Người thương binh xứ Quảng
Nguyên do là bởi cái phẩm chất kiên trung, sự chịu thương chịu khó, sống và làm việc hết mình vì cộng đồng, tính cách thẳng thắn trung thực nhưng lại rất chân tình. Trong những buổi giao lưu ông vẫn thường cất lên điệu hò sứ Quảng quê hương.
Giao lưu cùng đồng đội, tác giả là người đứng thứ ba từ trái sang. Ảnh K.V.L
Chúng tôi đến thăm ông, nghe ông kể về những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ, trong những năm tháng sống, làm việc và làm rể trên đất Bắc:
Huỳnh Phú Hưng nhập ngũ tháng 3 năm 1954 khi mới 17 tuổi. Ông rất tự hào được làm nhiệm vụ trong một đơn vị pháo chủ lực, đánh Pháp ngay trên quê hương mình. Từ DKZ 57 đến lựu pháo 105 (ở D73-F305-QK5), ở vị trí pháo thủ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thành tích chung của đơn vị. Tháng 11 năm 1954 ông được lệnh tập kết ra miền Bắc, được điều về F351 để học thêm về pháo binh tại Trại Cờ, Gia Tư, Hà Bắc.
Tháng 3 năm 1957 ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Do nhu cầu của chiến trường, ông được chuyển sang học sửa chữa quân giới. Tháng 12 năm 1958, có thông báo ông được cử đi học ở nước ngoài nhưng thực chất là trở về miền Nam, trong đoàn đi B số 104 do đồng chí Hoàng Nghị phụ trách. Ông rất vui mừng và xúc động vì cấp trên đã chú ý đến nguyện vọng tha thiết của ông: được trở về chiến đấu, đánh Mỹ - Ngụy ngay trên mảnh đất quê hương Quảng Nam yêu dấu. Về tới tỉnh đội Quảng Ngãi, ông được giao nhiệm vụ phụ trách công tác quân khí. Từ đây, những vui buồn, lo lắng, hồi hộp… của ông đều gắn bó với từng trận đánh, từng chiến dịch. Bất chấp những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn ở chiến trường vô cùng ác liệt, nhiều khi tưởng như khó có thể vượt qua, nhưng ông vẫn kiên trì chịu đựng, cần mẫn, chu đáo trong công việc. Những khí tài do ông tham gia sửa chữa, những quả đạn do ông lắp đặt, chuyển giao cho đơn vị chiến đấu…đã đóng góp hiệu quả vào chiến công chung của đơn vị.
Đầu năm 1967, trong trận chiến đấu đánh quân Pắc Chung Hy ở khu vực đồi Tranh (Quang Thạnh, Quảng Ngãi) ông đã bị mảnh đạn pháo cắt đứt hết một bàn tay. Sau thời gian điều trị về tới đơn vị, ông được cấp trên giao đảm nhiệm cương vị: chính trị viên đơn vị quân y thuộc sư đoàn 2. Cuối năm 1970, đơn vị ông nhận lệnh hành quân làm nhiêm vụ ở Nam Lào, gần khu vực sân bay Tà Khống. Trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào, ông lại bị thương nặng, bị sức ép bom B52 của Mỹ…ông được chuyển về hậu cứ để điều trị.
Tháng 7/1971, ông được chuyển ra miền Bắc điều dưỡng tại đoàn 253, quân khu 3, đóng quân ở xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương). Tuy là thương binh nặng nhưng ông vẫn cố gắng vừa điều trị, vừa tích cực tham gia các hoạt động ở khu điều dưỡng và ở địa phương. Hình ảnh anh thương binh bộ đội Cụ Hồ luôn chan hòa, vui vẻ, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, hiền lành, giản dị nhưng rất chân thành đã lọt vào tầm mắt của nhiều cô gái ở vùng quê thanh bình này. Nhưng rồi bậc phụ huynh của một gia đình mà anh hay lui tới đã rất thương yêu anh, mai mối anh cho cô con gái xinh đẹp có tên là Mạc Thị Tịch đang làm công nhân Địa Chất ở gần đó, họ đã nên vợ nên chồng. Anh em trong đơn vị điều dưỡng và bà con địa phương chúc mừng hạnh phúc của họ. Vì không còn đủ sức khỏe trở về chiến trường miền Nam, tháng 6/1974 đơn vị đã cho ông nghỉ chế độ. Cuối năm 1975, vợ ông được chuyển về làm việc tại Văn phòng Tổng cục Địa chất ở số 6, phố Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Để ổn định gia đình, đầu năm 1976 ông xin chuyển về ở trong tập thể Địa Chất số 16, phố Trần Hưng Đạo mà cơ quan phân cho vợ ông một căn phòng nhỏ.
