Bản tin Hoà Nhập ngày 27/8/2021: Hãng xe hơi nổi tiếng Hàn Quốc tuyển dụng hàng nghìn người khuyết tật làm việc
Lê Văn Công lần thứ 2 giành huy chương tại Thế vận hội
Paralympic Tokyo: Đoàn Việt Nam giành huy chương đầu tiên
Ngày 26/8, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tiếp tục tranh tài ở 3 nội dung thi đấu (cử tạ, bơi 100 m nam, bơi 200 m nữ).
Sau khi 2 VĐV bơi là Võ Thanh Tùng (100 m tự do nam) và Trịnh Thị Bích Như (200 m tự do nữ) thi đấu không thành công trên “đường đua xanh”, mọi hy vọng giành huy chương đều dồn lên vai VĐV cử tạ Lê Văn Công, đương kim vô địch Paralympic hạng dưới 49 kg.
Lúc 9h (giờ địa phương), VĐV Việt Nam bước vào thi đấu với 9 đối thủ khác.
Kết quả, đô cử Lê Văn Công và đô cử người Jordan Qarada cùng đạt đạt mức tạ 173 kg sau 3 lần cử và đây là mức tạ cao nhất của cuộc thi, mức giành Huy chương Vàng.
Đến đây, điều “éo le” đã xảy ra: VĐV Lê Văn Công vì “nặng hơn” VĐV người Joradan… 100 g (47,31 kg/47,21 kg) nên chỉ giành được Huy chương Bạc còn Huy chương Vàng thuộc về Qarada!
Tấm huy chương của VĐV Lê Văn Công là tấm huy chương đầu tiên của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic 2020.
Trao Nhà tình nghĩa tặng gia đình thương binh tại Long An
Trao quyết định nhận nhà cho hai thương binh.
Qua 3 tháng xây dựng, 2 nhà của thương binh 3/4 Trần Văn Biệp và thương binh 2/4 Trần Văn Chung ở ấp Đầu Sấu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đây là việc làm ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tấm lòng tri ân đối với những người có công với cách mạng.
Dịp này, Bộ CHQS tỉnh Long An, đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban CHQS huyện Vĩnh Hưng và chính quyền xã Tuyên Bình Tây đã gửi những phần quà hỗ trợ hai gia đình.
Quán cà phê robot do người khuyết tật điều khiển
Khách trao đổi với các robot - cũng là người thật - tại quán cà phê Dawn. Trò chuyện giúp những người khuyết tật cảm thấy họ là một phần của xã hội
"Xin chào! Bạn khỏe không?" - anh Michio Imai gửi lời chào đến những vị khách vừa bước vào quán cà phê Dawn ở Tokyo. Lời chào được phát ra từ một chú robot có hình dáng như chim cánh cụt.
Khi Imai - người đang ở cách quán 800km - cất lời chào khách hàng, con robot cũng nháy mắt với khách và vẫy chào bằng hai cánh tay bé xíu.
Imai là một trong số 50 nhân viên đặc biệt của quán Dawn, những người được gọi là "phi công" vì điều khiển robot phục vụ trong quán. Điểm chung của các phi công này là gặp những khiếm khuyết về thể chất và tâm lý nhưng mong muốn được làm việc có ích.
Những robot và quán cà phê như Dawn đã hỗ trợ tinh thần rất lớn cho những người không may khiếm khuyết cơ thể.
Chẳng hạn như Imai, người mắc bệnh rối loạn triệu chứng soma nên rất khó ra khỏi nhà. Việc được tuyển dụng làm nhân viên điều khiển robot cho quán Dawn khiến anh rất hạnh phúc.
"Miễn là tôi còn sống, tôi muốn cống hiến điều gì đó cho cộng đồng bằng cách làm việc. Tôi cảm thấy hạnh phúc nếu mình có thể là một phần của xã hội", Imai chia sẻ với Hãng thông tấn AFP.
Quán cà phê Dawn được mở ở quận Nihonbashi, trung tâm thủ đô Tokyo vào tháng 6 vừa qua. Nhân viên của quán không chỉ sinh sống tại Nhật Bản mà còn có cả ở nước ngoài.
Không chỉ có robot chào khách ngay cửa, quán cà phê Dawn còn có khoảng 20 robot nhỏ được đặt trên bàn và nhiều khu vực khác của quán. Các robot được trang bị camera, micro và loa, cho phép người điều khiển chúng giao tiếp với khách hàng từ xa. Khách hàng có thể trò chuyện và đặt món với các nhân viên quán thông qua OriHime. Việc chuẩn bị món và bưng bê được giao cho các nhân viên có mặt tại quán cùng 3 robot cỡ lớn hình người.
Điều đáng ngưỡng mộ là dự án cà phê robot xuất phát từ ý tưởng của một người gặp khó khăn về thể chất lúc nhỏ - anh Kentaro Yoshifuji (33 tuổi).
Nhà đồng sáng lập một công ty chuyên sản xuất robot chia sẻ thời thơ ấu của anh phải ở trong nhà, không được đến trường vì vấn đề sức khỏe. Những trải nghiệm cá nhân đã dẫn anh đi đến ý tưởng giúp những người khuyết tật có thể làm việc mà không cần rời khỏi nhà.
