Thái Nguyên quyết tâm dành hè phố cho người đi bộ, người khuyết tật
Bà Nguyễn Thanh Hải- Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên- thường xuyên thăm, tặng quà các cháu bé tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Theo thống kê, hiện nay Thái Nguyên có trên 26 nghìn người khuyết tật, chiếm 2,16% dân số toàn tỉnh và trên 3.800 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Cũng như nhiều địa phương khác, người khuyết tật tại Thái Nguyên gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc sống; đặc biệt là việc hòa nhập cộng đồng hay mưu sinh do cơ sở hạ tầng giao thông chưa chú trọng tới những tiện ích, công trình hỗ trợ người khuyết tật.
Trong những năm qua, các đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được tập trung đầu tư phát triển theo Chương trình phát triển đô thị, Quy hoạch đô thị được duyệt; kiến trúc cảnh quan đô thị đang từng bước khang trang, hiện đại, sầm uất; các tuyến đường đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang góp phần cải thiện mỹ quan, văn minh đô thị.
Cùng với quá trình phát triển của đô thị là sự gia tăng dân số và lưu lượng phương tiện, người tham gia giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường nội thị trên địa bàn tỉnh tăng cao.
Thực hiện các chỉ thị, văn bản chỉ đạo thường xuyên của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai có hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, công tác thiết kế kỹ thuật, quản lý, sử dụng vỉa hè và đầu tư không gian dành cho người đi bộ, người khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức. Vỉa hè nhiều nơi bị lấn chiếm sử dụng vào việc khác. Nhiều công trình công cộng, giao thông, trụ sở làm việc trên địa bàn vẫn còn thiếu công trình phụ trợ dành cho người khuyết tật…
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyễn ngày 8/3/2024.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; kịp thời chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tuyến đường giao thông, hè phố phục vụ cho người đi bộ, người khuyết tật,... ngày 8/3/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các thành phố: Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên: Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn đảm bảo trật tự, văn minh đô thị, đảm bảo lối đi dành cho người đi bộ, người khuyết tật (đáp ứng các yêu cầu về bề rộng, độ dốc, vật liệu hoàn thiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, chống trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, người khuyết tật....); rà soát, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền việc cấm đỗ xe tại các tuyến đường dân sinh, nội thị có bề rộng lòng đường dưới 5,5 m để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông, tránh ùn tắc giao thông và nâng cao ý thức, văn minh đô thị; đồng thời giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch UBND các phường, xã thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, tái lấn chiếm vỉa hè, lối đi bộ theo thẩm quyền; tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng và quản lý tuyến phố văn minh đô thị.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quy hoạch, quản lý và đầu tư xây dựng mới các tuyến đường đô thị và vỉa hè đảm bảo tuân thủ theo QCVN 10:2014/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng; có kế hoạch, lộ trình cải tạo đối với các tuyến đường và hè phố đô thị, bãi đỗ xe, công trình công cộng hiện hữu, lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn, dấu hiệu cảnh báo có thể nhận biết giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận sử dụng theo quy chuẩn, quy định hiện hành.
Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và quản lý lắp đặt biển quảng cáo tuân thủ theo QCVN 17: 2018/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời, nhất là các tuyến đường, khu phố trung tâm, nội thị; tuân thủ Luật Quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên lưu ý: Chủ tịch UBND các thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý trật tự xây dựng, sử dụng hè phố, lòng đường theo quy định trên địa bàn quản lý.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố về công tác quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo các công trình xây dựng trên địa bàn tuân thủ đúng theo quy hoạch và giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép.
Giao Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá và hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý hoạt động quảng cáo trên các tuyến đường, tuyến phố đảm bảo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thống, nhất là người đi bộ, người khuyết tật; đồng thời đảm bảo mỹ quan đô thị.
Giao Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, hoạt động quảng cáo trên các tuyến đường, tuyến phố để người dân thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật.
NKT gặp khó khăn khi lên xuống tại các trạm chờ xe buýt nếu không có sự trợ giúp của người khác (Ảnh TL chụp tại một trạm xe buýt trên đường Hoàng Văn Thụ - TP Thái Nguyên)
Có thể nói, sự ra đời Luật Người khuyết tật vào ngày 1/1/2011 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với cộng đồng người khuyết tật. Trong Luật nêu rõ, các nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông… phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai chương trình giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật, ban hành chương trình hành động, xây dựng chính sách áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về việc xây dựng đường phố hè về, tiêu chuẩn ô tô khách, xe khách.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều công trình công cộng còn thiếu đường tiếp cận cho người khuyết tật nặng khi di chuyển bằng phương tiện xe lăn.
Rõ ràng, chính sách để xây dựng giao thông tiếp cận cho người khuyết tật đã có, song thực tế mới chỉ có một số lượng nhỏ công trình đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Giao thông tiếp cận là hệ thống giao thông văn minh, công bằng, an toàn, thuận lợi và đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của tất cả thành viên trong xã hội, gồm cả người khuyết tật, người cao tuổi. Đây cũng là xu thế phát triển của nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế, các cơ quan quản lý đã có chính sách hỗ trợ giao thông cho người khuyết tật, nhưng việc thực hiện và giám sát còn nhiều bất cập, dẫn đến lãng phí và hiệu quả thấp. Nhiều công trình thi công do thiếu sự giám sát nên không phát huy được tác dụng.
Việc lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các ngành tăng cường công tác quản lý sử dụng hè phố dành cho người đi bộ, người khuyết tật trong các đô thị trên địa bàn tỉnh được đánh giá là không chỉ đảm bảo thực hiện chính sách quan tâm đến nhóm người yếu thế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho những người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng và đóng góp thêm nhiều giá trị của mình cho xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.