Trung tâm dạy nghề thăm và tặng quà cho người khuyết tật
Cơ sở sản xuất KymViet được thành lập vào cuối năm 2013, với đa số thành viên là người khuyết tật. Kymviet hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, sử dụng nguyên liệu là vải các loại để làm sản phẩm, chủ yếu là đồ chơi trẻ em, đồ trưng bày, quà tặng lưu niệm, cùng nhiều sản phẩm phong phú khác.
Sản phẩm của công ty Kymviet
Theo thông lệ, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, Hiệp hội, Trung tâm đều đến thăm hỏi các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh có người yếu thế, người khuyết tật tham gia. Mục đích nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ động viên mọi người có thêm động lực để cố gắng phấn đấu vươn lên, làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Trao đổi với lãnh đạo Kymviet, bà Triệu Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho biết, những món quà nhân văn ý nghĩa mà đoàn trao cho cơ sở lần này đến từ các nhà tài trợ như: Mạng Xã hội Nhật ký cuộc sống (Vdiarybook), Nước mắm Sơn Thơm Ba Làng Thanh Hóa, Hộ kinh doanh KCB Food Nguyễn Thị Phượng. Đây là những đơn vị đã nhiều năm đồng hành trong công tác xã hội, từ thiện và nhân đạo của Hiệp hội và Trung tâm.
Đoàn đại diện Trung tâm dạy nghề và doanh nghiệp Kymviet
Doanh nghiệp Kymviet chân thành cảm ơn đoàn tặng quà. Anh Phạm Việt Hoài, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT công ty KymViet cho biết, bản thân anh cũng là một người khuyết tật nên rất thấu hiểu khó khăn và cuộc sống của người khuyết tật. Họ luôn mong muốn tìm được một công việc phù hợp với khả năng và môi trường làm việc tốt, để lao động, tạo cuộc sống ổn định, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đó là lý do để anh quyết định thành lập KymViet, với mong muốn được làm điều gì đó giúp cộng đồng người khuyết tật.
Xưởng sản xuất của Kymviet hiện tại có 30 công nhân, chủ yếu là nữ. Thời kỳ đầu Kymviet gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền và cộng đồng, xã hội, cùng với sự nỗ lực vươn lên của toàn thể các thành viên, đến nay, sản phẩm của KymViet đã được đón nhận của nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Anh Hoài cũng mong muốn mô hình của KymViet sẽ không chỉ dừng lại ở Hà Nội mà có thể phát triển thêm ở các địa phương khác để giúp cho người khuyết tật có công ăn việc làm và tạo lập cuộc sống.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.