Sắp kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12)
Các thành viên trong Câu lạc bộ văn nghệ của Trung tâm biểu diễn tiết mục mở đầu Lễ kỷ niệm. (Ảnh: hanoimoi)
Hiện nay dân số thế giới là hơn 8 tỷ người trong đó khoảng 15% dân số thế giới đang sống chung với một số dạng khác biệt về tinh thần và thể chất hoặc khiếm khuyết, trong đó 80% sống ở các nước đang phát triển. Thực tế, người khuyết tật đã luôn là những thành viên đóng góp và có giá trị trong xã hội… và ngày nay mọi khu vực và cộng đồng đều hướng tới việc đánh giá cao về họ.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Phát triển năng lực người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập theo Quyết định số 5494/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, trên cơ sở đổi tên từ Trung tâm dạy nghề nhân đạo T&T được thành lập từ năm 2007, nhằm tăng cường đảm bảo hơn nữa hạnh phúc của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của xã hội, đồng thời nâng cao nhận thức về tình trạng của người khuyết tật trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa.
Theo Báo Hà Nội Mới, tại buổi lễ bà Lương Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm, là người khuyết tật chấn thương cột sống cho biết, 15 năm qua, với sứ mệnh dạy nghề, tạo việc làm miễn phí cho trẻ em nghèo, mồ côi, con em gia đình chính sách và người khuyết tật, các chương trình giáo dục và đào tạo nghề từ truyền thống như làm tranh đá quý, may, thêu ren, thiết kế thời trang, làm bánh, làm hương trầm cho đến những công việc mới hiện nay như thiết kế đồ họa, lập trình viên, bán hàng trên mạng xã hội… đã phát huy hiệu quả thiết thực, đem lại cơ hội học tập, làm việc và phát triển năng lực cho hàng ngàn người yếu thế.
“Hàng trăm người khuyết tật ở thể nặng là bị chấn thương cột sống, trước đây chỉ quanh quẩn ở nhà bên chiếc xe lăn thì giờ đây đã có địa chỉ tin cậy để học nghề, tập luyện thể thao, biểu diễn văn nghệ. Nhờ đó, họ có công ăn việc làm, có cơ hội đi biểu diễn, đi thi đấu… trở thành những người có ích cho xã hội, vững tin hòa nhập cộng đồng. Ngoài các lớp học trực tiếp, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức lớp học trực tuyến, giúp người khuyết tật trong cả nước tham gia học, tiếp cận kiến thức dễ dàng, hiệu quả hơn”, bà Nguyệt cho biết.
Sau quá trình học nghề, các sản phẩm của người khuyết tật tạo ra đã đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội như tranh thêu, tranh đá quý, các sản phẩm may mặc, đặc biệt là hương trầm. Hàng tấn sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ mỗi tháng đã góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm cán bộ, giáo viên và học sinh tại Trung tâm.
Ngày 18 tháng 4 năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam. Ngày 30 tháng 7 năm 1998, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 06/1998/PL-UBTVQH10 về người tàn tật. Tại điều 31 có quy định lấy ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật. Sau này, khi Luật người khuyết tật Việt Nam, Luật số: 51/2010/QH12, tại điều 11 chính thức ghi nhận ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam. |
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.