Quán cà phê Dawn được mở với sự giúp sức của cộng đồng và các công ty lớn. Yoshifuji chia sẻ dự án cà phê robot không chỉ đơn thuần là để thử nghiệm công nghệ, đó còn là cánh cửa giúp người khuyết tật hòa nhập xã hội và những người bình thường hiểu hơn về người kém may mắn.
Hyundai Motor là nhà tuyển dụng lao động khuyết tật cao nhất Hàn Quốc
Theo Viện nghiên cứu Korea CXO Institute, Hyundai Motor- công ty chủ lực của tập đoàn ô tô lớn thứ 5 thế giới Hyundai Motor Group- sử dụng 2.108 nhân viên là người khuyết tật vào năm 2020, chiếm 3,12% tổng số nhân viên của họ. Tỷ lệ này đã tăng từ 2,95% năm 2019 và Hyundai đã giữ vị trí dẫn đầu tại Hàn Quốc về mức độ tuyển dụng nhân viên là người khuyết tật trong ba năm liên tiếp.
Tập đoàn công nghệ khổng lồ toàn cầu Samsung Electronics xếp vị trị thứ hai với 1.465 lao động khuyết tật, chiếm 1,5% lực lượng lao động của họ.
SK Materials Co., công ty con thuộc tập đoàn SK Group, có tỷ lệ lao động khuyết tật trong lực lượng lao động cao nhất, với 3,5%, tiếp theo là hãng viễn thông LG Uplus Corp. Samsung SDS Co. và công ty thép POSCO đều có tỷ lệ lao động khuyết tật trên tổng số nhân viên là 3,3% mỗi bên.
Tính đến cuối năm 2020, 70 doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc sử dụng tổng cộng 12.598 lao động khuyết tật, tăng 294 người so với một năm trước đó. Korea CXO Institute dự kiến các doanh nghiệp lớn của nước này sẽ đẩy mạnh việc tuyển dụng thêm lao động khuyết tật trong thời gian tới, phù hợp với các mục tiêu về đầu tư bền vững và có trách nhiệm xã hội (ESG).
Dạy học trực tuyến phù hợp học sinh lớp 1
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021-2022, với yêu cầu chủ động khắc phục tác động của dịch Covid-19, lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.
Theo đó, các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh lớp 1, lớp 2. Thời khóa biểu bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học, thời điểm tổ chức học trong ngày, trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây áp lực đối với học sinh; ưu tiên dạy học môn tiếng Việt và môn toán, giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, kỹ năng tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết; sắp xếp các chủ đề học tập, sử dụng kho học liệu điện tử kèm theo các bộ sách giáo khoa để xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến.
Trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến, nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn các em học qua chuyên mục "Dạy tiếng Việt lớp 1" trên VTV7 Đài Truyền hình Việt Nam, phát sóng từ ngày 6/9/2021.
Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5, các nhà trường sử dụng kho học liệu sẵn có, xây dựng học liệu bổ sung, sẵn sàng tổ chức dạy học các phương án phù hợp với học sinh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bảo đảm thực hiện theo phương châm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học tập".
Trong trường hợp khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 không đủ để thực hiện chương trình, các sở giáo dục và đào tạo báo cáo Bộ GD&ĐT đề xuất phương án điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Phát triển da điện tử thông minh giúp phát hiện sớm một số bệnh
Da điện tử thông minh giúp phát hiện sớm một số căn bệnh
Vừa qua, Viện Công nghệ Israel (Technion) thông báo các nhà nghiên cứu Israel và Trung Quốc đã phát triển thành công một loại da điện tử thông minh giúp phát hiện sớm một số căn bệnh.
Tấm da thông minh này do các nhà nghiên cứu tại Technion và Học viện Đại học Kinneret phối hợp với các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Tây An và Đại học quốc lập Trung Sơn cùng phát triển.
Nhóm nghiên cứu cho biết tấm da nhân tạo này có chức năng như một hệ thống cảm biến khoác trên người, chất liệu bền, nhẹ, thoáng khí.
Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống cảm biến này có thể phát hiện những chuyển động co rút và vặn xoắn với độ chính xác cao, có thể sử dụng để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở đường hô hấp, rối loạn vận động, bệnh Parkinson...
Thiết bị cũng có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi chức năng của các bệnh nhân chấn thương do tai nạn và tích hợp với các chi giả dưới dạng mô cơ hoặc da.
Các nhà nghiên cứu cho biết tấm da nhân tạo này cũng có thể hữu ích trong lĩnh vực phát triển robot cũng như nhiều lĩnh vực khác.
Các nhà nghiên cứu khẳng định: "Các loại vật liệu để phát triển da điện tử rất rẻ, vì vậy thiết bị cảm biến cũng không đắt. Giá cả là một yếu tố rất quan trọng nếu chúng ta muốn mang lại lợi ích cho hàng triệu người trên toàn thế giới".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.