Ca sĩ Ánh Tuyết: Gan góc đi qua giông gió

2016-01-13 10:47:51 0 Bình luận
Ánh Tuyết bảo cuộc đời mình cái gì cũng trắc trở. Như chiếc thuyền lênh đênh trên biển động, nhìn kiểu gì cũng thấy bão tố, phong ba. Để được sống, được hát, chị đã phải cố đi qua những giông gió của cuộc đời.


Hát như sẻ chia niềm riêng

Khi Ánh Tuyết hát, tuyệt nhiên không có sự lóng lánh trang sức hay cầu kỳ xiêm áo nào. Từ bao đời nay, chị quen thuộc với áo dài, tóc dài buông xõa ngang lưng. Gương mặt buồn. Đôi mắt. Một cái nhìn chất chứa. Ngay cả cái dáng đứng, dáng ngồi khi hát ấy, ngẫm cho cùng cũng là dấu tích của nỗi buồn. Đôi khi rất nhẹ mà thẩm thấu, dai dẳng. Nỗi buồn như tiền kiếp.

Giọng Ánh Tuyết trong thanh như thủy tinh, pha lê; thánh thót như chim ca, đàn gẫy là thế. Nhưng lắm khi nức nở, rưng rưng, ngậm ngùi. Tưởng dễ dàng, nhẹ bẫng nhưng để có được vài phút đó, chị đã phải trả cả cuộc đời. Ánh Tuyết hát như một sự giãi bày. Chị xóa mờ ranh giới nỗi lòng của tác giả và bầu tâm sự của riêng mình. Những uất ức, những đắng cay không thể nói cùng ai, nhờ câu hát mà vơi nhẹ. Ánh Tuyết bảo khi hát, như nắm khúc ruột mình bứt ra.

Gắn liền tên tuổi với dòng nhạc tiền chiến, những ca khúc của cố nhạc sĩ Văn Cao, giờ đây tên tuổi chị bảo đảm cho sự tử tế và nghiêm túc của mọi chương trình. Nhưng cái tên ấy cũng đôi khi liều lĩnh và bùng nổ khó kiểm soát. Trong nghệ thuật, Ánh Tuyết có thứ bản năng rất mạnh là say sưa và ngẫu hứng. 

Những liveshow chị làm, những album chị ra không bao giờ có kế hoạch, một sự chuẩn bị từ trước nào. Ánh Tuyết ghét sự nói trước. Chị bất chợt và bất thình lình. Như cái dạo ra album Đi tìm với phong cách nhạc jazz, album bolero bằng tiếng Quảng hay mang chương trình Hội trùng dương đi khắp 3 miền Bắc Trung Nam. Nhưng đừng tưởng chị xuề xòa và cẩu thả. Những tiếng vang, lời khen tặng của giới chuyên môn, báo chí, đồng nghiệp đã nói thay điều đó.

“Đoạn trường, giông gió đi qua, chị thấu gần hết, đôi chân mỏi nhừ. Đã bình yên chưa, chị ơi?”. Ánh Tuyết cười buồn: “Đúng là số phận tôi là phải trân mình đón nhận những nghịch biến, tai ương. Cũng bao phen vào sinh ra tử với 7 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ trên người. Đâu ai biết còn cơn sóng dữ nào chực chờ nữa?”.
Ánh Tuyết có những câu chuyện chở nặng mất mát, chia lìa, cả những khoảnh khắc bất thần đớn đau. Như mới đây thôi, mẹ chị bệnh nặng, chị dâu mất, em trai cũng qua đời. Ngôi nhà ở ngoại thành Củ Chi đã hoàn tất, đón cả gia đình về sum tụ nhưng đã thiếu mất đi bóng dáng người em. Bản thân chị cũng thoắt ẩn thoắt hiện chứ chưa về ở hẳn. Chị không nói nhưng tôi biết chị lắm khi làm biếng sống. Nhưng quá nhiều lo toan, nhiều công việc cần đôi vai mình, chị đâu dám ích kỷ vậy được. Bao ước vọng về nghề chưa thực hiện được hết. Nhiều lần Ánh Tuyết nói về phòng trà ATB trong niềm tiếc nuối khôn nguôi.

