Người anh hùng nhiều lần truy điệu sống
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Thụy (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa.
Đến thăm Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Thụy, chúng tôi rất ấn tượng với vườn cây ăn quả sai trĩu, cây cảnh tạo dáng uốn lượn, các loài hoa thi nhau khoe sắc do chính tay ông vun trồng, chăm sóc. Bước sang tuổi 73, dù mang trong mình hơn 10 mảnh đạn nhưng ông Thụy vẫn khỏe khoắn, minh mẫn, giọng nói đĩnh đạc, tác phong nhanh nhẹn. Khi được hỏi: "Phải chăng từng được trui rèn trong quân ngũ nên ông có sức khỏe phi thường như vậy?". Ông bảo: "Chiến sĩ đặc công nước thường hoạt động vào ban đêm nên cần có sức khỏe tốt. Không những thế, phải có tinh thần dũng cảm, tư tưởng vững vàng, gan dạ vượt qua khó khăn và sẵn sàng chấp nhận hy sinh".
Từ nhỏ, Nguyễn Đức Thụy đã có tài bơi lội và giỏi võ thuật, được mệnh danh là "Kiện tướng khỏe" ở địa phương. Năm 1967, sau khi nhập ngũ, cấp trên nhận thấy biệt tài này nên tuyển chọn ông vào một đơn vị của Binh chủng Đặc công. Ít lâu sau, Đức Thụy được biên chế vào Đội Đặc công nước A32, Thành đội Vũng Tàu, Tỉnh đội Bà Rịa-Long Khánh (nay là Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Trở thành chiến sĩ đặc công nước, ông liên tục lập thành tích trong đánh tàu, diệt địch. Đáng nhớ nhất là ngày 20-5-1973 với trận đánh trên cương vị Chính trị viên Đội A32, Nguyễn Đức Thụy cùng đồng đội nhấn chìm xuống biển cụm tàu 4 chiếc cùng khoảng 20.000 tấn vũ khí, bom đạn Mỹ.
Nhớ lại trận đánh trên, ông hào hứng kể: "Do tuần trước đó ta đánh chìm tàu địch trong cảng nên mấy ngày sau, cứ đêm đến, tàu địch lại ra xa cảng, neo đậu ngoài khơi. Đơn vị giao cho tôi cùng Hạ sĩ Nguyễn Văn Cát mang khối thuốc nổ 80kg, tiếp cận mục tiêu, điểm hỏa rồi nhanh chóng rút lui. Tiếp cận vào khu vực tàu địch, bí mật gài thuốc nổ là điều không đơn giản, nhưng khi đã điểm hỏa thì việc rút ra cũng vô cùng mạo hiểm. Vì thế, trước khi xuất kích, đơn vị đã làm lễ truy điệu sống cho chúng tôi".
19 giờ xuất kích, Nguyễn Đức Thụy cùng đồng đội vượt qua eo biển Vũng Tàu; đúng 0 giờ đêm qua cảng Cát Lở, sang cảng Rạch Dừa. Hai người bơi được 12km thì phát hiện một cụm tàu 4 chiếc đang thả neo, trên tàu lính gác đang đi lại; xung quanh, các tàu tuần tiễu của địch vẫn hoạt động liên tục. Lập tức, Đức Thụy ra lệnh cho đồng chí Cát nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, bởi trời gần sáng, tàu địch sẽ nhổ neo.
Cân bằng trọng lượng nước, Đức Thụy vừa dẫn hướng vừa kéo khối thuốc nổ theo kỹ thuật nghiệp vụ đặc công nước, còn đồng chí Cát điều chỉnh khối thuốc nổ bơi theo. Cách mục tiêu hơn 2km, bất ngờ, đồng chí Cát bị chuột rút, chuẩn bị chìm, nguy cơ kéo khối thuốc nổ xuống. Trước tình thế nguy hiểm, Đức Thụy vừa kéo khối thuốc nổ, vừa đẩy đồng chí Cát và ra lệnh cho đồng đội rời đội hình, vào chờ ở cồn cát gần đó. Một mình Đức Thụy ôm trái thuốc nổ bơi trong dòng nước cuồn cuộn, bí mật tiếp cận mục tiêu, áp khối thuốc nổ vào mạn tàu. Gài khối thuốc nổ và hẹn giờ xong, hơn 2 giờ sáng, Đức Thụy nhanh chóng bơi trở về. Lúc này, nước biển đang lên, Đức Thụy phải bơi ngược dòng nước đồng thời chìm người xuống để tránh tàu tuần tiễu của địch phát hiện. Đến khi cách cồn cát nơi đồng chí Cát chờ khoảng 200m, Đức Thụy nghe tiếng nổ lớn. Sức ép đẩy ông vọt lên mặt nước và bất tỉnh…
Do bị thương quá nặng, hơn một tháng sau, Đức Thụy mới tỉnh lại. Ông được đồng đội kể lại: Sau khi khối thuốc phát nổ, đèn pha pháo sáng rực cả khu, máy bay giặc điên cuồng quần thảo một hồi, đạn vãi xuống như mưa. Sau đó, tàu tuần tiễu của địch sử dụng các loại công cụ xỉa, chọc xuống nước hòng tìm diệt đặc công của ta. Tìm thấy người chỉ huy, đồng chí Cát lợi dụng những mảnh gỗ của kiện hàng vỡ ra, hóa trang, vượt qua tàu tuần tiễu và các chốt của địch. Sau hai ngày vượt qua muôn vàn khó khăn, đồng chí Cát mới đưa Đức Thụy về đến căn cứ cơ động của đơn vị trong rừng Sác. Với chiến công kích nổ và hủy thành công 4 con tàu với 20.000 tấn vũ khí, Đức Thụy được tặng danh hiệu "Dũng sĩ đánh giao thông" và Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.
Trải qua nhiều trận đánh khác, Nguyễn Đức Thụy đã cùng đồng đội vào sinh ra tử ở những nơi ác liệt và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nhiều chiến công. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, ông được Đảng, Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1973 và năm 1976).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.