Thầy giáo khuyết tật miệt mài dạy nghề cho những người đồng cảnh ngộ
Bén duyên với nghề giáo
Với dáng người nhỏ bé, ngồi lọt thỏm trên chiếc xe lăn, ân cần chỉ dạy tỉ mỉ cho từng học viên về những kĩ thuật chỉnh sửa ảnh trong môn đồ hoạ - đó là hình ảnh của thầy giáo Vũ Phong Kỳ (29 tuổi, trú tại Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) trong lớp học tại Trung tâm Nghị lực sống (Hoàng Mai, Hà Nội).
Học viên chăm chú theo dõi bài giảng về đồ họa. Ảnh: V.Đ
Tranh thủ thời gian giải lao, thầy Kỳ cho hay: Khi mới 6 tuổi tôi bị đau nhức xương khớp, trải qua các cuộc khám chữa, được chuẩn đoán mắc bệnh kì lạ về xương. Căn bệnh ấy khiến tôi giữ nguyên vóc dáng nhỏ bé, dễ bị gãy xương tay và làm bạn với chiếc xe lăn từ năm 12 tuổi cho đến nay.
Đến với công việc dạy học và làm việc tại Trung tâm Nghị lực sống là một cơ duyên đối với thầy Kỳ khi được một người khác giới thiệu.
Thầy Kỳ tới tận nơi để chỉ dẫn cho các bạn học viên bị khuyết tật.
“Sau khi học hết cấp 2, tôi phải nghỉ học bởi gia đình không có ai hỗ trợ được tôi trong quá trình đi học. Sau đó, trong khoảng thời gian dài tôi sống không có mục tiêu và định hướng gì vì các hoạt động hàng ngày tôi không thể tự mình làm được mà phải cần sự giúp đỡ của người khác.
Đến năm 2014, tôi may mắn được một người giới thiệu tới trung tâm Nghị lực sống để theo học khóa học về công nghệ thông tin tại đây”, thầy Kỳ chia sẻ.
Học viên chăm chú nghe và ghi chép đầy đủ bài giảng.
Sau khi học xong, nhờ năng lực của bản thân và nghị lực vươn lên, thầy Kỳ được tuyển vào một công ty chuyên về mảng đồ họa của Đan Mạch sau khi đã vượt qua được nhiều vòng thi tuyển.
Sau 4 năm làm việc, với những kinh nghiệm đã có được, năm 2019 thầy được bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc trung tâm, mời về làm việc. Cũng kể từ đó thầy gắn bó với trung tâm và phần nào có thể giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ giống mình.
Thầy Kỳ chỉ có thể di chuyển nhờ chiếc xe lăn.
Mở ra nhiều cơ hội cho người khuyết tật
Lớp học tin học với 35 học viên, hầu hết là người khuyết tật, gặp khó khăn trong vận động, đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Điều đặc biệt là các học viên không phải đóng học phí, thậm chí được trung tâm giúp đỡ từ việc tìm nơi ở cho đến việc làm.
Thầy Kỳ cho hay, đến nay lớp học đã duy trì được 12 năm. Trong đó mỗi khóa học chỉ có khoảng 35 học viên và kéo dài 6 tháng. Lớp được duy trì từ các nguồn vận động hỗ trợ của trung tâm và các nhà hảo tâm. Do lớp học đa dạng về độ tuổi nên có những hình thức giảng dạy khác nhau. Có những bạn lần đầu tiên mới tiếp xúc với máy tính hay có những bạn bị khiếm thính phải làm nhiều hơn là nói.
“Công nghệ thông tin hiện nay mở ra rất nhiều cơ hội cho những người khuyết tật và là lối đi nhanh và dễ thành công. Vì vậy, bản thân người khuyết tật muốn thành công phải trang bị cho mình một cái nghề. Sau khi học viên tốt nghiệp, chúng tôi có thể định hướng việc làm và kết nối với nhà tuyển dụng”, thầy Kỳ chia sẻ.
Thầy Kỳ chia sẻ với PV.
Nói về người thầy giáo của mình, học viên Nguyễn Văn Vẽ (23 tuổi) cho biết: Thầy Kỳ không chỉ là người thầy giáo mà còn là người đã truyền lửa, giúp tôi thay đổi cuộc đời.
Sau khi học xong tại trường Cao đẳng Bách khoa, do sức khỏe yếu hơn mọi người và bị khuyết tật ở tay, nên Vẽ đã tìm đến trung tâm theo học để đảm bảo cuộc sống có thể tự lo cho bản thân sau này.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quang Khoát – Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hoàng Mai cho biết, Trung tâm Nghị lực sống đào tạo nghề cho các học viên khuyết tật rất bài bản. Do ở đây đều là người khuyết tật nên họ đã thấu hiểu, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau rất tốt.
“Đội ngũ giảng viên hướng dẫn ở trung tâm rất nhiệt tình, giúp đỡ các học viên, ngoài việc đào tạo sau khi kết thúc khóa học trung tâm còn tìm kiếm việc làm cho các bạn khuyết tật”, ông Khoát cho biết thêm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.