Sẽ có điều luật cấm hành vi đe dọa, xâm phạm thầy thuốc
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời cử tri như sau:
Để giải quyết tình hình mất an ninh, trật tự bệnh viện, ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp, tập trung vào một số nhóm giải pháp cụ thể nhằm tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện như sau:
Tăng cường công tác truyền thông
Bộ Y tế và Bộ Công an đã ký kết quy chế Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế, nhằm tăng cường sự hợp tác và hỗ trợ giữa lực lượng công an với các bệnh viện (Ngày 24/2/2014 Công an TP. Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội đã ký quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự giữa hai ngành và các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, đây là sự cụ thể hóa việc chấp hành nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Y tế, trong công tác phối hợp giữa 2 ngành).
Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức hội thảo để tăng cường công tác truyền thông để đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành của chính quyền, cơ quan công an, dân phòng và các ban ngành khác; vai trò và sự tham gia của người dân, người bệnh trong việc phát hiện các nguy cơ và hành vi, bạo lực và cùng lên án, ngăn chặn các hành vi bạo lực kịp thời. Nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của cơ quan báo chí trong việc định hướng dư luận và tuyên truyền cho người dân hiểu đúng, lên án hành vi bạo lực, không cổ súy cho bạo lực. Khuyến nghị với các cơ quan truyền thông cần định hướng dư luận một cách đúng đắn, lên án mạnh mẽ hơn nữa các hành vi bạo lực.
Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách
Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 13/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Kịp thời hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị trong phạm vi quản lý, cụ thể như: Ngay sau khi vụ việc tại Bệnh viện Bạch Mai xảy ra, Bộ Y tế đã có Công văn số 4919/BYT-KCB ngày 28/7/2014 gửi 63 Sở Y tế, tất cả các bệnh viện chỉ đạo việc Tăng cường và bảo đảm an ninh, trật tự của bệnh viện. Văn bản đã nêu rõ các nhiệm vụ về công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, củng cố phát triển nhân lực. Đây là những việc các bệnh viện cần thực hiện ngay lập tức để bảo đảm an ninh, an toàn và tính mạng cho nhân viên y tế đang ngày đêm làm việc tại các bệnh viện.
Ngày 3/11/2015 Bộ Y tế có Công văn số 8452/BYT-VPB1 về việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các bệnh viện.
Quyết định số 6197/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 17/10/2016 về việc ban hành Hướng dẫn Quản lý dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại bệnh viện.
Các văn bản chỉ đạo về nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện các tuyến để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh: Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05/CT-BYT, tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; Chỉ đạo thực hiện cải tiến liên tục, chấn chỉnh đổi mới, cải cách hoạt động của Khoa khám bệnh (theo Quyết định 1313/QĐ-BYT về cải tiến quy trình khám bệnh tại bệnh viện); Chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 09 về đường dây nóng trong bệnh viện về tăng cường hoạt động của đường dây nóng; Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 3/12/2013 và Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 về Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.
Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị
Để bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện, cần phải củng cố lại cơ sở vật chất và trang thiết bị an ninh như rà soát và củng cố toàn bộ khuôn viên, tường rào bệnh viện; kiểm soát các lối ra, vào của bệnh viện; rà soát và lắp đặt các camera an ninh và hệ thống báo động khẩn cấp.
Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện khẩn trương xem xét lắp đặt cửa tự động, trang bị khóa từ cho khoa cấp cứu, ưu tiên các khoa có nguy cơ mất an ninh cao và các khoa, phòng khác.
Bảo đảm về nhân lực
Các bệnh viện cần phân công đủ nhân viên bảo vệ trực thường xuyên 24/24h và đào tạo cấp tốc nghiệp vụ bảo vệ và phản ứng nhanh cho lực lượng bảo vệ bệnh viện. Việc này có thể mời cơ quan công an đào tạo giúp. Một việc khẩn thiết nữa là cần xây dựng và củng cố đội an ninh phản ứng nhanh, sẵn sàng đối phó với các sự cố bất thường xảy ra. Nếu có sự cố bất thường nhân viên y tế nhấn chuông và đội sẽ lập tức có mặt.
Trong thời gian tới, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự được ổn định một cách bền vững, ngành y tế dự kiến sẽ triển khai các hoạt động sau: Kiểm tra, đánh giá thực trạng các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh về công tác đảm bảo an ninh, trật tự bệnh viện; Nghiên cứu xây dựng quy định và hướng dẫn tổ chức thực hiện bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện (Trách nhiệm của người lãnh đạo Bệnh viện trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện; Tổ chức phối hợp với cơ quan an ninh, cảnh sát trên địa bàn; Quy định về cơ sở hạ tầng, lắp đặt hệ thống camera, chuông báo động, điện thoại khẩn cấp, Hướng dẫn xử lý tình huống trong trường hợp xảy ra bạo hành bệnh viện.
Đặc biệt cần nhanh chóng xây dựng hướng dẫn chống bạo hành nhân viên y tế có tính bắt buộc thi hành đối với các bệnh viện, nhân viên y tế trong việc phòng, tránh bạo hành nhân viên y tế và xử lý khi có sự cố bạo hành nhân viên y tế xảy ra...)
Nghiên cứu đề xuất bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh về trách nhiệm của người bệnh, người dân đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ; Chế tài xử lý đối với hành vi xâm phạm, đe dọa nhân viên y tế khi thi hành nhiệm vụ…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.