Cuộc đời Ánh Tuyết, có nhiều cái công chúng biết rõ, cũng có điều thăm thẳm điều giấu kín; có những mật ngọt dâng đời, cũng nhiều chén đắng chị ngậm lấy. Đêm về, chị rất cô đơn. “Trong cuộc đời này, không phải lúc nào cũng có người đi bên cạnh mình san sẻ, sớt chia. Trong lúc một mình ấy, tôi luôn nghe rõ nỗi đau đời”- chị nói mà nỗi xót xa ngời lên tròng mắt. Nhìn Ánh Tuyết hay cười nói, kể chuyện tiếu lâm cho mọi người vui, tưởng chị an lành nhưng nào phải.

Khi chị buồn, cũng gương mặt ấy, những đường nét đầy nỗi khuất tất hằn sâu làm cho người khác cảm thấy không thể nắm bắt nổi. Bao năm rồi, gương mặt này úp mặt vào nước mắt, lạ chưa, đến giờ vẫn chưa khô. Theo dõi facebook cá nhân của Ánh Tuyết cứ thấy những tấm hình hài hước. Thật ra chị cố tình thưởng cho mình sau những muộn phiền không thể tháo gỡ. Ánh Tuyết bảo, giờ mỗi đêm chợp mắt, chị không muốn một giấc mộng dữ nào đến với mình nữa.


Ánh Tuyết trong đời thường.

Cuộc đời vui ít, buồn nhiều

Nhà có 5 anh chị em thì Ánh Tuyết là đứa con gái đứng ngay giữa, giống như cái “đòn gánh”. Lúc nhỏ chị gầy gò và ốm yếu nhưng không mong manh và dễ vỡ. Bằng chứng là đôi vai gầy ấy mấy mùa gánh cơm, gánh gạo, gánh củi, gánh cả nỗi nhọc nhằn của gia đình. Ba là thầy dạy nhạc, mẹ biết đàn, các anh là nhạc công nên chuyện Ánh Tuyết có máu văn nghệ từ nhỏ cũng là đương nhiên.

Vậy mà hễ nghe đứa con gái xấu xí, lem luốc, đen đúa muốn lên sân khấu hát, ai cũng cười. Nào ngờ, chị sớm đạt được những thành tích vang dội. 8 tuổi hát trong Ban ca Tuổi Thơ thị xã Hội An, Quảng Nam. 12 tuổi, đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi toàn miền Nam. 17 tuổi trở thành ca sĩ của Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc Quảng Nam – Đà Nẵng. Thành công ban đầu ấy, vinh quang cũng lắm mà cay đắng cũng nhiều!

Ánh Tuyết còn nhớ rõ ban đầu rất vui thích. Nhưng khoảnh khắc đó không kéo dài lâu. “Người ta làm khó dễ tôi, không cho tôi cơ hội hát. Khi biết mình không phải thiếu tài mà thiếu sắc. Cảm giác đó đâu ghê lắm! Tôi chịu đựng sự phân biệt đối xử, coi thường tôi là nhà quê, hát hay mấy mà không sáng sân khấu trong một thời gian rất dài, rất dài”- chị khóc.

Lúc Ánh Tuyết vào Sài Gòn là năm 1984, cái nghèo, cái quê vẫn bám rịt lấy chị. Cũng đồng nghĩa với cái nghiệp ca hát lận đận cứ thế tiếp nối. Làm sao quên những đêm phải đạp xe gần 10 cây số đến điểm hát mà trong bụng đói meo. Làm sao quên cái cảnh ngồi chờ chực để được lên sân khấu. Làm sao quên những lời chế nhạo, mỉa mai phía sau cánh gà.

Làm sao quên bị gieo tiếng xấu, vu oan chị lấy cắp tiền đặng lấy cớ đánh đập, không cho hát. Nỗi chua xót ê chề giăng đầy trên bước đường về. Nỗi ẩn ức, bức bách vì không thể làm nghề khiến Ánh Tuyết muốn quẫy đạp để vượt thoát. Ai đã từng xa quê lập nghiệp mà không hình dung ra nỗi khắc khoải này?

