Ước gì khóc được thật nhiều...

2017-10-16 14:28:37 0 Bình luận
Gần 40 năm qua, anh Giang phải gắn liền với chiếc giường. Dù bại liệt nhưng bằng nghị lực, quyết tâm vượt lên số phận, anh đã gặt hái được nhiều giải thưởng từ thơ, văn, truyện ngắn…
Đánh trận giả, trúng đạn thật

Chúng tôi tìm về nhà anh Trần Hồng Giang (SN 1974) vào một buổi chiều nắng gắt. Ngôi nhà nằm im lìm ở cuối xóm 6, xã Nghĩa Hùng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Anh Giang sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em. Mẹ anh làm ruộng còn bố là giáo viên trường làng và cũng là thương binh nặng trong kháng chiến chống Mỹ. Lên 5 tuổi, một tại nạn bất ngờ ập đến với anh khiến cuộc đời phải rẽ sang hướng khác, vô cùng nghiệt ngã, cuộc sống từ đó gắn liền với chiếc giường.

Anh Giang dùng miệng ngậm đũa để gõ bàn phím máy tính

Đó là vào một buổi chiều năm 1980, lúc đó Giang cùng anh trai của mình chơi trò đánh trận giả, hai anh em lấy khẩu súng thể thao của bố làm trò chơi, dù lúc ấy khẩu súng đã được khóa nòng nhưng không biết bằng cách nào anh trai của Giang mở được nòng súng và không may bắn trúng Giang.

Tai nạn không cướp đi mạng sống của Giang nhưng do viên đạn bắn xuyên qua cổ từ trước ra sau, đi qua đốt sống nên khiến anh bị liệt toàn thân. Thương con, bố mẹ đã vay mượn anh em, chòm xóm được ít tiền để đưa Giang đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng vẫn không có kết quả.

Từ đó các bộ phận trên cơ thể Giang cứ teo dần, mất cảm giác. “Lúc Giang bị tai nạn, gia đình tôi chạy vạy khắp nơi để vay tiền chữa trị cho con, bao nhiêu đồ đạc quý giá trong nhà cứ đội nón ra đi nhưng bệnh tình của Giang không thuyên giảm”, ông Trần Hồng Sâm (bố anh Giang) nhớ lại.

Sau khi Giang gặp tai nạn, ông Sâm xin nghỉ việc vì lý do mất sức và để tiện chăm sóc cho cậu con trai bất hạnh. Nhìn con trai đau đớn nằm liệt trên giường, ông Sâm không cầm được lòng mình, ông khuyên nhủ, động viên Giang đứng lên trước số phận.

Chính vì vậy, ông Sâm vừa làm bố, vừa làm thầy giáo của anh Giang. Hàng ngày, ông kèm cặp Giang học chữ, đánh vần, nhẩm tính. Các anh chị của anh Giang mỗi lần đi học về, thấy em mình nằm trên giường, cũng lấy que tính làm trò đố vui giúp Giang vơi bớt mặc cảm.

Với bản tính thông minh cùng sự tận tình chỉ bảo của ông Sâm, chẳng bao lâu Giang đã biết đọc, biết viết, biết tính toán như những đứa trẻ khác cùng trang lứa.

Một tâm hồn giàu cảm xúc

Sau khi biết viết chữ, Giang bắt đầu tập sáng tác thơ, viết văn, truyện ngắn. Anh học hỏi từ sách báo, tivi để nâng cao kiến thức. Cuộc sống gắn với chiếc giường, không được vui chơi, chạy nhảy như đám bạn cùng trang lứa, anh vùi đầu vào những vần thơ, câu chuyện.

Cũng từ đó máu nghệ sỹ ăn sâu vào tâm trí chàng trai tật nguyền. Lấy cảm hứng từ chính cảm xúc thật của mình, Giang viết về tuổi thơ, làng xóm, gia đình và viết về nỗi bất hạnh của người mẹ…

“Những nụ cười cứ ngô nghê méo xệch

Những thanh âm ngằn ngặt không rõ lời

Và trên khuôn mặt người mẹ bất hạnh

Dày thêm xót xa mỗi lúc con cười”

Hay những vần thơ giàu cảm xúc của một chàng trai tật nguyền đầy ước mơ, hoài bão với những điều ước:

