp lý phải phù hợp. Có dòng tiền lớn chực chờ chảy vào chứng khoán.

Giá vàng hôm nay 28/7: “Bất động” chờ Mỹ công bố chính sách tiền tệ

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC ngày 28/7 giảm giá vàng miếng SJC 100.000 đồng mỗi lượng, mua vào còn 56,5 triệu đồng/lượng và bán ra 57,2 triệu đồng/lượng. Eximbank giảm giá vàng miếng SJC 50.000 đồng mỗi lượng, mua vào còn 56,55 triệu đồng/lượng và bán ra 57,1 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng trong nước vẫn khá ảm đạm do tình hình thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19. Vàng SJC rút ngắn mức chênh lệch, cao hơn thế giới còn 7 triệu đồng/lượng.

Khoảng 6h ngày 28/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay của thế giới giao dịch tại 1.798 USD/ounce, ngang bằng với mức giá cùng thời điểm hôm trước.

Giá vàng hôm nay tiếp tục dưới 1.800 USD/ounce khi thị trường "nín thở" chờ Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo xu hướng điều hành chính sách tiền tệ sau khi kết thúc cuộc họp vào rạng sáng 29/7.

Nhà phân tích Edward Moya của Công ty Giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ) nhận định giá vàng thế giới không vượt qua mức cản 1.800 USD/ounce cho thấy giới đầu tư không giao dịch số lượng lớn cho đến khi xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Fed được công bố. Bởi lẽ, nếu Fed thông báo giảm dần việc bơm tiền ra thị trường, có thể làm cho đồng tiền này tăng giá trên diện rộng. Khi đó, giá vàng sẽ rơi vào hoàn cảnh bất lợi.

Trong khi đó, Credit Suisse – một tổ chức tài chính của Thụy Sĩ nhận xét bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc Fed giảm cung ứng tiền mặt có thể đẩy giá vàng xuống sâu hơn nữa. Còn nếu Fed tuyên bố không thay đổi chính sách tiền tệ, giá vàng thế giới có thể ngoi lên để vượt qua ngưỡng 1.800 USD/ ounce.

Tuy vậy, không nhà phân tích nào dự báo Fed sẽ giữ nguyên chính sách lãi suất cơ bản gần 0%, công bố thời điểm thu hẹp việc tung ra thị trường mỗi tháng 120 tỉ USD để thu mua các loại tài sản có giá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19.

Thế nên trong ngày 27/7, nhiều người mua bán vàng hết sức thận trọng. Giá vàng thế giới gần như biến động trong vùng 1.800 - 1.805 USD/ounce. Ở mức giá này, một số nhà đầu tư lo ngại giá vàng có thể đi xuống nên họ tranh thủ bán ra thu hồi vốn.

Giá vàng thế giới có lúc mất đi 10 USD/ounce, từ 1.805 USD/ounce xuống còn 1.795 USD/ounce lúc 23 giờ. Sau đó, giá vàng hôm nay biến động không nhiều và đến 6 giờ ngày 28/7 giao dịch tại 1.798 USD/ounce.

Có dòng tiền lớn chực chờ chảy vào chứng khoán

Buổi tọa đàm được thực hiện tại các điểm cầu trực tuyến Hà Nội và TP.HCM, với sự tham gia của các chuyên gia về kinh tế vĩ mô, tài chính - ngân hàng, bất động sản, chứng khoán…, cùng đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.

Trao đổi với BizLIVE, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh TP.HCM, CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) đã đưa ra nhận định như trên xoay quanh diễn biến trên thị trường chứng khoán, trong bối cảnh dịch chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19.

