Doanh nghiệp có 70% người khuyết tật mới được miễn thuế đất: "Làm sao phát triển được"
Trình bày tham luận tại Đại hội Đại biểu lần thứ IV (nhiệm kỳ 2022 - 2027) Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam, Thương binh ¼ - AHLĐ Trần Hồng Quảng (Tân Chủ tịch HH DN của TB&NKT Việt Nam, Tổng Giám đốc XN TTTB Quang Minh) cho rằng để miễn tiền thuê đất, doanh nghiệp phải có 70% người khuyết tật trở lên là rất khó. Doanh nghiệp nhiều người khuyết tật thì không thể phát triển được.
Chủ tịch HH DN của TB&NKT Việt Nam khẳng định Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Trong đó có nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến các đối tượng thương, bệnh binh, người khuyết tật và các doanh nghiệp sử dụng lao động là thương binh và người khuyết tật.
Các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng lao động là thương binh và người khuyết tật được thể hiện thông qua văn bản pháp luật quan trọng như: Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng 1994; Nghị định 81- CP, ngày 23/11/1995 của Chính phủ, Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động là người tàn tật; Pháp lệnh Người tàn tật 1998; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2005(và 2012 ); Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/4/2008 về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất dành riêng cho người lao động tàn tật; Luật Người khuyết tật năm 2010;...
Tuy nhiên Tổng Giám đốc XN TTTB Quang Minh cũng chia sẻ một số vướng mắc khó khăn khi cụ thể hóa các văn bản pháp luật trên. Theo ông, các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng lao động là thương binh và người khuyết tật được ban hành nhiều, nhưng thiếu đồng bộ. Các văn bản hướng dẫn thực hiện luật thường được ban hành chậm. Cụ thể: Luật Người khuyết tật, ban hành năm 2010; Nghị định số 28/2012/NĐ – CP ban hành ngày 10/4/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2012 (chậm 1 năm rưỡi); Như vậy Thông tư của các Bộ, Ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện Nghị định; Tiếp đến các văn chỉ đạo hướng dẫn của cấp tỉnh, thành, quận, huyện, đến cơ sở, doanh nghiệp chắc chắn sẽ chậm nhiều hơn nữa.
Thương binh ¼ - AHLĐ Trần Hồng Quảng (Tân Chủ tịch HH DN của TB&NKT Việt Nam, Tổng Giám đốc XN TTTB Quang Minh) cho rằng để miễn tiền thuê đất, doanh nghiệp phải có 70% người khuyết tật trở lên là rất khó. Doanh nghiệp nhiều người khuyết tật thì không thể phát triển được.
Cũng theo vị AHLĐ, những đối tượng là người khuyết tật quy định trong Luật Người khuyết tật năm 2010 không rõ, vì thiếu đối tượng người khuyết tật là thương binh dẫn đến việc hiểu và thực hiện luật không đúng. Theo khái niệm này, có địa phương không công nhận thương binh và người hưởng chế độ như thương binh là người khuyết tật. Nếu muốn được công nhận là người khuyết tật, thì thương binh và người hưởng chế độ như thương binh phải làm đơn trình UBND xã, phường, thị trấn để được xem, xét công nhận là người khuyết tật. Trên thực tế, ở nước ta, người khuyết tật do nhiều nguyên nhân gây nên như: bẩm sinh (đây là nguyên nhân chủ yếu), tai nạn, chiến tranh… (hiện cả nước có gần 800.000 thương binh và người hưởng chế độ như thương binh – theo Bộ Lao động thương binh và Xã hội). Tình trạng trên dẫn đến các địa phương không công nhận doanh nghiệp sử dụng lao động thương binh là doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật.
Vấn đề tiếp nữa là chính sách miễn tiền thuê đất. Theo quy định tại Nghị định số: 81- CP, ngày 23/11/1995 của Chính phủ và Quyết định số 51/2008/QĐ – TTg; Một doanh nghiệp được Nhà nước: “miễn tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước” thì doanh nghiệp đó chỉ cần sử dụng 51% lao động là người khuyết tật trở lên. Tuy nhiên, theo Luật Người khuyết tật 2010 và Nghị định số: 28/2012/NĐ – CP, tương tự như vậy, một doanh nghiệp được Nhà nước: “miễn tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước” thì doanh nghiệp đó phải sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên.
Thực tế vừa qua cho thấy, việc quy định “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên” là rất cao. Điều đó đồng nghĩa với việc Nhà nước không khuyến khích được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thu hút và sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật. Vì nếu doanh nghiệp sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên thì không thể phát triển ổn định, bền vững trong điều kiện kinh tế hội nhập, phải luôn đối mặt với cạnh tranh; năng suất lao động của người khuyết tật có nhiều hạn chế… Vấn đề này đang được dư luận xã hội, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật trên địa bàn cả nước và các hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam hết sức quan tâm.
"Nhìn chung, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi trên của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống." - Ông Trần Hồng Quảng nói.
Đại diện cho Hiệp hội VAIDE, AHLĐ Trần Hồng Quảng kiến nghị: Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các Bộ, Ngành Trung ương, nghiên cứu, trình Quốc Hội cho phép bổ sung đối tượng Thương binh và người hưởng chế độ như thương binh vào trong Luật Người khuyết tật 2010. Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 9, Nghị định số: 28/2012/NĐ – CP, từ quy định “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật" thành quy định “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 51% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 51% lao động là người khuyết tật”. Bảo đảm phù hợp hơn với thục tế và đáp ứng nguyện vọng của các doanh nghiệp đang sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật hiện nay. Các cấp, các ngành, địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về người khuyết tật. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, các Hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam và người khuyết tật trong cả nước kịp thời tiếp cận và thụ hưởng đúng và đầy đủ các chính sách ưu đãi của Chính phủ và địa phương đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.