Cô gái mắc bệnh xương thủy tinh: Hành trình vượt lên chính mình

2021-03-29 08:00:00 0 Bình luận
Gắn bó với chiếc xe lăn từ thuở thơ ấu bởi căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, nhưng cô gái khuyết tật Vũ Thị Quyên (31 tuổi) đã dần dần phá bỏ những rào cản về sự khiếm khuyết của bản thân, trở thành nữ lãnh đạo của công ty với nhân sự lên đến con số gần 100 người.

 Vũ Thị Quyên hướng dẫn các nhân viên công ty.

Câu chuyện về giá trị của người khuyết tật

Mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, đi lại khó khăn, coi chiếc xe lăn là người bạn đồng hành hằng ngày, ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Vũ Thị Quyên đã vấp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống do bị kỳ thị. Phải mất rất nhiều thời gian, cô gái trẻ mới có thể hòa nhập với các bạn trong lớp. Và dù rất khao khát được bước vào cánh cổng trường đại học nhưng Vũ Thị Quyên đã sớm phải từ bỏ giấc mơ bởi những khó khăn trong việc di chuyển, học tập. Cũng giống như nhiều người khuyết tật khác, Vũ Thị Quyên không dễ dàng tìm được cho mình một công việc phù hợp. Cô tâm sự: Ngày ấy, các đơn vị tuyển dụng vẫn luôn coi trọng bằng cấp và kinh nghiệm, trong khi mình chỉ hoàn thành hết chương trình học Trung học phổ thông. Thêm nữa, bản thân mình còn là một người khuyết tật, do vậy, hành trình tìm việc của mình gặp phải rất nhiều khó khăn, thử thách khi thiếu kỹ năng chuyên môn, thiếu kỹ năng mềm trầm trọng. Tại thời điểm ấy, mình cảm thấy rất mông lung, vô định, không biết tương lai mình sẽ như thế nào, đi về đâu, mình sẽ làm được gì? Rất nhiều lúc, mình tự ngẫm nghĩ, dằn vặt bản thân, rằng không lẽ mình sẽ tiếp tục trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội hay sao?

“Giữa lúc bế tắc, chán nản, mình đã được một người chú giới thiệu cho đi học nghề tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Ở đây, mình được đào tạo về công nghệ thông tin cơ bản, sau đó được chuyển sang học bán vé máy bay. Khi đó trung tâm mở đại lý bán vé, có người ở hãng hàng không đến dạy trực tiếp và mình may mắn được chọn qua làm. Những đồng lương đầu tiên của mình đến bây giờ mình vẫn nhớ rất rõ, đó là khoảng 500 nghìn đồng. Có thể với nhiều người, 500 nghìn đồng là một con số cực kỳ khiêm tốn, chỉ đủ để ăn một bữa ăn ở nhà hàng tầm trung nhưng với mình lúc đó, đây thực sự là một món quà vô giá. Ngày nhận những đồng lương đầu tiên, mình cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc. Dường như nó đã thắp sáng lên một cái gì đó cho tương lai của mình, truyền cho mình niềm tin vào chính bản thân”, Vũ Thị Quyên xúc động kể lại.

Nhờ 500 nghìn đồng tiền lương đáng quý, Vũ Thị Quyên cũng bắt đầu có những nhìn nhận, đánh giá đúng về năng lực của bản thân cũng như năng lực của người khuyết tật. “Ngay từ khi sinh ra, người khuyết tật thường gặp phải sự kỳ thị của xã hội. Luôn mang mặc cảm tự ti là điều mà bất cứ người khuyết tật nào cũng trải qua. Nhưng nếu cứ chìm đắm trong những suy nghĩ không tốt về bản thân sẽ chỉ làm nhụt đi ý chí, khát vọng vươn lên. Người khuyết tật cũng hoàn toàn có thể kiếm tiền, hoàn toàn có thể làm việc như những người bình thường khác. Vì vậy, quan trọng nhất là phải tự chiến thắng được nỗi mặc cảm trong chính mình, thôi cái suy nghĩ, người khuyết tật thì cần trông chờ vào sự giúp đỡ của xã hội. Đừng ngồi yên mà hãy thay đổi chính mình từ ngày hôm nay”, Vũ Thị Quyên khẳng định.

