Những vướng mắc tồn tại gây khó cho thị trường bất động sản
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, kết quả làm việc với các địa phương và doanh nghiệp cho thấy, hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang bị chậm tiến độ hoặc dừng triển khai, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến pháp luật về đất đai, đặc biệt là quy định về phương pháp định giá đất.
Bên cạnh đó, những nhóm vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức thực hiện cũng đang tồn tại nhiều vấn đề, mặc dù khung pháp lý đã có nhưng việc triển khai rất chậm.
Ảnh minh họa.
Còn theo phản ánh từ phía các doanh nghiệp tại diễn đàn, 70% doanh nghiệp cho rằng, các chính sách về nguồn vốn vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả; những chính sách hỗ trợ về đất đai, gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất cũng rất hạn chế, chưa thực sự giúp doanh nghiệp có điều kiện hoạt động tốt. Tuy vậy, giới chuyên gia và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng trong giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực hơn.
Nhận định tình hình thị trường BĐS có thể khó khăn kéo dài đến quý 2, quý 3-2024, TS Lê Xuân Nghĩa thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, nếu chúng ta chưa tạo được nguồn cung nhà ở giá rẻ, chưa tạo được mặt bằng giá nhà ở thì chưa giải quyết được khủng hoảng thị trường. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ cần quy định khung giá cho nhà ở giá rẻ như ở Trung Quốc, tránh làm các nhà đầu tư nhà ở giá rẻ nản lòng.
Từ góc độ cơ quan quản lý, theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, trong thời gian tới, các bộ, ban ngành và địa phương sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ cho thị trường. Trong đó, các cơ quan hữu quan sẽ rà soát, tháo gỡ vướng mắc để hoàn thiện thủ tục thực hiện các dự án BĐS để tăng nguồn cung về nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội.
Ông Phạm Tấn Công Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, trên thực tế, các doanh nghiệp BĐS vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới giảm 63,2%, số lượng doanh nghiệp giải thể tăng 30%, doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Kỳ vọng thị trường BĐS sẽ khởi sắc trong năm 2024, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian qua nhiều chính sách mới đã có hiệu lực và được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường BĐS. Luật Đất đai 2013 đang được sửa đổi, đã qua hai kỳ họp Quốc hội thảo luận và có thể sẽ thông qua tại kỳ họp tới. Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 vừa qua cũng đã thảo luận cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Như vậy sẽ có một cơ hội lịch sử là cả 3 dự án luật quan trọng nhất với ngành BĐS sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại cùng một kỳ họp - kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-2023 tới.
Ngoài ra, tại diễn đàn, đại diện các quỹ đầu tư chia sẻ, sau vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội mới đây, các quỹ càng quyết tâm đầu tư cho thị trường nhà ở xã hội. Một số quỹ đang tìm kiếm các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường BĐS nhà ở xã hội với số vốn dự kiến khoảng 200 triệu USD, dù số vốn này không phải lớn nhưng dự kiến có thể xây dựng được 7.000-8.000 căn hộ phục vụ nhu cầu cho người dân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.