Với bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ, thương binh tàn nhưng không phế, ông đã tích cực tham gia công tác ngay ở phường, lúc này còn là tiểu khu Lê Thánh Tông. Đến năm 1981, thành lập phường Phan Chu Trinh, thuộc quận Hoàn Kiếm ông đã là một trong bảy Ủy viên UBND phường, phụ trách các lĩnh vực khác nhau ở phường như: thống kê, công tác thanh thiếu niên, tư vấn thuế và công tác lao động thương binh xã hội. Ở lĩnh vực công tác nào ông cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người Cán bộ, Đảng viên, của người CCB. Lấy dân làm gốc, ông luôn tâm niệm: đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phải được quán triệt tới từng người dân trên khắp địa bàn của phường, phải tôn trọng người dân, công khai bàn bạc với dân, lắng nghe và thấu hiểu hoàn cảnh cũng như tâm tư, nguyện vọng của dân để cùng người dân thực hiện thì mới có kết quả. Hình ảnh người thương binh cụt một bàn tay đã trở nên quen thuộc với bà con trong phường. Họ yêu quý, tin tưởng và cộng tác giúp ông hoàn thành tốt chức, nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo phường đánh giá rất cao những đóng góp của ông cho địa phương, năm nào ông cũng được cấp trên khen thưởng.
Đến năm 2008 ông đã cao tuổi, sức khỏe có phần giảm sút, tổ chức và cấp trên cho ông nghỉ công tác ở phường. Tuy vậy, cấp ủy chi bộ và người dân trong khu tập thể vẫn tín nhiệm bầu ông làm tổ trưởng dân phố suốt 8 năm nữa; chi hội CCB bầu ông làm chi hội trưởng suốt ba nhiệm kỳ. Ông đã cùng bà con xây dựng tổ dân phố năm nào cũng được công nhận là tổ văn hóa, được phường khen thưởng. Chi hội CCB do ông lãnh đạo luôn là chi hội xuất sắc-vững mạnh toàn diện được phường khen thưởng, nhiều năm được quận hội khen thưởng.
Trong suốt quá trình hoạt động, ông đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất, 3 huân chương chiến sĩ giải phóng hạng 1-2-3, ba huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng 1-2-3 và huy chương kháng chiến chống Pháp hạng 2, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Ông là thương binh hạng 2/4, tỷ lên thương tật 61%. Ông còn bị nhiễm chất độc hóa học (da cam/dioxin) đang hưởng phụ cấp hàng tháng. Ông Hoàng Phú Hưng dạo này sức khỏe đã giảm sút nhiều do bệnh tiểu đường biến chứng, ông đi lại khó khăn hơn, đã nhiều lần phải cấp cứu vào Quân y viện 108 để điều trị.
Đến thăm ông ở khu tập thể 16 Trần Hưng Đạo, trong căn hộ 28m2. Ông bà sinh được ba người con: một gái, hai trai. Các con ông đều đã xây dựng gia đình riêng. Đến nay ông bà đã có 4 cháu nội, 3 cháu ngoại, 2 chắt, đều có cuộc sống ổn định.
Hôm nay, vợ chồng con gái và 2 cháu ngoại cùng đến thăm ông bà. Ông nói với chúng tôi: “nhà chật chội quá nhưng con cháu vẫn xum vầy thế này là vui rồi”.
Đối với người dân ở phường Phan Chu Trinh và khu tập thể 16 Trần Hưng Đạo, người thương binh xứ quảng Hoàng Phú Hưng vẫn luôn được thương yêu quý trọng. Với các hội viên CCB, hình ảnh một cán bộ chi hội xuất sắc vẫn luôn là tấm gương để chúng tôi học tâp, noi theo. Ông luôn xứng danh là một Đảng Viên, một CCB gương mẫu./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.