Về sự vận động của dòng tiền thì ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng có các yếu tố quan trọng chi phối là (1) yếu tố bên ngoài là chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới như FED, ECB…, (2) yếu tố bên trong là chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam và tương quan hấp dẫn dòng tiền giữa các kênh đầu tư trong nền kinh tế. Về cơ bản cả 2 yếu tố trên vẫn đóng vai trò hỗ trợ cho TTCK Việt Nam khi các NHTW lớn trên thế giới và NHNN Việt Nam vẫn ở trạng thái nới lỏng với mặt bằng lãi suất siêu thấp, cùng các gói kích cầu hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ còn được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chính vì vậy, ông Đỗ Bảo Ngọc tin rằng một khi dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát thì thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục trở lại với dòng tiền lớn trở lại khi mức định giá ở vùng hấp dẫn, và kênh đầu tư chứng khoán vẫn là kênh thanh khoản cao và tối ưu đối với dòng tiền trong nền kinh tế vốn đang gặp nhiều hạn chế vì tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Vì vậy mà, lời khuyên của ông Đỗ Bảo Ngọc đối với nhà đầu tư mới là hãy xem xét đầu tư dựa trên những yếu tố cơ bản là sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế và doanh nghiệp, nhất là khi mặt bằng giá đã ở vùng hấp dẫn, tránh giao dịch khi tâm lý bị chi phối bởi cảm xúc.

Về giao dịch của khối ngoại, thời gian gần đây khối này đã trở lại mua ròng lớn trên TTCK Việt Nam kể từ ngày 30/6 cho tới nay, dòng tiền của khối ngoại đến từ các quỹ ETF trong đó có quỹ mới Fubon của Đài Loan đã thu hút được một lượng tiền đầu tư lớn và giải ngân vào thị trường từ đầu tháng 7 cho tới nay, ngoài ra lực mua ròng cũng tới từ các nhóm quỹ đầu tư chủ động khi thị trường đã có sự điều chỉnh lớn trong 2 tuần giữa tháng 7. Trạng thái tích cực hiện tại của khối ngoại hoàn toàn trái ngược với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 khi khối ngoại bán ròng hơn 35.000 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, có một thực tế là giao dịch của khối ngoại đã không còn đóng vai trò dẫn dắt thị trường kể từ quý 4/2020 cho tới nay với tỷ trọng giá trị giao dịch chỉ còn chiếm từ 5%-8% tổng giá trị toàn thị trường, trong khi đó thanh khoản chung toàn thị trường tăng gấp hơn 3 lần mức bình quân 9 tháng đầu năm 2020 với động lực chính là dòng tiền mới từ cá nhân và tổ chức trong nước (có nguồn gốc từ sự dịch chuyển dòng tiền từ kênh tiết kiệm và các kênh đầu tư khác sang chứng khoán khi mặt bằng lãi suất tiền gửi siêu thấp và các kênh đầu tư khác gặp khó khăn do Covid-19).

Đại lý ngân hàng: Khung pháp lý phải phù hợp

Chính sách về đại lý thanh toán này hay còn gọi là đại lý ngân hàng được kỳ vọng có thể góp phần tạo cơ hội cho các khách hàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng nhiều hơn, tăng tần suất sử dụng dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy thị trường khách hàng, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng thời gia tăng doanh thu cho ngân hàng. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đại lý ngân hàng cũng là một trong những giải pháp cốt lõi được đặt ra để nhằm đạt mục tiêu tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tại Việt Nam, thời gian qua NHNN cũng đã triển khai thí điểm 3 mô hình có thể xem là đại lý ngân hàng của MBBank kết hợp với Viettel, PGBank phối hợp với Petrolimex và Vietcombank với Công ty M_service (chủ quản ví MoMo).

Thừa nhận lợi ích mang lại nếu triển khai mô hình này, song trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra rủi ro của kênh này có thể phát sinh từ phía nhà đại lý bán lẻ và khó kiểm soát hơn so với ở chi nhánh hay phòng giao dịch truyền thống của ngân hàng. Do đó, ông Hiếu đặc biệt lưu tâm tới vấn đề kiểm soát rủi ro khi giao cho bên thứ ba thực hiện một số chức năng thanh toán thay ngân hàng. Tính bảo mật của các nhà băng và quyền lợi của khách hàng cần phải được đảm bảo, ưu tiên hàng đầu.