Chị kể: “Có nhiều khi, tôi nằm ngay giữa nhà, lật ngửa mình ra, thở dài rồi khóc tức tưởi như đứa trẻ. Có lúc tôi nhìn trân trân ngó lên trần nhà, tự hỏi: Tại sao con cứ lận đận miết vậy? Mà có phải con lười biếng gì cho cam, ông trời ơi?”. Những câu hỏi cứ chồng lên theo năm tháng. Cũng như chị, con nhện trên trần nhà cũng giăng tơ miệt mài, chị cứ quét rồi mà nó lại giăng. “Con nhện này cũng lạ, ưa chi cái chỗ bị quét mà giăng miết. Cũng như mình, bị vùi dập mà cứ trụ lại miết” - Ánh Tuyết nghĩ bụng.

Tất nhiên chị có nhiều lý do để không dứt ra được. Dù đã hơn một lần chị làm biếng phấn đấu, toan tính chuyện bỏ nghề. Nhưng chị không dám đốt đi ước mơ của cô gái nghèo mê ca hát. Thời tuổi xuân rực rỡ, nhiều dự định, kế hoạch chị mãi dang dở…


Ánh Tuyết trong một lần đi từ thiện.

Ký ức lúc nhớ lúc quên của Ánh Tuyết có khi không trọn vẹn. Nhưng chị dám khẳng định rằng, cuộc đời mình cái gì cũng trắc trở hết trơn. Như chiếc thuyền lênh đênh trên biển động, nhìn kiểu gì cũng thấy bão tố, phong ba. Tuổi trẻ của chị, chỉ toàn rễ đắng còn những mầm cây cho trái đẹp, hoa thơm không cặm vào mình. Lúc Ánh Tuyết vút bay với nhạc Văn Cao, chị bảo đó là thời gian vui nhất.
Cho đến khi chị mở được phòng trà ATB, ước nguyện mới thành sự thật, chị càng hân hoan hơn. Nhưng niềm vui thì qua mau, nỗi buồn cứ dai dẳng. ATB chỉ dừng lại ở con số 11 năm. Tôi hỏi: “Hơn 30 năm khóc cười với nghề hát, chị có thấy nghiệp bạc với mình?”. “Bạc, bạc lắm! Nhưng lòng người bạc thôi! Vị ngọt được tặng ít mà đắng cay của lật trở, phản bội nhiều. Hơn nữa, cũng tại cái tính tôi ngang bướng quá nên ông trời ổng cho trắc trở miết”- chị thở dài.

Dấu quê chưa cũ

Ánh Tuyết đang ở trong một khoảng lặng khác của cuộc sống, khi chương trình Những bài hát còn xanh mùa 2 vừa kết thúc đợt ghi hình kéo dài mấy tuần liền. Chị một mình về Quảng Nam, nơi có những mảnh đời bất hạnh, ốm đau ngặt nghèo đang cần giúp đỡ. Sau những ngày vận động trên facebook, gom được một số tiền nho nhỏ, chị đáp vội chuyến bay về vì sợ không còn kịp.

Cuộc đời vốn đã cuốn Ánh Tuyết bằng những chuyến đi mãi miết. Chị có lúc cũng thấy mình mất hết năng lượng và sức lực. Thế nhưng, có một nơi thân thuộc nhất mà cứ hễ trở về là chị dạt dào cảm xúc. Nơi chôn nhau cắt rốn ấy, mỗi lần hướng về, lòng chị lại đầy se sắt. Người nghèo chưa bao giờ làm Ánh Tuyết thôi trăn trở. Chị bảo, cuộc đời này, thiệt nhiều người khổ!

Ánh Tuyết, theo tôi biết, mọi người biết và chị cũng tự biết mình là một người có trái tim nhân hậu. Thương người nghèo là tình cảm thường trực trong chị. Cũng bởi tuổi thơ chị, mưa nắng, gió chướng ngập đầu, lũ lụt quanh năm. Ngày chị còn nhỏ, mỗi sớm tinh mơ hay mỗi chiều hoàng hôn xuống đã quẳng đôi gánh cơm trên vai ra chợ bán.

