Bản tin Hoà Nhập ngày 1/9/2021: Hà Nội bắt đầu dùng flycam giám sát người dân tự ý ra đường
Từ ngày 1/9 người dân đi làm sổ đỏ không cần nộp bản sao giấy tờ tuỳ thân.
Làm sổ đỏ không cần nộp bản sao giấy tờ tùy thân
Thông tư 09/2021/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn Luật Đất đai sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9.
Khoản 5 điều 11 Thông tư 09 quy định, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được vận hành và kết nối với dữ liệu lĩnh vực đất đai sẽ có nhiều điểm thuận lợi hơn với người dân.
Theo đó, khi người dân nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp sổ đỏ mà có yêu cầu thành phần là: bản sao Giấy chứng minh thư nhân dân hoặc Giấy chứng minh quân đội hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ khác chứng minh nhân thân, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, người dân sẽ không bị yêu cầu nộp các giấy tờ này để chứng minh nhân thân.
Ngoài ra, mã vạch được dùng để quản lý, tra cứu thông tin về sổ đỏ và hồ sơ cấp sổ đỏ, thể hiện dưới cấu trúc MV = MX.MN.ST. Trong đó, MX là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất, được thể hiện theo quyết định của Thủ tướng về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam; trường hợp cấp giấy chứng nhận cho khu đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính cấp xã thì ghi theo mã của xã có phần diện tích lớn nhất.
Trường hợp cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì mã MX được thay thế bằng mã của đơn vị hành chính cấp huyện theo quyết định của Thủ tướng về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam.
Trường hợp cấp sổ đỏ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh thì có thể ghi thêm mã của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào trước mã của đơn vị hành chính cấp huyện nơi có đất, đối với cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã.
Chủ tịch nước yêu cầu khen thưởng những tấm gương chống dịch
Ngày 31/8, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản số 1115/VPCTN-TĐKT gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thông báo ý kiến của Chủ tịch nước.
Văn bản nêu rõ: Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng phòng chống và chiến thắng đại dịch COVID-19", cả hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh, trong đó tiêu biểu đặc biệt là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và các cá nhân tự nguyện hoạt động từ thiện, cứu trợ trong nhân dân. Trong cuộc đấu tranh đó đã có nhiều tấm gương hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ, công việc của mình.
Để kịp thời động viên đồng bào và chiến sỹ cả nước trong cuộc đấu tranh đẩy lùi và chiến thắng đại dịch COVID-19, Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương phát hiện, đề xuất khen thưởng kịp thời về những thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhất là những tấm gương hy sinh quên mình trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kể cả những tình nguyện viên và người làm công tác thiện nguyện đang ngày đêm cùng với người dân chống chọi với dịch COVID-19.
Hà Nội: Nơi đầu tiên giám sát người dân thực hiện giãn cách bằng flycam
Flycam được sử dụng để giám sát việc thực hiện giãn cách xã hội của người dân huyện Mê Linh. Ảnh: Kinh tế đô thị.
Theo thông tin từ UBND huyện Mê Linh cho biết, hiện trên địa bàn huyện vẫn còn hai ổ dịch tại thôn Lâm Hộ (xã Thanh Lâm) và thôn Phù Trì (xã Kim Hoa). Hai khu vực dân cư thuộc hai thôn này đã được chính quyền địa phương phong tỏa, cách ly y tế để phòng, chống nguy cơ lây lan của dịch COVID-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vừa qua, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã về kiểm tra trực tiếp công tác phòng, chống COVID-19 của địa phương, đồng thời đề nghị huyện Mê Linh nghiên cứu, có giải pháp kiểm soát dịch đổi mới, sáng tạo trong đó, xem xét việc sử dụng flycam để giám sát việc thực hiện giãn cách xã hội của người dân.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao huyện Mê Linh - Lê Xuân Hùng - cho biết: Trên tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, vừa qua, UBND huyện đã giao đơn vị thuê hai máy flycam. Hiện, đang tổ chức quay phim, ghi hình 2 lần/ngày để theo dõi, giám sát việc chấp hành của người dân trong phòng, chống dịch COVID-19.
“Trước mắt flycam sẽ được sử dụng để giám sát việc thực hiện giãn cách xã hội tại hai xã Thanh Lâm và Kim Hoa. Dự kiến, công tác giám sát bằng thiết bị công nghệ này sẽ được thí điểm thực hiện cho tới khi các thôn hết phong tỏa, cách ly”, ông Hùng nói.
Cũng liên quan đến hoạt động trên, ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh - đánh giá: Ngoài việc tuần tra, giám sát thực tế, lực lượng chức năng huyện cũng sẽ sử dụng flycam để bao quát tất cả cả ngõ ngách, ngõ xóm, nơi xe cộ khó thể đi vào được. việc này rất hiệu quả và tiết kiệm nguồn nhân lực. Từ hình ảnh ghi nhận được, lực lượng chức năng sẽ xác minh và xử lý các trường hợp vi phạm.
