35 tỉnh thành tổ chức thi đấu thể thao cho người khuyết tật
Người khuyết tật với các hoạt động xã hội
Theo báo VietnamPlus, hiện nay nước ta có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Đến nay, đã có hơn 1,1 triệu người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Hệ thống các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng.
Có 20 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật dạy ngôn ngữ ký hiệu, chữ nổi Brail.
Hàng năm có khoảng 19.000 người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm; giới thiệu việc làm cho khoảng trên 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%. Các chính sách khác như miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu vui chơi giải trí được các địa phương thực hiện với mức miễn giảm từ 25-100% cho người khuyết tật.
Trong lĩnh vực thể thao, hiện có 35 tỉnh, thành phố tổ chức phong trào thể dục thể thao cho người khuyết tật với nhiều bộ môn thi đấu phù hợp, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Hoạt động thể thao của người khuyết tật cũng đã đóng góp không nhỏ vào bảng vàng thành tích chung của thể thao Việt Nam. Rất nhiều vận động viên là người khuyết tật đã được vinh danh trên các đấu trường thể thao khu vực và quốc tế như vận động viên cử tạ Lê Văn Công, vận động viên điền kinh Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải...
Thể thao người khuyết tật đã đóng góp không nhỏ vào bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam (ảnh tuyengiao.vn)
“Không khó khăn nào có thể cản bước tôi”
Chia sẻ với báo điện tư Tổ quốc, anh Trần Văn Đức (29 tuổi, Hà Nội) - vận động viên “gặt vàng” cho điền kinh người khuyết tật Việt Nam chia sẻ về quá trình vượt qua mặc cảm của bản thân khi lựa chọn gắn bó với thể thao: "Lúc đầu khi mới tập luyện mình không dám bỏ áo ngoài, toàn mặc áo khoác để che đi khiếm khuyết của bản thân nhưng chính HLV trưởng Ngô Anh Tuấn (người thầy gắn bó với Trần Văn Đức từ đầu tiên đến năm 2015) đã giúp mình rất nhiều trong quá trình ổn định tâm lí, thoái mái hơn khi tập luyện. Dần dần khi ra đường Đức không còn ngại nữa, có thể cởi bỏ áo để lộ ra khiếm khuyết của bản thân cho mọi người biết đến, đây là quá trình rèn luyện cố gắng nhất của mình".
Điền kinh là bộ môn cần thể lực dẻo dai và chế độ luyện tập nghiêm ngặt, VĐV Trần Văn Đức đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, có cả nước mắt, nụ cười, có cả những lần đổ máu trên sân tập để giành được thành tích như ngày hôm nay. Đặc biệt, trong những ngày thời tiết Hà Nội trở lạnh, vết thương của Đức lại đau buốt, ảnh hưởng đến quá trình tập luyện. Những ngày này anh buộc phải khởi động kĩ hơn, nếu không chuẩn bị kỹ thì các cơ không đủ nóng sẽ rất dễ gây chấn thương.
Từng là chàng trai 19 tuổi suy sụp khi mất gần hết cánh tay phải nhưng ngày hôm nay trước mắt mọi người VĐV Trần Văn Đức tràn đầy tự tin, gặt hái nhiều huy chương danh giá cho thể thao nước nhà. Anh gần như không có đối thủ trong các cuộc thi điền kinh khuyết tật trong nước thuộc hạng thương tật T46.
Với thành tích 4 phút 22 giây 99 ở cự ly 1.500m tại Giải toàn quốc 2020 diễn ra ở TP HCM, vận động viên Trần Văn Đức đã phá kỷ lục cũ được thiết lập bởi VĐV Muhamad Ashraf tại ASEAN Para Games 2017 (4 phút 24 giây 73).
Hoà nhập xã hội, vươn lên từ thể thao
Theo báo Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh hiện có 26.500 người khuyết tật. Thời gian qua, những hoạt động thể thao cho người khuyết tật được tổ chức đã góp phần rèn luyện thể chất, nâng cao sức khoẻ, chất lượng cuộc sống cho họ. Qua đó, người khuyết tật được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thêm gắn kết để tạo nghị lực cùng nhau vươn lên trong cuộc sống, tự khẳng định bản thân và đóng góp vào các hoạt động xã hội.
Anh Lê Văn Vinh và chị Lê Thị Hải là 2 anh em ruột, sinh sống tại tổ dân phố Tân Huyện, phường Phố Cò (TP. Sông Công). Từ khi sinh ra không may đã bị ảnh hưởng chất độc màu da cam nên cả hai anh chị đều khuyết tật nghe, nói. Ngoài công việc hàng ngày là làm ruộng, hai anh chị còn có niềm yêu thích đặc biệt với bộ môn Cầu lông.
Cuối năm 2022, khi Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Nguyên phát động tổ chức giao lưu thể thao dành cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh ở bộ môn Cầu lông, anh, chị đã được Hội Khuyết tật TP. Sông Công đăng ký dự thi và xuất sắc đoạt giải Nhì.
Anh Dương Văn Bình, Chủ tịch Hội Khuyết tật TP. Sông Công, cho biết: Dù có sức khỏe hạn chế, cơ thể không lành lặn nhưng nhiều người khuyết tật vẫn yêu thích thể thao. Đây là sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp họ có cơ hội được chia sẻ, giao lưu và thể hiện nghị lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Ngoài ra, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Nguyên cũng đã tổ chức giao lưu, thi đấu cầu lông người khuyết tật năm 2022 và có 20 vận động viên tham gia. Những hoạt động như vậy đã góp phần tạo cơ hội tiếp cận thể thao cho người khuyết tật, tạo ra phong trào thể thao, cơ hội để người khuyết tật cống hiến tài năng, có thêm tự tin, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.