ThS. Phạm Xuân Hoè - chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, với các ngân hàng trong mô hình đại lý ngân hàng có thể gặp nhiều rủi ro. Đơn cử như việc khách hàng hay chính đại lý bán lẻ có thể gian lận, hoặc các công cụ mà ngân hàng cung cấp cho đại lý có thể bị lấy trộm. Tổn thất tài chính có thể xảy ra nếu rò rỉ thông tin của khách hàng do tin tặc, hay thiếu hệ thống an ninh cần thiết. Đó là chưa kể, với những đại lý ở vùng sâu, vùng xa, quy mô nhỏ rất dễ xảy ra việc không đủ tiền mặt để đáp ứng những nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng, cũng như thiếu kinh nghiệm trong quản lý thanh khoản khi cung cấp dịch vụ tài chính…

Để có thể sớm đưa mô hình này vào triển khai tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng phải xây dựng được khuôn khổ pháp lý phù hợp cho mô hình đại lý ngân hàng hoạt động. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho mô hình đại lý ngân hàng cần có sự linh hoạt cần thiết, hay nói cách khác khi đưa vào thực tế nếu có những quy định gây khó khăn cho các bên tham gia thì cần nghiên cứu để có điều chỉnh cho phù hợp.

Khuôn khổ pháp lý phải quy định rõ đối tượng nào được làm đại lý cũng như các điều kiện đáp ứng, gồm cả những yêu cầu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật; quy định rõ dịch vụ nào được làm và không được làm. Bên cạnh đó, các quy định khác liên quan tới hoạt động của mô hình đại lý ngân hàng cũng phải được sửa đổi cho phù hợp như các quy định về phòng chống rửa tiền, quy trình nhận biết khách hàng…

Về phía các NHTM, giới chuyên gia cũng nhận thấy cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu hoạt động đại lý uỷ quyền này để có cơ chế hoạt động phù hợp, đi cùng với đó là áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro tương ứng. Ngân hàng chủ quản bắt buộc phải thiết lập quy trình kiểm soát nội bộ của mỗi đại lý, quy trình kiểm soát giữa ngân hàng chủ quản và các đại lý của ngân hàng; xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại từ khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại các đại lý để đảm bảo quyền lợi của mỗi khách hàng. Ngân hàng cũng cần phải có kế hoạch trong đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt, đặt ra những tiêu chuẩn, yêu cầu của bên đại lý của mình…

"Con người bao giờ cũng là nhân tố rất quan trọng, nhất là với mô hình mới này có sự phụ thuộc rất lớn vào đạo đức, uy tín và năng lực của bên đại lý uỷ quyền. Sau khi lựa chọn đại lý đủ tiêu chuẩn, tiến hành ký kết hợp đồng, ngân hàng phải đào tạo về sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng; bảo vệ thông tin khách hàng, cơ chế phòng gian lận, vận hành, bảo dưỡng thiết bị, giải quyết khiếu nại...", một chuyên gia chia sẻ.

CEO một NHTMCP cho hay, ứng dụng công nghệ cũng có tính quyết định khi triển khai mô hình đại lý ngân hàng. Các đại lý ngân hàng chủ yếu sẽ được thiết lập tại những khu vực địa lý ít hoặc không có chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng. Nên chính nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà những thiết bị đầu cuối như POS có thể kết nối trực tuyến với ngân hàng để thực hiện các giao dịch theo thời gian thực, đảm bảo vận hành suôn sẻ, phục vụ tốt cho công tác quản lý, giám sát. Các ngân hàng cũng cần phải có chiến lược tuyên truyền tới khách hàng, để khách hàng hiểu hơn về mô hình này, về việc đại lý đó được ngân hàng nào uỷ quyền; được hiểu về các sản phẩm/dịch vụ đang được đại lý của ngân hàng cung cấp; cũng như nắm được quyền hạn và nghĩa vụ khi ký hợp đồng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng chủ quản…

Nhà đầu tư chờ “bắt đáy” bất động sản?

Thị trường bất động sản hạ nhiệt, trong lúc nhiều nhà đầu tư tháo chạy thì một bộ phận lại tranh thủ gom BĐS chờ đợt sóng mới.

Khảo sát thị trường bất động sản thời điểm này, mặc dù lượng giao dịch giảm đáng kể và có dấu hiệu chững lại, việc các nhà đầu cơ cắt lỗ hay bán tháo bất động sản đã xảy nhưng chưa nhiều. Trên thị trường xuất hiện một lực lượng đầu tư mới cũng như các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã "lướt" qua được cơn sóng đất trước đó, tiếp tục đón bắt cơ hội đầu tư vào BĐS lúc này. Tức săn "hàng ngộp" để chờ sau dịch thị trường phục hồi.