Với tinh thần làm việc trách nhiệm, cần mẫn, Vũ Thị Quyên nhanh chóng lên chức Trưởng bộ phận bán vé máy bay và sau đó được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý rất nhiều đại lý cấp 2. Sau 4 năm gắn bó với công việc bán vé máy bay, Quyên đã chuyển hướng sang tìm kiếm một môi trường làm việc mới. Năm 2014, cô bạn 9X đã ứng tuyển vào bộ phận chăm sóc khách hàng của một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do kinh nghiệm, kỹ năng phỏng vấn chưa được tốt, Quyên đã vụt mất cơ hội của mình ngay trong lần ứng tuyển đầu tiên. Tuy nhiên, khoảng 2-3 tháng sau, công ty mà Quyên từng đến phỏng vấn bất ngờ gọi điện thông báo cần tuyển dụng một vị trí khác thấp hơn với mức lương khởi điểm chỉ 3 triệu đồng. Mặc dù không phải là công việc ao ước nhưng Quyên vẫn nhận làm và chỉ sau 8 tháng, những nỗ lực cống hiến của Quyên đã được ghi nhận và cô được đề bạt lên vị trí mong muốn ban đầu. Đến năm 2016, Quyên được nhận học bổng đi Australia để học một khóa học ngắn hạn dành cho nữ lãnh đạo. Cũng nhờ khóa học này mà Quyên đã phát hiện ra được những khả năng tiềm tàng của bản thân, kể từ đó cô luôn thôi thúc mình phải làm một điều gì đó không chỉ cho bản thân mình mà còn cho những người bị khuyết tật giống như mình.

Người khuyết tật cũng có thể làm... lãnh đạo

Trở về Việt Nam sau khóa đào tạo ngắn hạn, Vũ Thị Quyên cùng hai người bạn có chung lý tưởng đã thành lập Công ty TNHH We-Edit Việt Nam. Chia sẻ về lý do thành lập công ty, Quyên cho biết: “Đối với những người khuyết tật hoặc nhóm học vấn thấp (tức là tốt nghiệp lớp 12 hoặc dưới 12 trở xuống), họ rất khó kiếm được công việc tốt. Nếu như đi làm, công việc mà họ nhận được thường chỉ là những công việc lao động chân tay hoặc công nhân trong các dây chuyền nhà máy. Tuy nhiên, công việc này lại không phù hợp với những người khuyết tật. Do đó, mình và hai anh chị cộng sự đã quyết định thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp đồ họa mảng bất động sản chuyên nghiệp cho các khách hàng quốc tế. Mặc dù công ty làm việc với khách hàng nước ngoài nhưng tất cả hệ thống đều là trực tuyến. Do đó, các bạn chỉ cần ngồi một chỗ và không cần phải di chuyển quá nhiều trong quá trình làm việc. Với điều kiện như vậy thì công việc này hoàn toàn phù hợp với các bạn khuyết tật vận động, khuyết tật câm điếc mà vẫn đảm bảo được thu nhập ổn định”.