Đối với các trường hợp vi phạm, chính quyền các địa phương cần xử lý nghiêm thông qua hình thức “phạt nguội” để tạo sức răn đe, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, lây lan.
Nữ VĐV khuyết tật người Chile trở thành hình mẫu cho búp bê barbie mới
Hình mẫu mới nhất của búp bê Barbie do hãng đồ chơi Mattel của Mỹ tạo ra này được lấy cảm hứng từ vận động viên Francisca Mardones, 43 tuổi, người đại diện cho đội tuyển Chile tham gia Paralympic Tokyo 2020.
Biểu tượng búp bê mới này là một phần của dòng sản phẩm ‘Sheroes’ (nữ anh hùng) của Mattel để ghi nhận đóng góp của những người phụ nữ xuất sắc. Vận động viên Mardones hy vọng búp bê barbie mang hình mẫu của cô sẽ nhắc nhở các em nhỏ rằng khuyết tật không nên là thứ cản trở mục tiêu của các em.
Học sinh háo hức đợi ngày được tiêm vaccine COVID-19
Trước thông tin Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp với Bộ Y tế triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh, để các em sớm trở lại trường học.
Theo thông tin trên Báo laodong.vn. Nhiều em học sinh bày tỏ sự vui mừng, trông đợi ngày được tiêm vaccine để nhanh chóng quay lại trường lớp thay vì học trực tuyến tại nhà.
Em Tuấn Phương, học sinh lớp 10 trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, em rất vui khi đọc được thông tin trên.
“Em hoàn toàn ủng hộ và trông đợi được tiêm vaccine. Dịch bệnh cứ kéo dài mãi, chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Nếu được tiêm vaccine, em sẽ được đến trường thay vì ở nhà học online trước màn hình máy tính. Em thực sự cảm thấy chán nản việc học và nhớ bạn bè, thầy cô, lớp học,…” - Tuấn Phương chia sẻ .
Bên cạnh sự háo hức, trông đợi đến ngày được tiêm vaccine COVID-19, em Nguyễn Thu Uyên, học sinh lớp 10 trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) còn mong muốn việc tiêm phòng cho học sinh sẽ sớm được thực hiện theo từng trường học.
"Nếu tiêm theo từng trường thì chúng em sẽ được hướng dẫn cụ thể hơn là tự đăng kí đi tiêm. Khi đó, bản thân em và bố mẹ sẽ yên tâm hơn rất nhiều" - Uyên chia sẻ với Báo laodong.vn.
Bày tỏ với Báo Lao động. Không chỉ học sinh, giáo viên, phụ huynh cũng đồng tình với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hy vọng kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh sớm được triển khai.
Sinh sống tại khu vực từng là điểm nóng của dịch COVID-19, cô Phạm Thị Hải Châu, giáo viên trường THPT Việt Yên 2 (Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: “Học sinh được tiêm vaccine là điều rất tốt. Như vậy, cả cô và trò đều có thể yên tâm đến trường thay vì lên lớp mà cứ nơm nớp không biết lúc nào phải nghỉ học.
Việc tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh cũng nên được thực hiện ngay bây giờ vì ít nhất 2 tuần sau khi tiêm mới có kháng thể. Trong khi đó, chỉ còn ít ngày nữa học sinh trên địa bàn huyện bắt đầu quay trở lại trường học” – cô Châu cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Phùng Thị Thư, giáo viên trường THCS Thượng Thanh cho rằng, để đưa ra quyết định như trên, chính phủ đã cân nhắc rất kĩ.
"Tôi rất tin tưởng vào chính sách trên, bởi 12-18 tuổi là độ tuổi rất nhạy cảm. Do đó, chắc chắn Chính phủ sẽ tìm nguồn vaccine tin cậy để tiêm cho các em. Bản thân tôi đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 và tôi cảm thấy rất yên tâm.
Trên cương vị là một phụ huynh có con trong độ tuổi từ 12-18, tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách trên và sẽ đăng kí tiêm cho con ngay khi chương trình được triển khai"
EU cảnh báo sản phẩm chứa ethylene oxide từ nhiều nước
Mỳ tôm chua cay Hảo Hảo của Công ty Acecook Việt Nam được bày bán tại siêu thị ở thị trường trong nước.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý là Tham tán thương mại Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Ireland, Na Uy, Latvia. Chia sẻ trên Báo chí bà cho biết, hiện một số lô mỳ tôm của Việt Nam và Hàn Quốc đã bị 8 nước, gồm: Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Na Uy, Ireland, Đan Mạch, Luxembourg và Thụy Sỹ cảnh báo có chứa ethylene oxide (EO).
Koreatimes dẫn thông báo gần đây của Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Uỷ ban châu Âu (RASFF), Đức thu hồi lô mỳ ăn liền hãng Nongshim (Hàn Quốc) sản xuất ngày 27/1 và 3/3/2021 vì chứa EO vượt ngưỡng. Nồng độ của EO trong các sản phẩm mỳ của Hàn Quốc được tìm thấy là 5-7,4 mg/kg, trong khi theo tiêu chuẩn của EU là không quá 0,05.
