Tin tức miền Tây 1/4: Kiểm điểm hàng loạt cá nhân và tập thể ở Phú Quốc
Kiểm điểm hàng loạt cá nhân và tập thể ở Phú Quốc
UBND TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang làm quy trình kiểm điểm hàng loạt cá nhân và tập thể sai phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng theo kết luận thanh tra số 16 của UBND tỉnh Kiên Giang ngày 2-3-2023 (giai đoạn 2018-2022).
Danh sánh 10 tập thể của TP Phú Quốc bị kiểm điểm theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Báo Người Lao Động.
Theo đó, có 10 tập thể bị kiểm điểm gồm: UBND xã Gành Dầu, UBND xã Cửa Dương, UBND xã Dương Tơ, UBND xã Cửa Cạn, UBND xã Hàm Ninh, UBND xã Bãi Thơm, UBND phường Dương Đông, UBND phường An Thới, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội kiểm tra trật tự đô thị TP Phú Quốc.
Về trách nhiệm cá nhân, có 28 cán bộ là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của 10 đơn vị nêu trên bị đề nghị kiểm điểm. Ngoài ra, còn có 17 công chức, viên chức địa chính của tất cả 8 xã, phường của TP Phú Quốc trong giai đoạn 2018-2022 cùng bị kiểm điểm.
Trong giai đoạn 2018-2022, cơ quan chức năng phát hiện tại TP Phú Quốc đã xảy ra hàng loạt vụ bao chiếm đất rừng, đất bãi biển, đất do nhà nước quản lý, cùng với nạn xây dựng trái phép, không phép tràn lan. Nguyên nhân chính từ việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của hàng loạt cán bộ địa phương.
Thả tôm, cá giống để phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản
Mới đây, nhiều tỉnh, thành đã tiến hành thả tôm, cá giống nhằm tái tạo và bảo vệ môi trường sống của nguồn lợi thủy sản.
Tỉnh Bạc Liêu thả hơn 6 triệu con tôm giống ra biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Kinh Tế Môi Trường.
Tại tỉnh Sóc Trăng, nhân kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống Nghề cá Việt Nam (31/3/1959 - 31/3/2023), ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã nhận được sự hỗ trợ của 41 tổ chức, cá nhân hỗ trợ 3 triệu con tôm sú giống và 10.000 con cua giống, tương đương số tiền hơn 500 triệu đồng, để thả giống thủy sản về tự nhiên tại khu vực Cảng biển Trần Đề, huyện Trần Đề.
Còn ở tỉnh Bạc Liêu, tại cửa biển Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức thả hơn 6 triệu con tôm giống ra biển. Nguồn tôm giống này trị giá gần 1 tỉ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu vận động các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống tài trợ.
Xác minh biển số xe đẹp được bấm ra ở Đồng Tháp
Ngày 1/4, Phòng Tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, công an tỉnh này đang xác minh thực hư thông tin liên quan đến 4 biển số xe đẹp được bấm ra tại huyện Cao Lãnh.
Một tài khoản Facebook đăng tải thông tin nhiều biển số xe đẹp vừa được bấm ở Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh chụp màn hình.
Theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội Facebook, 4 biển xe nói trên là 66F1-99996, 66F1-99997, 66F1-99998, 66F1-99999.
“Ngày 8/3, 4 biển số khá khủng được bấm ra ở huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Lần lượt các biển số là 66F1-99996, 66F1-99997, 66F1-99998 và một chiếc Yaz được mang biển 66F1-99999. Nhìn thấy mà ham, mấy hôm nay nhiều anh em bấm ra biển số đẹp liên tục, nên mừng đến mức mất ngủ luôn đúng khum?”, một tài khoản mạng xã hội Facebook thông tin.
Thông tin này lập tức thu hút nhiều người xem, bình luận và chia sẻ gây xôn xao trên mạng xã hội.
Đặc biệt, trong số này, một Phó Trưởng Công an huyện Cao Lãnh, là chủ sở hữu xe có một trong các biển số đẹp được nêu trên mạng xã hội. Người này khẳng định việc bấm số là ngẫu nhiên, đúng quy định.
Thành phố Long Xuyên ra mắt mô hình 'Điểm chữa cháy công cộng'
Sáng 1/4, Công an phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) phối hợp Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP. Long Xuyên, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an An Giang tổ chức lễ ra mắt 'Điểm chữa cháy công cộng', tại khóm Bình Long 4 theo quyết định của Chủ tịch UBND phường Mỹ Bình.
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an An Giang hướng dẫn thực hiện tiêu lệnh chữa cháy và sử dụng bình chữa cháy cho người dân. Ảnh: Báo An Giang.
Điểm chữa cháy công cộng được bố trí tại khu vực tổ 4, khóm Bình Long 4 có hộp đựng 2 bình chữa cháy theo quy định, để phục vụ công tác chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy tại khu vực xung quanh. Mô hình được Công an phường Mỹ Bình chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi chỉ đạo hoạt động và hướng dẫn người dân sử dụng đúng quy trình, tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn địa bàn.
Khóm Bình Long 4 là một trong những khóm trọng điểm của phường Mỹ Bình, có khu dân cư đông đúc, nhiều cơ sở kinh doanh. Đây còn là khu vực liền kề trung tâm của TP. Long Xuyên nên tiềm ẩn nhiểu nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ. Do đó, với mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, con người khi có tình huống cháy nổ xảy ra tại địa phương.
Làm rõ vụ 2 thanh thiếu niên ôm phao nhảy xuống biển Cà Mau
Sáng 1/4, ông Nguyễn Trọng và con trai Nguyễn Nghĩa (16 tuổi) một trong hai thanh thiếu niên ôm phao nhảy xuống biển may mắn được cứu sống đã hội ngộ tại Đồn Biên phòng Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.
Gia đình 2 thanh thiếu niên đã gặp lại con. Ảnh TS.
Mẹ ruột của anh Hoàng Xuân Dương (30 tuổi) người thứ hai may mắn được cứu sống cũng từ Gia Lai đến Cà Mau để gặp con.
Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đang chờ tàu BT-92633Ts do ông Mai Thành Nhân (ngụ Bến Tre) làm chủ phương tiện vào bờ để lấy làm rõ sự việc.
Đồn Biên phòng Sông Đốc đã kiểm tra hai thanh thiếu niên này và không phát hiện dấu vết tổn thương do đánh đập.
Theo anh Hoàng Xuân Dương, anh xuống tàu cá làm việc với hợp đồng 100 ngày với “cò”. Theo đó thuyền viên sẽ nhận được tiền công 30 triệu và gia đình sẽ được chuyển trước 15 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó Dương liên lạc thì được biết gia đình không nhận được số tiền trên và nếu muốn trở về đất liền phải đền gấp đôi số tiền trên là 60 triệu đồng.
Ngoài ra khi ở trên tàu BT-92633Ts nếu làm việc chậm sẽ bị tài công chửi bới, đánh đập nên tối 15-3, Dương rủ Nghĩa cột 3 chiếc phao và 3 can nhựa vào người rồi cả 2 cùng nhảy xuống biển ở vùng biển Thổ Chu, Kiên Giang.
Rất may mắn là sau khoảng 3 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển không biết phương hướng thì cả 2 được tàu TS-99477CM do anh Nguyễn Kha làm thuyền trưởng phát hiện, cứu sống.
Theo thuyền trưởng Nguyễn Kha, khi đưa lên boong tàu thì cả 2 gần như kiệt sức dù chỉ 3 giờ lênh đênh trên biển nhưng do cả 2 không phải là thuyền viên chuyên nghiệp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.