Chia sẻ trên báo chí mới đây, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cho rằng, có đến 50% nhà đầu tư trên thị trường hiện nay đang giữ tâm lý chờ thời, canh bất động sản giá rẻ để mua vào. Bởi phần đông các nhà đầu tư tin rằng thị trường bất động sản sẽ bật lên mạnh mẽ sau dịch.

Vị chuyên gia này cho rằng, 3 phân khúc bất động sản mà nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất hiện nay là: Đất nền hoặc đất vườn, nhà phố trung tâm và biệt thự nghỉ dưỡng. Trong đó, ông Quang dự đoán, phân khúc đất nền sẽ có một cơn sốt nhỏ ngay khi thị trường phục hồi, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý 3.

Riêng với biệt thự nghỉ dưỡng, mặc dù việc kinh doanh cho thuê hiện tại rất khó khăn, nhưng ai cũng biết rằng du lịch sẽ cực kỳ bùng nổ hậu đại dịch. Do đó, người mua vẫn đang tìm kiếm những dự án có giá tốt và chính sách thanh toán hợp lý.

Theo vị chuyên gia này, thời điểm hợp lý để xuống tiền trong bối cảnh hiện nay là khi giá bất động sản giảm xuống tầm 10- 15% (nếu dịch kéo dài đến hết tháng 9). Trường hợp mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát Covid-19, nhà đầu tư có thể kỳ vọng mức giá tiếp tục giảm xuống ngưỡng 15 - 20%, mua vào là hợp lý.

Cũng chia sẻ trước đó, ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân cho hay, có rất nhiều nhóm đầu tư đang nắm giữ quỹ tiền mặt rất lớn để chờ cơ hội thâu tóm, sáp nhập hoặc là mua rẻ tài sản, trong đó có bất động sản trong nửa cuối năm nay.

Đây là điểm rơi của thị trường, từ đây đến Tết Âm lịch, sẽ có rất nhiều khả năng nhà đầu tư lựa chọn một bất động sản pháp lý đầy đủ, chất lượng tốt và giá rất rẻ.

Theo các chuyên gia, đây là "thời điểm vàng" để mua vào bất động sản nói chung và những khu vực có giá nhà đất giảm sâu nói riêng. Bởi thời gian tới dịch bệnh có thể sẽ được kiểm soát khi đó bất động sản sẽ là kênh phục hồi nhanh do nhu cầu lớn.

Tuy vậy, theo một vài ý kiến, bất động sản chưa trở lại với giá trị thực, bởi lẽ các nhà đầu tư tìm đến đất nền không phải để đầu tư phát triển, kinh doanh lâu dài, mà phần lớn là đầu cơ, môi giới không chuyên mua bán trao tay "lướt sóng" kiếm lời. Vì thế, thời điểm này, thị trường chưa thật sự ổn định, vẫn còn dư âm của đợt sốt đất, giá trị thực của đất đã bị đẩy lên quá cao, nếu để trở lại với giá trị ban đầu thì cần thời gian và sự điều tiết của thị trường.

Mới đây, động thái nhiều nhà đầu tư quay lại thị trường Nha Trang để "bắt đáy" đang thể hiện rõ hơn xu hướng này trên thị trường BĐS. Được biết, sau một thời gian trầm lắng, thị trường bất động sản Nha Trang, Khánh Hòa hiện đang dần giao dịch trở lại. Nhiều nhà đầu tư đã âm thầm quay trở lại thị trường này để "bắt đáy". Số lượng người quan tâm, tìm kiếm dự án đã tăng 20 - 30% so với thời điểm sau Tết Âm lịch. Phân khúc được quan tâm nhiều là nhà đất tại các khu đô thị, bàn giao thô, có thể hoàn thiện ở ngay.

Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư vẫn chọn bất động sản làm nơi trú ẩn dòng tiền. Các thị trường tiềm năng về du lịch, được đánh giá sẽ có khả năng bứt phá mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát, vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư.

