Những người khuyết tật có nghị lực sống phi thường
Chàng trai người Tày giỏi nghề may với đôi chân khuyết tật
Theo báo Tuổi trẻ Thủ đô, anh Lường Văn Hiếu (sinh năm 1987) là người dân tộc Tày, bị lao xương, khuyết tật ở chân, đi lại khó khăn. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng cao của huyện Đà Bắc (Hoà Bình), bố mẹ và các chị của anh đều làm nông nghiệp. Ngày bé, anh Hiếu cũng bình thường như bao bạn khác. Khi anh lên 11 tuổi thì mồ côi bố mẹ. Họ mất cùng một ngày do tai nạn.
Sau một trận ốm năm 2011, các bác sĩ chẩn đoán, anh bị bệnh lao xương. Từ một chàng thanh niên bình thường, bạo bệnh đã cướp đi sức khỏe, công việc đến hi vọng tương lai mơ ước phía trước khiến. Anh Hiếu bị khuyết tật ở chân, vận động đi lại rất khó khăn, không thể đi xe đạp, xe máy và chỉ có thể đi bộ.
Lường Văn Hiếu lấy vợ là một người bị thiểu năng trí tuệ, hoàn cảnh khó khăn. Bố vợ cũng bị thiểu năng, mẹ vợ cũng bị khuyết tật ở chân. Cuộc sống khó khăn chồng khó khăn nhưng “ở hiền gặp lành”, gia đình anh nhận được sự quan tâm, chia sẻ của thầy cô, đồng nghiệp nơi anh học nghề - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp người khuyết tật Long Thành.
Trong quá trình học tập tại đây, Hiếu cũng mất một thời gian khá dài để làm quen và vượt qua thách thức khi học nghề may với đôi chân khuyết tật của mình. Hơn ba năm sau, anh mới có thể đạp được máy may thành thạo. Đến nay, Hiếu đã có việc làm, tự lập cho bản thân, đảm bảo cho cuộc sống gia đình.
Chàng trai người Tày giỏi nghề may với đôi chân khuyết tật (ảnh tuoitrethudo.com.vn).
Người thầy khuyết tật lan toả nghị lực sống
Chia sẻ cùng báo điện tử VOV2, anh Vũ Phong Kỳ (Nam Định) cho biết, khi sinh ra, anh bình thường như bao đứa trẻ khác. Lên 6 tuổi, anh bắt đầu bị những cơn đau về xương hành hạ. Đi khám, anh được chẩn đoán bị bệnh loãng xương. Dù đã được gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Theo thời gian, chân và tay của anh yếu dần. Chân bị gãy nhiều lần và cơ thể phát triển không bình thường. Đến năm 12 tuổi, anh buộc phải ngồi xe lăn. Sinh hoạt cá nhân, anh phụ thuộc rất nhiều vào người thân. Vì thế, dù học giỏi, anh vẫn xin nghỉ khi học hết lớp 9.
Tuy nhiên, dường như ông trời rất công bằng. Đôi chân không thể đi lại, đôi tay kém hoạt bát và sức khỏe kém nhưng bù lại, anh Kỳ có nghị lực phi thường.
Anh Kỳ chia sẻ, tiền bạc là thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu quá tập trung vào việc kiếm tiền mà quên đi những điều quan trọng khác sẽ khiến cuộc sống thiếu ý nghĩa. Chính vì thế, dù thu nhập khi làm cho một công ty công nghệ của nước ngoài rất cao nhưng anh lại chọn quay về giảng dạy tại Trung tâm Nghị lực sống khi được lãnh đạo trung tâm mời.
“Như một cách để tri ân những người đã giúp mình, em đã nhận lời mời của lãnh đạo Trung tâm Nghị lực sống và về đó giảng giạy. Tại đây, em có cơ hội để chia sẻ câu chuyện của đời mình, kiến thức cũng như kỹ năng em học được cho các bạn cùng cảnh ngộ. Qua đó, em có thể tiếp thêm tinh thần lạc quan, thôi thúc các bạn ấy vượt qua giai đoạn khó khăn như em từng gặp phải để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”, anh Kỳ chia sẻ.
Nghị lực của cô gái khiếm thị không bao giờ đầu hàng trước số phận
Theo tạp chí Doanh nhân trẻ, Vũ Thị Hải Anh (Nam Định) là một người khiếm thị bẩm sinh do di chứng chất độc da cam từ người bố. Tuy nhiên, không vì thế mà Hải Anh đầu hàng số phận. Cô đã nỗ lực vươn lên, trở thành tấm gương để những người khuyết tật noi theo.
Đã hơn 20 năm sống trong bóng tối, nhưng nhờ động lực và mong muốn thực hiện được ước mơ của mình, Hải Anh luôn cố gắng chăm chỉ học tập và đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi như: Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019; giải Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô năm 2019; được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao bằng khen và học bổng; nhận được học bổng của dự án năm 2021 The Light From Within; được giải nhất cuộc thi ảnh “thật tự hào tôi cùng bạn vượt rào” được tổ chức bởi Liên Hợp Quốc UNDP.
Hiện với cương vị là hội viên Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, Hải Anh tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ hội viên khuyết tật, đồng thời đảm đương vai trò là MC, ca sĩ, người mẫu cho nhiều chương trình của người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung.
Với ý chí vươn lên và nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, Hải Anh vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Toả sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.