Tin tức Miền Tây ngày 8/1/2022: Thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 ra sao?

2022-01-07 21:00:00 0 Bình luận
Ngày 6/1, thông tin từ Sở Công thương Hậu Giang cho biết, các doanh nghiệp và 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tham gia Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với tổng giá trị hàng hóa hơn 667,7 tỷ đồng để phục vụ mua sắm của người dân.

Hậu Giang: Hơn 667 tỷ đồng dự trữ hàng hóa và bình ổn thị trường Tết

Sở Công thương Hậu Giang cho biết, các doanh nghiệp và 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tham gia Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với tổng giá trị hàng hóa hơn 667,7 tỷ đồng để phục vụ mua sắm của người dân.

Trong đó, 6 đơn vị, doanh nghiệp bằng nguồn vốn tự cân đối tham gia công tác bình ổn thị trường với tổng giá trị hàng hóa hơn 347,7 tỷ đồng, tăng hơn 227 tỷ đồng so với chương trình bình ổn năm 2021. Tại 8 huyện, thị xã, thành phố dự kiến dự trữ buôn bán phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết của người dân hơn 320 tỷ đồng.

Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết, nhằm ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19, đồng thời bảo đảm cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời theo nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang…

Siêu thị Co.opMart Vị Thanh tham gia dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, trị giá gần 9 tỷ đồng. Ảnh - tin: Phùng Dũng

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị tổng hợp, 33 cửa hàng bách hóa và 72 chợ phân bố đều trên 8 huyện, thị xã, thành phố. Theo kế hoạch, các địa phương trong tỉnh bố trí hơn 4.500 lô, sạp để các tiểu thương mua bán dịp Tết.

Sở Công thương cũng đã có kế hoạch phối hợp ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương trong chợ thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 và việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, vệ sinh môi trường và chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm… trong kinh doanh, buôn bán tại chợ, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Hơn 53.600 đối tượng yếu thế ở Hậu Giang sẽ được tặng quà Tết

Cũng trong ngày 6/1, thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, cho biết: Theo kế hoạch, dự kiến Tết Nguyên đán 2022, toàn tỉnh có hơn 53.600 gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được tặng quà Tết.

Hậu Giang đẩy mạnh vận động xã hội hóa cùng chăm lo Tết cho người yếu thế. Ảnh - tin: Phùng Dũng

Theo đó, gia đình chính sách, người có công với cách mạng hơn 17.200 người; 29.476 người là đối tượng bảo trợ xã hội; 6.965 hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 28,2 tỷ đồng.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động cập nhật số lượng hỗ trợ quà Tết đã vận động được bao nhiêu phần quà cũng như phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nắm thông tin vận động quà ở các địa phương, để có sự điều tiết phù hợp. Đối với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chủ động tìm các nguồn vận động để thực hiện Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, với phương châm “không để một ai vì nghèo mà không có Tết”.

Thông tin từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang, đến nay đã vận động các công ty, doanh nghiệp được 6.100 phần quà Tết, mỗi phần trị giá từ 500.000 đến 600.000 đồng. Các đơn vị khác cũng đang tích cực triển khai kế hoạch vận động quà để tặng các đối tượng yếu thế trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Sóc Trăng: Hiệu quả từ mô hình nuôi con dúi

Trong vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển mô hình nuôi con dúi đem về nguồn thu nhập tốt, trong số đó có anh Nguyễn Văn Tàu, ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Được nhiều người dân biết đến, bởi anh cung ứng con dúi giống, dúi thịt cho hộ nuôi và nhiều nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc cung cấp con giống, anh Tàu còn thu mua lại con dúi thịt cho người đã từng mua con giống, vừa góp phần giải quyết đầu ra, vừa giúp người nuôi tăng thu nhập...

