CLB Anh hùng Nhân chứng lịch sử - Chặng đường mới với hành trang cũ
CLB Anh hùng nhân chứng lịch sử giao lưu, kể chuyện lịch sử cho các em học sinh.
Câu chuyện về những năm tháng chiến đấu hào hùng, oanh liệt ấy vẫn đang được tái hiện tại các trường học tại Hà Nội vào những buổi sinh hoạt ngoài giờ. Trong một lần tác nghiệp, tôi có “nghe ngóng” được các bác cựu chiến binh kể chuyện chiến trường cho học sinh nghe, thấy các em học sinh chăm chú, mải mê nghe lắm. Các bác kể những câu chuyện thực tế mà các bác là những nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia các trận đánh tại chiến trường năm xưa, các bác có cách kể chuyện rất tự nhiên, pha chút hài hước cùng những nụ cười “rất bộ đội”, đôi lúc diễn tả cảnh xung trận thật oai hùng. Sau buổi trò chuyện các em học sinh vây quay các bác cựu chiến binh để chụp ảnh chung và xin chữ ký, như thể người hâm mộ đang vây quay các cầu thủ bóng đá vậy.
Các em học sinh vây quanh xin chữ ký của những Anh hùng.
Cảm thấy thích thú, cảm động và tự hào với “những thước phim” về cuộc kháng chiến hào hùng được tái hiện qua lời kể của các nhân chứng lịch sử, tôi tiến tới chào và hỏi chuyện các bác, các ông ngay. Một bác trạc 60 tuổi chia sẻ rằng: “Chúng tôi là một câu lạc bộ, câu lạc bộ có tên gọi “CLB Anh hùng Nhân chứng lịch sử”.
Chỉ nghe cái tên câu lạc bộ thôi thì những hình đẹp đẽ và danh dự đã hiện lên trước mắt tôi, tôi hỏi thêm về hoạt động của các bác. Bác kể tiếp: “Chúng tôi hoạt động có đề án, có văn bản của các cấp cho phép đàng hoàng, và từ năm 2016 đến nay có rất nhiều trường đã trực tiếp gọi điện mời Câu lạc bộ về giao lưu theo mô hình “kể chuyện lịch sử cho tuổi trẻ học đường”, nhất là những ngày truyền thống”. Tiếp lời bác cho biết tên tôi là Nguyễn Đức Thinh, quê ở Nghệ An, là chủ nhiệm CLB, cũng là người khởi xướng mô hình này cách đây 4 năm...Qua câu chuyện với bác Thinh được biết, tuy thời gian tham gia trong quân đội của bác không nhiều, chỉ tham chiến trường biên giới phía Bắc nhưng vì lòng đam mê hoạt động xã hội và lịch sử nước nhà, nên bây giờ nếu đưa bất kỳ đề tài lịch sử của các thời đại nào bác đều kể vanh vách cho tôi nghe, nhất là những mốc son lịch sử tạo nên kỳ tích dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.
Tôi hỏi bác đã làm thế nào mà xây dựng được một tập thể CLB toàn những anh hùng nhân chứng lịch sử có uy tín, có danh dự như vậy. Bác kể rằng từ những ngày đầu có ý tưởng, bác đã chủ động liên hệ các địa phương, các cơ sở giáo dục để chủ động xây dựng đề án,nội dung để hoạt động, còn các nhân chứng lịch sử thì thật may là những vị anh hùng lực lượng vũ trang mà bác biết “đã có mối quan hệ đồng chí” từ trước, vậy nên khi gọi điện đặt vấn đề thì hầu như 100% các bác đều ủng hộ chương trình và sẵn sàng tham gia.
Các anh hùng nhân chứng lịch sử khi nào giao lưu ở các trường thì sẽ tùy thuộc vào lứa tuổi của các em học sinh và nhân sự kiện gì thì Chủ nhiệm CLB sẽ mời vị nào cho phù hợp. Chẳng hạn nếu mời anh hùng La Căn Cầu thì phải là dịp cuối học kỳ 2, chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 12 hằng năm thì mời các anh hùng phòng không, không quân như anh hùng Phạm Tuân hoặc anh hùng Nguyễn Văn Phiệt, nhưng trong số đó thì anh hùng Lê Duy Ứng thì tham dự nhiều nhất vì ông phù hợp trong mọi thời điểm, ông cũng là một họa sĩ, nhà điêu khắc, có thể ca hát và thổi sáo rất giỏi.
AHLLVT, nhà điêu khắc – Ông Lê Duy Ứng người cầm hoa (bên trái) và ông Nguyên Đức Thinh Chủ nhiệm CLB Anh hung nhân chứng lịch sử (bên phải).
Ông Lê Duy Ứng sinh năm 1947, quê ở Quảng Bình, nhập ngũ năm 1968 sau khi đã tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Mùa xuân năm 1975, trước thời khắc lịch sử thống nhất đất nước, tại cửa ngõ Sài Gòn thì ông bị trọng thương hỏng cả 2 mắt, khi ấy ông xé mảnh áo quấn tay và chấm vào mắt, ông dùng máu mình để vẽ chân dung Bác Hồ, cờ Tổ quốc, cờ Đảng kèm dòng chữ “Bác Hồ ánh sáng và niềm tin, con nguyện dâng người tuổi thanh xuân”. Hiện nay bức tranh đó đang được trưng bày tại bảo tàng Hồ Chí Minh, sau khi ông vẽ xong bức tranh thì ông cũng lịm xuống đến ba ngày sau mới tỉnh lại.
Một anh hùng lịch sử nữa đó là ông Ngô Sỹ Nguyên, quê ở Nghệ An. Ông là 1 trong 4 chiến sĩ thuộc kíp xe tăng 390, chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập, một biểu tượng của sức mạnh húc đổ chế độ ngụy quyền Sài Gòn.
Nhân chứng lịch sử Ngôi Sĩ Nguyên đang kể chuyện lịch sử cho các em học sinh nghe.
Tiếp theo là một đại úy đa tài, ông là Đặng Đàm Tiến, ông tham gia chiến trường tại những nơi khốc liệt nhất là thành cổ Quảng Trị và chiến trường Trường Sơn. Ông có vô số những câu chuyện về các trận đánh oanh liệt, ông cũng từng tham gia cuộc thi VietNam’s Got Talent năm 2011 với kỷ lục một mình cùng lúc sử dụng 6 loại nhạc cụ khác nhau.
Nhân chứng lịch sử Đàm Tiến.
Một nhân chứng lịch sử khác là thiếu tá, chính ủy trung đoàn Lê Quang Luận, quê ở Hà Đông, Hà Nội. Ông từng tham gia các mặt trận đường 9 Khe Sanh, cánh đồng Chum, biên giới Tây Nam. Ông cũng có vô vàn câu chuyện chiến trường và khả năng sư phạm rất tốt. Các em học sinh rất tập trung và thích thú nghe chuyện của ông.
Nhân chứng lịch sử Lê Quang Luận.
Còn rất rất nhiều những nhân chứng lịch sử khác mà bài viết không thể kể hết. Chính những vị anh hùng này và những buổi kể chuyện đã hâm nóng lại ngọn lửa trong các em học sinh, giúp các em có thêm tình yêu với lịch sử nước nhà, giúp các em thêm trân trọng sự hi sinh của thế hệ cha ông. Họ chưa hề ngừng tận hiến, tuổi thanh xuân rời bỏ họ, chứ họ có bao giờ ngừng sống vì lý tưởng đâu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.