Tin tức Miền tây ngày 28/12/2021: Bắt quả tang xe tải vận chuyển 19 tấn hóa chất không rõ nguồn gốc
Trước đó, sáng ngày 25/12, tại khu vực khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh đã phát hiện xe ôtô tải mang biển kiểm soát 67H-010.57 do tài xế Thái Đức Tín, sinh năm 1991, trú tại khóm Bình Đức 7, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên điều khiển có biểu hiện nghi vấn, lực lượng tiến hành dừng phương tiện kiểm tra.
Số hóa chất không rõ nguồn gốc phát hiện trên xe
Qua kiểm tra, phát hiện trên xe có vận chuyển 19 tấn bột hóa chất cacbon có nhãn mác nước ngoài. Tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng hoá trên. Tổ công tác bàn giao vụ việc cho Công an huyện Tịnh Biên tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
An Giang: Khởi tố, bắt giam đối tượng đánh chủ xe để trộm xe máy
Ngày 27/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chợ Mới, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Diền (Cửng), sinh năm 1999, cư trú ấp Phú Thượng 2, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang về tội “Trộm cắp tài sản”
Đối tượng Nguyễn Văn Diền.
Tang vật bị thu giữ
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, khoảng 21h ngày 22/11, sau khi đi nhậu với một người bạn thì Nguyễn Văn Diền đi về nhà. Khi về đến nhà, Diền phát hiện xe môtô biển kiểm soát 67K6-0579 của anh Lê Hoàng Vũ, sinh năm 1990, cư trú thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới đang đậu sát lề đường gần nhà Diền không ai trông coi nên nảy sinh ý định trộm xe môtô trên bán lấy tiền tiêu xài và mua ma túy sử dụng.
Diền đi vào nhà của mình lấy đèn pin mang theo để rọi đường rồi đi đến vị trí xe môtô đang đậu dẫn xe đi, đi được khoảng 20m thì anh Vũ phát hiện tri hô, chạy theo nắm xe giữ lại, thấy vậy Diền dùng tay đánh và ném đèn pin về phía anh Vũ.
Vũ bỏ chạy đồng thời đi trình báo cơ quan Công an. Nhận được tin báo, lực lượng Công an xã Kiến An, huyện Chợ Mới nhanh chóng đến hiện trường, bắt giữ Nguyễn Văn Diền đưa về trụ sở làm việc. Tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Diền đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Chợ Mới tiếp tục điều tra làm rõ.
Bến Tre: Đề xuất xử lý doanh nghiệp xây nhà không phép trên đất nông nghiệp để bán
Theo TTXVN đưa tin, ngày 27/12, ông Phạm Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, UBND huyện đã gửi văn bản lên UBND tỉnh Bến Tre báo cáo về kết quả kiểm tra, đề xuất xử lý vi phạm đối với công trình xây dựng Khu nhà ở thương mại Green House tại xã Sơn Hòa, huyện Châu Thành.
Huyện Ủy huyện Châu Thành. Ảnh: TXTVN
UBND huyện Châu Thành cũng đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng UBND xã Sơn Hòa lập hồ sơ hành vi vi phạm hành chính trình UBND tỉnh Bến Tre xem xét, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. Đồng thời, buộc doanh nghiệp dừng xây dựng để chờ xử lý theo qui định pháp luật.
Theo báo cáo UBND huyện Châu Thành, công trình xây dựng vi phạm là Khu nhà ở thương mại Green House có tổng diện tích 14.988,7 m2, do Công ty TNHH Một thành viên Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Bảo Trâm (Trụ sở tại tỉnh Bến Tre) làm chủ đầu tư. Trước khi triển khai xây dựng công trình, chủ đầu tư có tiến hành đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất và gửi văn bản xin chủ trương đầu tư Dự án đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre.
Tuy nhiên, do địa điểm thực hiện dự án chưa phù hợp với quy hoạch và quy hoạch điểm dân cư nông thôn, sử dụng phần diện tích đất lộ giới, hành lang bảo vệ an toàn giao thông đưa vào dự án là chưa phù hợp nên Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản phúc đáp và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo quy định.
Mặc dù đã được các sở, ngành và UBND huyện Châu Thành hướng dẫn các quy trình thủ tục thực hiện và biết địa điểm đăng ký thực hiện dự án chưa phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới xã Sơn Hòa nhưng chủ đầu tư vẫn triển khai việc san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các block nhà không đúng quy định.
Qua kết quả kiểm tra, xác minh và làm việc của Tổ công tác huyện Châu Thành phát hiện, công trình vi phạm khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa có giấy phép xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích, không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, chủ đầu tư thực hiện san lấp mặt bằng với phần diện tích là 11.129,6 m2, chiếm 74,25% so với diện tích đất toàn khu; đã xây dựng hệ thống đường nội bộ, có hệ thống thoát nước mặt đường, bó vỉa hè và đã trồng cây xanh dọc hai bên đường, cây xanh công viên… Chủ đầu tư cũng xây dựng 9 block nhà với số lượng 47 căn nhà, kích thước mỗi căn nhà trung bình dài từ 12-14 mét, rộng 4,5 mét. Trong đó, một block nhà gồm 3 căn đã xây dựng xong phần tường thô của tầng trệt, 50% phần tường thô tầng một; năm block nhà gồm 25 căn đã xây xong phần thô tầng trệt, đã đổ cột tầng một; một block nhà gồm 19 căn đã xây xong phần cột tầng trệt.