“Ước gì ai bán nụ cười

Tôi gom tiền lẻ mua phơi để dành

Ước gì cây lá đừng xanh

Để mùa thu cứ mãi hanh hao vàng

Ước gì duyên sẽ lỡ làng

Để người an phận mà sang sông nhiều

Ước gì khóc được thật nhiều

Cho lòng vơi bớt những điều xót xa

Ước gì biển chẳng bao la

Cho thuyền cập bến phồn hoa xứ người

Ước gì… cứ ước nửa vời

Ước sao tôi lại chẳng là tôi hững hờ”

Được biết, năm 2003, anh Giang cho ra đời tập thơ đầu tiên với tựa đề “Nỗi nhớ mùa hè”. Tập thơ đầu tay của Giang đánh dấu sự hoà nhập với cuộc sống đầy ước mơ của chàng thanh niên tài hoa nhưng có số phận nghiệt ngã.

Tám năm sau, anh cho ra đời tập thơ “Chuồn chuồn phố” hay cuốn truyện “Những con vịt cánh sẻ”, xuất bản năm 2015; tiểu thuyết “Mẹ ơi con nhớ nhà”, xuất bản năm 2016… Đến nay, gia tài của anh Giang có được là 7 tập thơ, truyện ngắn đã được in. Từ đó, làm cho cái tên Trần Hồng Giang trở nên quen thuộc với độc giả của các báo, tạp chí.

Sáng tác của anh Giang luôn hướng tới những giá trị “chân, thiện, mỹ” - một con người, một hồn thơ dạt dào tinh thần lạc quan, khát vọng, nhất là tình yêu, niềm tự hảo về quê hương đất nước.

Ngoài việc luyện viết, tập sáng tác thơ, Giang còn kiên trì tự học tiếng Anh, tiếng Trung qua truyền hình, radio. Cũng từ đó nâng cao kiến thức và bắt đầu dịch tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh cho một số tờ báo lớn, tạp chí, trang thông tin điện tử,… Năm 2010, anh làm biên tập viên tiếng Anh cho một Cty sách.

Anh Giang kể: Năm 2003, Giang được một người bạn tặng chiếc máy tính, đó là điều kiện giúp Giang mày mò nghiên cứu, tìm hiểu thêm thông tin trên mạng internet, ngoài ra anh còn học hỏi cách sửa chữa và đi sâu vào nghiên cứu công nghệ thông tin.

Cũng giống như lúc mới tập viết chữ, Giang bắt đầu say xưa tập gõ bàn phím máy tính. Giang dùng miệng ngậm chiếc đũa và kết hợp với cùi chỏ bên trái để gõ bàn phím. Sau một thời gian thành thạo các thao tác cũng như công dụng của chiếc máy tính, anh mạnh dạn thành lập website.

Từ ý tưởng đó, anh lại tiếp tục mày mò các kiến thức về thiết kế website, đặt tên và xây dựng các chuyên mục. Sau 2 tháng miệt mài, cuối cùng website vannghenamdinh.com.vn (Văn nghệ Nam Định) và website lucbat.com (Lục bát) cũng được ra đời, với mạng lưới công tác viên lên đến hàng chục người. Và, anh Giang là người biên tập, đưa các tác phẩm lên mạng.

Ngoài những tác phẩm thơ ca, truyện ngắn, tác phẩm văn học nước ngoài tự dịch, anh Giang còn đoạt hàng loạt giải thưởng như: Giải Nhì cuộc thi viết kỷ niệm sâu sắc về Đài Tiếng nói Việt Nam năm 2005; giải Ba cuộc thi viết về những phụ nữ vượt lên số phận do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và báo Lao động tổ chức năm 2007; giải Nhì và giải Khuyến khích cuộc thi viết “Người khuyết tật và thị trường lao động” do Bộ LĐ-TB & XH tổ chức năm 2010...

Ngoài ra, anh còn là một trong số 50 gương mặt tiêu biểu nhất của người khuyết tật Việt Nam góp mặt trong cuộc triển lãm ảnh “Họ đã sống như thế” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Hiện tại, anh đang là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nam Định.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: “Bừng sáng cùng Kỳ quan” - Carnaval Hạ Long đầu tiên trên biển

Tối 28/4 tại khu du lịch Bãi Cháy thành phố Hạ Long, Carnaval Hạ Long 2024 lần đầu tiên được tổ chức trên biển đã mang tới cho du khách nhiều cảm xúc về vùng đất, con người Quảng Ninh với nhiều nét văn hóa đặc sắc, khởi động một mùa du lịch mới.
2024-04-29 14:43:11

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
2024-04-27 19:43:25

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29
Đang tải...