Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính không cần tài sản thế chấp
Tác giả tại hội thảo
Thực tế, hiện nay phần lớn các DNNVV khó tiếp nguồn vốn từ ngân hàng thương mại, do thiếu tài sản thế chấp cũng như hạn chế về năng lực quản trị tài chính… Để tiếp sức cho các DNNVV sau những biến động của dịch COVID-19, BSA đã phối hợp với USAID triển khai khảo sát thực tế nhu cầu tín dụng tại các DNNVV vùng ÐBSCL. Kết quả cho thấy, hiện có trên 70% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại.
Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối DNNVV, thuộc USAID trả lời phỏng vấn tại hội thảo
Ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối DNNVV, thuộc USAID, nhận định: Những khó khăn, thách thức mà các DNNVV phải đối mặt trong việc tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng thương mại là do thiếu tài sản, bởi hầu hết các ngân hàng khi cho vay đều ưu tiên tài sản thế chấp như bất động sản hay phương tiện đi lại. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp không minh bạch sổ sách về tài chính và chỉ khi có nhu cầu vay vốn thì mới cập nhật số liệu; nhiều doanh nghiệp không còn đủ tài sản thế chấp khi cần mở rộng hoạt động kinh doanh. Ðể có thể tiếp cận các nguồn tài chính phù hợp với năng lực kinh doanh của các DNNVV, ngoài tài sản, đòi hỏi các DNNVV phải xây dựng được phương án kinh doanh khả thi; chú trọng thực hiện chuẩn hóa số liệu tài chính, đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện có,…
Sản phẩm trà thảo dược xạ đen
Chị Quách Yến Phượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang, Long Xuyên, An Giang, cho biết: Công ty chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm trà thảo dược xạ đen phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dùng. Trà thảo dược xạ đen đang nhận được những tín hiệu khả quan từ thị trường. Hiện doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư máy móc hiện đại vào quy trình sản xuất, nhưng gặp khó vì thiếu vốn và việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại hiện rất hạn chế. Theo chị Phượng, việc BSA cùng các tổ chức tài chính triển khai các hoạt động khảo sát thực tế nhu cầu về vốn và kết nối các nguồn lực tài chính mới cho DNNVV, đã góp phần mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay, đảm bảo phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa... chinh phục thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Ðể giúp DNNVV cải thiện hoạt động, tiếp cận các nguồn vốn một cách linh hoạt, hiện nhiều đơn vị, tổ chức tài chính có nhiều chương trình hỗ trợ DNNVV vay vốn không thế chấp tài sản.
Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính TNHH BIDV Sumi Trust, cho biết: Cho thuê tài chính là một phương thức tài trợ vốn cho doanh nghiệp, trong đó bên cho thuê là công ty cho thuê tài chính sẽ cấp tín dụng trung hoặc dài hạn cho bên thuê thông qua hợp đồng cho thuê tài chính. Và hiện có tới 90% DNNVV có nhu cầu thuê tài chính để mua sắm thiết bị, vật tư để sản xuất. Ðiển hình có một số DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp ở ÐBSCL cần đầu tư máy móc, thiết bị, có giá trị từ 100-300 triệu đồng, nhưng điều kiện hiện có của họ nằm ngoài hạng mục cho vay của các ngân hàng… Và giải pháp của chúng tôi là cho các doanh nghiệp này thuê máy móc và tài trợ 100% nguồn vốn. Theo ông Phúc, lợi ích cho thuê tài chính là mức tài trợ cao, lãi suất hợp lý; tận dụng hiệu quả các nguồn vốn khác nhau, không ảnh hưởng tới hạn mức tín dụng ngân hàng; thời hạn thuê linh hoạt, đa dạng; kết thúc hợp đồng linh hoạt, có thể mua lại tài sản thuê, trả lại tài sản thuê hoặc thuê tiếp và vẫn được trích khấu hao tài sản; đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; không cần tài sản đảm bảo…
Thêm kênh tiếp cận vốn cho các DNNVV không thuộc diện được ngân hàng ưa chuộng, đó là các tổ chức phi chính phủ, như Quỹ đầu tư Beacon Fund (Singapore). Bà Yến Ðỗ, đại diện Quỹ đầu tư Beacon Fund, cho biết: Quỹ đầu tư Beacon Fund đã và đang đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, trong đó, ưu tiên nhiều cho các DNNVV do phụ nữ lãnh đạo. Mức đầu tư của Beacon Fund dao động từ 200.000 USD đến 2 triệu USD, tập trung vào các doanh nghiệp có lợi nhuận và mức độ tăng trưởng vừa phải, kết hợp thực hiện nhiều hoạt động xã hội...
Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Thanh Hà trình bày tại hội thảo, hiện Cục Phát triển doanh nghiệp phối hợp với USAID triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DNNVV nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, tham gia vào chuỗi cung ứng như hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp xây dựng phương án kinh doanh và chuẩn hóa số liệu tài chính, tái cơ cấu hoạt động tài chính phù hợp với yêu cầu của các nguồn tài chính. Triển khai các chương trình hội thảo, sự kiện kết nối các nguồn tài chính mới, phù hợp với năng lực kinh doanh của các DNNVV; triển khai các khóa đào tạo nâng cao năng lực tài chính cho DNNVV; công bố sổ tay hướng dẫn, công cụ tự đánh giá “sức khỏe” tài chính cho DNNVV… Từ đó, giúp cho các DNNVV nâng cao năng lực quản trị tài chính minh bạch, tăng khả năng tiếp cận vốn từ tổ chức tài chính cũng như các ngân hàng thương mại để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu trong tình hình mới./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.