Cô bé bước sang năm thứ 7 tự kỷ bất ngờ trở thành nhà vô địch và hành trình đầy nước mắt của mẹ
Bé Nguyễn Mai Ánh Dương - huy chương vàng khối lớp 2 chung kết V-Mindmap 2021. (Ảnh: Nguồn tinmy 123- games)
"Nguyễn Mai Ánh Dương"...
Nhớ lại khi MC của cuộc Sơ đồ trí tuệ Việt Nam 2021 xướng tên cô bé xuất sắc nhất khối lớp 2, chị Mai Thị Râng (40 tuổi) không ngừng khóc... Chị khóc vì xúc động khi đạt được thành tích cao nhưng cũng khóc vì vỡ òa cảm xúc với những cố gắng và nỗ lực của bản thân.
Suốt 7 năm trời đồng hành cùng con, đối với chị Râng đây là một hành trình đầy diệu kì. Có niềm vui, có nước mắt, có khó khăn và cả những lần muốn gục ngã. Tuy nhiên, chị chưa bao giờ buông tay Ánh Dương, nhẫn nại đồng hành cùng con để cô bé vượt qua mọi khó khăn đầu đời.
Hành trình diệu kì
Chị Râng kể, Ánh Dương đến với cuộc đời này khó khăn hơn nhiều đứa trẻ khác. "Tôi mang thai đến tháng thứ 7 thì sinh con. Vì Dương sinh non nên rất yếu, bác sĩ tiên lượng sẽ khó giữ được con. Từ khi là đứa trẻ sơ sinh, con đã phải tiêm thuốc nở phổi, nằm trong lồng kính suốt 13 ngày liền. 3 tháng đầu đời, con bé dường như không có phản xạ với âm thanh và ánh sáng. Sau đó, con bé mới biết giật mình, từ từ cảm nhận được mọi thứ quanh mình. Vợ chồng tôi dồn hết tình thương cho con. Đến bây giờ, tôi vẫn không nhớ hết được số lần Ánh Dương phải vào ra các bệnh viện lớn nhỏ", chị Râng nói.
Gia đình chị Râng. (Ảnh: Nguồn tinmy 123- games)
Từng là một thạc sĩ về hôn nhân - gia đình, chị Râng quyết định từ bỏ sự nghiệp của mình trong suốt 15 năm ròng để toàn tâm toàn ý lo cho hai con.
Khi Ánh Dương bước vào mẫu giáo, cô giáo đã phát hiện ra những điều bất thường của em. Thay vì hòa nhập với các bạn cùng lớp, Dương sẽ ngồi một góc riêng, tự chơi một mình. Có những ngày, chị Râng đón con thấy Dương muốn nán ở lại lớp để chơi đồ chơi riêng. Nhận thấy con có dấu hiệu tự kỉ, vợ chồng chị Râng đã vô cùng lo lắng nhưng càng muốn dành nhiều thời gian hơn để yêu thương, chăm sóc và lo lắng cho con.
Những ngày mới bước vào lớp 1, việc viết chữ với Ánh Dương là vô cùng khó khăn. Cô bé khóc nhiều khi học cách nhớ mặt chữ, nắn nót viết từng dòng trên trang giấy trắng. Thương con, chị Râng nhẫn nại ngồi cạnh, động viên nhưng mọi chuyện vẫn không tiến triển.
Dương được bố mẹ đưa đến các buổi vui chơi, liên hoan nhưng cô bé vẫn chưa thể bước ra được thế giới riêng của mình.
Mùa dịch Covid-19, cả gia đình phải ở nhà, bố mẹ bèn cho con theo phương pháp 5 phút thuộc bài. Tại đây, Dương sẽ tự vẽ sơ đồ mindmap để học. Thời gian đầu, mọi chuyện đã diễn ra vô cùng khó khăn. Cô bé không thể tập trung quá 20 phút, thường xuyên khóc khi phải nói trước ống kính.
"Tôi nói với Dương rằng, cuộc đời con người có rất nhiều cột mốc. Con đến với thế giới này là một điều khó khăn, con sinh ra là để chinh phục những thử thách. Đừng bỏ cuộc, con nhé! Và rồi, con bé nhẫn nại hơn. Nó sáng tạo, vẽ rất đẹp, những bức tranh mindmap tiến bộ qua từng tuần khiến vợ chồng tôi vui lắm", chị Râng tâm sự.
Dương dạy cho tôi nhiều điều
Ngay khi nhận giải thưởng trong cuộc thi vẽ mindmap, Ánh Dương đã chạy về phía bố mẹ, reo vui: "Con đã làm được rồi". Trong khoảnh khắc đó, nước mắt cứ rơi không ngừng trên đôi gò má của chị Râng.
"Bạn biết không, chính Dương là người dạy cho tôi cách làm mẹ. Mỗi ngày đồng hành cùng con, Dương cho tôi những bài học quý báu về lòng kiên trì, sự nhẫn nại và tình yêu thương vô bờ. Đến tận bây giờ, tôi chưa bao giờ hối hận vì từ bỏ sự nghiệp để chăm sóc, lo lắng cho con", chị Râng nói.
Bức vẽ mindmap của Ánh Dương. (Ảnh: Nguồn tinmy 123- games)
Để con mở lòng và có thể khám phá thế giới xung quanh được nhiều hơn, mỗi ngày, vợ chồng chị Râng đều kiên nhẫn đọc sách cho Ánh Dương. Cô bé bắt đầu bước vào những câu chuyện, tò mò về những gì xảy ra quanh mình và trở nên dạn dĩ hơn, không còn nhút nhát như trước.
"Tôi còn nhớ lúc Dương tập vẽ để đi thi, 4-5 tuần đầu mọi thứ rất nản. Ba cháu là ngồi bên cạnh, kiên nhẫn động viên: Con vẽ nét này đẹp nè, con giỏi lắm! Mấy lần cháu khóc, không thể mấp máy thành câu: Chào các bạn, tôi là Nguyễn Mai Ánh Dương... Tôi lại kể về câu chuyện chiếc xe đạp. Tôi nói rằng, có phải khi con mới biết chạy xe, mọi chuyện đều rất khó khăn không? Con không thể giữ thăng bằng, không thể điều khiển chúng, có lúc con nghĩ rằng mình không thể làm được, đúng không? Nhưng bây giờ, con đã có thể chạy xe được. Việc tập vẽ mindmap và quay video chia sẻ câu chuyện của mình cũng như thế", chị Râng nói.
Món quà quý giá nhất của chị Râng không chỉ là tấm huy chương mà con nhận được, mà đó còn là sự tiến bộ của con. Ánh Dương dạn dĩ hơn, tay cứng cáp hơn từng ngày. Thấy con vui đùa, hoạt bát, lòng chị Râng ngập tràn niềm hạnh phúc.
"Có lẽ, tấm huy chương rực rỡ nhất đó chính là sự nỗ lực không ngừng nghỉ", chị Râng mỉm cười, nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.