Hơn 1.410.800 lượt người được TP.HCM hỗ trợ, chăm lo Tết
Sáng 20/2, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn và gặp mặt Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã báo cáo về công tác chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn.
Theo đó, tổng kinh phí Thành phố thực hiện chăm lo Tết hơn 1.294 tỷ đồng, tăng 5,27% (tăng hơn 64,7 tỷ đồng), chăm lo cho 1.410.869 lượt người, tăng 115.833 lượt người so với Tết Quý Mão năm 2023 (năm 2023 tổng số tiền là 1.229.423.163.970 đồng, chăm lo cho 1.295.036 lượt người).
Nguồn kinh phí triển khai được trích từ ngân sách và kêu gọi nguồn xã hội hóa, trong đó, kinh phí Trung ương là hơn 12,7 tỷ đồng, kinh phí TP Hồ Chí Minh hơn 915,1 tỷ đồng và kinh phí các quận, huyện, TP Thủ Đức hơn 39,6 tỷ đồng; kinh phí vận động xã hội hơn 326,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, phối hợp với UBND TP và UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, đơn vị, doanh nghiệp... tổ chức chăm lo Tết cho hàng trăm nghìn đối tượng cần hỗ trợ khác.
Theo ông Dương Anh Đức thông tin, điểm mới của năm 2024 là Thành phố đã bổ sung các trường hợp được chăm lo Tết gồm: (1) Trẻ em có cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy và trẻ có cha hoặc mẹ là đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thật sự có hoàn cảnh khó khăn cho 501 trẻ với số tiền 576.150.000 đồng (mức quà tặng 1,15 triệu đồng/suất); (2) Diện người cao tuổi không có lương hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo khoản 1 điều 1 Nghị quyết số 35/2023/NQ-HĐND cho 2.588 người với số tiền 2.976.200.000 đồng; (3) Thăm bí thư chi bộ khu phố tiêu biểu: 120 người với số tiền 480.000.000 đồng; (4) Thăm 18 đơn vị, hội đặc thù, các câu lạc bộ hưu trí, truyền thống kháng chiến trên địa bàn Thành phố với số tiền 312.000.000 đồng; (5) Thăm 37 cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ, khuyết tật vận động, khuyết tật giác quan, tâm thần với số tiền 370.000.000 đồng.
Ngoài ra, các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng cùng phối hợp: Đảm bảo tình hình chi trả lương, thưởng; công tác ổn định lao động, an toàn, vệ sinh lao động; Đảm bảo công tác khám chữa bệnh của người dân, tăng cường theo dõi phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và an toàn thực phẩm trong dịp Tết; Tình hình giá cả, mua bán và cung ứng hàng hóa; công tác quản lý thị trường; chuẩn bị đủ lượng tiền mặt để đáp nhu cầu chi trả của nhân dân; Đảm bảo giữ vững an ninh chính trị; trật tự an toàn xã hội; an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ; đảm bảo vệ sinh môi trường, cung cấp liên tục các dịch vụ cần thiết; Công tác thông tin tuyên truyền và tình hình dư luận xã hội trên địa bàn Thành phố trong dịp Tết...
Chương trình "Xuân Quê Hương" do Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp cùng UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức đã trở thành sự kiện có dấu ấn mạnh mẽ với người dân, kiều bào và du khách.
Điểm đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 là Chương trình Xuân Quê hương năm 2024 được tổ chức thành công, có ý nghĩa quan trọng, đây không chỉ là Lễ hội của kiều bào mà còn là của nhân dân Thành phố và cả nước. Chương trình thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sâu sắc tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Qua đó càng khẳng định quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với kiều bào, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, là một bộ phận không thể tách rời, là nguồn lực đóng góp trong sự phát triển của Thành phố và đất nước. Qua đó, hướng đến tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Trong dịp này, TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức trang trọng, chu đáo, an toàn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gắn với công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng. Các hoạt động truyền thống: Lễ dâng cúng bánh tét Quốc Tổ Hùng Vương và Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng, lễ viếng Nghĩa trang TP, Nghĩa trang chính sách TP, Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược - Củ Chi, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi; Họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM (Mùng 5 Tết)…
Nhìn chung, các hoạt động lễ hội, sự kiện mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 đã được thiết kế, chuẩn bị chu đáo, để lại nhiều cảm xúc lắng đọng, ấm cúng, gần gũi trong lòng của người dân và du khách. Vừa phục vụ tốt các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của TP Hồ Chí Minh. Đồng thời đảm bảo theo phương châm “Tết yên vui - đầm ấm - an toàn - tiết kiệm”, văn hóa, văn minh, đảm bảo an toàn tuyệt đối về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao bằng khen đến các tập thể, đơn vị triển khai hiệu quả công tác chăm lo Tết Giáp Thìn 2024.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trao bằng khen đến các Chủ tịch phường, xã, thị trấn đã có thành tích xuất sắc năm 2023.
Dịp này, UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất tặng Bằng khen cho các 302 tập thể triển khai hiệu quả công tác chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 và 53 cá nhân là Chủ tịch phường, xã, thị trấn đã có thành tích xuất sắc năm 2023.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.