Khi đứng trên vai trò của một người lãnh đạo, Quyên chia sẻ khó khăn lớn nhất mà cô gặp phải tại thời điểm mới thành lập đó là tầm nhìn với công ty và làm thế nào để trở thành một người lãnh đạo tốt. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực học hỏi không ngừng, tham gia các khóa đào tạo lãnh đạo, Vũ Thị Quyên đã tự tạo cho mình cơ hội cọ sát; trực tiếp lắng nghe những người đi trước chia sẻ về câu chuyện của họ để rút ra những bài học quý báu cho bản thân. Thêm vào đó, bản thân là người khuyết tật giúp Quyên dễ dàng tiếp cận với những người cùng cảnh ngộ trong công ty. “Có lẽ hiện nay, vẫn còn rất nhiều rào cản trong xã hội về việc nhìn nhận người khuyết tật. Tuy nhiên, bản thân là một người khuyết tật giúp mình hiểu được, tuyển dụng người khuyết tật làm việc trong công ty cũng sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho người tuyển dụng như: Người khuyết tật thường không thích thay đổi chỗ làm việc nên đây sẽ là lực lượng lao động gắn bó lâu dài; người khuyết tật với khát khao vươn lên khẳng định bản thân sẽ luôn nỗ lực hết sức mình, thậm chí gấp hai, gấp ba lần sức mình để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật còn rất khiêm tốn so với số lượng người khuyết tật trong cả nước”, Vũ Thị Quyên đánh giá.

Đổi mới phong cách lãnh đạo, mở những cuộc phỏng vấn cởi mở, với tầm nhìn dài hạn, Vũ Thị Quyên cùng các cộng sự đã xây dựng công ty ngày một lớn mạnh, đặc biệt, thu hút một lượng người khuyết tật vận động, người khuyết tật câm điếc đến làm việc tại những vị trí phù hợp. Anh Phan Xuân Hào, Giám đốc sản xuất tại Công ty TNHH We-Edit Việt Nam, bị khuyết tật tay bẩm sinh cho biết: “Quyên và các anh chị sáng lập ra công ty đã định hướng phát triển công ty theo hướng cởi mở nhất, thân thiện nhất và tạo cơ hội việc làm cho nhóm yếu thế nhiều nhất. Chính vì thế, tôi cùng nhiều bạn khuyết tật khác đã có môi trường làm việc thuận lợi. Là một người tiếp xúc và làm việc với Quyên từ lâu, tôi thấy Quyên là một người phụ nữ rất mạnh mẽ, chịu khó tìm tòi, tiếp thu nhanh, có sự đồng cảm, thấu hiểu. Với sự nỗ lực của mình, Quyên cố gắng học hỏi, tham gia các khóa đào tạo cũng như các chương trình của các tổ chức để trau dồi bản thân. Từ đó, góp phần thực hiện ước mơ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các bạn khuyết tật”.

Dành nhiều sự ngưỡng mộ cho người cộng sự đặc biệt, anh Nguyễn Trung Thành, Phó tổng giám đốc công ty We-Edit Việt Nam cho biết: "Trong suốt quãng thời gian làm việc với Quyên, tôi thấy Quyên là một người phụ nữ rất có tâm huyết, bản lĩnh và vô cùng thẳng thắn. Mặc dù là người bị khuyết tật nhưng Quyên luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình để học hỏi và cống hiến cho công ty”.

Nhìn lại hành trình từ những ngày đầu vật lộn để kiếm tìm một công việc phù hợp tới khi trở thành một nữ lãnh đạo trẻ, Vũ Thị Quyên cho rằng, điều kiện quan trọng nhất để thành công là cần tự mình cởi bỏ mặc cảm về khiếm khuyết bản thân, tự tạo cho mình những cơ hội và không ngừng nỗ lực, cố gắng dù gặp phải khó khăn, cản trở. “Tôi không muốn mình chỉ tồn tại và tôi tin rằng rất nhiều người khuyết tật có suy nghĩ như vậy. Tôi muốn xã hội có một cái nhìn công bằng, khách quan hơn về năng lực của người khuyết tật. Họ hoàn toàn có thể làm việc như những người bình thường, thậm chí giúp đỡ người khuyết tật khác hay cả người bình thường trong cuộc sống”, Vũ Thị Quyên khẳng định.

*Tít bài đã được thay đổi.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân

Ngày 21/11, tại TP Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới, đồng tổ chức Diễn Đàn: Thực thi Luật Đất đai 2024 và các khuyến nghị công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp gắn với sinh kế người dân.
2024-11-22 12:05:00
Đang tải...