Ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về vụ án Gami Gas
Công văn số 6134/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ |
Công văn số 6134/VPCP-V.I có đoạn ghi: “Văn phòng Trung ương Đảng có Văn bản số 6655-CV/VPTW ngày 17 tháng 5 năm 2018 gửi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chuyển đơn của bà Trần Thị Kim Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Gami Gas (trụ sở tại Khu Công nghiệp thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) tố cáo, kiến nghị liên quan đến việc giải quyết tố cáo của bà Tân đối với bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan, Giám đốc Công ty TNHH Gami Gas (đơn và tài liệu sao gửi kèm theo). Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến như sau:
Đề nghị đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo kiểm tra Quyết định số 01 ngày 20 tháng 12 năm 2011 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình về việc không khởi tố vụ án hình sự theo kiến nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại văn bản số 4610/MTTW-BTT ngày 16 tháng 01 năm 2018 và Thông báo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam kết quả giải quyết”.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về bản chất vụ việc này, Tạp chí điện tử Hòa nhập xin trích đăng nguyên văn đoạn nhận xét về Quyết định số 01 ngày 20/12/2011 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình không khởi tố vụ án hình sự tại văn bản số 4610/MTTW-BTT của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Văn bản số 4610/MTTW-BTT có đoạn ghi:
” 3. Quyết định số 01 ngày 20/12/2011 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình không khởi tố vụ án hình sự căn cứ vào khoản 1 và khoản 2 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự là chưa thuyết phục, bởi vì:
Thứ nhất, theo kết quả điều tra, xác minh thì các cơ quan tiến hành tố tụng đều khẳng định bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan có nhiều hành vi gian dối:
- Bà Ngoan gian dối trong lời khai ban đầu không biết bà Tân là ai và không thừa nhận việc tham gia góp vốn của bà Trần Thị Kim Tân. Vì bà Ngoan lợi dụng trong việc góp vốn giữa ông Văn, bà Tân và bà Ngoan không được lập thành văn bản, giấy tờ nên sau khi bà Tân tố cáo thì ngay từ những lời khai, biên bản làm việc ban đầu bà Ngoan đã phủ nhận toàn bộ việc góp vốn của bà Tân vào công ty.
- Bà Ngoan gian dối khi cùng với ông Văn lập giấy vay vốn để chuyển số tiền góp vốn của bà Tân và ông Văn thành tiền vay ông Văn mà thực chất không có việc vay mượn này. Khi Cơ quan điều tra có đủ tài liệu chứng minh bà Tân là người tham gia góp vốn thì bà Ngoan lại khai việc bà Tân góp vốn gián tiếp qua ông Văn nên khi chuyển nhượng công ty, bà Ngoan đã thanh toán với ông Văn số tiền 1.313.000.000đ vốn góp ban đầu; còn số tiền 1.350.000.000đ bà Ngoan cho là bà Tân tự nộp vào công ty, bà Ngoan đã vay số tiền này nên đã trả lại cho công ty.
- Bà Ngoan gian dối khi cam kết chuyển nhượng vốn góp của mình cho ông Văn, bà Tân theo Giấy chuyển nhượng cổ phần ngày 21/07/2010 và đang thực hiện cam kết này (đã nhận 2,5 tỷ đồng), lẽ ra sau đó phải tiếp tục thực hiện cam kết nhưng bà Ngoan lại chuyển nhượng toàn bộ Công ty TNHH Gamigas cho bà Ngô Thị Tuyết.
- Bà Ngoan gian dối khi lập Phụ lục Hợp đồng đối trừ nợ với Công ty Liên Quảng Thành, tự ý quy trách nhiệm cho bà Tân. Ngày 21/11/2010, bà Ngoan ký hợp đồng và chuyển nhượng toàn bộ Công ty TNHH Gamigas cho bà Ngô Thị Tuyết với số tiền 7.850.000.000đ; trong hợp đồng không thể hiện có phụ lục kèm theo. Ngày 23/11/2010, Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình đã cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Gas Phú Hoàng An; Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty là bà Ngô Thị Tuyết. Nhưng bà Ngoan và bà Tuyết sau khi chuyển giao công ty xong lại lập 03 bản phụ lục và 01 bản thanh toán tiền công nợ đề ngày 26/11/2010 (bà Ngoan vẫn ký với chức danh Chủ tịch Công ty Gamigas) với nội dung đối trừ tiền của bà Tân với tiền Công ty Liên Quảng Thành còn nợ, buộc bà Tân phải chịu trách nhiệm trả số tiền còn thiếu là 132.319.000đ và giao cho bà Tuyết có trách nhiệm thu hồi. Trong khi đó, Công ty Liên Quảng Thành là công ty có nhiều cổ đông, ông Văn là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty và là người đại diện theo pháp luật; bà Tân với chức vụ Phó Giám đốc Công ty Liên Quảng Thành chỉ là một trong số những cổ đông của Công ty.