Giá lợn, gà chạm đáy, ngành nông nghiệp "tắc" tứ bề

Tổ Công tác 970 (Bộ NN&PTNT) cho biết, không chỉ khó khăn ở đầu ra, ở đầu vào nông dân cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện giá lợn hơi tại nhiều địa phương đang được thu mua với giá rất thấp mức từ 51-60 nghìn đồng/kg. Trong khi, từ 11/2020 tới nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 lần, mỗi lần tăng 300-400 đồng/kg.

Song, thực tế tình hình tiêu thụ khó khăn, giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh khiến nhiều người chăn nuôi thua lỗ và dè chừng trong việc tăng đàn.

Giá lợn xuống thấp nhất kể từ khi lập đỉnh lịch sử.

Tại Đồng Nai, gà công nghiệp không thể xuất chuồng được nằm cả đống kẹt cứng. Giá gà lông trắng xuống chỉ còn 10.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi gà trắng đang chấp nhận chịu lỗ.

Bộ NN&PTNT lo ngại dư thừa nguồn cung đối với gà lông trắng, chim bồ câu trong thời gian tới. “Việc này khiến giá có thể còn xuống thấp nữa do không tiêu thụ được”, Bộ NN&PTNT dự báo.

Trao đổi với PV, ông Dương Tất Thắng, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), lý giải nguyên nhân khiến giá lợn hơi, gà lông trắng giảm là sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, khâu sơ chế gia cầm đã bị đứt gãy khi các lò giết mổ ngừng hoạt động hoặc giảm công suất.

Theo ông Thắng, tại 19 tỉnh, đã có một số nhà máy, cơ sở chế biến và giết mổ đang tạm dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ hoặc không đủ công nhân do phong tỏa.

“Việc duy trì cơ sở giết mổ là hết sức quan trọng trong việc kết nối cung cầu, toàn bộ trâu bò, lợn, gia cầm, thuỷ sản muốn đến người tiêu dùng thì phải qua khâu này”, ông Dương Tất Thắng nói.

"Tắc" cả đầu vào lẫn đầu ra

Tổ Công tác 970 (Bộ NN&PTNT) cho biết, không chỉ khó khăn ở đầu ra, ở đầu vào nông dân cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo tổ này, không chỉ tăng giá thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phân bón, mà đã có dấu hiệu khan hiếm các vật tư phục vụ sản xuất.

Đơn cử như, tại Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang khó mua túi bao trái xoài, mít do ngưng sản xuất.

Khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm; Vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản vẫn còn gặp khó khăn do hoạt động kiểm soát tại các chốt kiểm dịch.

“Nhiều HTX đề nghị Tổ Công tác cung cấp các đầu mối bán cây giống chất lượng, phân hữu cơ bón cho rau và sầu riêng”, Tổ Công tác báo cáo.

Ngoài ra, việc lấy mẫu thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu cũng gặp nhiều khó khăn, thời gian phải kéo dài do cán bộ muốn xuống các kho lấy mẫu thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu thì phải có giấy xét nghiệm Covid-19.

Bộ NN&PTNT cho biết, để giải quyết tình trạng trước mắt cho đầu ra sản phẩm chăn nuôi, các bên liên quan đang kêu gọi chợ đầu mối, chợ truyền thống mở lại hoặc thực hiện kênh phân phối trực tiếp.

Song song với đó, tìm giải pháp trữ hàng ở các kho lạnh hoặc mở rộng các thị trường khác.

Bộ cũng sẽ hỗ trợ kết nối với các DN chế biến sản phẩm chăn nuôi lớn như C.P, Masan để chuẩn bị phương án giết mổ gia súc, gia cầm trong bối cảnh nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tạm dừng hoạt động, từ đó giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Dự kiến, trong tuần này, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức 2 hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm theo phương thức online, để đưa sản phẩm ra phân phối ở miền Trung và miền Bắc.

Trong đó, dự kiến sẽ tổ chức diễn đàn kết nối cung cầu với sản phẩm thịt, trứng gà, thuỷ sản với điểm cầu là các HTX, đầu mối cung ứng sẽ giới thiệu sản phẩm, địa chỉ để thực hiện giao dịch qua sàn thương mại điện tử.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...