Thực tế, theo bà, thời gian qua hàng trăm thông báo được các nước phát đi liên quan đến chất EO thông qua RASFF. Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao... đến từ nhiều nước khác nhau.
Với phở khô vị bò gà của Thiên Hương bị Na Uy cảnh báo, thu hồi tại thị trường này do phát hiện lô sản phẩm hạn dùng 7/2/2022 có chứa 0,052 mg/kg-ppm ethylene oxide. Theo bà Thuý, mức "vi phạm rất thấp", vì quy định ngưỡng tối đa là 0,05 mg/kg. Gần đây sản phẩm nhiều nước bị cảnh báo nhiễm chất này, nên việc kiểm soát "được chú ý hơn trước".
"Một lô hàng vi phạm không có nghĩa là toàn bộ sản phẩm của doanh nghiệp có vấn đề", bà Thuý nói và cho rằng, cảnh báo doanh nghiệp là cần thiết nhưng nếu làm quá, sẽ ảnh hưởng không đáng có đến doanh nghiệp, uy tín hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Công sứ Việt Nam tại Anh, kiêm nhiệm Ireland cũng cho biết, cảnh báo Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) đưa ra với 2 lô sản phẩm mỳ tôm chua cay Hảo Hảo và miến Good của Acecook không phải quyết định hành pháp. Tức là, không phải tất cả sản phẩm của doanh nghiệp bị cấm bán hay buộc phải tiêu huỷ tại Ireland. Nhà phân phối cũng không bị phạt hay bị buộc phải đóng cửa.
Theo ông, trong những trường hợp như vậy, nhà phân phối tại Ireland sẽ dừng bán và thông báo tại các điểm bán hàng về thu hồi sản phẩm. Người tiêu dùng có thể trả lại và được hoàn lại tiền theo hóa đơn. Ông thông tin thêm, hiện mỳ Hảo Hảo vẫn đang được bày bán tại London.
Liên quan đến thông tin sản phẩm mỳ ăn liền Hảo Hảo của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam có chất cấm, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra, báo cáo bằng văn bản với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7/9/2021 tới.
Hà Nội giải ngân hỗ trợ 99 nghệ sĩ: Thu nhập cao cũng được nhận?
Hàng trăm diễn viên trẻ khó khăn vẫn đang mong gói hỗ trợ.
Cuối tuần qua, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội thông báo đã chi hỗ trợ cho 99 viên chức hạng IV là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ thuộc 6 nhà hát trực thuộc Sở VHTT Hà Nội. Tổng số tiền hỗ trợ là hơn 367 triệu đồng chia cho nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Kịch Hà Nội, Chèo Hà Nội, Cải lương Hà Nội, Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Múa rối Thăng Long. Mỗi nghệ sĩ nhận được 3.710.000 đồng.
NSND Quốc Anh, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết, nhà hát có 21 nghệ sĩ thuộc diện được nhận hỗ trợ. Số tiền không quá lớn nhưng là nguồn động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới anh em nghệ sĩ. NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nói rằng, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát đã nhận được hỗ trợ, ai nấy đều mừng trước sự quan tâm kịp thời của Nhà nước và lãnh đạo thành phố.
Nhà hát Múa rối Thăng Long chỉ có 5 người thuộc diện nhận hỗ trợ, trong khi Nhà hát Cải lương Hà Nội đông nhất có 27 người, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng có 23 người đủ điều kiện.
Trong văn bản đề nghị bổ sung đối tượng diễn viên, đạo diễn nghệ thuật, họa sĩ hạng IV vào diện hỗ trợ, lãnh đạo Bộ VHTTDL lí giải, đây là “đối tượng gặp khó khăn không thể đảm bảo cuộc sống do COVID-19”.
Thế nhưng trong số 99 viên chức nhận hỗ trợ đợt này lại có những diễn viên hạng IV có thu nhập tốt, có khối tài sản đáng mơ ước đối với biết bao người khác.
Ai có thể ngờ diễn viên Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh (Hoa hồng trên ngực trái), nhạc sĩ, diễn viên Phùng Tiến Minh và một số diễn viên có tiếng khác cũng nhận hỗ trợ?
Hồng Đăng không chỉ là gương mặt nổi bật của Nhà hát Kịch Hà Nội, anh tham gia hàng loạt phim truyền hình đình đám của VTV, gần nhất là Hướng dương ngược nắng. Mới đây Hồng Đăng khoe sửa lại căn nhà phố ba mặt tiền, chưa kể tới còn sở hữu nhà vườn, xe sang, bộ sưu tập xe mô-tô phân khối lớn và tài sản khác.
Đành rằng các diễn viên đủ điều kiện quy định để nhận vài triệu đồng hỗ trợ, nhưng nhiều người sẽ đặt câu hỏi liệu đơn vị nghệ thuật, Sở VHTT Hà Nội có nhận thấy bất cập của quy trình hỗ trợ này?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.