Giấy đề nghị số 13/GM ngày 21/11/2010 của bà Ngoan và bút phê của bà Tân |
Thứ hai, có 3 khoản tiền chưa được điều tra, làm rõ:
* Khoản tiền 2.663.000.000 đồng:
Sau khi chuyển nhượng xong Công ty Gamigas cho bà Tuyết, bà Ngoan đã không trả lại cho bà Tân (ít nhất) số tiền là 2.663.000.000đ, trong đó gồm:
- Số tiền: 1.313.000.000đ: là phần vốn góp ban đầu của mỗi người khi bà Tân, bà Ngoan và ông Văn mua Công ty Gamigas từ Công ty FBS.
- Số tiền: 1.350.000.000đ: là tiền bà Tân nộp thêm với mục đích là để mua phần thoái vốn của bà Ngoan. Lý giải về khoản tiền này như sau: Số tiền 2,5 tỷ đồng mà bà Ngoan đã nhận khi ký cam kết chuyển nhượng vốn của mình cho ông Văn và bà Tân thì trong đó: 1.350.000.000đ là của bà Tân nộp thêm với mục đích là để mua phần thoái vốn của bà Ngoan; còn 1.150.000.000đ là phần vốn chung của 3 người (Ngoan, Tân, Văn) có trong công ty Gamigas. Khi bà Ngoan trả lại 2,5 tỷ đồng này vào tài khoản công ty, tức là phần vốn góp của cả 3 người vẫn như ban đầu với số tiền mỗi người đã góp là 1.313.000.000đ.
Như vậy, theo Đoàn giám sát, số tiền 1.313.000.000đ (số tiền góp vốn ban đầu của mỗi người) + 1.350.000.000đ (số tiền bà Tân nộp vào để mua phần thoái vốn của bà Ngoan) = 2.663.000.000đ là số tiền của bà Tân đã bị chiếm đoạt, do đó có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản.
* Khoản tiền 4 tỷ đồng:
Ngày 22, 23/11/2010, do không biết công ty đã chuyển đổi chủ sở hữu, bà Tân đã nộp vào tài khoản của Công ty TNHH Gamigas số tiền 4 tỷ đồng mà theo bà Tân trình bày là nhằm mục đích bù đắp thiếu hụt vốn khi bà Ngoan rút khỏi công ty (hiện nay số tiền này vẫn nằm “treo” tại tài khoản của Công ty TNHH Gas Phú Hoàng An ở Ngân hàng Ngoại thương - Chi nhánh Thái Bình). Mặc dù, bà Tuyết thừa biết số tiền này không phải của mình nhưng cũng không chịu rút trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp là bà Tân; đồng thời, bà Ngoan lại yêu cầu bà Tuyết không được tự ý trả bà Tân khi chưa có ý kiến của cơ quan pháp luật hoặc sự đồng ý của bà Ngoan. Từ đó đến nay đã gần 7 năm, số tiền này cũng chưa có cơ quan nào đứng ra yêu cầu phía ngân hàng phải chuyển trả cho bà Tân hoặc được bà Ngoan, Tuyết đồng ý trả. Tuy số tiền này bà Ngoan, bà Tuyết không trực tiếp giữ nhưng vẫn thuộc quyền quản lý của họ và chỉ có họ mới có quyền được rút ra khỏi ngân hàng hay không mà thôi (điều này được thể hiện ở Phụ lục 2 của Hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Ngoan và bà Tuyết). Theo Đoàn giám sát, biết rõ là số tiền này không phải tài sản của mình nhưng không tự nguyện trả cho chủ sở hữu hợp pháp là có dấu hiệu của hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.
* Khoản tiền 2 tỷ đồng chênh lệch:
Ngày 21/7/2010, bà Ngoan viết Giấy chuyển nhượng cổ phần cho bà Tân và ông Văn thỏa thuận: bà Tân và ông Văn trả cho bà Ngoan số vốn góp ban đầu là 1.980.490.000đ cùng số tiền chênh lệch là 2 tỷ đồng. Như vậy, số tiền chênh lệch 2 tỷ đồng này được hiểu là số tiền mà một trong ba người nếu rút vốn góp ra khỏi Công ty TNHH Gamigas sẽ được nhận hay còn có thể gọi là “tiền lãi” khi đầu tư vào Công ty của cả ba người. Do đó, giá trị của Công ty thực chất tại thời điểm bán cho bà Tuyết sẽ gồm số vốn điều lệ (7.850.000.000đ) + số “tiền lãi” của ba người (2 tỷ x 3 người = 6 tỷ), đồng nghĩa với việc khi bà Ngoan bán công ty cho bà Tuyết đã “không nhắc đến” số tiền 6 tỷ trên.
Giấy chuyển nhượng cổ phần ngày 21/7/2010 của Bà Ngoan |
Việc xác định giá trị thực chất của Công ty TNHH Gamigas tại thời điểm chuyển nhượng cho bà Tuyết là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc bán Công ty với giá 7.850.000.000đ của bà Ngoan cho bà Tuyết là đúng hay không đúng với giá trị thực của Công ty, có ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên tham gia góp vốn khác hay không vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Như vậy, theo phân tích của Đoàn giám sát, sự việc trên đã có dấu hiệu của hành vi cấu thành tội phạm, do đó, Quyết định số 01 ngày 20/11/2011 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình không khởi tố vụ án hình sự là chưa thuyết phục.”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.