Anh Nguyễn Văn Tàu bên chuồng nuôi dúi của gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Thúy Liễu

Anh Tàu chia sẻ, dúi là loài động vật thích gặm nhấm, đặc biệt chúng chỉ thích ăn các loài thực vật nhưng là loại cây, củ, quả cứng như: thân tre, thân mía, thân cỏ vôi, khoai lang, bắp… Đối với thân cây tre, để giúp dúi ăn dễ dàng, anh thường chẻ ra thành từng mảnh nhỏ, còn mía thì chặt khúc, cỏ vôi bỏ hết lá, chặt ra từng đoạn nhỏ, khoai lang để nguyên củ, còn bắp thì lột vỏ để nguyên trái, cứ như thế các loại thức ăn trên bỏ vào chuồng là dúi tự ăn. Nhờ ăn các loại thực vật trên, phân dúi không hề bị hôi nên khâu dọn vệ sinh chuồng nuôi rất thuận lợi và phân dúi được tận dụng để trồng các loại cây nêu trên để cung cấp lại cho dúi ăn mỗi ngày.

Qua tìm hiểu được biết, anh Tàu bắt đầu nuôi dúi từ năm 2018, sau nhiều năm nghiên cứu thị trường cần những loại thực phẩm mới, lạ cùng với nhu cầu của người tiêu dùng về việc sử dụng dúi làm thức ăn ngày càng nhiều, nhất là tại các quán ăn, nhà hàng để phục vụ thực khách nên anh quyết định đầu tư xây dựng chuồng nuôi dúi. Anh Tàu mua 34 cặp dúi bố mẹ, do chưa có kinh nghiệm nên hao hụt chỉ còn lại 18 con, trong đó 11 con cái và 7 con đực. Với đàn dúi cái nêu trên, trong năm đầu tiên nuôi đến cuối năm, đàn dúi tăng lên 140 con và số lượng dúi tăng dần theo từng năm. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn dúi tại hộ anh Tàu là 377 con. Ngoài số lượng dúi nhà sinh sản, anh Tàu còn thu gom dúi giống của hộ dân bên ngoài khoảng 130 - 140 con dúi con/tháng.

Cũng theo anh Tàu, con dúi có 2 loại: dúi móc có trọng lượng trưởng thành khoảng 2,6kg; dúi má đào trọng lượng 5,4kg. Dúi từ lúc mới sinh đến trưởng thành, sinh sản được khoảng 8 tháng và dúi đẻ 4 lứa/năm, sinh sản từ 2 - 6 dúi con/lứa. Khi dúi con 2 tháng tuổi tách mẹ là dúi mẹ sẽ sinh sản tiếp lứa dúi mới và dúi có thể sinh sản liên tục từ 7 - 8 năm. Bên cạnh đó, dúi giống khoảng 2 - 4 tháng sau sinh là bán được, dúi móc 1 cặp giá bán 1,2 triệu đồng, dúi má đào có giá từ 2,5 triệu đồng đến hơn 3 triệu đồng/cặp (tùy thời điểm). Riêng dúi thịt giá bán khoảng 700.000 đồng/kg. Như vậy, với số lượng đàn dúi nuôi sinh sản tại hộ anh Tàu và thu gom bên ngoài của hộ dân, trong năm 2021, anh Tàu xuất bán khoảng 3.000 dúi giống và hơn 2,1 tấn dúi thịt, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận hơn 350 triệu đồng.

“Trong năm 2022, tôi sẽ xây thêm 500 chuồng nuôi dúi hậu bị để thay thế dần đàn dúi sinh sản. Để nuôi dúi thành công, người nuôi phải cho dúi ăn đầy đủ thức ăn, nhất là với dúi trong giai đoạn bú sữa, cần chú ý cho ăn đủ để tránh dúi cắn con, đặc biệt chú ý các bệnh thường gặp để phòng ngừa như: sổ mũi, đỏ mắt, tiêu chảy, nổi ké và trong mùa lạnh đậy nắp chuồng, cùng với đó giữ phân dúi trong chuồng vài ngày dọn phân/lần, để dúi có chỗ nằm giữ ấm cơ thể, cho dúi ăn 1 lần/ngày và thức ăn phải đảm bảo tươi” - anh Tàu cho biết thêm.

