Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới
2017-03-02 10:04:00
0 Bình luận
Sáng nay (2/3) tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương lân cận. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Cùng tham dự có lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương, Liên minh HTX Việt Nam, lãnh đạo một số địa phương, nhiều nghệ nhân, cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, ngân hàng… đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn.
Ngành nghề nông thôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông thôn Việt Nam, vừa tạo công ăn việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho nông dân, vừa tạo nên dấu ấn, bản sắc văn hoá của mỗi vùng, miền thông qua các sản phẩm truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Để hỗ trợ thúc đẩy ngành nghề nông thôn, ngày 07/7/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 66, cả nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển ngành nghề. Nhiều nghề truyền thống đã được khôi phục và phát triển nhân rộng, như thêu, dệt thổ cẩm, gốm sứ, mây tre đan…; một số nghề phi nông nghiệp mới, như chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản... đã được mở mang. Đa số các tỉnh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, giúp cho các làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn được ưu tiên phát triển, hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế, tín dụng, đất đai, tạo ra nhiều việc làm cho cư dân nông thôn.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước đã có hơn 56.000 doanh nghiệp, 797 HTX, 119 tổ hợp tác và gần 330.000 hộ gia đình tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn. Tổng doanh thu năm 2015 từ các hoạt động ngành nghề nông thôn của các tỉnh, thành phố đạt trên 1 triệu tỷ đồng.
Về làng nghề, đến nay, cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Một số làng nghề từng bị mai một trong thời kỳ bao cấp, đang dần được khôi phục và phát triển.
Số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân 8,8-9,8%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%. Hoạt động sản xuất của làng nghề đã thu hút 30% lao động và tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động nông thôn, với thu nhập ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, hàng thủ công mỹ nghệ đã trở thành mặt hàng chủ lực của làng nghề, từ năm 2000, kim ngạch xuất khẩu luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 12% mỗi năm, đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD.
Năm 2008, Bộ NN&PTNT đã triển khai thí điểm ở một số địa phương mô hình “Mỗi làng một sản phẩm”. Theo đó, đối với những làng đã có nghề, có sản phẩm được tạo ra, thì ưu tiên hỗ trợ cải tiến mẫu mã, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối với những làng có nhiều nghề, nhiều sản phẩm, thì lựa chọn ra ít nhất một nghề có sản phẩm mang nét đặc trưng nhất về địa lý, phong tục, văn hóa địa phương để hỗ trợ. Những làng chưa có nghề, chưa có sản phẩm đặc trưng nổi bật, thì khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển các ngành nghề dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Kết quả triển khai thí điểm cho thấy, các sản phẩm được hỗ trợ đã khẳng định triển vọng phát triển của ngành nghề nông thôn Việt Nam. Các sản phẩm như sơn mài, chạm khắc gỗ, đá, đúc đồng với mẫu mã cải tiến, được chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao, phục vụ tốt cho nhiều thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời, trở thành nơi thu hút khách du lịch đến tham quan và mua đồ lưu niệm.
Tiếp nối kết quả thí điểm của Bộ NN&PTNT, một số tỉnh, thành phố đã chủ động áp dụng thực hiện để triển khai phát triển ngành nghề tại địa phương. Trong đó, từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai đề án “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm”, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai chương trình này một cách bài bản, có hệ thống, từ việc hình thành bộ máy chỉ đạo tổ chức thực hiện, ban hành cơ chế, chính sách, đến hướng dẫn quy trình triển khai...
Quảng Ninh đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng quy trình thực hiện từ đăng ký ý tưởng sản phẩm; lập các dự án sản xuất; phát triển các doanh nghiệp, HTX theo hướng cộng đồng; xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, như ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ lãi suất, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phân cấp quản lý quyết định đầu tư cho cấp huyện, cấp xã; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và thi xếp hạng sản phẩm; tổ chức thi thiết kế logo, kiểu dáng công nghiệp, bao bì sản phẩm; quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm và điểm bán hàng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; tổ chức xúc tiến thương mại và hội chợ “Mỗi xã, phường một sản phẩm” thường niên...
Kết quả bước đầu đạt được sau 3 năm triển khai đề án đã khẳng định, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” là hướng đi đúng, sáng tạo của tỉnh trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những thế mạnh của địa phương.
Tại hội nghị hôm nay, các bộ, ngành, các làng nghề, nghệ nhân, các doanh nghiệp sẽ cùng nhau tìm ra những giải pháp để tiếp tục mở rộng, triển khai có hiệu quả hơn nữa mô hình mỗi xã một sản phẩm, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Chính Phủ