Ứng dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp bất động sản thích ứng với dịch Covid-19
Theo Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ BĐS Sen Vàng Nguyễn Thị Bích Ngọc, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức đối với Doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Do vậy, mỗi DN cần chủ động lên kịch bản riêng cho đơn vị mình để sẵn sàng đối phó và thích ứng. Kỷ nguyên số hóa thu hút sự quan tâm từ DN BĐS, bởi nó giúp xây dựng những mô hình kinh doanh mới, liên quan đến chuyển đổi số, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động trong điều kiện buộc phải giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, DN BĐS đang phải đối mặt với 5 thách thức lớn, gồm: Chính sách pháp lý, sự biến đổi khó lường của đại dịch; Sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch; Chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu; Áp lực lớn từ ách tắc nguồn cung khiến chủ đầu tư khó khăn về nguồn vốn... Vì vậy, muốn phát triển bền vững, DN cần chú trọng đến những phân khúc còn khan hiếm trên thị trường, đặc biệt là nhà ở giá bình dân dành cho người thu nhập thấp.
“Trong bối cảnh kinh tế số thay đổi từng ngày, từng giờ, DN BĐS phải áp dụng công nghệ để đổi mới sáng tạo. Ngoài việc đáp ứng sự thay đổi của thị trường, chủ đầu tư phải nghiên cứu kỹ hơn về những thay đổi của khách hàng, nhà phân phối, thâm chí cả đối thủ. Từ đó, xây dựng giải pháp phù hợp cho DN. Quá trình hướng tới phát triển bền vững có thể chậm nhưng phải chắc chắn” – bà Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Theo đánh giá, dịch Covid-19 chính là nhân tố thúc đẩy chuyển đổi số nhanh chóng của DN BĐS để hướng tới phát triển bền vững. Nhưng thực tế số lượng DN vốn đầu tư trong nước có tỷ lệ đầu tư công nghệ vẫn còn thấp. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nhiều DN BĐS đã đầu tư mạnh mẽ giao dịch trực tuyến, ứng dụng công nghệ đa nền tảng để kết nối. Tuy nhiên, tới 80% trong số này lại là công ty vốn đầu tư từ nước ngoài, hoặc công ty nước ngoài.
Ông Trịnh Tùng Bách - Người sáng lập GBS (Green Building Solution) cho rằng, cần phải xây dựng chế tài để minh bạch hóa, số hóa BĐS ngay từ giao dịch và nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Hiện các quốc gia đều có chiến lược phát triển bền vững ngành xây dựng với mục tiêu định hướng dài hạn, vì vậy, nên sớm bám sát tiêu chí đó.
“Bên cạnh sự nỗ lực của DN vẫn rất cần sự vào cuộc từ cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện nay, DN BĐS rất khó để tìm kiếm bản đồ quy hoạch 1/2000 được tích hợp trên tảng số, mới có TP Hồ Chí Minh làm được việc này, muốn đưa vào thực hiện một cách rộng rãi cần đồng bộ dự liệu quản lý thông tin về đất đai, mã hóa công văn chỉ thị liên quan... hay nói cách khác là số hóa data dữ liệu của Nhà nước, những thủ tục này cũng cần được cơ quan chức năng Nhà nước công nhận để tránh tranh chấp, rủi ro, giảm bớt tiêu cực, phiền hà trong quá trình giao dịch” – ông Trịnh Tùng Bách cho hay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.