Cơ quan chức năng đã xác định, diện tích đất chuyển mục đích trái phép là 3.800,8 m2 đất chuyên trồng lúa nước và 6.662,4 m2 đất trồng cây lâu năm.
Đạm Cà Mau đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 867 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần so với kế hoạch cũ.
Theo Nhịp sống kinh tế đưa tin, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM) đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.
Cụ thể, doanh nghiệp điều chỉnh tăng chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất cả năm lên 9.168 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 867 tỷ đồng, lần lượt tăng thêm 1.329 tỷ đồng (tăng 17%) và thêm 670 tỷ đồng tức gấp 4,4 lần kế hoạch cũ. Nếu so với kết quả kinh doanh năm 2020, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế mới điều chỉnh lần lượt tăng 21% và 31%. Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau cũng điều chỉnh tỷ lệ chia cổ tức từ 5% lên 10%
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng kinh doanh, cụ thể là giảm sản lượng tiêu thụ Đạm Cà Mau và NPK nhưng tăng N46.Plus và duy trì kế hoạch tiêu thụ phân bón tự doanh.
Về kế hoạch vốn đầu tư, DCM cũng lên kế hoạch điều chỉnh giảm đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản, trang thiết bị từ 115 tỷ đồng xuống còn 97 tỷ đồng.
Mới đây, Đạm Cà Mau cũng vừa công bố các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh chính năm 2022. Cụ thể, doanh nghiệp phân bón này đặt kế hoạch kinh doanh hợp nhất với tổng doanh thu ước đạt gần 9.060 tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế gần 544 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 513 tỷ đồng trong năm 2022.
Về sản lượng sản xuất hợp , dự kiến sản lượng Đạm Cà Mau (Ure quy đổi) đạt 860,1 nghìn tấn, trong đó các sản phầm từ gốc Ure đạt 80.000 tấn. Sản lượng sản xuất NPK dự kiến đạt 80.000 tấn.
Về sản lượng kinh doanh hợp nhất, dự kiến sản lượng Đạm Cà Mau (Ure) đạt 770,27 nghìn tấn, các sản phẩm từ gốc Ure đạt 80.000 tấn, NPK đạt 80.000 tấn và phân bón tự doanh đạt 202 nghìn tấn.
Hưởng lợi từ việc giá phân bón tăng trong năm qua, cổ phiếu DCM cũng ghi nhận chuỗi tăng mạnh mẽ gấp 3 lần so với hồi đầu năm, từ mức giá 12.000 đồng hồi đầu năm lên mức 37.200 đồng/cổ phiếu (phiên sáng ngày 28/12).
Công an tỉnh Hậu Giang liên tiếp khởi tố, tạm giam nhiều đối tượng hành nghề “cò lúa” lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Theo báo Tiền Phong đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang vừa khởi tố, tạm giam đối tượng Lê Văn Khánh (SN 1983) và Lê Văn Thế (SN 1982), cùng trú xã Vị Bình, huyện Vị Thủy. Với thủ đoạn nhận cọc trước nhưng không giao lúa, từ tháng 3 đến tháng 5, Khánh đã chiếm đoạt 83 triệu đồng, Thế chiếm đoạt hơn 430 triệu đồng của 3 thương lái. Đối tượng Thế còn làm “cò” gặt lúa, nhận tiền của nông dân nhưng không trả cho các chủ máy gặt, chiếm đoạt 125 triệu đồng.
Cơ quan Công an khuyến cáo, trước khi đặt cọc cho “cò lúa’ cần kiểm tra lại thông tin. Ảnh và Tin: tienphong.vn
Trước đó, sau thời gian điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang khởi tố bị can và lệnh tạm giam 3 “cò lúa” là Nguyễn Minh Triều (SN 1984), Lê Văn Dủ (SN 1989) và Nguyễn Văn Út (SN 1981), cùng trú tỉnh Hậu Giang, để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khoảng tháng 6, Út, Triều, Dủ và một số đối tượng liên quan tung tin mua bao tiêu số lượng lớn lúa của nông dân để một thương lái ở Cần Thơ tin tưởng ký hợp đồng mua bán lúa. Các đối tượng còn dẫn ra đồng xem lúa, nhưng sau khi nhận cọc 580 triệu đồng thì chia nhau tiêu xài, không giao lúa.
Cơ quan công an khuyến cáo, nếu mua qua “cò lúa” thì trước khi ký hợp đồng, đặt cọc, nên kiểm tra lại thông tin về lúa “đã bao tiêu” để xác định, tránh bị lừa đảo... Công an tỉnh Hậu Giang cũng đang phối hợp công an một số tỉnh, thành củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng có liên quan.Làm việc với cơ quan công an, Út, Triều, Dủ khai đã làm giả hợp đồng mua bán lúa với nông dân để ký hợp đồng mua bán lúa với một công ty chế biến lương thực ở Cần Thơ và chiếm đoạt của công ty này hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều người dân ở các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp cũng gửi đơn đến Công an tỉnh Hậu Giang tố giác bị nhóm Út, Triều, Dủ lừa đảo hơn 3 tỷ đồng…
“Chúng tôi sẽ tham mưu Giám đốc Công an tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành kết nối doanh nghiệp thu mua lúa với nông dân để mua lúa trực tiếp cho bà con, tránh bị các đối tượng trung gian ép giá hay những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thời gian qua” - một cán bộ Công an tỉnh Hậu Giang cho hay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.