Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Cần quan tâm bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân
Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng sơ xuất trong quá trình kiểm kê
Thời gian qua, Tạp chí điện tử Hoà Nhập nhận được đơn kêu cứu của gia đình ông Hạ Văn Cấp ở xứ Đầm Lác, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh những bất cập liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Cụ thể, nhằm phục vụ công trình “Xây dựng mới chùa Già Du và phần mở rộng chùa Già Du, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường”, UBND huyện Vĩnh Tường đã xây dựng phương án thu hồi hơn 1.600 m2 đất nông nghiệp của gia đình ông vốn đang làm trang trại nuôi chim cút với thu nhập mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng. Điều đáng nói, theo phản ánh của ông Cấp, quá trình thu hồi đất, UBND huyện Vĩnh Tường đã không thực hiện đúng các quy định của Luật Đất đai 2013; Nghị định 47/2014/NĐ-CP; Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc… Việc này đã tạo nguy cơ gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của công dân có đất bị thu hồi.
Trong đơn kêu cứu, ông Hạ Văn Cấp cho biết, để phục vụ cho công trình nói trên, UBND huyện Vĩnh Tường đã thực hiện thu hồi đất không đúng theo quy định của Luật Đất đai; không tổ chức lấy ý kiến, đối thoại với người dân về phương án giải phóng mặt bằng; gia đình ông Cấp không được biết về đơn giá bồi thường hỗ trợ tài sản, công hỗ trợ di dời… Quyết định số 956 ngày 21/11/2017 của UBND huyện Vĩnh Tường phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư công trình “Xây dựng mới chùa Già Du và phần mở rộng chùa Già Du, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường” xác định tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho gia đình ông Hạ Văn Cấp và các hộ khác là trên 3,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 22/10/2018, UBND huyện Vĩnh Tường tiếp tục ban hành Quyết định số 963 trong đó xác định kinh phí điều chỉnh bổ sung bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho gia đình ông Cấp là trên 110 triệu đồng. Văn bản này cũng nêu rõ “Điều chỉnh tăng số tiền bồi thường tài sản, vật kiến trúc cho hộ ông Hạ Văn Cấp do Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng sơ xuất trong quá trình kiểm kê, xác định nhầm quy cách trong quá trình tra giá. Bổ sung phương án bồi thường tài sản, vật kiến trúc của hộ ông Hạ Văn Cấp và hộ ông Phùng Duy Hưng do Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng kiểm kê thiếu”.
Khu trang trại và sinh hoạt của gia đình bên chùa Già Du |
Mặt khác, theo phản ánh của ông Cấp, phương án điều chỉnh, bổ sung của Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng (BT - GPMB)cũng chưa đúng với quy định của pháp luật; có dấu hiệu gây thiệt hại về kinh tế cho công dân. Cụ thể, điều 3, Quyết định số 35 ngày 15/8/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ghi rõ: Trong trường hợp người sử dụng đất không có hồ sơ, chứng từ chứng minh các chi phí đầu tư vào đất thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thực tế để xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, xin ý kiến các Sở chuyên ngành trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, theo phản ánh thì toàn bộ các chi phí đầu tư vào diện tích đất bị thu hồi như chi phí san lấp, chi phí cải tạo nâng nền… của gia đình ông Cấp đều không được tính đến trong phương án bồi thường, hỗ trợ. Điều 17, Quyết định số 35 nói trên cũng nêu rõ: Đối với vật nuôi khác (không phải là vật nuôi trong nuôi trồng thủy sản) nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp, trang trại, tại thời điểm thu hồi đất chứ đến thời kỳ thu hoạch thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng căn cứ thực tế tính mức hỗ trợ chi phí di chuyển, lập phương án bồi thường trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ theo từng dự án cụ thể. Thực tế, tổng chi phí hỗ trợ di chuyển vật nuôi với trên 180.000 con chim cút và rất nhiều máy móc, thiết bị chỉ được xác định là hơn 19 triệu đồng. Do đó, theo ông Cấp, mức hỗ trợ được xác lập trong phương án do UBND huyện Vĩnh Tường là quá thấp; không phù hợp với chi phí thực tế.
Vội vàng ban hành quyết định cưỡng chế?
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại khu vực nằm trong diện bị thu hồi đất, từ hơn chục năm qua, gia đình ông Hạ Văn Cấp đã sinh sống và phát triển sản xuất ổn định, thường xuyên. Đặc biệt, từ năm 2013, mô hình nuôi chim cút của ông Cấp đã được UBND huyện Vình Tường cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại. Hàng năm, ngoài việc mang lại thu nhập hơn 2 tỷ đồng, mô hình này của gia đình ông Cấp còn tạo việc làm (thường xuyên và thời vụ) cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập bình quân vào khoảng 250 nghìn đồng/người/ngày.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, đầu năm 2018, ông Hạ Văn Cấp đã gửi đơn đến Thanh tra Chính phủ; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Tường đề nghị xem xét một số hạng mục, bồi thường, hỗ trợ chưa thỏa đáng. Đến tháng 5/2018, UBND huyện Vĩnh Tường ban hành văn bản số 1303 về việc trả lời đơn của ông Hạ Văn Cấp. Tuy nhiên, gia đình ông Cấp không đồng tình với nội dung trả lời của UBND huyện Vĩnh Tường bởi việc bồi thường, hỗ trợ nhiều hạng mục chưa phù hợp với chi phí thực tế. Trong khi những vướng mắc trên chưa được giải quyết, ngày 23/01/2019 vừa qua, UBND huyện Vĩnh Tường đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với phần diện tích đất của gia đình ông Cấp bất chấp những nội dung khiếu nại của người dân. Trao đổi với phóng viên, ông Hạ Văn Cấp cho biết: “Tôi và gia đình hoàn toàn ủng hộ chủ trương của huyện Vĩnh Tường trong việc thu hồi đất để phục vụ mục đích công cộng, an sinh xã hội. Nhất là công trình xây dựng mới chùa Già Du và phần mở rộng chùa Già Du, xã Vĩnh Sơn lại là công trình tâm linh. Song, tôi cũng có nguyện vọng đề nghị UBND huyện Vĩnh Tường và Hội đồng BT - GPMB thực hiện đúng theo các quy định hiện hành; bảo đảm tối đa lợi ích hợp pháp, tương xứng với những chi phí đầu từ của gia đình tôi đối với phần diện tích đất bị thu hồi; không vì việc mở rộng chùa Già Du mà gây thiệt hại về kinh tế, làm ảnh hưởng đến sinh kế của gia đình tôi”.
Xung quanh những phản ánh của công dân, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn trả lời báo chí khẳng định: “Các nội dung liên quan đến việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất phần lớn là do Hội đồng BT - GPMB thực hiện; cấp xã chúng tôi chỉ là phối hợp thực hiện. Quan điểm của xã là sẽ cố gắng thực hiện đúng những nội dung công việc theo phạm vi thẩm quyền. Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị Hội đồng BT - GPMB thực hiện đầy đủ các bước theo trình tự quy định trên cơ sở tôn trọng quyền lợi chính đáng của công dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất”.
Liên quan đến những phản ánh của người dân xung quanh các vướng mắc trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ công trình “Xây dựng mới chùa Già Du và phần mở rộng chùa Già Du, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường”, Tạp chí điện tử Hoà Nhập sẽ tiếp tục thông tin, làm rõ trong các nội dung tiếp theo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.