Hơn 126 triệu USD tài trợ Vĩnh Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngày 6/1/2022, tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký hiệp định tài trợ trị giá 126,9 triệu USD giúp nâng cao khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, tăng cường tính kết nối và giảm rủi ro ngập lụt ở vùng lõi đô thị của thành phố Vĩnh Long.

Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Ngân hàng thế giới cho biết gần một nửa kinh phí của dự án sẽ được sử dụng để thực hiện các giải pháp giảm thiểu rủi ro ngập lụt, bao gồm xây dựng kè và cống ngăn triều, cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh thoát nước cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh để giữ nước mưa. Dự án cũng sẽ hỗ trợ xây dựng 3 tuyến đường huyết mạch giúp cải thiện khả năng kết nối nội đô và nâng cao hơn nữa năng lực chống ngập của thành phố.

Dự án này sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý và quy hoạch đô thị thông qua đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin. Các hợp phần chính bao gồm một hệ thống thông tin quản lý tổng hợp rủi ro ngập lụt, một nền tảng chia sẻ dữ liệu không gian địa lý, các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, và hệ thống quản lý giao thông thông minh.

Ông Rahul Kitchlu - quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Nâng cấp cơ sở hạ tầng là chìa khóa để một thành phố có thể khai phá hết tiềm năng, bảo vệ những thành tựu đã đạt được và chống chọi với nhiều cú sốc. Sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ giúp thành phố Vĩnh Long thực hiện danh mục đầu tư quy mô lớn, tăng cường khả năng khả năng thích ứng với các rủi ro khí hậu và thiên tai.”

Thành phố Vĩnh Long, với vị trí chiến lược nằm dọc hành lang kinh tế nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm kinh doanh nông nghiệp, thương mại và du lịch của vùng. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt và vệ sinh môi trường kém là những trở ngại lớn kìm hãm sự phát triển của thành phố. Nằm ở khu vực trũng thấp ven sông Tiền, khoảng 60% diện tích của thành phố có nguy cơ bị ngập lụt.

Dự án Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Vĩnh Long, với tổng kinh phí 202,2 triệu USD sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn về cơ sở hạ tầng trong khu vực lõi đô thị thông qua việc xây dựng các hệ thống kiểm soát ngập úng, thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, và xây dựng những tuyến đường trọng điểm.

Khoản tín dụng này do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới cung cấp. Quỹ Đầu tư Phát triển Cơ sở Hạ tầng (DRIVE) do Bộ Ngoại giao Hà Lan quản lý, tham gia đồng tài trợ 19,5 triệu USD cho dự án. Phần vốn đầu tư còn lại sẽ do Chính phủ Việt Nam cung cấp.

Theo Vietnamplus

Bạc Liêu: Bắt và tiêu hủy gần 5,3 triệu con tôm giống chưa qua kiểm dịch

Chiều 6/1, lực lượng liên ngành gồm: Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, Thanh tra Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp tổ chức chức tiêu hủy gần 5,3 triệu con tôm giống chưa qua kiểm dịch tại Trại thực nghiệm (Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu).

Lực lượng chức năng tiêu hủy tôm giống. Ảnh: C.L

Trước đó, rạng sáng cùng ngày, lực lượng liên ngành tổ chức kiểm tra đột xuất hàng chục xe tải vận chuyển tôm giống từ các tỉnh miền Trung vào địa bàn tỉnh tiêu thụ tại khu vực chợ tôm (Phường 1, TX. Giá Rai). Qua đó, phát hiện 2 xe tải mang biển kiểm soát tỉnh Ninh Thuận, 1 xe mang biển kiểm soát tỉnh Khánh Hòa đang chở số lượng lớn tôm giống (tôm thẻ) chưa qua kiểm dịch.

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế của 3 xe tải và người áp tải hàng không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến số tôm giống nói trên. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, tịch thu và tiêu hủy toàn bộ số tôm giống này. 

*Thông tin được tổng hợp từ báo trung ương và địa phương.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...