Xét xử án hành chính: Nể nang là có thật
Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) về tỉ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao cùng với việc đề nghị Chánh án TAND Tối cao cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ của tình trạng này? Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thẳng thắn thừa nhận trong xét xử án hành chính liên quan đến các cơ quan nhà nước, có sự cả nể trong quá trình xét xử là có thật nhưng không phải nhiều. Trong khi, chỉ tiêu Quốc hội giao, án hành chính tỉ lệ cải sửa không quá 1,5% nhưng thời gian qua, tỉ lệ án hành chính cải sửa lên đến 4%.
Nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.
Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên trong thực tế, việc cung cấp tài liệu này không đủ, không đảm bảo.
Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Nếu là lỗi chủ quan của thẩm phán trong các vụ án bị hủy sửa thì thẩm phán bị xử lý như không tái bổ nhiệm, không xét thi đua - Ảnh: VGP/LS
Chánh án TAND Tối cao cho rằng để hạn chế tình trạng cả nể, nâng cao chất lượng xét xử án hành chính, cần thực hiện, đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên trách xét xử, không được ủy quyền cho cấp thứ ba tham gia phiên tòa (chỉ ủy quyền cho cấp phó).
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đối với việc sớm xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết nhiều nước trên thế giới có đạo luật chuyên biệt về Luật Tư pháp với người chưa thành niên.
Đối với việc xây dựng đạo luật riêng về xét xử người chưa thành viên ở nước ta, hiện nay Việt Nam đã tham gia công ước về bảo vệ quyền trẻ em, các quy định về vấn đề này được ghi nhận tản mạn trong nhiều đạo luật khác. Vì thế, việc có đạo luật riêng là hết sức cần thiết vì sẽ khắc phục được bất cấp trong giải quyết những vụ án liên quan đến người chưa thành niên hiện nay.
Đối với quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang tòa án giải quyết, Chánh án TAND Tối cao cho rằng nếu đưa hết khiếu kiện sang tòa án là đã giới hạn lựa chọn của người dân, trong khi đó, nếu có lựa chọn cho UBND giải quyết thì nhiều trường hợp sẽ đảm bảo được yêu cầu về tiến độ giải quyết hơn.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang tòa án trong dự án Luật Đất đai sửa đổi.
Về tình trạng án quá hạn hiện nay, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết do khối lượng công việc nhiều nên hiện còn khoảng hơn 200 vụ án quá hạn. Ngoài các nguyên nhân quá tải công việc, còn có nguyên nhân về năng lực của cán bộ tòa án, điều này sẽ được ngành tòa án sớm khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chất vấn về hoạt động phòng ngừa tiêu cực của ngành tòa án, theo báo cáo thì từ năm 2021 đến nay có 106 cán bộ tòa án bị xử lý kỷ luật. Bên cạnh đó, có tình trạng nhiều cán bộ tòa án xin nghỉ việc do áp lực công việc nhiều? Trách nhiệm và giải pháp của Chánh án trong vấn đề này?
Trả lời vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng tất cả các vi phạm đều phải xử lý nghiêm, không bao che. Về công tác phòng ngừa, ngành tòa án tăng cường kiểm tra thường xuyên, ban hành quy tắc đạo đức công vụ cho thẩm phán, ban hành quy định 120 về xử lý vi phạm đối với thẩm phán, như việc chỉ cho thẩm phán không được để quá án hủy sửa vượt quá 1,16% (thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao), nếu tỉ lệ vượt quá quy định thì sẽ không được tái bổ nhiệm.
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk), trong xét xử các vụ án hình sự đã cho thấy còn nhiều trường hợp tòa án các cấp xét xử sai tội danh đối với hành vi phạm tội; áp dụng không đúng điểm, khoản, điều luật… dẫn đến mức phạt thấp hơn khung hình phạt và chất vấn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết có tình trạng áp dụng pháp luật không đúng trong các bản án (quy định hiện nay là dưới tỉ lệ án hủy sửa không quá 1,5%). Trong quá trình xem xét, nếu là lỗi chủ quan của thẩm phán thì bị xử lý như không tái bổ nhiệm, không xét thi đua…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.