Rồi những trận lũ tràn về, cuốn trôi bao chắt chiu, dành dụm. “Tôi luôn nhớ về thời thơ ấu với những hồi ức không mấy ngọt ngào nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm vui buồn tràn về, trong dòng lệ đơn độc, lẻ loi, cô quạnh”- chị từng viết nhật ký như thế. Dù đã trải qua mấy bận lưu lạc thị thành, xức lên mình bao nhiêu lụa là gấm vóc vẫn không làm mất đi cái bóng dáng nhà quê và tấm lòng nhân hậu nơi chị. Nơi nào có người nghèo là chị xông xáo giúp, nghệ sĩ nào khó khăn là chị rút ruột gan viết bài, kêu gọi quyên góp.

Trong mắt toàn thể mọi người, Ánh Tuyết thể hiện một sự trẻ trung, tươi tắn đến sốt ruột. Trẻ từ tâm hồn đến hình thức. Thật lạ, khi Ánh Tuyết điểm tô chút phấn, thoa nhẹ ít son, cười tít mắt để lộ đôi đồng điếu nho nhỏ kề miệng, chị đẹp đến bất ngờ. Mỗi dạo lên sóng truyền hình, chị nhận được cơn mưa lời khen. Có lần nhìn chị một lượt, tôi bảo thế này: “Hơn 20 năm trước mà như giờ chắc chị không phải lận đận nhỉ?”.

Ánh Tuyết cười: “Vậy cũng tốt mà! Nếu hồi trẻ tôi là một cô gái xinh đẹp thì đã thành ai đó, bị lãng quên rồi không chừng”. Chị thừa nhận mình có tròn trịa lên nhiều nhưng dấu vết nhà quê vẫn còn đậm đà lắm. Tôi thích chị ở những khoảng lặng của cuộc sống, khi gạt bỏ hết niềm riêng, chị nói chuyện vui vẻ, tếu táo bằng những câu chuyện chắp nhặt đầy thú vị, mang đậm văn phong Quảng.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Nhà báo Vũ Phong Cầm được khen trong khắc phục bão số 3

Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức Hội nghị tổng kết chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục thiệt hại bão số 3, khen thưởng tập thể-cá nhân có thành tích dọn dẹp vệ sinh môi trường. Thành phố đã khen thưởng một số nhà báo đồng hành với địa phương khắc phục hậu quả thiên tai; trong đó có Nhà báo Vũ Phong Cầm, phóng viên Báo Xây dựng.
2024-09-21 09:56:21

Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn

Sáng 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
2024-09-21 09:48:13

MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị tiếp nhận gần 20 tỉ đồng ủng hộ các tỉnh phía Bắc

Chiều ngày 20/9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị tiếp tục tổ chức tiếp nhận hơn 14 tỉ đồng từ các huyện, thị xã, thành phố ủng hộ các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ông Đào Mạnh Hùng tiếp nhận hỗ trợ.
2024-09-20 17:30:00

Bắc Kạn gặp khó khi xử lý sự cố vỡ đập hồ chứa quặng đuôi tại xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn

Ngày 19/9 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản gửi Bộ Công Thương báo cáo và đề nghị bộ này hỗ trợ xử lý sự cố sạt lở hồ chứa quặng đuôi mỏ kẽm chì Chợ Điền.
2024-09-20 15:25:41

Tặng quà các đồng chí thương binh, gia đình chính sách bị ảnh hưởng bão lũ tại Yên Bái

Ngày 20/9, Đoàn công tác của Báo Xây dựng, Tạp chí Hòa Nhập và Tập đoàn kinh doanh BĐS Thiên Khôi đã đến tặng quà cho các thương binh, gia đình chính sách bị ảnh hưởng lũ lụt tại Yên Bái.
2024-09-20 15:17:47

'Rốn lũ' Minh Hóa: Ngập nặng, hàng trăm hộ dân lên nhà phao tránh trú

Mưa liên tục những ngày qua kèm theo lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về khiến hàng trăm ngôi nhà của người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) ngập sâu từ 0,5-2m.
2024-09-20 10:05:00
Đang tải...